Báo chí

Đoàn tụ không biên giới

Ngày đăng: 05/10/2009 | Lượt xem: 1256

Thành công với chủ đề “không biên giới”, số 23 của chương trình Như chưa hề có cuộc chia ly… đã một lần nữa “bứt phá” ra khỏi phạm vi một chương trình truyền hình, trở thành nhịp cầu gắn kết không thể thiếu cho cộng đồng và phát đi một thông điệp làm ấm lòng không chỉ những ai còn đang thất lạc người nhân.

Bà cụ ở tiệm bánh mì Hòa Mã

Hai vị khách mời đầu tiên được giới thiệu trong chương trình số 23 diễn ra tối 2.10 vừa qua là một bà cụ tên Nguyễn Thị Quý, làm công trong tiệm bánh mì Hòa Mã ở đường Cao Thắng, TP.HCM và một chị còn trẻ, tên Tâm, là khách hàng của tiệm này, bạn thân của bà Quý. Chị Tâm gọi bà Quý là chị Hai và bảo: “Chúng tôi đến là vì chị Hai đây. Chị không chồng không con, 61 tuổi rồi, sức khỏe bắt đầu yếu. Chúng tôi thương chị nên càng muốn chương trình làm cách nào đó tìm ra gia đình ruột thịt cho chị”.

Thực ra bà Quý tên thật là Nguyễn Thị Hợi, vẫn còn giữ được ảnh của gia đình gồm mẹ và các em tên Lộc, Phước, Ngọc, Tèo. Gia đình này trước kia sống ở Thạt Khẹt, Lào. Sau khi ba mất, bà Quý theo cha mẹ nuôi về VN rồi từ đó bặt luôn tin tức của mẹ và các em. Năm 1972 cha mẹ nuôi qua đời rồi đến năm 1975, chiến tranh cũng cướp luôn của bà chồng và con, đẩy bà vào tình cảnh tứ cố vô thân. Một thân một mình vào Đồng Nai khẩn đất hoang làm rẫy, rồi không làm nổi nữa, bán hết về Sài Gòn làm công cho tiệm bánh mì Hòa Mã. Người chủ tiệm này đã thương cho hoàn cảnh của bà, coi bà như chị của mình và hai bên đã gắn kết 18 năm qua.

Bà Hợi đoàn tụ cùng em gái Út tại trường quay

Khi những người làm chương trình gõ cửa tiệm bánh mì lúc 3 giờ sáng để cận cảnh một ngày mới của “bà cụ công nhân” nay mắt đã mờ, chân đã yếu, tay đã run này, người xem như đứt ruột khi dõi theo những bước chân quạnh quẽ của bà qua con phố vắng sau cơn mưa sớm. Bà đã mất mấy mươi năm lặn lội tìm kiếm mẹ và các em, nhưng vô vọng. Và với những thông tin còn lại ít ỏi sau lớp bụi thời gian, giờ đây cũng khó mà tin rằng một cơ may có thể đến với bà.

Bởi vậy nên khi chương trình tìm được chị Hương, tên ở nhà là Tèo, em gái út của bà, hiện đang định cư ở Australia và đưa vào trường quay để tác thành cuộc đoàn tụ, bà không thể đứng nổi nếu như không có người dìu đỡ. Chưa hết, 3 người em còn lại của bà, tuy không kịp có mặt tại trường quay nhưng từ bên kia nửa vòng trái đất, ở Canada, họ cũng đã chứng kiến hình ảnh người chị biệt tích gần nửa thế kỷ của mình qua truyền hình trực tiếp. Trong phút giây chỉ còn lại nước mắt hạnh phúc như thế, chị Hương nhớ lại: sau khi mất liên lạc với chị Hợi, năm 1977 mẹ chị đưa gia đình về VN để tìm kiếm nhưng không có kết quả. Sau đó thì tiếp tục ra nước ngoài định cư và không còn hy vọng gì có thể tìm được chị Hợi…

Bí mật trong những chiếc lược sừng

Khi bỗng dưng được tặng một chiếc lược sừng và nghe nói lược này chải tóc không rụng, nhức đầu mỏi mắt chải cũng hết… những người có mặt trong trường quay tối hôm ấy ai cũng bất ngờ, không thể đoán được chuyện gì sắp xảy ra. Ngay cả khi chăm chú theo một phóng sự về làng nghề Thụy Ứng (Thường Tín, Hà Nội), chứng kiến công nghệ làm lược với các công đoạn mài khô, mài ướt… người ta cũng chưa thể nghĩ ra làng nghề này, chỉ là một trong số hàng chục làng nghề nổi tiếng của Hà Tây cũ thì có liên quan gì tới chuyện chia ly, đoàn tụ?

Chị Thủy (tức Cần) tìm được cha mẹ sau gần nữa thế kỷ

Trong khi đó, người dẫn chương trình lại bắt chuyện với một khách mời khác, là ông Triệu Đạt Quang. Từ Canada, ông Quang đưa vợ cùng 3 con trai về VN và có mặt tại trường quay để trình bày hoàn cảnh thất lạc đứa con gái tên Cần vào năm 1963. Gia đình ông Quang là người gốc Hoa, năm ấy sống tại phố Hàng Buồm, Hà Nội. Một buổi chiều, ông cho các con ăn mặc đẹp để chuẩn bị đi chụp hình. Trong lúc chờ mẹ về để cả nhà cùng đi thì Cần ra đứng trước cửa nhà, chơi một lúc với trẻ con trong phố rồi… chẳng ai thấy đâu nữa.

Năm ấy cô bé Cần chỉ mới 3 tuổi và vợ chồng ông Quang đã phải ngược xuôi tìm khắp nơi liên tục mấy năm liền nhưng không có kết quả. Gần nửa thế kỷ đã trôi qua, thậm chí gia đình giờ đây cũng không ai còn nhớ là vết sẹo ở cổ chân trái hay chân phải cô con gái thất lạc. Nhưng tối hôm ấy tại trường quay, ông Quang vẫn không thể kềm được cảm xúc của mình khi nhớ lại câu chuyện. Ông nghẹn ngào nói, trong khi người vợ thì nước mắt cứ tuôn rơi: “Đi tìm con hết tiền nhưng cứ về đến nhà thấy bà ấy khóc là tôi lại khóc theo, rồi đi tiếp. Lên xe mà cũng chẳng biết đi đâu. Trong đầu cứ nghĩ là cháu nó đang gào khóc gọi bố mẹ, thế là cứ đi…”.

“Ở đâu có đồng bào mình cần được giúp đỡ, chúng tôi cũng sẽ tìm đến. Những người bị ly tán, thất lạc thì dù là ai chúng tôi cũng không quên”.

Nhà báo Thu Uyên, chủ nhiệm và là người dẫn chương trình

Đến lúc này chương trình lại lộn ngược trở về làng nghề làm lược sừng và cận cảnh một nữ công nhân tên Thủy. Năm 1963, bà Oong, hằng ngày vẫn đi bán lược sừng trên chợ Đồng Xuân và các phố xung quanh đã gặp một bé gái lạc nhà gào khóc thảm thương nên đã đem về nuôi. Nghe cô bé nói tên “Khằn”, bà chê tên không đẹp, sửa lại là Thủy. Làng nghề đã cưu mang cô bé này từ đó nhưng mấy mươi năm nay cũng không có cách gì giúp cô tìm ra cội nguồn của mình. Trong hoàn cảnh như vậy, lúc cha mẹ ruột của cô rời Hà Nội đưa gia đình đi định cư ở Canada thì cơ may đoàn tụ cũng không còn nữa.

Quay lại với ông Quang và các thành viên trong gia đình tại trường quay, xem chưa dứt phóng sự về trường hợp cô nữ công nhân tên Thủy, ai nấy đều đã giàn giụa nước mắt. Mặc dù cô bé đi lạc năm xưa giờ đã là một phụ nữ 50 tuổi, nhưng “khuôn mặt giống như đúc” cùng những dấu vết riêng khác đã khiến cho không có một trở lực nào ngăn họ lao đến với nhau. Và trong phút chốc trước khi ông bố kịp vòng tay cám ơn tất cả những ai có mặt ở trường quay, mọi thứ sau đó đều chìm đi trong những âm thanh nấc nghẹn.

46 năm chia ly và nửa vòng trái đất xa cách, làm sao ai có thể tin được là một cuộc đoàn tụ hoàn hảo có thể diễn ra trong thực tế như vậy?

Võ Khối (Báo Thanh Niên)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *