Báo chí

Cuộc đời kỳ lạ của cô gái mang tên công chúa: Kỳ 1: Đứa bé bị địch bắt

Ngày đăng: 05/08/2008 | Lượt xem: 1263

Vợ chồng bà Lê Thị Mỹ Ngọc

Nhận nuôi một bé gái 2 tuổi rưỡi do lính chế độ Sài Gòn đưa đến, ni sư đã lấy tên Ngọc Duệ, một công chúa thời nhà Trần đặt cho Mỹ Phương – "con của cộng sản nòi"…

Theo chân những người làm chương trình "Như chưa hề có cuộc chia ly…", chúng tôi đã ngồi ô tô đi suốt đêm trên quãng đường từ TP.HCM lên Gia Lai, tìm lại dấu vết tuổi thơ của đứa bé bị quân đội Sài Gòn bắt những năm 70 thế kỷ trước.

Đó là những ngày cuối tháng 7.2008. Nhà bà Lê Thị Mỹ Ngọc, mẹ ruột của Mỹ Phương nằm ở đường Phan Đình Phùng, TP Pleiku. Ngôi nhà thoáng mát treo đầy huân chương và bằng khen ghi nhận chiến công của hai chiến sĩ cách mạng trung kiên. Bà Ngọc đã 63 tuổi, gương mặt còn đẹp lắm nhưng lúc nào cũng buồn rười rượi, cặp mắt thì ngân ngấn nước.

Chồng bà, ông Võ Duy Tài nói rằng, từ lúc con bị bắt tới giờ, bà Ngọc không biết cười, lòng thì nặng trĩu, nghĩ về con ngay cả trong giấc ngủ. Trước đây ông Tài là y sĩ ở Khu VI. Năm 1968, ông chuyển ra Khu V. Còn bà Ngọc là người gốc Bình Định, năm 19 tuổi đang đi học, thấy các bạn đồng trang lứa vào bộ đội, bà cũng xin gia đình thoát ly lên vùng rừng núi Pleiku. Thấy bà có chữ nghĩa, cấp trên cử đi học lớp y tá ngắn hạn, sau đó điều về làm ở Bệnh xá Khu VI.

Trở lại thăm căn cứ Khu VI – Ảnh: Bảo Thiên

Ông Tài ra Khu V được hơn một tháng thì bà Ngọc sinh một bé gái kháu khỉnh. "Tôi nôn nóng lắm, con đầu lòng mà. Tôi lập tức viết thư về nói rằng nhất định ba sẽ ghé thăm để được nhìn con tận mắt", ông Tài bùi ngùi kể. Chúng tôi đang tính hỏi về mối tình thời chiến của hai người thì mấy đứa cháu của ông bà xuất hiện. Bà Ngọc kéo đứa cháu nội, tên là Quý Tâm lại rồi nói với mọi người: "Con bé này rất giống Mỹ Phương".

Ảnh của Mỹ Phương trong tờ truyền đơn của địch

Mọi người chưa kịp nói gì thì bà đã vội vàng lật cuốn album, lấy ra một bức ảnh đã úa màu thời gian: "Đây, Mỹ Phương hồi nhỏ, trông có yêu không!". Bức ảnh chụp khuôn mặt bầu bĩnh của một đứa bé với mái tóc ba vá, phía dưới có dòng chữ nắn nót: "Con gái yêu quý duy nhất của mẹ". Chúng tôi chuyền tay nhau xem. Mắt bà sáng hẳn lên: "Chưa đầy 3 tuổi nhưng cháu nói líu lo suốt. Các chú thương binh người miền Bắc thì dạy Phương gọi tôi là mẹ, còn các chú ở miền Nam thì dạy cháu gọi má. Thế là suốt ngày cháu cứ mẹ má ơi…".

Mọi người cười, gương mặt bà Ngọc giãn ra, rồi kể tiếp: "Các chú còn dạy cho Phương hát bài Tiếng chày trên Sóc Bom Bo. Bé phát âm chưa rõ nhưng hát cũng đúng điệu lắm. Mỗi lần nghe cô Tường Vy hát bài này là Phương lại chu cái miệng hú hú trước". Rồi giọng bà chùng xuống: "Nhưng thương lắm, bé rất sợ tiếng bom. Đêm ngủ mà nghe tiếng bom nổ lại giật thót người ôm chầm lấy mẹ. Còn ban ngày thì chạy lại kéo mẹ rồi chỉ vào chiếc ba lô đựng đồ của hai mẹ con có ý bảo mẹ chạy đi".

"Tấm ảnh này chụp lúc nào vậy cô?", chúng tôi hỏi. Bà im lặng một lúc, nước mắt lăn dài trên gò má. Đã gần 40 năm nay, đêm nào bà cũng khóc và bây giờ, nỗi đau như vỡ òa ra khi có người chạm đến. Bà kể: "Đúng một tuần sau trận tập kích, trực mobile casino thăng trở lại vùng căn cứ để rải truyền đơn, kêu gọi mọi người ra chiêu hồi. Bọn tâm lý chiến cho phát tiếng trẻ con khóc từ máy bay rồi chĩa loa xuống: Cô Lan đang bị sốt, bé Mỹ Phương vẫn khỏe nhưng khóc nhiều vì nhớ mẹ. Ba mẹ bé là ai, hãy ra nhận con!". "Lúc đó tôi điên lắm, phần vì căm phẫn, phần vì thương con. Tấm ảnh này chúng in lên truyền đơn để kêu gọi mọi người chiêu hồi. Không đời nào tôi làm điều đó. Tôi nhặt tờ truyền đơn lên, không đọc mà chỉ lặng lẽ cắt hình con ra cất giữ" – bà kể lại.

Gia đình ông Tài và bà Mỹ Ngọc năm 1978

Nhấp một ngụm cà phê, ông Tài thở dài: "Đồng đội ra báo tin cho tôi là con đã bị bắt. Tôi chẳng biết làm gì ngoài việc viết thư về động viên vợ là chiến tranh sắp kết thúc rồi, chúng ta sẽ đi tìm con, bây giờ đừng có xao lòng". Bà Ngọc lại sụt sịt: "Thấy ông ấy nói vậy tôi cũng yên lòng nhưng tiếng khóc thất thần của con vọng ra từ máy bay thì cứ lởn vởn trong đầu tôi cho tới tận bây giờ".

Câu chuyện về chiến tranh như dịu đi khi ông bà dẫn chúng tôi tới căn cứ Khu VI ngày xưa (nay thuộc huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai). Khu rừng đã phục hồi sau bao nhiêu năm hứng bom đạn. Căn cứ này ngày xưa ngoài bệnh xá còn có nhiều đơn vị bộ đội chủ lực đóng quân, vì thế luôn là mục tiêu đánh phá của địch.

Sau ngày thống nhất, ông bà tất tả đi tìm con. Biết y sĩ Lan đang ở TP.HCM, ông bà lập tức lên đường. Nhưng y sĩ Lan cho biết, sau khi bị bắt, cô và bé Phương bị đưa vào nhà giam Pleiku, sáng hôm sau thì có một người lính vào ẵm bé đi đâu mất.

Vợ chồng bà Ngọc lại vội vã quay về, tìm trong các cô nhi viện ở Pleiku nhưng ở đây cũng không có tin tức gì. Năm 1998, ông bà dò ra địa chỉ của thương binh Phạm Ngọc Thu, người bị bắt cùng bé Phương trong đợt tập kích, đang ở Quảng Nam, nhưng ông Thu cũng không biết. Ông bà thậm chí đã đến nhờ một nhà ngoại cảm, viết thư cho Đại sứ quán Mỹ tại VN và đăng thông tin trên hàng chục tờ báo, nhưng vẫn bặt vô âm tín… (Còn tiếp).

B.T

Cuộc đời kỳ lạ của cô gái mang tên công chúa – Kỳ 2: Khi mẹ gọi tên

if (document.currentScript) {

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *