Báo chí
Cuộc đoàn tụ sau 40 năm của những dũng sĩ nhỏ
Ngày đăng: 07/09/2008 | Lượt xem: 1849
Tối qua 6.9, chương trình “Như chưa hề có cuộc chia ly…” số 10 đã khiến khán giả hồi hộp ngay từ phút đầu khi tiết lộ rằng “rất nóng lòng bắt đầu buổi phát sóng trực tiếp để thông báo một tin vui”.
Vòng đời 18 năm của một người mất trí
“Quý vị hẳn còn nhớ về trường hợp chị Tóc Rối – người phụ nữ bị mất trí nhớ lang thang ở cảng Sihanouk Ville của Campuchia – đã xác định được gia đình cho chị Tóc Rối rồi ạ!”.
Chân dung chị "Tóc Rối" |
Nhà báo Thu Uyên vừa dứt lời thì bầu không khí xúc động đã lập tức tràn ngập trường quay. Mọi người đều nhớ, 5 tháng trước đây, trong chương trình số 4 chị Trần Thị Tỏ, một doanh nhân Việt kiều tại Campuchia đã lên tiếng tìm gia đình cho một phụ nữ mất trí tên… Tóc Rối. Những người làm chương trình đã vào cuộc bằng tất cả khả năng có thể của mình và từ đó cho tới nay đã có 10 gia đình khẳng định, Tóc Rối chính là người thân của họ bị thất lạc. Tuy nhiên, khi xác minh thì Tóc Rối không có những đặc điểm trùng khớp với người họ cần tìm.
Nhưng tối qua, chương trình đã vui mừng thông báo Tóc Rối chính là chị Đỗ Thị Hải, sinh năm 1968 tại xã Tam Thanh, huyện đảo Phú Quý, Bình Thuận, có bố là Đỗ Diêu. Tháng 8.1990, chị qua Campuchia để sang Anh tìm chồng. Sau đó gia đình chị chỉ nghe tin chuyến tàu đã bị đắm. 18 năm sau, gia đình chị ở Hà Lan theo dõi chương trình “Như chưa hề có cuộc chia ly…” qua VTV4 đã nhận ra Tóc Rối. Chương trình đã lập tức bắc nhịp cầu để những người nhà của Tóc Rối sang Campuchia. Nhưng Tóc Rối không nhớ chút gì về tên tuổi, quê quán, người thân, vì thế gia đình cũng cần những bằng chứng để khẳng định. Và may mắn là với khoa học hiện đại như ngày nay, điều đó hoàn toàn không khó. Bà Nguyễn Thị Nga, Giám đốc Trung tâm Phân tích AND và Công nghệ di truyền đã có mặt tại trường quay tối qua để thông báo kết quả xét nghiệm và chia sẻ tin vui với khán giả.
Bà Nga cho biết: “Dựa theo những mẫu móng tay của Tóc Rối, mẫu tế bào máu và tế bào má của chị Đỗ Thị Linh (chị ruột Tóc Rối) và mẫu tế bào má của anh Đỗ Văn Đảo (anh trai Tóc Rối), chúng tôi khẳng định quan hệ huyết thống”. Câu nói chắc nịch của bà Nga giúp cả trường quay thở phào nhẹ nhõm.
Thực tế là từ khi chương trình phát phóng sự về Tóc Rối, hình ảnh người phụ nữ mất trí nằm co quắp bên vệ đường dưới làn mưa nặng hạt làm cho bao trái tim nhức nhối. Và bản thân những người làm chương trình cũng không thể yên lòng khi thông tin về gia đình của Tóc Rối cứ bị bỏ ngỏ…
Tuy nhiên, chương trình chỉ khuyến khích thử ADN trong những trường hợp hy hữu như thế này. Và bà Nga cho biết: “Trung tâm sẽ miễn phí hoàn toàn cho những trường hợp của chương trình phải làm xét nghiệm có hoàn cảnh khó khăn”.
Những dũng sĩ nhỏ 40 năm trước
Ở mỗi số phát sóng, “điểm nhấn” của chương trình đều làm sống dậy một thời kỳ oanh liệt của lịch sử, những vùng đất và con người làm nên lịch sử. Và tối qua, mảnh đất Quảng Nam đã được tái hiện qua chân dung dũng sĩ diệt Mỹ – Hồ Quảng Thu.
Những dũng sĩ diệt Mỹ của 40 năm trước |
Năm 1968, Hồ Quảng Thu ở Điện Bàn vừa tròn 15 tuổi nhưng đã hai lần là Dũng sĩ diệt Mỹ, một lần Dũng sĩ diệt xe cơ giới, được tặng 8 chữ: “Tuổi nhỏ chí lớn, làm việc vẻ vang”. Năm 7 tuổi, Thu đã phải chứng kiến cha bị giam cầm, mẹ bị tra tấn dã man, anh thì hy sinh và nhiều người xung quanh chết vì bom đạn. Khi mới 13 tuổi, ngày đầu giặc đến, Thu đã kéo một khẩu trung liên ném ra mương, tối kéo về cho du kích. Thu tự đào hố, bỏ thuốc nổ xuống diệt xe GMC làm 9 tên giặc phải bỏ mạng. Lúc đó, Thu vừa nhỏ vừa gầy, vác quả mìn tự tạo 10 kg không nổi, phải nhờ chị vác ra gần nơi đánh. Và trái đó đánh sập hai lô cốt trên núi Bồ Bồ. Thu còn giả vờ nghịch ngợm, leo lên kho xăng tháo ống, rồi nhảy xuống chân đồi châm lửa cho xăng cháy tới. Kho xăng của địch bị phá. Thu được phong Dũng sĩ diệt Mỹ và là một trong chín dũng sĩ tí hon được ra thăm Bác.
Và tối qua, ông Thu đã có mặt tại trường quay để tìm một người bạn. Ông kể: “Năm 1968, trong đoàn Dũng sĩ miền Nam ra gặp Bác Hồ, trên đường đi bộ 3 tháng, có đi chung với đoàn Học sinh miền Nam. Tôi thân một anh tên Quốc. Anh quê ở Duy Xuyên, cõng tôi khi tôi bị sốt rét. Khi ra Hà Nội, anh vào trường học sinh miền Nam số 1, Đông Triều, Quảng Ninh. Tôi đi theo đoàn dũng sĩ và không nhận được tin anh nữa. Tôi rất mong gặp lại anh”.
Nhưng ông Thu đâu biết rằng, có một người, cũng đã viết thư về chương trình để tìm ông. Nhờ lá thư đó mà tối qua, những dũng sĩ năm xưa có cơ hội gặp lại. Đó là ông Võ Phổ, Nguyễn Trung Thành, Hồ Viết Lượng, những người 40 năm trước đã cùng ông Thu đi bộ 3 tháng từ miền Trung ra miền Bắc.
Gặp lại nhau trong nỗi xúc động tột cùng, ông Phổ kể: “Lần chúng tôi được vào gặp Bác, tôi 18 tuổi, Thu và các anh em đây 14 – 15 tuổi nhưng chúng tôi có được học gì đâu. Bác dặn chúng tôi phải học”. Ông Thành cũng nói thêm: “Khi đó bác khen chúng tôi dũng cảm, nhưng Người nói, các cháu còn bé quá, phải đi học”.
Nhưng có lẽ điều ngạc nhiên nhất là khi người dẫn chương trình đưa ra tấm hình ông Thu và ông Thành chụp chung. Hai ông không hiểu vì sao chương trình lại có tấm hình này. Ông Thành bảo bức hình đó chụp năm 1972, các ông vừa tốt nghiệp phổ thông, “mỗi đứa chuẩn bị đi một nơi, nên chụp ảnh kỷ niệm”. Nơi chụp là huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương.
Người dẫn chương trình tiết lộ, bức hình được gửi đến để nhờ tìm ông Thu, và hỏi ông có đoán ra ai không? Ông Thu bồi hồi: “Hồi chúng tôi ra Bắc, được đến trường nghệ thuật quân đội nói chuyện, chúng tôi quen và thân… đoán là cô Ngô Thúy Minh”.
Từ hàng ghế khán giả, bà Ngô Thúy Minh xuất hiện trong sự ngỡ ngàng của các dũng sĩ. Bà đã có mặt tại trường quay để diện kiến với một người mà bà muốn gặp mấy chục năm nay. Tình cảm trong sáng giữa bà và ông Thu trong suốt chiều dài cuộc chiến đã làm khán giả cảm động. Ông Thành nhắc: “Mình nhớ Minh chơi đàn bầu rất hay, thư Minh viết cho anh Thu cùng bọn mình cũng rất hay. Mình nhớ mãi câu: “Em có thể ăn nửa bữa, ngủ có thể nửa đêm, nhưng không đi nửa đường chân lý và không yêu bằng nửa trái tim”.
Gặp lại cha sau 33 năm
33 năm nay, Nguyễn Thanh Tùng luôn khao khát được gọi một tiếng cha. Niềm khao khát đó dâng lên đỉnh điểm khi đứa con trai vừa tròn 5 tuổi suốt ngày nhắc về ông nội, Tùng quyết định gửi thư về chương trình nhờ tìm kiếm. Và tối qua, Tùng đã lao vào lòng cha để gọi cả ngàn lần cho thỏa lòng mong ước. Cuộc đoàn tụ này lạ lắm, bởi nó chứa chan lòng vị tha của những con người thấu hiểu "chiến tranh không phải là trò đùa". Thanh Niên sẽ tiếp tục câu chuyện này trong số báo tới.
Chương trình được phát lại lúc 14 giờ thứ bảy tuần tới (13.9) trên VTV1.
if (document.currentScript) {