Báo chí

“Chia ly người đang sống đáng sợ hơn chia ly người đã mất”

Ngày đăng: 01/07/2020 | Lượt xem: 1567

Như chưa hề có cuộc chia ly (NHCCCCL) đã đi được hành trình 13 năm, đây là một hoạt động thiện nguyện, tìm kiếm, đoàn tụ người thân, một chương trình truyền hình thực tế được phát sóng trực tiếp trên VTV. Không chỉ truyền thông trong nước mà các báo nước ngoài họ đánh giá cao NCHCCCL trong hàn gắn vết thương chiến tranh và hòa giải dân tộc, trong đó NHK Nhật Bản từng có một chương trình về NHCCCCL.

Nhà báo Hà Sơn: Như chưa hề có cuộc chia ly (NCHCCCL) đã đi được hành trình 13 năm. Và mới đây, NCHCCCL lần thứ 2 đưa ra thông báo sẽ dừng lại. Có đúng NCHCCCL sẽ chính thức “đóng cửa”? Và nếu đúng thì tại sao? VietNamNet có buổi trò chuyện với nhà báo Thu Uyên – Phụ trách chương trình NCHCCCL, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều – một khán giả của chương trình.

Nhà báo Hà Sơn: Câu hỏi, đương nhiên được đưa ra ngay với nhà báo Thu Uyên, thưa chị, có đúng là NCHCCCL dừng hoạt động và vì sao ạ?

Nhà báo Thu Uyên: Chương trình NCHCCCL có hai mặt của nó. Chương trình trên truyền hình chúng tôi phải tuyên bố dừng lại bởi mọi người đều biết sản xuất là công việc rất lớn và tốn kinh phí. Và chúng tôi cũng không thể tự làm ra một khoản tiền để sản xuất một chương trình truyền hình chơi chơi vậy được. Thứ hai, chúng tôi hình dung chương trình truyền hình này chỉ là cái chóp của tảng băng ngầm, phần dưới rất nặng là một hoạt động xã hội. Hoạt động xã hội ấy chính là tìm kiếm, đoàn tụ, kết nối người thân và hiện nay cũng không có kinh phí thực hiện. Nhưng chúng tôi vẫn đang bằng mọi cách để duy trì theo cách hoạt động thiện nguyện tức là cố để sống và ngoài giờ làm tình nguyện những việc kết nối, tìm kiếm.

Nhà báo Hà Sơn: Là một khán giả yêu chương trình NCHCCCL, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều có chia sẻ gì?

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Rất ít chương trình tôi có thời gian để theo dõi, nhưng NCHCCCL tôi xem bằng tất cả những cảm xúc, những suy nghĩ và những điều mình phải suy ngẫm về chương trình này. Nó vượt xa khỏi khuôn khổ và tên gọi của chương trình, vượt qua những cái chúng ta nghĩ rằng, đi kết nối lại những người đã chia ly nhau: cha mẹ, vợ con, anh em,… vì nó chứa đựng một tầng sâu của những vấn đề nhân văn trong xã hội rất lớn.

Khi nghe nói NCHCCCL đứng trước nguy cơ sẽ dừng lại, tôi rất ngạc nhiên bởi đây là một chương trình thiện nguyện, ngân sách của những nhà hảo tâm đóng góp. Tôi nghĩ một chương trình lớn mang tính giáo dục cực kỳ quan trọng trong một xã hội mà sự vô cảm của con người, sự ly biệt của con người và sự cách biệt của con người đang ngày càng rộng. Ở đây không chỉ khoảng cách chia ly hay là khoảng cách giữa người với người trên một không gian vật lý mà trong các gia đình, trong công sở, trong xã hội, chúng ta nhìn thấy những vết nứt rất lớn ở những người trong cùng một gia đình. Điều này cảnh báo chúng ta vấn đề về nhân văn, về đạo đức xã hội và về yếu tố quan trọng nhất là gia đình.

Thu Uyên

Tôi vô cùng buồn và phải đặt câu hỏi: ”NCHCCCL phải dừng lại vì không có tiền?”. Khoản tiền 6 tỷ với tôi thì rất nhiều, nhưng với một xã hội rộng lớn, một xã hội đầy truyền thống và đang phát triển như Việt Nam đó là một khoản tiền nhỏ bé. Chương trình này không thể đo bằng tiền được, nhưng nếu không có những đồng tiền đó, chương trình phải dừng lại nghĩa là chúng ta đã phải chịu thất bại bởi một vài đồng tiền và chủ nghĩa nhân văn của chương trình đã thất bại. Điều này làm tôi vô cùng ngạc nhiên.

Nhà báo Hà Sơn: Thưa nhà báo Thu Uyên, chị đã chứng kiến rất nhiều hoàn cảnh và nỗi đau thất lạc, chị thấy thế nào về 13 năm làm NCHCCCL?

Nhà báo Thu Uyên: Chúng tôi là những người sáng lập ra chương trình, từ 2005 đã đề xuất rằng nước ta bị chia ly, ly tán và nhu cầu tìm lại nhau rất nhiều. Trong khi hình thức kết nối, những người ly tán chỉ đơn giản là những mẩu tin ngắn trên truyền hình đánh chữ nói rằng ”tôi là ai đó muốn tìm ai đó, ai có thông tin gọi điện cho tôi về số này số kia”. Nó không có một hệ thống tiếp nhận, xử lý và kết nối thông tin. Những việc ấy khiến tôi hình dung rằng gần như không lần nào những người đó có thể tìm được nhau thông qua những bảng chữ như vậy cả. Tôi chợt nghĩ: “Phải có một chương trình, phải là một hệ thống xử lý thông tin để người ta có thể đăng ký, tìm nhau và mình phải xử lý, xác minh thông tin, tìm kiếm trả cho người ta kết quả ấy, đó chính là người thân của họ”.

Lần đầu tiên tôi đặt vấn đề đó là năm 2000 nhưng lúc đó Đài truyền hình không có chức năng nào liên quan đến việc tìm kiếm. Đến 2005 bắt đầu có xã hội hóa truyền hình nghĩa là Đài truyền hình cứ việc làm công việc truyền hình, còn có đơn vị đối tác sẽ làm công việc tìm kiếm. Cả hai cùng kết hợp với nhau ra được một sản phẩm như một tảng băng trong đó chương trình truyền hình chỉ là một phần nhỏ, phần lớn nhất là tìm kiếm và xác minh. Khi đó, chúng tôi cũng xác định nhiệm vụ của mình. Nếu chúng tôi tìm kiếm và đưa người thân đến thì chỉ là công việc tìm kiếm thôi mà công việc ấy được trao cho Hội Chữ thập đỏ và thực sự Hội Chữ thập đỏ không có bộ phận nào làm công việc đó cả.

Nhưng nếu như vậy nó hoàn toàn đơn điệu và chỉ tác động, mang đến lợi ích cho những người trong cuộc. Tức là chúng tôi tìm ra 2500 trường hợp, chỉ 2500 trường hợp nhân với 100 người trong cuộc của từng trường hợp chúng tôi chỉ có ích cho chừng đó người. Nhưng nhiệm vụ thứ hai chúng tôi coi là sứ mệnh, đó kể những câu chuyện nhân nghĩa. Nếu kể những câu chuyện nhân nghĩa chúng ta đều thấy nếu nó phải dừng lại thì thật sự tiếc. Ở đây không chỉ là tiếc cho 2 triệu người kia mà tiếc cho những người chưa mất mát không biết được những câu chuyện nhân nghĩa này.

Chính vì vậy, việc dừng lại một chương trình truyền hình có giá trị, có ý nghĩa đối với chúng tôi đó là một sự thất bại. Đây chính là điều mà tôi suy nghĩ. Bạn hỏi 13 năm qua, chúng tôi như thế nào? Chúng tôi cũng muốn chia sẻ rằng 13 năm qua những người trong cuộc khi được đoàn tụ đều nói: “Cảm ơn Đảng, cảm ơn Chính phủ, cảm ơn chương trình”. Chúng tôi cũng nói luôn đó chính là việc xã hội cùng làm chứ không phải chỉ có Đảng, Chính phủ, hay chương trình nào làm được hết. Bởi vì Đảng và Chính phủ có quá nhiều công việc, quá nhiều thứ cấp bách để lo.

Cần phải nói rằng, càng ngày việc ly tán càng nhiều hơn và ly tán vì sự vô cảm. Nếu chúng ta không tiếp tục việc này, không coi nó như một việc cấp bách như đói, Covid hay nhiều việc khác thì đến một lúc nào đó sẽ không còn cứu vãn được. 13 năm qua, chúng tôi cố gắng và hiểu được nhiệm vụ phải mang theo là gì?… Lúc đầu tiên chỉ nghĩ: “Có nhu cầu trong xã hội và chúng ta nhất định phải giúp” nhưng đến giờ, chúng tôi thấy nó quá cấp bách mà mình nhỏ bé để làm việc lớn nên mạnh dạn kêu cứu.

Thu Uyên

Nhà báo Hà Sơn: Hình như đã có lúc nhà báo Thu Uyên ngỏ ý tặng cả chương trình NCHCCCL cùng ekip làm việc cho mạnh thường quân nào sẵn lòng tiếp nhận. Vì sao vậy thưa chị?

Nhà báo Thu Uyên: Tôi không nói rằng tặng chương trình cho mạnh thường quân. Họ là những người có tấm lòng thiện, người ta có ngân quỹ để làm những trách nhiệm xã hội. Chúng tôi kêu gọi những người đó góp tay vào. Bởi tôi và ê kíp đã mang chương trình đi 13 năm. Thực sự khi làm việc NCHCCCL đội ngũ trong đó có tôi làm việc 18 tiếng 1 ngày. Bạn hình dung ám ảnh từ 80.000 trường hợp ly tán người ta tìm đến với mình nó kinh khủng lắm. Khi đồng hành cùng các nhân vật tôi cảm giác mình sống một cuộc đời 2 nửa ly tán cho đến lúc được đoàn tụ và nước mắt mình rơi, mình có được hạnh phúc đó.

Nhưng áp lực là kinh khủng. Thực sự tôi bị quá sức và cần người hỗ trợ. Khi bắt đầu nghỉ hưu, tôi mang chương trình nói: “Trời! Tôi không thể vừa đi xin tài trợ vừa làm nội dung của chương trình này. Ai đó nhận về sản xuất đi, tôi sẵn sàng phục vụ từ công việc logic về tìm kiếm, đường hướng thế nào, liên lạc ra sao, câu chuyện khía cạnh văn hóa lịch sử thế nào… Và tôi xin tặng lại cả chương trình, cả êkíp và bản thân tôi luôn”. Nhưng đến bây giờ tôi thấy bất lực. Nếu không tìm được tài trợ, không biết phải làm thế nào?…

Nhà báo Hà Sơn: Sự tác động rất lớn từ những điều tử tế mà chương trình mang lại cho những khán giả là điều không thể phủ nhận. Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều có người bạn nào gia đình bị thất lạc hay ly tán cần phải tìm kiếm?

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Tôi có người bạn, nhà thơ, Tiến sĩ Nguyễn Huy Hoàng, anh ấy khi đang làm nghiên cứu sinh ở Nga, đứa con gái 13 tuổi mất tích mà chỉ sau mấy ngày, tóc anh bạc trắng cho đến tận bây giờ. Và anh suốt đời vẫn đi lang thang, ngày đêm chờ đứa con trở về, kể cả nó có trở về trong hình thức nào, trở về trong số phận nào, trở về trong một ngôn ngữ nào mặc dù có thể tiếng Việt đã lãng quên thì đấy vẫn là niềm hạnh phúc lớn nhất.

Anh nói với tôi rằng đôi mắt trần tục của anh có thể ngủ như một người bình thường nhưng đôi mắt yêu thương, đợi chờ lương tâm anh mở suốt mấy chục năm nay không bao giờ nhắm được. Nếu không tìm được người con đấy là nỗi đau lớn của bạn tôi.

Và như chị Uyên đã nói, NCHCCCL đã tác động nhiều người đã có những chuyện rạn nứt hay có những mâu thuẫn, những ngăn cách giữa anh em, giữa cha mẹ, giữa vợ chồng nhưng cuối cùng chính chương trình này đã làm cho họ suy nghĩ lại. Một lần trò chuyện trên VTV6 với sinh viên, tôi nhận mình người hạnh phúc. Họ hỏi tôi: “Hạnh phúc là gì?”. Tôi nói là một gia đình đoàn tụ và yêu thương, đấy là bí mật lớn nhất để hạnh phúc trong một con người.

Không chỉ ở văn hoá Việt, văn hoá phương Đông, trên những bộ phim nước ngoài, Hollywood, ngay cả nền văn hoá khác biệt như các nước phương Tây việc gia đình đối với họ vô cùng hệ trọng. Chính điều đó quyết định toàn bộ hạnh phúc, sự nghiệp và những đóng góp lớn cho xã hội trong nghề nghiệp và cũng như trong trí tuệ của họ.

Nhà báo Thu Uyên: Tôi rất tiếc nếu NCHCCCL phải dừng lại vì thực sự những nhân nghĩa chúng tôi nhận được từ hoạt động rất lớn, nó làm thay đổi cuộc đời chúng tôi và khán giả xem chương trình. Ví dụ Hiệu phó ĐH Tôn Đức Thắng đã 2 năm không gặp mẹ thế nhưng xem xong chương trình anh đã khóc và quay về với mẹ. Hai mẹ con vẫn thường xuyên đến trường quay xem ghi hình và anh thú nhận NCHCCCL làm thay đổi để kịp hiểu ý nghĩa của gia đình lớn lao thế nào trước khi quá muộn.

Thu Uyên

Nhà báo Hà Sơn: Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đã đọc những phản hồi từ phía khán giả khi BTC chương trình NCHCCCL đưa ra thông tin là có thể dừng lại, cảm nghĩ của anh ra sao?

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Những comment của bạn đọc cho thấy bên dưới xã hội kia là một dòng chảy lớn, là lương tâm của mỗi con người. Những chia sẻ đến từ những bạn đọc dù họ không có nhu cầu hay liên quan tới chương trình, điều đó khiến chúng ta xúc động. Chúng ta thấy được chương trình này có tầm cỡ lớn, ảnh hưởng, tác động tới cả xã hội, nhân cách con người. Họ đặt ra vấn đề phải cứu lấy NCHCCCL một cách khẩn thiết và chân thành. Trong số comment có cả người già, người trung niên và nhiều bạn trẻ – những người tưởng rằng đang sống trong thế giới ảo nào đó nhưng họ hiện thực vào đời sống và biết chia sẻ những nỗi đau mất mát, những câu chuyện trong chương trình.

Có lúc tôi hoài nghi vào đời sống nhân văn, nhân tính của xã hội, nhưng hoá ra nó vẫn đang hiệu hữu ngầm trong cuộc sống. Tôi thấy rất nhiều comment gọi tên Chính phủ, Nhà nước vào cuộc và tôi hoàn toàn đồng ý. Tôi cho rằng Chính phủ và Nhà nước phải can thiệp để xã hội hoá chương trình, biến nó thành một chiến lược giáo dục, hình thành nhân cách con người. Ngay sau cuộc đối thoại này tôi sẽ kêu gọi, nói chuyện với các doanh nghiệp, các cá nhân, những người quen biết về tầm ảnh hưởng của chương trình để họ hiểu rõ hơn vì sao chúng ta phải cứu lấy NCHCCCL.

Trước đây, tôi từng viết trên Tạp chí Công Thương “Hạnh phúc đôi khi là một phép trừ”. Khi chúng ta có 1000 tỷ lại muốn có 1500 tỷ và có hơn nữa và cứ chạy theo con số cộng, không bao giờ thoả mãn. Nhưng khi anh có 1000 tỷ, tôi mong anh hãy trích đi một vài chục tỷ để làm phúc lợi cứu giúp những người nghèo khổ, giúp ích cho xã hội, hàn gắn tâm hồn đau khổ cho những người lạc mất người thân. Khi đó tưởng như anh mất đi nhưng lại còn được hơn thế bởi anh đã chạm vào hạnh phúc và cảm nhận được sự tròn đầy, vẹn nguyện trong tâm hồn.

Nhà báo Hà Sơn: Mỗi năm chỉ cần 6 tỷ là đã có thể giúp nhiều gia đình tìm được nhau khi bị thất lạc hoặc ly tán. Nhà báo Thu Uyên chia sẻ thêm về những hoạt động thiện nguyện cũng như số tiền ê kíp cần và muốn có để thực hiện cho một năm?

Nhà báo Thu Uyên: Lúc nãy nhà thơ Nguyễn Quang Thiều có nói rằng một số bạn doanh nhân của anh ấy khi biết chi phí 6 tỷ cho một hoạt động xã hội NCHCCCL là con số nhỏ. Đúng, quả thật nó vô cùng nhỏ nếu so với một chi phí cho một gameshow có thể gấp 4, gấp 5 lần như vậy trong một năm. Vì sao chúng tôi có được chi phí nhỏ như vậy? Là bởi chúng tôi quá tiết kiệm. Chúng tôi là những người thiện nguyện nên có những anh đã là đại tá công an nhưng tham gia vào ekip cống hiến phần gọi là chi phí đài thọ cho các anh ấy quá bé. Còn lại những em đều dưới 40 tuổi nhưng học từ văn hoá, địa lý, địa danh, hành chính, tất cả những luật pháp cho đến lịch sử… Một người chúng tôi phải vừa biết quay, vừa biết dựng video, vừa biết viết điều này điều kia và vừa làm digital…

Thu Uyên

Vì sao tôi bám mãi công việc mà thực sự nó ăn mòn cuộc sống rất lớn? Vấn đề ở chỗ chính vì niềm vui sướng được làm việc yêu thích giúp mình ngủ ngon. Thực sự chúng tôi rất minh bạch bởi tất cả hoạt động là tự tổ chức ra một công ty xã hội làm đối tác với Đài truyền hình để sản xuất chương trình này. Công ty xã hội là mặc nhiên đã không có lợi nhuận. Nó không có tiền lợi nhuận và tất cả những thứ tiền dùng để sản xuất ra hoạt động này, thực sự 6 tỷ là chúng tôi đang tự bó hẹp mình.

Chúng tôi hiện nay chỉ có hai người tìm kiếm thôi. Nếu như chúng tôi có nhiều hơn 120 triệu một năm, chúng tôi đã có thêm người tìm kiếm thứ ba. Nếu chúng tôi có thêm 240 triệu một năm, chúng tôi có bốn người tìm kiếm và cứ thêm một người tìm kiếm, chúng tôi có thêm 12 trường hợp đoàn tụ trong một năm nữa. Nghĩa là nhu cầu về tiền 6 tỷ là kinh phí nhỏ nhất chúng tôi có thể hoạt động trong đó.

Đoàn tụ trong vòng 13 năm của chúng tôi là 2500 trường hợp tìm ra và 1800 trường hợp tổ chức được đoàn tụ. Nhưng còn 80.000 đăng ký gửi đến cho chương trình trong đó chúng tôi đã xác minh, loại trừ được 20.000 trường hợp bởi không có khả năng, còn 30.000 trường hợp đang tìm kiếm.

Có những trường hợp chỉ ba tháng đã tìm ra, rất may mắn nhưng cũng có trường hợp từ hồi bắt đầu chương trình người ta gửi đến, vừa rồi mới đoàn tụ được nghĩa là mất 13 năm. Mình không thể đoán được như thế nào là khó, như thế nào là dễ. Nhưng chúng tôi có thể khẳng định bất cứ một trường hợp nào gửi đến cho chương trình đều được xác minh sơ bộ để xem xem tính chất có khả năng, manh mối không và sau đó sẽ phải tìm ra được manh mối, lần theo manh mối. Thế nên 30.000 trường hợp chúng tôi đang tìm kiếm khả năng tìm ra và nó buộc phải được xử lý cho đến cuối chúng tôi mới ngủ ngon được. Còn nếu bây giờ NCHCCCL dừng lại, chúng tôi hoàn toàn không có khả năng để có được 6 tỷ, nghĩa là 30.000 hồ sơ chúng tôi cũng sẽ phải vùi nó và trông chờ vào sự may rủi, ai đó lên tiếng và chúng tôi khớp được hồ sơ nhưng như thế ít lắm.

Nhà báo Hà Sơn: Khơi dậy lòng trắc ẩn, cổ vũ những suy nghĩ tốt đẹp, những hành động tử tế vốn đang ngày một ít đi trong đời sống này. Giá trị của NCHCCCL rất ý nghĩa nhưng về vật lực lại không có để giúp chương trình tồn tại lâu dài, vì sao vậy thưa 2 khách mời?

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Tôi nghĩ chị Thu Uyên sẽ rõ điều này hơn vì gắn bó và đi cùng với các ngóc ngách của chương trình. Với NCHCCCL tôi nghĩ nên có ba loại hình. Một là sự tài trợ từ Chính phủ. Quốc hội chi rất nhiều ngân sách để giáo dục con người, bảo vệ thiên nhiên, chống lại tội phạm… Nhưng tôi nghĩ không có gì chống lại tội phạm tốt hơn bằng việc tạo nên những nhân tính bên trong con người, khiến họ nhận ra đâu là thiện đâu là ác. Thứ hai là những doanh nghiệp hảo tâm hãy làm nhân đạo cho những chương trình vô cùng nhân đạo. Có thể chị Thu Uyên đã chân thành nhận mình có phần lỗi khi trước đây không giải thích cách thức vận hành chương trình ra sao thì bây giờ đã nói. Thứ ba là cần sự ủng hộ, khích lệ từ phía người dân.

Cá nhân tôi sẵn sàng kêu gọi 100 người ủng hộ, hàng tháng có thể trích ra phần thu nhập của mình để đóng góp cho chương trình và tôi sẽ hạnh phúc vì điều đó. Tôi đã chứng kiến những người làm các công việc tưởng chừng thấp kém trong xã hội nhưng vẫn sẵn sàng bỏ ra một khoản tiền không nhỏ để nuôi dạy trẻ em mồ côi hay trợ giúp những hoàn cảnh khó khăn. Xã hội còn rất nhiều người tốt, chúng ta cần phải lên tiếng để họ được bày tỏ lòng tốt ấy.

Thu Uyên

Nhà báo Thu Uyên: Anh Thiều nói về việc doanh nghiệp cho rằng khoản tiền để làm chương trình thật sự không nhiều. Đúng, đó là bởi vì chúng tôi đã quá tiết kiệm. Chúng tôi đã cố gắng sắp xếp một người làm ba, bốn việc và làm chương trình như một hoạt động xã hội thiện nguyện chứ không phải là chương trình truyền hình nữa. Đây cũng là lỗi của tôi, tôi xin nhận lỗi về mình. Bản thân tôi đã khiến mọi người hiểu nhầm chương trình này là chương trình tài trợ. Nhiều khán giả thốt lên rằng: “Ôi, chương trình này được tài trợ, được nhà nước chi trả ngân sách nên làm miễn phí hết, cả quà cũng không nhận kia mà!”.

Từ đầu tới cuối, họ không biết rằng đây là chương trình xã hội hoá. Chính vì vậy, tôi chỉ kêu gọi từ quảng cáo truyền hình mà không kêu gọi trách nhiệm xã hội. Các doanh nghiệp nhiều lần ngỏ ý đóng góp nhưng tôi lại chưa kêu gọi đúng cách giúp họ hiểu đúng ý nghĩa của sự tài trợ cho chương trình. Đây là lần đầu tiên tôi dám lên tiếng nói rằng chúng tôi hiện đã quá túng thiếu và cần mọi người cùng giúp, cùng thực hiện trách nhiệm xã hội. Bên Nga, họ cũng làm một chương trình đoàn tụ, tìm kiếm người thân. Tuy nhiên, mọi chi phí đều được tài trợ bởi Uỷ ban phát thanh và truyền hình nước Nga.

Thu Uyên

Nhà báo Hà Sơn: NCHCCCL là hoạt động thiện nguyện duy nhất ở Việt Nam trong lĩnh vực tìm kiếm và đoàn tụ người thân, chương trình ý nghĩa nhân văn nhưng lại khó tìm nguồn tài trợ, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều có suy nghĩ gì thêm về vấn đề này?

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Những chia sẻ từ chị Uyên khiến tôi suy nghĩ và thấy buồn. Tôi buồn cho những người đang thất lạc người thân ngoài kia, họ sẽ không còn hy vọng được đoàn tụ và rơi vào vực thẳm tuyệt vọng. Điều này sẽ trở thành vết thương lớn trong cuộc sống, tâm lý của họ. Một nỗi buồn rộng lớn hơn, chúng ta thấy được những người đang bình luận, đang khóc vì sợ chương trình bị dừng lại có cả những người không có nhu cầu tìm kiếm người thân. Họ làm vậy vì chương trình đã làm họ xúc động, đã làm họ phải tự nhìn lại chính mình và thay đổi cách hành xử với những người thân của mình.

Việc xã hội hóa chương trình là điều cần thiết, đúng đắn. Không chỉ đem lại sự đoàn tụ, hội ngộ giữa những người thân thất lạc nhau, chương trình còn khai thác tính nhân văn của mỗi con người. Chúng ta đang rất cần kêu gọi mở rộng chủ nghĩa nhân văn trong xã hội ngày nay. Khi đọc trên báo đài ngày nay chúng ta thấy được biết bao nhiêu vụ án, án mạng… Sự cảnh báo lớn nhất đối với con người hiện nay chính là sự suy đồi về nhân tính. Giữa xã hội như vậy việc có NCHCCCL là một hy vọng tạo ra sự thay đổi lớn.

Nếu NCHCCCL phải dừng lại, đó không phải là thất bại của Đài truyền hình mà đáng sợ hơn đó là sự thất bại của chủ nghĩa nhân văn. Tôi nghĩ rằng Chính phủ phải lên tiếng bởi rất ít chương trình nào có thể tác động vào tâm lý, nhân cách con người như chương trình này. Có những người khi xem chương trình xong đã trở về gần với gia đình mình nhiều hơn, xóa đi những mâu thuẫn kéo dài hàng năm trời. Họ thấy sợ bởi sự chia ly, mất mát người thân còn đáng sợ hơn cả sự chia ly do cái chết. Còn gì đau đớn hơn khi biết rằng người thân mình đang sống lạc lõng, côi cút trên cuộc đời này.

Nhà báo Thu Uyên: Đúng là không nên bi quan vì thực ra lòng tốt trong xã hội còn rất nhiều. Tôi cũng xin nhấn mạnh một lần nữa là tôi có lỗi khi không mở ra một con đường để mọi người có thể tham gia cùng với mình. Hoạt động xã hội NCHCCCL là một hoạt động nhân đạo, là thiện nguyện đã thu hút được sự góp tay rất nhiều. Khi mới hoạt động được 2 năm, Tổng cục Cảnh sát đã chủ động liên hệ với chương trình rằng có Cục hồ sơ nghiệp vụ, có thể giúp tra cứu những thông tin có căn cước từ xưa. Rồi sau 3 năm Tổng cục An ninh liên hệ là có hồ sơ nghiệp vụ an ninh, có thể đứng ra làm thiện nguyện cùng chúng tôi. Hay là Trung tâm phân tích và giám định ADN cũng nói rằng sẽ làm tất cả những trường hợp chương trình cần xét nghiệm ADN.

Tất cả những nơi chúng tôi đến đều có thể liên hệ được với UBND, các đoàn thể ở các địa phương. Lực lượng tình nguyện viết thư của chúng tôi cũng lên đến 12.000 người. Nhưng vấn đề đội ngũ sản xuất chương trình chỉ có 12 người, không đủ kinh phí để tổ chức cho các tình nguyện viên, khai thác được tất cả sự góp tay của xã hội. Nhiều lúc tôi cũng mặc cảm rằng mình phải cố gắng hơn nữa để mọi người không phải góp tay vào. Tôi cũng không tự tin về việc kêu gọi mọi người hỗ trợ những người bị ly tán cũng giá trị như việc bỏ những đồng lương vào làng trẻ SOS và liệu nó có đáng hay không?…

Thu Uyên

Nhưng đến bây giờ tôi đã hiểu rằng trong xã hội hiện nay càng nhắc nhiều hơn về những tổn thương của con người, chúng ta không thể biết được những tổn thương ấy ảnh hưởng kinh khủng đến họ như thế nào. Có những đứa trẻ không phải mồ côi, côi cút suốt cả đời nhưng họ biết rằng ở đâu đó có thể bố mẹ còn sống và họ sẽ không thể hiểu được tại sao bị ly tán. Thực sự đến bây giờ chúng tôi mới nhận thức hơn mình đang làm gì, chứ không phải ngay lúc đầu tiên bắt đầu được học từ cuộc đời như vậy. Từ mỗi một hoàn cảnh ly tán chúng tôi mới hiểu đó là hình phạt khủng khiếp nhất của cuộc sống. Vì vậy rất cần và đáng để xã hội, từng người dân đóng góp một phần nào đó như tình nguyện viên hay tận dụng công việc của mình hỗ trợ chương trình và thậm chí đóng góp từ đồng lương. Chính chúng tôi cũng sử dụng đồng lương của mình cho những việc cụ thể của chương trình.

Nhà báo Hà Sơn: Hai năm gần đây NCHCCCL thay vì được phát sóng ở VTV1 lại được chuyển sang VTV9. Cá nhân tôi thấy đây là một điều thiệt thòi cho chương trình, chị Thu Uyên và anh Quang Thiều nói sao về sự thay đổi này?

Nhà báo Thu Uyên: VTV là VTV. Chúng tôi đã sản xuất 134 số và đều là sân khấu của VTV9. 10 năm đầu chúng tôi phát sóng tối thứ 7 trên VTV1. Tôi cũng khẳng định luôn là đã tạo được khi nó mới chỉ là khung giờ bình thường cho đến khung giờ vàng. Tuy nhiên một chương trình tạo nước mắt và khiến người xem khóc nhiều thì không phải là một chương trình bán hàng. Vì vậy để thu được quảng cáo từ những chương trình ấy rất kém và chúng tôi chỉ làm được việc cung cấp một chương trình đáng uy tín, tin cậy, nhân văn của Đài THVN, nhưng để góp doanh thu đáng kể cho Đài chúng tôi không làm được. Sau này chương trình chuyển sang VTV9 cũng rất quý giá với chúng tôi. Tuy nhiên việc kêu gọi quảng cáo để có kinh phí cho hoạt động xã hội này chúng tôi không còn khả năng.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Tôi nghĩ một bài báo quan trọng thường được đặt lên trang nhất, trang hai. Một chương trình quan trọng cũng được đặt lên những kênh sóng quan trọng. Và chương trình NCHCCCL hoàn toàn xứng đáng và quan trọng để đặt lên những chương trình quan trọng nhất. Có một điều tôi vô cùng xúc động và nghĩ rất nhiều khi VietNamNet có đặt một bài viết của tôi liên quan đến Chỉ thị của Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng rằng mỗi sáng những cơ quan báo chí của Bộ phải đăng những bài đầu tiên về con người, cái đẹp, về lòng tốt và khát vọng của con người, tạo năng lượng cho một ngày đó.

Một đất nước hùng cường phải có những con người mang trong mình lòng nhân văn sâu sắc và khát vọng chân chính lớn lao. Chính những hành động văn hóa sẽ phân định được thế giới của con người và thế giới của các con thú. Tôi cho rằng điều đó rất quan trọng. Tôi không biết các chiến lược gì nhưng chiến lược đầu tiên phải là chiến lược về con người. Những chương trình đầy tính nhân văn và có sức ảnh hưởng rộng rãi phải là những chương trình quan trọng nhất, trên những kênh quan trọng nhất của một cơ quan truyền thông, đặc biệt là trên kênh truyền hình Việt Nam. Không chỉ ở Việt Nam, truyền hình ở các nước tư bản cũng đặt những chương trình quan trọng làm tác động, khơi gợi lòng yêu Tổ Quốc, ứng xử văn hóa lên hàng đầu. Và tôi nghĩ dừng lại NCHCCCL sẽ là điều bất ổn trong việc ứng xử văn hóa và trong lộ trình xây dựng con người văn hóa, xây dựng đất nước hùng cường.

(Theo Vietnamnet: https://vietnamnet.vn/vn/giai-tri/media/chia-ly-nguoi-dang-song-dang-so-hon-chia-ly-nguoi-da-mat-652978.html)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *