Báo chí

Cậu bé mồ côi gặp lại cha đẻ sau 30 năm chiến dịch không vận

Ngày đăng: 09/04/2015 | Lượt xem: 1817

Suốt 30 năm kể từ ngày đến Canada trong chiến dịch không vận trẻ em năm 1975, Thanh Campbell vẫn tưởng rằng mình là trẻ mồ côi, cho đến khi một người đàn ông tự nhận là cha anh xuất hiện. 

Một vài trong 55 trẻ em Việt Nam đến Toronto, Canada, tháng 4/1975. Tình nguyện viên Jane Casey, người đồng hành cùng các em trong chuyến đi cho hay "chúng có vẻ như rất hoảng sợ". Ảnh: The Star

Một vài trong 55 trẻ em Việt Nam đến Toronto, Canada, tháng 4/1975. Tình nguyện viên Jane Casey, người đồng hành cùng các em trong chuyến đi cho hay “chúng có vẻ như rất hoảng sợ”. Ảnh: The Star

Một buổi chiều gần đây, Thanh Campbell, 41 tuổi, chào đón mọi người đến chi nhánh của Thư viện Công cộng Hamilton và bật laptop để trình chiếu câu chuyện của anh lên màn hình. Thanh thường xuyên có các buổi giáo dục cộng đồng như thế.

Căn phòng trở nên nhỏ bé hơn khi Thanh mời mọi người giới thiệu về bản thân họ, sau đó bảo họ phát âm tên của anh: “Won Thanh Campbell Soup”. Cảnh tượng chẳng khác gì khi còn bé, lúc anh giới thiệu tên mình trước những người bạn cùng lớp đang tròn xoe mắt.

Trong những ngày cuối của cuộc chiến tranh Việt Nam năm 1975, chính phủ Mỹ tiến hành chiến dịch không vận để đưa khoảng 3.000 trẻ em rời khỏi Sài Gòn. Họ tập hợp các em được cho là trẻ mồ côi, mất cha mẹ do chiến tranh hoặc con của quân nhân Mỹ, rồi đưa đến các nước khắp thế giới, trong đó có Canada.

Vài tuần sau đó, một đơn kiện đã được nộp lên tòa án Mỹ, thay mặt cho những em có cha mẹ còn sống. Dù vụ kiện bị bác bỏ vì thiếu bằng chứng, nó vẫn khiến giới chức Mỹ rà soát lại các hồ sơ. Họ phát hiện ra 233 trong số 1.667 em được đưa sang Mỹ không có đủ giấy tờ.

Giới chức ở bang Ontario, Canada, nơi Thanh sinh sống, cũng khẳng định rằng những trẻ em được đưa đến đây hoàn toàn là trẻ mồ côi. Thực tế, Thanh không nằm trong số đó.

Thanh Campbell và bức ảnh năm 1975, khi anh là trẻ mồ côi mang số 32 trên chuyến bay sang Canada. Ảnh: The Star

Thanh Campbell và bức ảnh năm 1975, khi anh là trẻ mồ côi mang số 32 trên chuyến bay sang Canada. Ảnh: The Star

Tháng 4/1975, anh được mục sư William Campbell và vợ là Maureen, ở thành phố Cambridge, bang Ontario, nhận nuôi. Ông William, người vừa qua đời tháng trước, luôn tự hào về 6 đứa con của mình, trong đó có một nửa là con nuôi.

Thanh kể với mọi người rằng anh chưa bao giờ cảm thấy mình là người châu Á. Khi gia đình đến thăm khu người Hoa, anh muốn về nhà. Khi một gia đình người Việt Nam đến Cambridge sinh sống, mẹ đưa anh đến nhà họ nhưng anh cũng không thích học tiếng Việt. Thanh “quá Canada”.

Mọi thứ sẽ như thế cho đến khi Thanh có một buổi nói chuyện ở nhà thờ năm 2004, nơi anh gặp Trent Kilner, một trong những trẻ em của chiến dịch không vận năm 1975. Hai người đàn ông và một số con nuôi khác đã tổ chức cuộc họp mặt vào năm 2006, rồi tìm ra 42 người trong số những trẻ em trên chuyến bay đến Toronto năm xưa.

Họ chia sẻ những câu chuyện về cuộc đời mình với báo chí và chuyện của Thanh cũng được đăng tải ở Việt Nam. Ông Nguyen Minh Thanh đọc được nó trong một bữa sáng tháng 7/2006. Ban đầu, ông chỉ nghĩ đó là một câu chuyện hay rồi quên luôn. Tuy nhiên, đến nửa đêm, ông bật dậy. Người đàn ông trong bài báo có tên giống với đứa con trai mà ông thất lạc năm 1975.

Ngay sau đó, Thanh Campbell nhận được một email từ người tự nhận là anh trai của anh.

“Thanh Campbell thân mến!”, lá thư bắt đầu. “Gia đình tôi có một người tên Nguyen Ngoc Minh Thanh giống anh. Chúng tôi thất lạc cậu ấy từ năm 1975. Cậu ấy rời khỏi Việt Nam theo dự án không vận trẻ em. Đến bây giờ, 30 năm sau, cha tôi vẫn luôn đi tìm tung tích con trai. Cha tôi rất vui khi đọc được bài viết trên báo Tuổi trẻ. Chờ tin anh, Nguyen Ngoc Minh Thao”.

Thanh không chắc anh nên làm gì. Anh nghĩ về ba cậu con trai của mình. Nếu một trong số chúng mất tích, anh cũng muốn biết chúng ở đâu.

Tháng 4/1975, cha của Thanh là một quan chức cấp cao trong quân đội Việt Nam Cộng hòa.  Thanh được chăm sóc trong trại trẻ mồ côi liên kết với trường nội trú.

Khi cuộc chiến giải phóng miền Nam Việt Nam đang đi vào giai đoạn ác liệt, đó là một nơi an toàn. Cha anh vẫn đến thăm con vào dịp cuối tuần cho đến khi binh lính đi khắp các làng để tập hợp trẻ mồ côi đưa sang Mỹ. Hai người anh trai của Thanh đã bất lực đứng nhìn chiếc jeep chở em mình ra đi.

Sau khi chiến tranh kết thúc, cha anh quay lại để tìm con nhưng Thanh đã không còn ở đó.

Thanh Campbell, cha nuôi William Campbell và cha đẻ gặp nhau tại TP. Hồ Chí Minh năm 2009. Ảnh: The Star

Thanh Campbell, cha nuôi William Campbell và cha đẻ gặp nhau tại TP. Hồ Chí Minh năm 2009. Ảnh: The Star

Trong cuộc điện thoại đầu tiên với con trai thông qua một phiên dịch, ông Thanh vô cùng phấn khởi. Ông muốn nói với Thanh ba điều, đó là anh chưa bao giờ bị bỏ rơi, cha mẹ yêu anh và họ đã đi tìm anh suốt 30 năm.

“Điều đó ngay lập tức chạm đến trái tim của một đứa trẻ mồ côi”, Thanh nói.

Năm 2009, khi Thanh quay lại Việt Nam, cha nuôi của anh cũng hào hứng đi cùng. Tại sân bay Tân Sơn Nhất, đứa con trai thất lạc bấy lâu ôm chầm lấy người cha Việt đã sinh ra và từng nuôi nấng mình.

“Mọi người đã khóc khi thấy cảnh đó”, Thanh kể. “Tôi không khóc, tôi chỉ tự hỏi sao chuyện này lại có thể xảy ra. Tôi đã không đi tìm họ. Nếu cha mẹ (nuôi) thay đổi tên tôi, chắc sẽ không có cuộc gặp này”.

Trong cuốn sách “Trẻ mồ côi số 32”, Thanh mô tả về cuộc gặp với một “phụ nữ già dễ thương” ở Việt Nam, người chỉ vào mũi của bà, cười và chỉ lại vào mũi của anh. Đó là dì của Thanh, người nhận ra “chiếc mũi gia đình” trên báo khi nhìn thấy ảnh anh.

Trước khi rời Việt Nam, hai người anh trai đã hẹn Thanh ra một quán cafe và nói lời xin lỗi.

“Tôi nói ‘các anh lúc đó mới chỉ 4 tuổi và 6 tuổi. Các anh có thể làm gì chứ? Các anh sẽ chạy đến đá vào chân họ à?”.

Anh Ngọc (Theo The Star)

} else {

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *