Báo chí

43 năm đuổi tìm tiếng “mẹ ơi”!

Ngày đăng: 30/11/2009 | Lượt xem: 1122

TT – Những thước phim quay chậm vỏn vẹn bốn phút, không lời và đơn giản chỉ là những khoảnh khắc thương yêu. Không dài nhưng đó lại là những cảm xúc thiêng liêng nhất của một cô gái gốc Việt từng bị bỏ rơi. Đặc biệt khi người con đó đã dành quá nửa đời người để mong được một lần gọi “Mẹ ơi”, nhưng…

Mirei Lehmann đã hơn chục lần trở về Việt Nam tìm cha mẹ ruột – Ảnh: Gia Tiến

“Tôi là ai?”

“Những ngày đầu tôi cảm thấy khá sốt ruột, nhiều lần muốn bỏ cuộc do tốc độ làm phim khá chậm trong khi lịch làm việc của tôi quá dày đặc, huống hồ tôi lại là diễn viên không chuyên nên rất khó để thể hiện chiều sâu nội tâm nhân vật. Thế nhưng khi tiếp xúc với Mirei và thấy được sự khao khát tìm về nguồn gốc của cô quá mãnh liệt, tôi chợt hiểu rằng mình đang làm một điều đúng đắn. Tôi thật sự mong cô sẽ được gặp lại những người yêu thương của mình vì đó là điều cô xứng đáng được nhận”.

Romeo Dimier Degrange (diễn viên đóng vai nam thanh niên trong bộ phim Le coeur au bord des yeux)

Đó là câu hỏi đã theo Mirei Lehmann suốt thời xuân trẻ.

Được một cặp vợ chồng trẻ người Thụy Sĩ nhận làm con nuôi và đem về nước từ khi còn là một đứa bé vài tháng tuổi tại Sài Gòn, Mirei Lehmann lớn lên và xinh đẹp tựa như thành phố Bienne nơi cô đang sống. Cô thông thạo tiếng Anh, Pháp và nhìn dáng dấp ăn mặc sành điệu, di chuyển nhanh nhẹn và luôn cười, sẽ chẳng ai ngờ trong sâu thẳm tâm hồn cô gái ấy luôn có một câu hỏi tự vấn về mình và một vùng đất xa xôi đầy bí ẩn ở bên kia đại dương nơi cô chào đời…

“Việt Nam là nơi chúng ta từng đến và đón nhận con, nơi đó ở xa lắm” – Mirei từng nghe rất nhiều lần câu nói này từ lời kể của ba mẹ nuôi và chẳng bao giờ cô quên.

Mirei không nhớ rõ mình đã đón nhận sự thật “không mấy dễ chịu” ấy vào lúc nào, chỉ biết là lúc mình còn nhỏ, nhỏ lắm… và khi đủ lớn thì cô cũng đã quen với sự thật đó.

“Tôi có một chị gái và ba mẹ nuôi đối xử với hai chúng tôi y hệt nhau nên chưa bao giờ tôi phải suy nghĩ, lo lắng về vấn đề con nuôi, con ruột cả” – Mirei bộc bạch.

Cho đến một ngày Mirei chợt nhận ra điều ấy khi thấy mình chỉ “hao hao” giống các bạn mũi cao, tóc hung xung quanh, có ngoại hình không hề giống với cha mẹ hiện tại của mình. Đêm ấy chiếc gối của cô ướt đẫm.

Tìm về

Cô bắt đầu lui tới một số nơi trong thành phố để có thể trò chuyện, tiếp xúc với một số người gốc Việt và bắt đầu đọc sách về Việt Nam. Kỳ lạ thay, càng tìm hiểu, tiếp xúc, cô càng cảm nhận được một sự ấm áp, gần gũi.

Cuộc sống đôi khi có những điều thật khó giải thích. Dẫu đã quá quen sống với bao thứ ở Thụy Sĩ nhưng hai chữ “Việt Nam” cứ khắc sâu mãi trong tiềm thức của Mirei.

Và cô quyết tâm tìm về. Ngày đầu tiên cô về nước giữa bao nỗi lo lắng cực độ khi xung quanh không người thân thuộc, không biết chút ngôn ngữ… nhưng hạnh phúc lại dâng trào trong mắt dẫu vùng đất ấy vẫn còn nghèo xơ xác.

Chuyến đi lần ấy cùng bao háo hức được trở về trong vòng tay của những người đã mang nặng đẻ đau ra mình chỉ để lại… một số 0, cô chẳng có thêm chút thông tin gì về cha mẹ ruột của mình.

Từ sau lần đầu tiên ấy cô đã quay lại Việt Nam hơn chục lần để tiếp tục hành trình tìm kiếm… Mỗi lần về, cô lại miệt mài dò hỏi khắp nơi, cứ tất tả xuôi Nam ngược Bắc khi nghe đâu đó có người biết chút gì về thân phận của mình.

Năm tháng cứ mãi trôi đi, và bất chợt đã quá nửa đời người, Mirei vẫn chưa một lần tìm thấy dấu vết của những bóng hình xưa.

Nguyện vọng cuối

Bỏ cuộc chăng? Nhiều lần cô tự hỏi và rồi bằng cách nào đó, bước chân cô vẫn quay lại. Không giải thích được.

“Tôi mạnh mẽ lắm, không sao đâu. Dẫu sao thì tôi cũng biết được nhiều điều thú vị khi quay trở lại đây. Ít ra giờ tôi đã có thể nấu phở rất ngon đấy nhé, nhiều bạn bè của tôi đã trầm trồ khen khi họ được thưởng thức món này. Điều đó làm tôi vô cùng hạnh phúc và tự hào về một nửa quê hương xa xôi của mình” – đôi mắt đầy rạng rỡ, Mirei khoe. Cô cho biết món phở có một ý nghĩa vô cùng đặc biệt với bản thân, Mirei ví đây như dòng sữa mẹ cho đứa con khát lòng… và mỗi khi nhớ mẹ, nhớ vùng quê xa xăm cô lại làm món này.

Nhưng cô không thể giấu được nỗi buồn da diết hiện rõ nơi đuôi mắt đã hằn vết chân chim theo thời gian.

Liệu cô có hụt hẫng chăng nếu đi đến cuối cuộc đời mà vẫn chưa tìm ra được hình bóng của cha mẹ? Mirei không thể không thừa nhận điều này, nhưng dẫu có vô vọng cô vẫn muốn làm một điều gì đó để gửi tặng họ.

Bộ phim bốn phút Le coeur au bord des yeux (tạm dịch: Góc khuất trong đôi mắt em) về một tình yêu đẹp của đôi trai Tây, gái Việt đã ra đời như thế. Cô xem đây như kỷ niệm cuối cùng của mình dành cho cha mẹ nếu kết cục buồn diễn ra với mình.

“Dẫu sao đi nữa thì tôi chỉ muốn gửi một thông điệp đơn giản rằng tôi biết họ rất yêu tôi và họ chắc chắn phải có một lý do nào để cho đứa con của mình đi. Tôi chỉ muốn nói rằng dẫu quá khứ có như thế nào thì thật sự tất cả những điều tôi đang nghĩ bây giờ chỉ là một sự mong mỏi nhỏ nhoi. Sự mong mỏi được một lần gặp lại người sinh ra mình, được ôm họ và một lần được kêu lên hai tiếng “Mẹ ơi”. Sao điều nhỏ nhoi đến vậy mà đã bao năm qua tôi vẫn chưa làm được!” – Mirei òa khóc, giọng lạc hẳn đi.

 Cô Mirei Lehmann – Ảnh: Gia Tiến

Mirei Lehmann là một nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp, giám đốc một trung tâm truyền thông và từng đoạt nhiều giải thưởng về nhiếp ảnh.

Năm 2003, chùm tranh “Love me or leave me alone” của cô được triển lãm tại Musée Pasquart (Bienne). Các nhà phê bình đồng thuận rằng “Mirei Lehmann đã thành công trong việc diễn tả những mâu thuẫn về cảm xúc trong quá trình phát triển từ thơ ấu đến tuổi dậy thì, sự đắn đo giữa khát khao được quan tâm và nỗi sợ hãi vì thiếu tình thương…”

Dự án “Vietnam – con người thứ hai của tôi” được trưng bày tại La Maison de l’Indochine ở Paris.

Năm 2008, Mirei Lehmann trở về Việt Nam để thực hiện ba nhóm tác phẩm lớn với đề tài “From another part”, “Here and there”“Hello & goodbye”. Các tác phẩm này được xuất bản thành sách và triển lãm hai lần tại Thụy Sĩ.

Năm 2009, Lehmann về Việt Nam thực hiện bộ phim Le coeur au bord des yeux. Bộ phim trên sẽ được trình chiếu tại café Bobby Brewers (400B Lê Văn Sĩ, Q.3, TP.HCM) vào 19g ngày 1- 12.

Theo: Công Nhật (Tuổi Trẻ Online)