Báo chí
Con đường chia ly và đoàn tụ – Kỳ 3: “Con chúng ta máu đỏ, da vàng…”
Ngày đăng: 28/04/2010 | Lượt xem: 1205
Ngày đám cưới con gái. Sau buổi sáng tiệc tùng đãi khách, buổi chiều ông Trường mời ông bà thông gia và hai con trẻ đến ngồi trước bàn thờ tổ tiên để ông công bố một chuyện quan trọng.
Người bố ấy là ông Nguyễn Ngọc Trường. Ông kể mình là một người Hà Nội chính gốc, sinh ra tại phố Lò Đúc. Tốt nghiệp trung học năm 1963 rồi đậu vào trung cấp mỹ thuật nhưng thay vì đến với bút màu hội họa, ông lại tình nguyện lên đường nhập ngũ. Năm 1966, cả trung đoàn 561 (thuộc sư đoàn pháo 155 li mang tên Tam Đảo) lên đường đi B. Họ sang đất Lào rồi trở lại đất Việt tại Đắk Tô – Tân Cảnh.
Ông trịnh trọng bắt đầu câu chuyện: “Xin thưa thật quý thông gia, bố nói với hai con chuyện này nhân ngày Hoa đã trưởng thành và lập gia thất. Rằng con không phải là con ruột của bố. Rằng cách đây 15 năm, bố lượm được con trên đường 7 khi đang hành quân. Ngày ấy con 3 tuổi và bố cũng chẳng biết tên thật của con là gì. Bố nói để con có ý thức, mai này nếu có điều kiện sẽ đi tìm lại nguồn cội của mình. Bố ủng hộ điều đó…”. Hoa bàng hoàng. Cô bắt đầu trở ngược thời gian với người bố nuôi của mình…
Duyên số đường 7
Đó cũng chính là nơi mà đơn vị ông lâm chiến lần đầu. Đến căn cứ B3 ở Quảng Nam – Đà Nẵng, chiến tranh dữ dội, mất mát thật nhiều, ông và mười mấy anh em còn lại của trung đoàn 561 được gia nhập đại đội bộ binh tỉnh Phú Yên. Số phận run rủi
ông trở thành một người lính văn công. Ông tìm đến tận những buôn làng xa nhất, học lấy các điệu dân ca, khuyến khích các em trẻ có năng khiếu đi theo để thành lập đoàn, mà ông vừa là đoàn trưởng, người sáng tác, biên đạo, nhạc công và… lao công, hậu đài. Ông học đàn t’rưng, klông-pút, cồng chiêng… Đoàn của ông vừa biên vừa diễn, làm náo nức các buôn làng đồng bào người Ê đê, Ba Na…khắp vùng giải phóng.
Ngày 28-3-1975, ông Trường và đồng đội đi bộ xuôi đường 7 về tới xã Cà Lúi, đầu huyện Sơn Hòa. Trên mặt đường xe tăng, xe GMC, xe jeep… còn bốc khói. Người dân gồng gánh nườm nượp chạy đi. Lúc đó khoảng 4 giờ chiều. Có tiếng khóc yếu ớt của một đứa trẻ đâu đó bên đường.
Ông Trường lần vào bụi tranh cách đường 3-4m, thấy một bé gái chừng 3 tuổi đã kiệt sức, mặc áo len đỏ sọc, bên trong áo vàng thêu hai chữ “Thúy Nga”, không hiểu tên bé hay tên nhà may. “Hành động tức thời của tôi lúc ấy là ôm ngay lấy cháu bé, lấy bọc dù địu
nó nằm ngang trên vai. Người tôi phía trước là súng đạn, phía sau là balô, giờ thêm một đứa trẻ. Chính tôi không còn thời gian để nghĩ nó là con ai, con cách mạng hay phía bên kia, chỉ biết nó là đứa trẻ máu đỏ da vàng đang gặp hiểm nguy và cần được cứu sống”.
Về tới đơn vị ông xin thuốc quân y cho bé uống rồi gửi vào trạm xá huyện Miền Tây (Phú Yên). Bé bị sốt rét và trướng bụng nặng, phải nhiều ngày thông ruột và chữa trị mới thoát khỏi tay thần chết. Hai tháng sau, ông về nhà. Người vợ chạy ùa ra định thông báo cho chồng rằng bà đã sinh con trai được một tháng 12 ngày thì lại ngỡ ngàng với một cô con gái nuôi tình cờ đầy duyên số trên đường hành quân của chồng. Con trai, đặt tên Phú Hà (tức là Phú Yên – Hà Nội); còn đứa con gái nuôi, vợ chồng ông khai sinh đặt tên là Nguyễn Thị Ngọc Hoa, lấy ngày giải phóng Củng Sơn làm ngày sinh.
Cuộc đoàn viên…
Nguyễn Thị Ngọc Hoa có gương mặt trẻ hơn tuổi của mình. Thời gian đủ để cho một cô bé 3 tuổi trở thành một người mẹ hai con. Vợ chồng đã có nhà xây, việc làm nông cũng đủ chi tiêu nhưng nỗi ám ảnh về nguồn cội của mình vẫn làm cô đau đớn. Mấy lần hai vợ chồng chở nhau ngược lên Kon Tum, Pleiku đi tìm gia đình. Thất lạc khi còn quá nhỏ, không chút trí nhớ lưu lạc, Hoa đi tìm chỉ với một vết bớt ở chân. Có lần Hoa tìm đến một bà mẹ ở Pleiku. Bà cũng thất lạc đứa con gái nhỏ trên đường 7. Nhưng sau khi dò xét kỹ, mẹ lắc đầu bảo không phải. Người mẹ kia đề nghị nhận Hoa làm con nuôi. Chị không đồng ý.
Rồi cũng duyên số, khi chính người mẹ ấy tìm được con mình nhờ chương trình Như chưa hề có cuộc chia ly. Câu chuyện và hình ảnh của Hoa được lên sóng. Chương trình có tám thông tin phản hồi từ khán giả nhận rằng Hoa chính là đứa con gái thất lạc của họ, trong đó sáu gia đình đã lạc con trên đường 7. Rồi theo sự hướng dẫn, một gia đình từ Kon Đào, Đắk Tô lên tận nhà ông Trường để xem mặt Hoa.
Ấy là một người anh đi tìm đứa em đã mất tích rất lâu. Anh tên là Võ Đức Cường, bảo anh đang tìm đứa em có một vết thủy đậu (vết rỗ) trên mí mắt. Đó là vết tích không hề có trong hồ sơ của Hoa. Thế rồi xe dừng, Cường bước vào. Họ vừa nhìn thấy nhau đã lao vào ôm chầm: “Đây là em gái tôi thật mà!”. Chính vết thủy đậu trên mí mắt em người anh không thể nào quên được.
Thì ra ấy là một gia đình chịu nhiều chia biệt. Người chị thứ năm thất lạc ở một buôn làng Tây nguyên. Sau đó được bà con đùm bọc và lập gia đình với một người dân tộc. Gia đình họ mới tìm ra được cách đó hai ba năm. Còn Hoa, tên thật là Võ Thị Kim Dương, ở nhà gọi là Thúy Nga, sinh năm 1972. Ngày chạy loạn cô được người chị thứ ba cõng chạy theo cha mẹ. Rồi dép của Nga rớt, chị để em xuống vệ đường quay lại tìm dép. Chỉ một phút giây trong dòng người chạy loạn, hai chị em tự nhiên bị kéo đi xa hàng cây số và lạc mất nhau. Cuộc chia ly ấy kéo dài ba mươi mấy năm trời.
Vài ngày sau khi anh em nhận ra nhau, mẹ Hoa dẫn em gái thứ tám giống hệt Hoa cùng toàn bộ gia đình, mang theo rượu trà và một con heo quay đến nhà ông Trường xin nhận con. Phút gặp mặt, mẹ chỉ kịp ôm choàng lấy con gái mình rồi nấc lên: “Con ơi, mẹ tưởng trên cõi đời này mẹ chết đi mà không nhìn thấy con lần nữa!”. Phía trong nhà, tiếng ông Trường vọng ra: “Chúng tôi là ông bà nội, ông bà ngoại đây!”. Rồi ông Trường dâng lễ ông bà, rượu rót ra, ba bốn bậc sinh thành, nuôi dưỡng cùng ngồi lại. Họ ngỡ ngàng trong thế nhận ra nhau: Thì ra ba của Hoa ngày trước là lính địa phương quân chế độ cũ.
Họ ngồi ôn lại chuyện xưa, ông Trường nói: “Tôi với anh nếu gặp nhau ngoài chiến tuyến dứt khoát phải ngã một người. Còn bây giờ, tôi hạnh phúc vô cùng khi trao lại con gái cho anh. Nó là con của chúng ta, máu đỏ, da vàng, tình thương cùng nguồn cội…”. Họ uống chung ly rượu, người thì rưng lòng nhớ lại lúc thắt ngặt khó khăn nuôi con trẻ, người thì nhớ lúc đau lòng mất cả hai con… Cuộc hội ngộ đầy cảm động mà thời chiến,chính họ sẽ không bao giờ hình dung được.
Giờ đây, Nguyễn Thị Ngọc Hoa vẫn sống tại thị trấn Củng Sơn gần nhà bố Trường, và gửi đứa con trai đầu lòng lên cho ông bà ngoại ở Đắk Tô dạy làm ăn. Cô có giọng nói mềm mại, tưởng là giọng của một người trong đời chưa từng biết chuyện truân chuyên…
THU UYÊN (Trích từ Tuổi trẻ online)
>> Con đường chia ly và đoàn tụ – Kỳ 1: Câu chuyện của người chính ủy
>> Con đường chia ly và đoàn tụ – Kỳ 2: Đứa con nuôi của đại tá
>> Con đường chia ly và đoàn tụ – Kỳ 3: “Con chúng ta máu đỏ, da vàng…”
>> Con đường chia ly và đoàn tụ – Kỳ 4: Trường hợp của Chinh
>> Con đường chia ly và đoàn tụ – Kỳ cuối: Trẻ lạc không chiến tuyến