Báo chí
“Như chưa hề có cuộc chia ly” đang tìm bé An, My
Ngày đăng: 27/01/2010 | Lượt xem: 1370
Nhà báo Thu Uyên cho biết, vụ người cha lập website mong tìm con mất tích 15 năm là trường hợp thất lạc trẻ nhỏ nên hồ sơ được xếp vào diện ưu tiên trong số 20 ngàn hồ sơ của Chương trình “Như chưa hề có cuộc chia ly”.
Với kinh nghiệm của mình, Thu Uyên cho rằng, vụ việc nào chưa tìm ra thì còn khả quan. Chỉ khi nào con người không còn sống thì mới hết cơ hội.
Trao đổi với PV về vụ việc người cha Nguyễn Minh Châu tìm con gái Nguyễn Thị Trường An bị thất lạc tại Tiền Giang suốt 15 năm qua đang “thiêu đốt” cộng đồng mạng, được nhiều tờ báo đăng tải thông tin và được rất nhiều người quan tâm, nhà báo Thu Uyên, BTV chương trình “Như chưa hề có cuộc chia ly” của Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) bày tỏ: “Trường hợp thất lạc người thân thì bất cứ ai cũng đau khổ, đặc biệt là khi thất lạc một đứa con còn bé”.
– Thưa chị, được biết hồ sơ về vụ việc đã gửi đến chương trình “Như chưa hề có cuộc chia ly”, vậy chị suy nghĩ gì khi đọc hồ sơ và chương trình “Như chưa hề có cuộc chia ly” sẽ có sự giúp đỡ, hỗ trợ gì với trường hợp này?
Với công việc của chúng tôi, luôn phải tiếp cận với những trường hợp đau khổ như thế, rất rất nhiều. Anh Châu (cha cháu An), chị Phê (mẹ nuôi cháu My) đã đến Văn phòng tìm kiếm chúng tôi. Hồ sơ này đã được lập, chúng tôi đã bàn bạc về hướng đi. Là một trường hợp thất lạc trẻ nhỏ, hồ sơ này được xếp vào diện ưu tiên trong số 20 ngàn hồ sơ của Chương trình “Như chưa hề có cuộc chia ly” mà chúng tôi đang tiếp cận. Riêng số hồ sơ trẻ nhỏ mất tích đã lên tới hàng trăm.
Vừa rồi, khi thấy trên mạng xuất hiện trang www.nguyenminhchau.com lúc đầu tôi rất buồn vì không thấy đưa thông tin về em bé thứ 2 (bé My – cùng mất tích với bé An). Vì thông tin được đưa lên cộng đồng mạng rất nhanh, mà chỉ đưa những chi tiết cảm tính, thể hiện tấm lòng của một người cha đau khổ, thì liệu có ích gì? Và chỉ tìm một bé, mà lờ đi bé thứ hai, liệu có đáng tủi thân không? Tuy nhiên, tôi tin rằng, bây giờ trang web nguyenminhchau.com đã có ích, sau khi được cộng đồng mạng góp ý để bổ sung.
Bé Diễm My và Bé An chụp cùng ngừơi anh họ |
Tôi cũng rất xúc động khi nhiều người khuyên tìm đến chương trình của chúng tôi và chúng tôi cũng đã tiến hành xác minh trường hợp này, song song với nhiều trường hợp khác.
– Vậy khi tiến hành xác minh tìm kiếm hai bé gái mất tích này, chị có nhận định bước đầu như thế nào?
Bước đầu tôi nhận định trường hợp này không dễ vì ít nhiều mang tính chất hình sự. Có báo cho biết anh Châu đã giới hạn tìm con ở khu vực biển Hồ, Campuchia mà không cho biết vì sao lại thế – nếu gia đình tin theo hướng này thì chúng tôi sẵn sàng hướng dẫn gia đình sang biển Hồ xem thế nào.
Nhưng chúng tôi thì cứ phải theo thông tin có căn cứ, có logic. Chúng tôi phải xác minh từng mắt xích, đường dây rõ ràng thì mới tiến hành đi tìm.
– Nhưng hồ sơ về trường hợp này sẽ vẫn được chương trình “Như chưa hề có cuộc chia ly” tiếp tục quan tâm chứ, thưa chị?
Không có một bộ hồ sơ nào gửi tới chương trình “Như chưa hề có cuộc chia ly” mà chúng tôi xếp lại, nếu chưa tìm ra người thất lạc, hoặc, phải khẳng định được rằng không còn cơ hội gặp lại nữa.
– Đã thực hiện nhiều cuộc tìm kiếm người thất lạc, mất tích – chị có thể chia sẻ những kinh nghiệm để gia đình anh Châu có thêm cơ hội tìm kiếm hơn?
Kể càng nhiều thông tin liên quan đến em bé mất tích (bé An) càng tốt! Nhưng tôi vẫn nhấn mạnh rằng, cần phải kể về cả 2 em bé (An và My), kể về bối cảnh mất tích, về những kỷ niệm liên quan đến các em, liên quan đến người thân của các em…
Tôi ví dụ như người mẹ nuôi của bé My đã để nguyên kiểu tóc để con có thể nhận ra – đó là một phương pháp tốt nhất để người con nhớ được kỷ niệm của mình. Có ý kiến cho rằng bé mới 6 tuổi rất khó nhớ – nhưng không – chỉ cần có một thông tin nhắc lại kỷ niệm là các bé đã có thể nhớ ra.
Chúng tôi đã tìm ra trường hợp một cậu bé bị bắt cóc đưa đến tận Cà Mau thông qua chi tiết “ở nhà được nằm đệm”. Những năm 80, khi cuộc sống còn khó khăn thì chi tiết này rất quý để chúng tôi tìm những gia đình có điều kiện và hoàn cảnh liên quan đến vụ việc để từ đó có được kết quả tốt đẹp.Trang web tìm kiếm con (www.nguyenminhchau.com) cũng là một sáng kiến hay. Tuy nhiên, một trang web chỉ đưa thông tin đơn thuần là mất con sẽ dễ dẫn đến mỗi người mỗi ý rồi đưa ra hàng loạt những nhận định cảm tính, đôi lúc không có giá trị. Cần trình bày tốt hơn về ngày hôm đó thế nào, giờ giấc cụ thể ra sao, mặc gì, đi với ai…
Tôi cũng chưa thể nói chúng tôi đang làm gì, hiện các báo mạng đang thông tin dày về vụ việc, đưa ra nhiều tình cảm quá, cũng làm cho người cha (anh Châu) không tỉnh táo, không bình tĩnh để suy luận logic, ví như việc “khoanh vùng” tìm con làm anh tự tước đi các cơ hội tìm kiếm con ở những vùng khác; hay việc in hình con anh lên một sản phẩm nào đó thì anh ấy cũng không hiểu được lợi ích như thế nào khi in hình cháu như thế…
– Vậy, cho đến thời điểm này, theo chị thì việc tìm kiếm có khả quan?
Vụ việc nào chưa tìm ra thì còn khả quan. Chỉ khi nào không còn cơ hội về con người (không còn sống) thì mới là hết khả quan.
– Xin cảm ơn những ý kiến của chị!