Báo chí
Đêm gala vỡ òa nước mắt
Ngày đăng: 05/01/2009 | Lượt xem: 1661
Sau câu chuyện của bà Bộ trưởng, cao trào càng lúc càng được đẩy lên cao với những cuộc đoàn tụ ngoài sức tưởng tượng của mọi người để rồi cả không gian mênh mông trong phút chốc như chìm trong nước mắt…
Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Nguyễn Thị Kim Ngân đã đến dự gala kỷ niệm một năm ngày “Như chưa hề có cuộc chia ly…” phát sóng số đầu tiên tại Nhà thi đấu Nguyễn Du tối thứ bảy 3.1 vừa qua là vinh dự cho những người làm chương trình.
Nhưng điều bất ngờ là liên quan đến “dự án xã hội” này, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Ngân cũng có những nỗi niềm riêng. Mẹ của bà, bà Nguyễn Thị Sanh, một đầu mối chủ lực trong đường dây vận chuyển thuốc men và y cụ phục vụ kháng chiến từ những năm cuối thập niên 60 của thế kỷ trước, khi qua đời đã để lại cho chị em bà niềm mong mỏi gặp được viên đại úy quân y tên Đề, có 2 con tên Huấn và Lạng, những năm đó phục vụ tại bệnh viện Định Tường (nay thuộc Tiền Giang) nhưng đã thường xuyên bí mật gom thuốc Tây để tiếp tế cho cách mạng. Với hồ sơ ấy, từ 3 cái tên và một chút nhân thân ông Đề, đội tìm kiếm đã liên lạc và trực tiếp xác minh ở hơn 20 địa điểm thuộc hơn 10 huyện, từ Bến Tre sang Tiền Giang rồi lên Đồng Nai.
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Ngân (bìa trái) gặp lại hai người con của ông Đệ sau 35 năm |
“Đất nước chịu nhiều đau thương, hầu như trong gia đình nào cũng có chia ly, bất cứ một cuộc chia ly nào cũng không thể nào quên. Tôi cảm ơn chương trình đã mang lại nhiều cuộc đoàn tụ” — Bộ trưởng LĐ-TB-XH Nguyễn Thị Kim Ngân “Là người đã từng trải qua 82 ngày đêm Quảng Trị trong Mùa hè đỏ lửa 1972, đã từng chứng kiến nhiều cuộc chia ly, nhưng xem chương trình lần nào tôi cũng chảy nước mắt, xúc động vì tính nhân văn của nó” |
Và đến những ngày cuối cùng của tháng 12.2008, tin từ xã Bình Minh (Hố Nai 4 cũ, thuộc tỉnh Đồng Nai) báo về là ở đó có gia đình ông Phạm Văn Đệ (chứ không phải Đề), có hai con tên Huấn và Lạng, từng ở miền Tây trước ngày giải phóng. Chương trình đã lập tức về Đồng Nai và đã khám phá những bí mật tưởng chừng như đã vĩnh viễn ngủ yên. Ông Đệ trong chiến tranh đã âm thầm tiếp tế cho cách mạng như thế nào thì sau giải phóng cũng lặng lẽ góp sức cho cộng đồng đến ngày trút hơi thở cuối. Ông lập “chốt cấp cứu” để chữa bệnh cho dân, lặng lẽ làm việc thiện, làm Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ của xã, và chính quyền địa phương đến tận hôm nay mới được biết ông là người có công với cách mạng…
Cuộc đoàn tụ của chị em bà Bộ trưởng với những người con của ông Đệ tại đêm gala không nhiều nước mắt, nhưng ai nấy đều hiểu rằng nếu thiếu phút mặc niệm cho những người “thầm lặng mà làm nên sự nghiệp cho đất nước” như thế, sẽ rất có lỗi.
Bất ngờ của “đứa trẻ lạc nhà”
Thực ra khi nhận thư mời đến dự gala, vừa để chào năm mới 2009 vừa để mừng cho một năm thành công của nhịp cầu đoàn tụ này, không riêng gì chúng tôi mà có lẽ hầu hết những người có mặt đều nghĩ đến một diễn biến khác, với những “pha” lễ nghi thường thấy trong bất cứ một sự kiện mang tính “tổng kết” nào.
Khi trả lời nhà báo Thu Uyên, Nguyễn Văn Hà cùng cha nuôi của anh, ông Trần Văn Ba, đến từ huyện Dĩ An, tỉnh Bình Dương, cũng nói rằng đây là một “cuộc họp mặt cuối năm”, không hy vọng nhiều. Hà theo anh trai đi bắt dế rồi lạc nhà khi mới 4 – 5 tuổi, được đưa về nuôi dạy ở trường Mầm Non 2 (Thủ Đức, TP.HCM). Một lần, cậu bé bị bệnh phải vào điều trị ở Bệnh viện Nhi đồng 2 và gặp được ông Ba. Năm ấy con trai đầu lòng của ông Ba bị chết vì sốt xuất huyết nên ông xin Hà làm con nuôi. Trải qua mấy mươi năm, nay Hà đã lập gia đình, sắp làm bố, nhưng chưa thể tìm được nguồn cội của mình. Anh và cha nuôi mỗi người viết tay một bức thư gửi gắm tất cả hy vọng cho chương trình.
Cuộc đoàn tụ của gia đình anh Nguyễn Văn Hà |
Nhưng ngay chính cái đêm mà anh nghĩ chỉ là dịp “gala”, được thưởng thức những giọng ca của các ca sĩ tài danh như Đức Tuấn, Hồng Hạnh… đã là niềm hạnh phúc, thì những người làm chương trình đã mang đến cho anh niềm hạnh phúc lớn hơn. Đó là cả một đại gia đình ruột thịt, với tất cả các thành viên về từ xã Hố Nai 2, tỉnh Đồng Nai. Anh không thể ngờ, khi anh xuất hiện trên tivi tìm gia đình, những người thân của anh đã nhận ra và lên tiếng.
Vậy là tôi bao nhiêu tuổi?
Chị Huyền cũng là một trong số những “trẻ lạc nhà” được mời dự gala như anh Hà. Nhưng câu chuyện của chị không bắt nguồn từ những trò chơi tuổi thơ mà in dấu một giai đoạn chiến tranh khốc liệt của dân tộc. “Tôi nhớ là tôi bị bắt đi lúc rất nhỏ, có thể chỉ 4 hoặc 5 tuổi. Khi đó quê tôi được lệnh tản cư, nhưng không ai đi, thế là có lính đến càn và lục tung đồ đạc. Mẹ kịp bế em và dẫn chị chạy xuống hầm, còn tôi trốn vào một bụi cây rồi bị bắt đưa lên máy bay…”, chị Huyền kể.
Lúc đó ở bàn bên kia sân khấu, MC cũng đặt câu hỏi với một bà cụ: “Thưa cô, cô cũng thất lạc người thân phải không ạ”? “Tôi thất lạc đứa con gái tên Bùi Thị Mai, sinh năm 1966, bị bắt đi trong một trận càn vào năm 1969 lúc con tôi mới hơn 3 tuổi”, bà cụ trả lời. Liền sau đó, một phóng sự theo chân bà cụ này lên một xã vùng sâu của tỉnh Bình Phước được chiếu lên, với tiếng máy bay trực thăng gầm rú, những con người, những câu chuyện mấy mươi năm được nhắc lại. Nhận ra các chi tiết trên màn ảnh càng lúc càng trùng khớp với câu chuyện của mình, chị Huyền không thể kìm được cảm xúc nữa. Chị dường như níu chặt lấy nhà báo Thu Uyên và thét lên trong cơn nấc nghẹn: “Mẹ tôi đó sao? Ba tôi đó sao?… Vậy là tôi bao nhiêu tuổi?…”.
Chị Huyền lại được cha xoa đầu dỗ dành như ngày còn bé |
Nhà báo Thu Uyên dìu chị Huyền lên bục đoàn tụ với đại gia đình, vẫn chưa hết ngạc nhiên vì một đứa trẻ lên 3 như chị sao có thể nhớ nổi những chi tiết như thế. Tất cả như tan biến ra trong cái mênh mông của cảm xúc và người ta thấy rõ ánh mắt của nữ nhà báo kỳ cựu này, chủ nhiệm và là người dẫn chương trình, cũng đỏ hoe.
“Không thể tuyệt vọng”
Ngồi ngay trước mặt chúng tôi trong đêm gala là một người đàn bà dáng mạnh mẽ, với 2 cô con gái nhỏ đi theo. Chị nói: “Tôi thất lạc côi cút đã hơn 30 năm nay, tên tôi là Võ Thị Bông do cha mẹ nuôi đặt cho, còn tôi là ai, bao nhiêu tuổi, tên là gì, tôi không biết. Tôi chỉ nhớ rằng tôi bỏ nhà đi lúc 5-6 tuổi…”.
Chị Võ Thị Bông khóc khi thấy những gia đình khác đoàn tụ, còn trường hợp của chị…? |
Theo ký ức tuổi thơ của mình, bao nhiêu năm qua chị Bông đã lặn lội từ Tây Ninh về TP.HCM lang lang ở các khu có đường ray xe lửa chạy qua để hỏi thăm tin tức, tìm kiếm người thân, nhưng vô vọng. Hình ảnh cuối cùng mà phóng sự của những người làm chương trình ghi được là lúc chị thất thểu một mình, tay xách giỏ lê bước chân sau những tiếng còi tàu ở ga Sài Gòn. Không ai biết nước mắt của người đàn bà này đã chảy bao nhiêu trong hành trình tìm kiếm người thân đơn độc như thế. Ở những phút gần cuối của chương trình, nhà báo Thu Uyên phải nắm chặt tay chị, động viên: “Không thể tuyệt vọng. Bông còn cảm thấy người thân của mình chỉ quanh đâu đây thôi, thì nhất định còn hy vọng”. Chị gật đầu, nhưng nước mắt cứ tuôn, những tiếng nấc nghẹn vẫn không dứt.
Theo kịch bản thì sau khi dứt phóng sự, cảnh đoàn tụ của chị Bông với gia đình mới diễn ra nhưng đêm ấy đã xảy ra một ngoại lệ. Những người làm chương trình đã quyết định phá vỡ kịch bản, tác thành cuộc gặp gỡ ngay khi chị Bông vừa nhận ra hình ảnh mẹ ruột của mình trên màn ảnh và gào lên vật vã.
Chị Bông gần như quỵ xuống khi gặp lại anh, chị, em của mình |
Thực ra, những đường ray xe lửa trong ký ức của chị Bông đã không còn từ hơn 20 năm qua, thay vào đó là một con đường nhựa chạy xuyên qua chợ Vườn Chuối. Và đó chính là “thủ phạm” mấu chốt khiến chị không thể tìm được những người thân, dù chỉ ở quận 3, ngay giữa trung tâm thành phố này.
Nhà báo Trần Bình Minh, nay là Phó bí thư Tỉnh ủy Nghệ An, chia sẻ sự xúc động của mình và nói: “Là người chứng kiến sự ra đời cúa ý tưởng này, một ý tưởng xây dựng chương trình đầy tính nhân văn, tôi cũng không ngờ chương trình đã phát triển nhanh như thế…”.
Tại đêm Gala, nhạc sĩ Văn Ký đã gửi tặng những người làm chương trình bài hát Như chưa hề có cuộc chia ly (nhạc sĩ Trần Hữu Bích phối âm, ca sĩ Hồng Hạnh biễu diễn). Ông cho biết: “Tôi khâm phục những người làm nên chương trình nhân ái này”. Nhạc sĩ Dương Như Phú và Thàn Đức tặng chương trình các bài hát xúc động Như chưa hề, Hãy lên tiếng và Gia đình hồi sinh. |