Báo chí

“Như chưa hề có cuộc chia ly…”: Không dàn dựng khi đi quay phóng

Ngày đăng: 09/08/2008 | Lượt xem: 1144

Những cuộc gặp gỡ cảm động và đầy nước mắt. Người xem hồi hộp chứng kiến phút giây đoàn tụ của nhiều gia đình sau bao năm ly tán. Từ tháng 12.2007 đến nay, chương trình “Như chưa hề có cuộc chia ly” (NCHCCCL) phát sóng trực tiếp trên VTV1 ngày thứ bảy đầu tiên của tháng đã thu hút một lượng lớn người xem bởi tính chân thực và nhân văn của nó. Trao đổi với Văn Hóa, nhà báo Thu Uyên – Chủ nhiệm chương trình- sôi nổi:

– Có một ý tưởng, phải tìm cách thực hiện nó, và đó mới là điều khó. Những người abạn của tôi là những người đồng chí trong mong muốn mang lại niềm vui đoàn tụ cho những người đang bị chia ly vì nhiều lý do khác nhau, nhưng nhiều nhất là do chiến tranh, do nghèo túng. Đầu tiên là Báo Thanh Niên, Cty Sài Gòn Buổi sáng và Viettel đã ủng hộ, rồi có VinaGame, Hãng phim Thanh Niên, và nhiều người bạn nữa. Nói chung, mỗi người một vị trí khác nhau, nhưng chúng tôi đều đã chung một nguyện vọng là làm việc thiện một cách trực tiếp, thiết thực và không ồn ào.

Để chương trình đạt hiệu quả sống động và chân thực trên sóng truyền hình, các chị đã đề ra những yêu cầu gì cho mình? Có những tình huống ngoài dự kiến trong khi phát sóng trực tiếp?

– Cuộc sống vốn dĩ đa dạng, những chuyện đời mà chúng tôi thu hoạch được thật vô cùng sống động. Khi tìm kiếm, chúng tôi tuân thủ những nguyên tắc xác minh thông tin kỹ lưỡng và đến cùng. Khi làm người kể chuyện, chúng tôi cố gắng để nhìn rừng trước khi nhìn khi nhìn cây. Mỗi câu chuyện chia ly hay đoàn tụ trong NCHCCCL hẳn không thể làm rung động khán giả đến như thế, nếu chúng chỉ là chuyện của vài người, của một gia đình. Vì vậy, tôi vừa làm vừa học rất nhiều: ôn lại lịch sử, tìm “nhân vật lịch sử” để hỏi han, tra cứu tài liệu tham khảo về tâm lý, đọc thêm sách, tra tranh ảnh của địa điểm và thời kỳ liên quan… Nhiệm vụ của chúng tôi không chỉ là hàn gắn chia ly, mà còn là qua đó, “nhìn cây mà thấy rừng”, vì có biết bao nhiêu là nhân tình và luân lý trong những câu chuyện chia ly – đoàn tụ đó.

Nhưng, nguyên tắc quan trọng nhất mà chúng tôi luôn tuân thủ là bảo đảm chân thực. Không “giả vờ” khi xử lý thông tin, không dàn dựng khi đi quay phóng sự, và sự bất ngờ ở trường quay phải là chân thật nhất. Còn làm thế nào để bất ngờ, thì đó là “bí mật nghề nghiệp” của chúng tôi đấy.

Những phản hồi từ phía công chúng tới Đài Truyền hình trong suốt thời gian qua là gì? Trước quá nhiều yêu cầu tìm kiếm, các chị lựa chọn những hoàn cảnh éo le nhất để thực hiện, xây dựng chương trình truyền hình?

– NCHCCCL là một cái tên dài và khó thuộc, vậy mà rất nhiều khán giả đã nhớ. Chương trình live vào một ngày thứ bảy đầu tiên của tháng, cũng không phải dễ nhớ gì, vậy mà khán giả không bỏ lỡ. Chúng tôi xúc động lắm, vì đã có hàng chục bài thơ khán giả gửi về tặng Chương trình. Bác Trần Văn Đức sáng tác bài hát Gia đình hồi sinh, anh Dương Như Phú gửi đĩa nhạc hai bài anh viết Như chưa hề… và Hãy lên tiếng, nhạc sĩ Văn Ký gọi điện nói bác đang sáng tác ca khúc từ cảm xúc khi xem chương trình… Những lời động viên thì nhiều không kể xiết. Chúng tôi thực sự thấy ấm lòng.

Sự ưu tiên của chúng tôi là dành cho những trường hợp mà cuộc gặp lại mang một ý nghĩa lớn lao cho người trong cuộc. Mẹ mong gặp con, con đi tìm cha mẹ, người thất lạc gia đình, người tìm lại ân nhân, và những trường hợp mà thời gian không cho phép chờ đợi lâu hơn nữa… Chúng tôi cũng chọn để kể trước những trường hợp đã tìm ra, mà câu chuyện có mang ý nghĩa với cộng đồng nói chung.

Và chương trình sẽ được tăng thời lượng phát sóng trong thời gian tới để đáp ứng với yêu cầu ngày càng cao của công chúng?

Mang lại niềm vui cho cộng đồng là hạnh phúc của nhà báo Thu Uyên

– Với khả năng hiện nay, chúng tôi có thể đảm nhận tìm ra và xử lý thông tin cho 2 số 1 tháng. Nghĩa là mỗi tháng sẽ có 5-6 gia đình được đoàn viên, khoảng 30 người được lên tiếng gọi người thân trong chương trình trực tiếp. Khi có nguồn tài trợ để thực hiện và có kinh phí phát sóng, chúng tôi sẽ xin ý kiến lãnh đạo Đài về việc này.

Cái khó nhất khi chị và các đồng nghiệp thực hiện chương trình này là gì?

– Là mỗi tháng chỉ có ba chục ngày. Từ live này đến live kế tiếp khi thì 4 tuần, khi thì 5. Quay qua quay lại đã thấy hết thời gian chuẩn bị. Mà trong 4 hoặc 5 tuần đó, phải nghĩ, phải ngấm, phải sống, phải quan sát và mô tả lại hơn một chục thân phận;  phải tìm, phải đến, phải đi, phải cân nhắc từng li từng tí. Khó nhất, là không được cho phép mình vội vã trong điều kiện công việc xoay vần như chong chóng.

Đến giờ, trường hợp đoàn tụ nào để lại cho chị sự xúc động mạnh mẽ nhất?

– Đó luôn luôn là một cuộc đoàn tụ trong số mới nhất. Như vậy thì sự xúc động mạnh mẽ nhất chắc luôn luôn ở phía trước. Giờ đây, khi Chương trình trực tiếp số 9 vừa kết thúc, tôi vẫn chưa cầm lòng được khi nhớ đến lúc cô Lê Thị Mỹ Ngọc ôm con gái xa cách 37 năm 6 tháng 2 ngày vào vòng tay và nói: “Mẹ xin lỗi con, hôm đó mẹ đi cõng gạo mà để con lại”. Mỹ Phương bị biệt kích bắt từ căn cứ cách mạng Gia Lai khi mới hơn 2 tuổi, nay đã tròn 40, em vẫn mơ hồ ước có ngày gặp ba gặp mẹ, nhưng tôi cứ tự hỏi có bao giờ em hình dung được mẹ em sẽ nói câu như thế là câu đầu tiên khi gặp lại em hay không…

Với cá nhân chị, từ một bình luận viên thời sự quốc tế, một người làm báo điện tử và bây giờ là chủ nhiệm một chương trình kiêm người dẫn chương trình có tính xã hội và nhân đạo cao, chị có gặp một sức ép nào không?

– Tôi thấy rằng ai, làm nghề gì cũng đều có thể làm việc thiện được. Tôi rất kính trọng những con người tình nguyện, và cả những anh chị làm kinh doanh mà song song vẫn đi làm từ thiện rất thầm lặng. Mỗi người đều có cách của mình. Tôi có may mắn là làm truyền hình đã gần 20 năm, làm báo điện tử và tham gia một số công tác xã hội, nên giờ đây, xây dựng và tiến hành dự án nhân đạo đa truyền thông NCHCCCL có lẽ là đã vừa sức.

Một chút riêng tư, chị hài lòng về cuộc sống hiện nay?

– Tôi hạnh phúc với những gì tôi đang có và vì thế tôi có động lực để yêu đời và để làm việc vì nhiều người.

Xin cảm ơn chị!

Minh Quân (báo Văn Hóa)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *