Khán giả
Không chỉ là giấc mơ
Ngày đăng: 15/08/2011 | Lượt xem: 1118
Sở hữu bằng cử nhân tài chính-ngân hàng và thạc sỹ quản trị, Tôi dễ dàng kiếm được nhiều công việc hấp dẫn ở một đất nước khan hiếm lao động tay nghề cao như Campuchia. Vì thế, tôi đã kiếm được việc làm từ khi còn đi học, lúc đó Tôi mới 17 tuổi đã làm điều phối viên cho một dự án Bảo vệ quyền lợi trẻ em của Tổ chức phi chính phủ. Cuối năm 2009, Tôi nhận được một cuộc điện thoại từ đài truyền hình Bayon mời làm việc với tư cách là trưởng nhóm một chương trình nhân đạo mang tên: It’s not a dream (Không phải là giấc mơ). Theo như thông tin từ đài Bayon thì chương trình này do Metfone tài trợ kinh phí và tham gia phối hợp cùng với đài Bayon để tổ chức, cung cấp các dịch vụ miễn phí, giúp người dân Campuchia đoàn tụ người thân đã bị thất lạc. Thật sự, lúc đó Tôi không mấy quan tâm tới chương trình này, một phần vì Tôi đang có một công việc rất tốt, một phần Tôi không có đủ niềm tin là chương trình này sẽ tìm được người thất lạc. Hơn nữa, chương trình lại do một doanh nghiệp tài trợ nên Tôi hoài nghi về mục đích nhân đạo của nó. Tuy nhiên, sau khi tìm hiểu biết rằng chương trình tương tự đã thành công ở Việt Nam và Nga thì Tôi đồng ý làm, cũng muốn thử thách mình với một chương trình mới xem sao, biết đâu lại mang lại cơ hội cho những người xung quanh mình.
Thách thức và chán nản
Nhóm của chúng Tôi có 11 người. Ngoài Tôi ra, các bạn còn lại chưa từng đi làm, một số còn đang đi học. Tuổi còn rất trẻ, kinh nghiệm sống rất ít. Trong khi đó công việc tìm kiếm không hề đơn giản như mọi người nghĩ lúc đầu, mặc dù đất nước Tôi có vô số trường hợp bị ly tán do chiến tranh và nội chiến, đặc biệt dưới thời kỳ diệt chủng của chế độ Pôn Pốt. Cái khó khăn lớn nhất là chương trình này quá mới, người dân chưa có niềm tin nên mặc dù được sự hỗ trợ quảng bá của Đài truyền hình và phát thanh Bayon nhưng lúc đầu không có ai đăng ký tìm người thân. Trong khi đó, trong tay chúng Tôi lại chưa hề có một cơ sở dữ liệu nào về những trường hợp bị thất lạc. Tôi đi gõ cửa nhiều nơi, nhiều tổ chức phi chính phủ để xem họ có chút ít thông tin nào nhưng kết cục là cũng chỉ những thông tin không có nhiều manh mối. Thực sự thời gian đó, Tôi và cả nhóm bắt đầu cảm thấy bế tắc. Tôi đã bị áp lực rất lớn từ việc phải đảm bảo thúc đẩy tinh thần làm việc cho cả nhóm và tìm ra lối thoát cho chương trình. 5 tháng đầu tiên trôi qua, gần như không có một giải pháp nào. Có được một vài hồ sơ do người thân của nhóm đăng ký nhưng lại không có hy vọng nào để tìm kiếm vì quá ít thông tin. Cả nhóm của chúng tôi gần như rất chán nản. Để động viên mọi người, Tôi thường
nói chúng ta sẽ thành công vào một ngày nào đó, hãy cố gắng lên các bạn, phải có niềm tin như chính chương trình của chúng ta chứ? Nói vậy nhưng trong đầu Tôi lúc ấy cũng gần như đã muốn bỏ cuộc, thậm chí nghĩ mình không đủ năng lực để thực hiện dự án này.
Các thành viên của Chương trình "It’s not a dream" |
Niềm hạnh phúc vỡ òa
Tuy nhiên, may mắn là chúng tôi không đơn độc. Khác với hình dung ban đầu của Tôi là Metfone chỉ đơn giản “đưa một cục tiền” mà không gắn trách nhiệm của mình với chương trình như bao Công ty khác vẫn làm ở đất nước Tôi, Metfone lại thành lập cả một nhóm để cùng chúng Tôi trực tiếp làm chương trình này. Họ còn tổ chức cho chúng tôi đi đào tạo và học hỏi kinh nghiệm ở Việt Nam và mời hẳn Ms. Thu Uyên (phụ trách chương trình: Như chưa hề có cuộc chia để làm cố vấn cho chương trình. Trong những ngày đầu khó khăn, nhân viên Metfone đã trực tiếp xử lý từng hồ sơ, biên dịch từ tiếng Khmer sang tiếng Việt để chuyển cho Ms Uyên tư vấn tìm ra manh mối. Các chuyến công tác của chúng Tôi đến mỗi tỉnh đều được sự giúp đỡ nhiệt tình của nhân viên Metfone ở tất cả các chi nhánh.
Ms Thu Uyên (người mặc áo đen, đứng vị trí thứ 7 từ tính trái sang) và ekip "It’s not a Dream" tại Campuchia |
Những email qua lại với Ms Uyên và nhóm Metfone khiến Tôi cảm thấy được động viên lắm. Những khó khăn dần dần được tháo gỡ, nhóm chúng Tôi bắt đầu học được cách phỏng vấn, khai thác thông tin và kết nối các manh mối với nhau. Với sự hỗ trợ của các nhân viên làng xã Metfone, chương trình đã đưa được xuống tận những xã ở rất xa, mà ngay cả đài radio của đài Bayon cũng không tới được. Và những cuộc điện thoại gọi tới chương trình ngày một nhiều lên. Mặc dù phần lớn người dân gọi tới cũng mới chỉ dừng ở mức muốn thử thêm một cơ hội…
Rồi cái ngày mà cả nhóm mong đợi hơn nửa năm trời cũng đã tới. Một buổi sáng đẹp trời của tháng 4/2010, chúng tôi nhận được một trường hợp từ một người tên là Rithy ở tỉnh Rattana Kiri, mong muốn tìm gia đình bị thất lạc nhiều năm. Sith Rithy sinh ra trong một gia đình có 3 anh em, bố mất sớm. Mẹ đi bước nữa. Người cha dượng nghiện ngập rượu chè đánh đập Rithy khiến anh phải bỏ nhà ra đi khi anh mới 12 tuổi. Lang bạt khắp nơi từ Battambang, Kaphong Thom…rồi cuối cùng anh sống cuộc đời thợ săn rất nghèo khổ tại tỉnh miền núi Rattanak Kiri. Kể từ khi bỏ nhà ra đi, chưa một ngày nào anh không nhớ mẹ. Nhưng cậu bé 12 tuổi không còn nhớ được đường về nhà. Đến lúc trưởng thành rồi thì anh quá nghèo để đi tìm mẹ. Cho đến khi tình cờ một hôm anh đi săn về thì nghe đài radio thông báo có chương trình “It’s not a dream” nên anh gọi cho chúng Tôi nhưng cũng không hy vọng gì nhiều.
Ekip "Như chưa hề có cuộc chia ly…" và "It’s not a dream" tại Việt Nam |
Dưới sự hướng dẫn chi tiết của Ms Uyên, cuối cùng chúng tôi cũng tìm ra được địa chỉ của nhà mẹ Rithy ở Battambang. Cả nhóm vui mừng khôn xiết và bắt đầu hồi hộp giữ kín bí mật cho tới phút hội ngộ. Trong khi nhóm của chúng tôi lo tập dượt kịch bản chương trình thì nhóm của Metfone lo thiết kế trường quay, đảm bảo ánh sáng đến trực tiếp đưa đón người nhà Rithy lên Phnom Penh. Tôi vẫn còn nhớ khi gặp chúng tôi, mẹ Rithy còn nói “Rithy là đứa con hiếu thảo và thương bà nhất trong nhà, bà không biết bao nhiêu đêm đã khóc vì nhớ con, nhưng bà không còn hy vọng có một ngày được gặp lại và bà tự an ủi mình rằng “Nó đã chết rồi”. Thế mà khoảnh khắc không ngờ ấy lại tới. Cả Gia đình họ quá đỗi bất ngờ…những giọt nước mắt tuôn trào trên má người mẹ và chị Rithy.
Cả nhóm làm chương trình của chúng tôi vỡ òa niềm hạnh phúc. Không ai nói một lời nào nhưng Tôi cảm nhận được những nỗ lực của nhóm đã được đền đáp. Chúng tôi bắt đầu có niềm tin vào những thứ “không thể nay thành có thể”.
Chị CHHOM PHANNA, 1 thành viên của "It’s not a deam" |
Và thật tuyệt vời hơn cả mong đợi sau khi chương trình đầu tiên phát sóng có hơn 100 cuộc điện thoại tời đường dây nóng và hơn 20 gia đình tới làm việc với chúng tôi mỗi ngày vì họ tin rằng họ cũng có thể tìm lại được thành viên trong gia đình mình. Có vô số những ước nguyện được thốt ra, và những con người im lặng nhẫn nhịn và chịu đựng ấy đã bật lên một khát vọng thôi thúc dám mưu cầu một hạnh phúc tìm lại được. Và điều đó đã mang đến rất nhiều hạnh phúc, cho tất cả những người có hoàn cảnh ấy, và cả những người làm chương trình. Niềm hạnh phúc ấy thật không thể nào tả nổi.
Sau sự thành công của số đầu tiên, các cam kết của chúng tôi ngày càng mạnh mẽ hơn. Và không bao lâu sau đó, chúng tôi tìm thấy một trường hợp khác và chỉ sau 1 tháng chúng tôi đã đoàn tụ được 4 trường hợp. Có những lúc chúng tôi đoàn tụ được 1 trường hợp mỗi ngày. Sự thành công bước đầu này đã khiến cho chính cả ông Tith Thavrith, Phó Tổng Giám đốc đài truyền hình Bayon phải thốt lên “Lúc đầu, Tôi không bao giờ tin rằng chương trình này có thể tìm được người thất lạc, không bao giờ….nhưng bây giờ thì Tôi đã tin, niềm tin là quan trọng”.
Cho tới hôm nay, chương trình của chúng tôi đã quá nổi tiếng với nhiều người dân Campuchia. Trong thời gian công tác xuống tỉnh, tôi có hỏi một số người về chương trình này. Bạn có biết họ đã nói gì không? họ nói mỗi thứ năm hàng tuần, cả gia đình họ thường xuyên ăn tối sớm hơn bình thường để kịp xem chương trình của chúng tôi. Cả gia đình cùng khóc và hạnh phúc cùng với những trường hợp được đoàn tụ.
Các thành viên và nhân vật sau đêm đoàn tụ
|
Với tôi, đó là niềm hạnh phúc đặc biệt. Tôi thấy mình có ích hơn rất nhiều vì giúp được những điều lớn lao cho những người bị xa cách người thân. Tôi không biết phải dùng từ nào để mô tả cảm giác của tôi mỗi khi tôi chứng kiến cảnh đoàn tụ trong các chương trình. Bố tôi mất vào năm 2008 và đó là lần đầu tiên tôi biết tới cảm giác bị mất một người quan trọng. Tôi nhớ Bố tôi mỗi ngày nhưng tôi biết ông không thể quay trở lại. Tôi thực sự hiểu cảm giác bị mất một người thân quan trọng như thế nào và khi không có hy vọng được gặp lại, nhưng sau đó bỗng một hôm, họ lại “tìm thấy” và được “chạm” vào người thân yêu của mình trong một không gian nhỏ hẹp của trường quay, đó là một khoảnh khắc thiêng liêng mà không có từ ngữ nào diễn tả được. Đối với tôi, tôi hay khóc mỗi khi thấy nhân vật của mình khóc và ôm nhau sau hơn 30 năm xa cách.
Cho tới bây giờ chúng tôi đã đoàn tụ được 7 trường hợp và trong số đó có 5 trường hợp đã làm lay động lòng người và đã khuyến khích những người gần như tuyệt vọng đi tìm lại người thân.
Và khi giấc mơ trở thành hiện thực
Với Tôi, chương trình này quả là rất đặc biệt và là một món quà bất ngờ. Không đơn giản chỉ có niềm tin vào cuộc sống và vào những nỗ lực của chính mình mà Tôi còn nhìn nhận vấn đề cởi mở hơn. Những nghi ngờ của Tôi về ý đồ của Metfone bị xóa tan khi tôi nhận được quyết định của họ từ bỏ quyền lợi quảng cáo giữa chương trình của họ trong Biên bản ghi nhớ với lý do đây là một chương trình nhân đạo và họ chỉ muốn thuần túy nó đúng nghĩa là nhân đạo.
Tôi thấy mình thật sự may mắn, hơn bao nhiêu người trẻ ở thế hệ của Tôi khi không trải qua chiến tranh, mất mát, nhưng lại được trực tiếp góp phần đoàn tụ những số phận ly tán, giúp Tôi không còn “vô tâm” trước những nỗi đau mất mát của dân tộc mình. Lần đầu tiên trong đời, Tôi biết đến thế nào là làm việc không hề mệt mỏi và luôn hứng thú vì biết rằng sau những nỗ lực sẽ là những sự hạnh phúc của các cuộc sum vầy.
Giúp đỡ mọi người đoàn tụ với người thân đã thất lạc thậm chí đã mất thực sự là một thứ quý giá nhất trên cõi đời này. Không có gì quan trọng hơn gia đình trong cuộc sống của chúng ta, tôi nghĩ vậy.
Website của dự án – www.closer.com.kh |
Chỉ đơn giản có hai chữ “đoàn tụ”, vậy mà con người ta có khi phải mất cả đời người để có được nó. Trong cuộc sống này có những thứ có thể lành lại được nhưng nỗi đau chia ly thì gần như không thể. Ruột thịt khi đã cắt ra rồi thì không gì có thể lắp vào thay thế được. Có thể họ sống chông chênh thế nào đấy mà vượt qua được 20 năm, 30 năm, nhưng chỉ đến khi gặp được nhau họ mới thật sự sống như trường hợp của Mr Sun Phy, bị thất lạc gia đình từ năm lên 9 tuổi do Pôn Pốt bắt đi lính. Sau khi tự do, anh vẫn không hề biết tới hòa bình và thế giới bên ngoài, không hề biết mình là ai và lớn lên trong gia đình như thế nào, anh sống ở Banteaymeanchey và không biết đi đâu vì thế giới này quá rộng lớn đối với anh. Mặc dù sống với vợ nhưng lúc nào anh cũng cảm thấy đơn độc. Khi chương trình giúp anh đoàn tụ với gia đình, anh đã nói: từ nay trở đi anh không hề đơn độc nữa. Anh biết mình là ai và nơi anh đã sinh ra, Anh cảm ơn Metfone và Bayon đã giúp cho giấc mơ của anh thành sự thực.
Và còn nhiều, nhiều trường hợp được đoàn tụ nữa. Mỗi người một số phận. Nhưng sau khi được được đoàn tụ, họ đã sống tốt đẹp hơn rất nhiều. Khi Tôi đi quay hay tìm kiếm, mọi người biết Tôi là ai, và bắt đầu nói về chương trình này. Tôi thầm cảm ơn những người đã tạo ra chương trình này vì những gì hiện nay chúng tôi đang làm và hướng tới cộng đồng cũng chính là cho chính mình. Mang hạnh phúc đến cho ai đó thì mình là người được nhận nhiều hạnh phúc nhất.
Prak Sokhayouk
(Trưởng nhóm chương trình “Its not a dream”)
Nguồn ảnh: www.closer.com.kh
Công ty Metfone (Viettel Cambodia) đã phối hợp cùng Đài Bayon TV (Campuchia) chính thức khởi động chương trình đoàn tụ người thân với tên gọi “Không phải là giấc mơ” (It’s not a dream). Đây là chương trình nhân đạo đã được triển khai thành công và có ý nghĩa xã hội sâu sắc tại Việt Nam qua tên gọi “Như chưa hề có cuộc chia ly” với sự phối hợp giữa Viettel và Đài Truyền hình Việt Nam. Chương trình "Không phải là giấc mơ" số đầu tiên phát sóng vào tháng 08/2010 trên Đài Bayon TV. Với mạng lưới rộng khắp tại 24/24 tỉnh, thành phố, ngoài việc tài trợ toàn bộ kinh phí cho chương trình, Metfone còn chịu trách nhiệm tổ chức đội ngũ nhân viên hỗ trợ cho hoạt động tìm kiếm, có mặt tại các vùng miền khác nhau ở Campuchia, thậm chí ra nước ngoài để tìm manh mối, thông tin của những người bị thất lạc. |