Khán giả
Vấn đề tâm lý của trẻ bỏ nhà đi
Ngày đăng: 14/04/2011 | Lượt xem: 1214
Trong Chương trình, NCHCCCL số 41 “Đường trở về nhà” phát sóng trên VTV1 và VTV4 vào thứ 7, ngày 02/04/2011, vấn đề trẻ em bỏ nhà đi đã được đề cập với nhiều góc độ. Trong đó, cuộc đoàn tụ mà NCHCCCL mang tới cho các em và gia đình các em có thể xem như bước khởi đầu của một quá trình. Chương trình đã đề nghị các nhà tâm lý thông qua NCHCCCL hướng dẫn các gia đình có con hồi gia, để các bậc cha mẹ biết cách thể hiện tình yêu thương dành cho các em một cách hợp lý nhất trong hoàn cảnh của họ. Chúng tôi rất vui mừng, là ngay sau khi chương trình được phát song, 2 nhà tâm lý đã gửi ý kiến tư vấn rất khoa học, đồng thời rất nhân hậu, cho chúng tôi. Xin chân thành cảm ơn ông Chu Văn Lễ – hiện đang làm việc tại Sở Giáo Dục thành phố Vancouver (Canada) và Thạc sĩ Tâm lý học Thanh Phương. Xin mời quí vị khán giả tham khảo.
>> Xem bài viết Giúp trẻ trở về với gia đình của chị Thanh Phương – Thạc sĩ Tâm lý học phát triển trẻ em và thanh thiếu niên- hiện đang công tác ở Trung tâm Hỗ trợ sáng kiến phát triển cộng đồng (SCDI).
>> Xem NCHCCCL 41 – Đường trở về nhà >> Ngôi nhà từ thiện của trẻ em lưu lạc |
Dưới đây là bài viết của Ông Chu Văn Lễ – hiện đang làm việc trong ngành xã hội, chuyên về thanh thiếu niên và gia đình ở thành phố Vancouver (Canada).
Kính gửi Ban Phụ Trách Chương Trình Như Chưa Hề Có Cuộc Chia Ly,
Tôi là một người Việt, đang định cư tại Canada. Qua hệ thống mạng internet, tôi thường xuyên theo dõi chương trình của các anh chị và rất ngưỡng mộ tinh thần phục vụ và lòng nhân đạo của mọi người trong nhóm thực hiện chương trình.
Ở Canada, tôi làm việc trong ngành xã hội, chuyên về thanh thiếu niên và gia đình. Một số lớn các công việc tôi đã kinh qua có liên quan đến trẻ bụi đời hay thanh thiếu niên phạm pháp và giúp các em bắt đầu một cuộc sống mới. Phần nhiều những kế họach này đều có liên quan đến sự hợp tác của các bậc phụ huynh, một cách trực tiếp hay gián tiếp.
Sau khi xem chuơng trình vừa phát hôm đầu tháng 4, tôi có nhiều suy nghĩ và muốn liên lạc với các anh chị. Xin phép cho tôi chia sẻ một vài kinh nghiệm làm việc của mình trong lĩnh vực này như là tài liệu tham khảo cho các trường hợp anh chị đang giúp đỡ.
Em Nguyễn Sỹ Đức, bỏ nhà đi từ tháng 11/2010, đã về lại với gia đình trong NCHCCCL 41 |
Truớc hết, tôi quan niệm gia đình là một tổng thể. Bất cứ một sự thay đổi nào của một cá nhân trong tổng thể đó đều có tác động đến những thành viên khác. Nói như vậy có nghĩa là không thể đòi hỏi một cá nhân trong gia đình thay đổi mà không có sự đồng
thuận hay hỗ trợ để cùng thay đổi của những thành viên khác.
Trong các trường hợp chia ly của các thành viên trong gia đình, ngọai trừ vì lý do tai nạn mà lạc nhau, khi trẻ quyết định bỏ nhà ra đi, thuờng là dấu hiệu của một vấn đề lớn hơn.
Sau một thời gian sống lang thang, nhiều em bắt đầu có ý định muốn trở về nhà. Tuy nhiên điều này chỉ có nghĩa là cuộc sống ở hiện tại của các em quá cơ cực và lòng thương nhớ gia đình của các em đang bắt đầu phát triển mạnh. Nó không có nghĩa là nguyên nhân gây ra sự bỏ nhà ra đi của các em đã được giải quyết.
Trong nhiều trường hợp, các em trở về nhà sống được một thời gian rồi vì không chịu nổi áp lực hay sự căng thẳng mà lại bỏ nhà ra đi thêm một lần nữa. Mỗi lần đi sau thì ý thức không thể sống ở nhà trong các em càng trở nên rõ ràng và mãnh liệt hơn. Đến một lúc nào đó, các em quyết định thôi không về nhà nữa, mặc dù nỗi nhớ nhà vẫn còn nung nấu trong lòng.
Lại có những trường hợp khác, cha mẹ khi đón con trở về, lại quá lo lắng là con sẽ bỏ nhà đi nữa nên cố lòng chiều theo ý con bằng mọi giá. Điều này có nghĩa là trẻ có nguy cơ làm quen với lối sống buông thả, vô kỷ luật và dễ trở thành đối tượng bị chiêu dụ bởi những thành phần bất hảo trong xã hội.
Về nghiệp vụ tham vấn căn bản thì tôi chắc các anh chị đã biết nên cho phép tôi không nhắc tới. Có một cách tiếp cận vấn đề mà tôi thấy có kết quả tốt là giúp cho các thành viên chọn ra một điểm mình mong muốn thay đổi để sinh họat trong gia đình khả quan hơn.
Thường thì mỗi gia đình đến gặp tôi sẽ bắt đầu gặp định kỳ hàng tuần để kiểm điểm những điều đã làm được trong tuần và đề ra hướng làm việc cho tuần tới. Ở cuối mỗi buổi họp, tôi thường hỏi phụ huynh chọn ra một điểm họ muốn con mình thay đổi trong tuần. Nên nhớ là chỉ một điểm. Sau đó mang điểm đó ra thảo luận với các em và gia đình để xem tính khả thi của yêu cầu. Tương tự, tôi cũng hỏi các em chọn ra một điểm các em mong muốn cha mẹ mình thay đổi để giúp sinh họat gia đình tốt hơn. Lời yêu cầu này cũng được mang ra thảo luận với phụ huynh để xem có thể thực hiện được không. Nếu có sự đồng ý của cả phụ huynh và các em, lời yêu này sẽ trở thành mục tiêu thay đổi trong tuần của gia đình. Sau đó tôi giúp họ lên kế họach thực hiện và làm hẹn cho buổi họp tuần sau.
Điều quan trọng khi thực hiện bước này là phải giúp cho mọi người đề ra một mục tiêu cụ thể. Thí dụ mục tiêu là sẽ đi học một tuần 4 ngày, thay vì sẽ đi học thường xuyên hơn.
Theo kinh nghiệm làm việc của tôi, phần lớn phụ huynh cũng như các em đều muốn thay đổi để cải thiện quan hệ trong gia đình. Tuy nhiên, nhiều khi chỉ có thể dừng lại ở ước muốn vì không biết phải bắt đầu từ đâu và làm như thế nào. Thói quen của con người ta đôi khi là điều khó thay đổi. Ngoài quyết tâm ra, ta còn cần kỹ năng thì sự thay đổi mới thành công được. Việc “đánh lẻ”, mỗi tuần một sự thay đổi là cách tôi chọn để giúp họ có thể phát triển kỹ năng cần thiết giúp việc thay đổi thành công.
Dĩ nhiên, không phải tuần nào cũng có kết quả tốt để nói chuyện. Khi không đạt được điều mong muốn như đã thỏa thuận, tôi lại mang vấn đề ra để gia đình thảo luận để tìm hiểu xem vì sao không đạt được mục tiêu đề ra và tự chọn cho họ một mục tiêu dễ dàng thực hiện hơn.
Vài hàng chia sẻ với các anh chị. Hy vọng những điều trên đây mang lại ít nhiều bổ ích.
Thân ái!
}