Hoạt động
Những người ly hương rồi sẽ trở về
Ngày đăng: 27/10/2010 | Lượt xem: 1080
Họ có thể không sinh ra tại Hà Nội, nhưng Hà Nội lại có một vị trí vô cùng quan trọng và thiêng liêng. Chính nơi đây, vô tình họ đã đánh mất sợi dây cuối cùng với quê hương họ hàng. Đó là câu chuyện về cuộc đời của ông Bùi Văn Thanh – 54 năm lưu lạc không một lần gặp được một người quen để tìm hiểu về quê hương, cội nguồn.
Nguyện vọng cuối đời
Một lá thư đăng ký tìm lại người thân ruột thịt của mình với vài thông tin ít ỏi của ông Bùi Văn Thanh, sinh năm 1945, hiện đang sinh sống tại Hải Phòng, là câu chuyện cuộc đời của một số phận lưu lạc :”Tôi viết thư này đến chương trình mong nhận được sự giúp đỡ của các anh chị để sớm tìm được người chị gái của tôi thất lạc từ 1955 – 1956 đến nay. Nếu còn, năm nay chị cũng khoảng 70 tuổi. Mẹ tôi mất sớm, tôi sống với cha và chị gái tên Tiến hay Tuyến gì đó còn tôi lúc đó tên Huyên. Cha tôi thường hay đau yếu còn chị gái tôi thì da trắng, hiền lành và rất hay khóc mỗi khi tôi phá phách. Chị hay để kiểu tóc buộc tròn sau gáy. Sau khi cha bệnh và qua đời, bác ruột của tôi (hình như tên là Đạm hay Đàm không rõ) đưa tôi rời quê hương lên Hà Nội, đến chùa Cát Linh ở vì Bác tôi tu hành ở đấy, hàng ngày ông hướng dẫn tôi tập tụng kinh, đánh chuông, gõ mõ chắc vì muốn tôi theo nghiệp tu hành như ông…. Chùa Cát Linh lúc đó nằm ở phố Hàng Bột cũ, gần đó có một khu cổ kính, có cổng to và hình như là Quốc Tử Giám, Hà Nội ngày nay. Lúc còn ở chùa, tôi thường rủ các bạn ra đó chơi và một lần mải chơi nên bị lạc không biết lối về và mất liên lạc với bác ruột của tôi…”
Bức ảnh thời trẻ của ông Thanh gửi đến Chương trình với hy vọng chị gái hoặc họ hàng có thể nhận ra ông. |
Sau những bôn ba với cuộc sống, cái nguyện vọng cuối cùng khi ông còn bước đi được trên cõi đời này đó chính là tìm được người chị gái mà ông thường trêu chọc khi còn bé. Hình ảnh người chị gái rất hiền với làn da trắng, mái tóc dài được bới gọn lên cao cứ len lỏi trong tâm hồn ông. Để đôi lần ông lại ao ước giá như ngày bé mình đừng làm chị khóc, mình nói chuyện với chị nhiều hơn thì khi lưu lạc mình vẫn có thể tìm lại chị, tìm lại quê hương của mình.
Ông Bùi Văn Thanh đến trường quay để thông báo tìm lại người chị gái |
Vô tình rời xa người bác ruột, ông Thanh phải tự mình bươn chải với cuộc sống, rồi được đưa vào trại Thiếu nhi mang tên Kim Đồng, cho đến ngày được một gia đình không có con nhận về nuôi. Nhưng cũng không bao lâu sau đó, ông Thanh lại bỏ đi vì không chịu được sự đánh đập tàn nhẫn của cha mẹ nuôi. Quay về với cuộc sống không bà con họ hàng, không nơi nương tựa. Hai bàn tay trắng với cuộc sống lang thang ai thuê gì làm nấy để kiếm sống qua ngày bằng chính sức lực của bản thân. Lớn lên, ông Thanh đi làm công nhân, đi bộ đội rồi lập gia đình. Người vợ cũng cùng số phận mồ côi cha mẹ, nhưng may mắn hơn là bà vẫn biết được quê hương của mình.
Thời gian trôi đi, thỉnh thoảng ông Thanh cũng hay quay lại chùa Cát Linh để hỏi thăm về người bác ruột tên Đạm, để hy vọng tìm được một manh mối nào đó. Nhưng người bác đã chuyển đi đâu không ai rõ. Ký ức mờ nhạt chỉ còn vỏn vẹn hỉnh ảnh người chị gái!
Người lưu giữ kỷ niệm
Trường hợp của ông Thanh là một trường hợp khó để tìm kiếm. Những thông tin mơ hồ, chúng tôi không thể giúp ông nhớ được nhiều hơn về bản thân ông, cũng như chưa thể giúp ông tìm về gia đình cội nguồn ngay lập tức. Nhưng chúng tôi lại nghe được một câu chuyện khác từ bà Phạm Thị Kim Tuyến, một người phụ nữ đang sống tại quận 12, nhưng quê gốc mãi tận Bắc Giang. Có lẽ với bà Tuyến thì dường như cuộc sống không còn điều gì khó khăn hơn để bà phải chịu đựng. Bà Tuyến cũng từng nhiều lần đi tìm người em trai tên Phạm Văn Huyên nhưng không được.
Ảnh bà Phạm Thị Kim Tuyến lúc còn trẻ |
Mẹ mất sớm, bố bệnh không có tiền uống thuốc nên đành cho bà đi ở giúp việc cho gia đình trong làng. Rồi bố tự tử trong một đêm mưa, bà cũng là người phát hiện ra bố đã mất trong nhà xí. Cái đám tang của người nghèo khổ sao mà bi thương thế, hai chị em ngồi bên cạnh bố cho đến khi bố được hàng xóm đi chôn ngay trong sáng hôm đó. Đứa em trai còn quá nhỏ, với đôi mắt ráo hoảnh còn chưa biết chuyện gì đang xảy ra với gia đình. Ở một vùng quê, người nào cũng nghèo như nhau, làm gì có nhiều việc để thuê cả 2 chị em cùng đi làm. Một người họ hàng bày cho người em lên ở với bác ruột đang tu ở chùa Cát Linh tại Hà Nội. Hoàn cảnh như thế thì bà đành phải nghe theo với hy vọng em trai lớn lên rồi cũng sẽ trở về. Bà Tuyến chỉ đưa em đến nhà người họ hàng rồi quay đi, bà sợ nhìn đứa em trai bé bỏng của mình khóc đòi về! Không lâu sau, bà Tuyến cũng được người anh họ đón lên Hà Nội ở trông cháu và phụ việc nhà cho anh. Một lần, bà được anh họ đưa bà đến chùa Cát Linh để chơi với em vài hôm.
Ảnh người bà con đã đưa ông Huyên lên ở với bác Đạm |
Bà bật khóc khi tâm sự với chúng tôi về người em trai của mình. Một chút tủi thân, mặc cảm pha lẫn trong giọng nói của mình :” Tôi nhớ mãi cái ngày đến chơi với em, em Huyên gầy lắm, nó nhỏ con hơn mấy đứa trạc tuổi nó nhiểu. Hôm đó, nhìn thấy hàng tào phớ đi ngang qua, em rủ tôi ăn bằng số tiền mà những người viếng chùa cho em. Em giấu dưới đít tượng phật để lúc nào cần thì dùng. Bát tào phớ năm đó ngọt ngào là thế nhưng ăn vào lại đắng lòng lắm. Mình đến thăm em không quà bánh gì cho em mà em còn đãi chị ăn quà. Tôi khóc, em lại khóc theo. Hai chị em ngồi ăn bát tào phớ mà nước mắt giàn dụa. Mấy ngày hôm đó tui vui lắm, tôi được chăm sóc cho em như những ngày còn ở quê. Tắm cho nó mà nhìn thấy nó gầy trơ xương, sao mà thương nó thế…”
Bà Tuyến xúc động khi nhắc lại những kỷ niệm về em trai |
Rồi anh họ đến đón bà Tuyến về, ông Huyên khóc đòi theo chị. Nhưng làm sao đưa em đi cùng được. Sống với bác hơi dữ đòn một chút, nhưng vẫn đỡ hơn vạ vật đầu đường xó chợ. Nghĩ thế bà chỉ an ủi em ráng ở lại với bác Đạm, mai mốt chị có nhà sẽ đến đón em về. Bà ra về trong tiếng khóc xé lòng của đứa em trai ruột thịt. Và đó cũng là lần cuối cùng bà được nhìn thấy em trai của mình.
Tối đó, ngay sau khi bà Tuyến về nhà người anh họ, thì bác Đạm cũng tìm đến nhà. Người bác mắng và đòi bà đưa ngay em trai về chùa. Thì ra sau khi bà đi không bao lâu thì em trai cũng đã bỏ đi Người bác bỏ về trong sự tức giận nhưng không biết làm gì. Sau khi bác ra về, bà Tuyến cũng vội chạy đi tìm em.
Đêm đó, không biết nhân dịp gì mà người ta đốt pháo hoa ở gần bờ hồ. Mọi người đổ ra đường xem pháo hoa rất đông đúc. Lẫn trong dòng người đó, một cô bé mới 13 tuổi không phải đi xem pháo hoa mà đang đi tìm đứa em trai bé bỏng của mình. Pháo hoa cũng tàn, dòng người vãn dần, đứa bé gái quay về nhà với nỗi trăn trở về đứa em trai ruột thịt.
Một thân một mình, rời khỏi nhà anh họ về lại Bắc Giang làm thuê làm mướn, rồi đi làm công nhân. Sau đó, lập gia đình rồi chuyển vào Nam sinh sống và từ đó mất liên lạc với họ hàng tại Bắc Giang. Sau này, khi có điều kiện bà Tuyến cũng đăng tin tìm em trên báo đài suốt một thời gian dài, nhưng vẫn không có tin tức.
Khoảng năm 2005, các con của bà Tuyến đã quay lại Bắc Giang và đã tìm được họ hàng bên ngoại của mình. Tại đây, họ còn tìm được thông tin về quê gốc của ông ngoại là ở Nam Định, vì hoàn cảnh mà phải lên Bắc Giang sinh sống. Mấy anh em lại lên đường đi Nam Định. tại đây, họ tìm được làng họ Phạm tại Nam Định. Đồng thời họ cũng tìm được ngôi chùa mà bác Đạm tu hành sau khi rời khỏi chùa Cát Linh. Thế nhưng cậu bé năm nào được ông đón về nuôi ở chùa Cát Linh thì không ai biết. Không một manh mối để tìm kiếm, chỉ còn biết chờ đợi và hy vọng…
Trở về
Hai nhân vật với câu chuyện cuộc đời còn dang dở với những chỗ khuyết không rõ ràng. Nhưng khi họ ngồi lại với nhau, câu chuyện cuộc đời của họ đã trở nên trọn vẹn và hoàn chỉnh.
Hai chị em, kẻ Nam người Bắc, nhưng họ đã tìm về bên nhau dù 54 năm đã khiến họ không thể nhận ra nhau giữa dòng đời. Thế nhưng, tình chị em, dòng máu ruột thịt chạy trong huyết quản đã luôn thôi thúc họ tìm kiếm lẫn nhau. Bà Tuyến vì tình trạng sức khoẻ không tốt nên không thể đến đón em trở về được, nhưng các con của bà đã thay mẹ đến trường quay để đón cậu về nhà.
Tâm nguyện cuối cùng của người đàn ông hơn nửa cuộc đời lưu lạc đã thành hiện thực |
Ngôi nhà ở quận 12 không phải là nơi mà năm xưa ông Thanh đã ở, nhưng ngôi nhà này có người chị gái rất đẹp, rất hiền luôn chờ đón ông trở về sau những thăng trầm của cuộc đời.
Ảnh: Bùi Vũ, Bảo Long
}