Truyền hình
NCHCCCL số 43: NẶNG TÌNH ĐÀ NẴNG – QUẢNG NAM
Ngày phát sóng: 06/18/2011
Trong loạt phim tài liệu của BBC nói về chiến tranh Việt Nam – cuộc chiến tranh “được truyền hình” đầu tiên trên thế giới, có một trường đoạn quay một làng quê ở Điện Bàn vào năm 1966 đã làm chúng tôi bị ám ảnh rất lâu. Rốc két bắn rít lên, găm xuống những lũy tre làng xóm dọc sông Thu Bồn. Lính Mỹ đổ bộ từ những chiếc trực thăng đen nhẫy quạt bụi vàng mù đất. Đống rơm bị xục, châm đốt. Người già, phụ nữ, trẻ em lặng thinh đứng trước cửa. Mái nhà tranh bị đốt cháy đùng đùng, hầm bị đánh mìn tan tành những bụi chuối. Trai tráng bị trói quặt tay. Lời bình của BBC: Vụ Mỹ Lai ban đầu cũng diễn ra y như vậy.
Vùng đất Quảng Đà trong những năm từ khi Mỹ đổ bộ xuống bờ biển Đà Nẵng, là chiến trường ác liệt nhất miền Nam, cũng là nơi mẹ con, anh chị em ly tán nhau nhiều nhất trong loạn lạc vì các trận bom, ca nông, rốc két càn quét những năm 1965 – 1972. Một cuộc loạn ly khác cũng diễn ra vào ngày đoàn tụ của người dân Quảng Nam – Đà Nẵng khi con em của họ từ trên núi về trong đoàn quân giải phóng. Đó là mấy ngày cuối tháng 3/1975, khi binh lính chế độ cũ cùng dân chúng từ Quảng Trị, Huế kéo vào, từ Hội An, Chu Lai dồn ra Đà Nẵng. Hàng ngàn đứa trẻ đã rớt lại trên sân bay, trên đường ra cảng. Sáng ngày 29/3, Đà Nẵng được tiếp quản trong cờ hoa hân hoan. Những người không đi thì an bình. Những gia đình theo dòng chạy loạn, hầu như không mấy người không thất lạc người thânTiếp theo, là hình bãi biển cát trắng xơ xác – bãi biển xã Điện Dương. Vài chục dân làng, cũng toàn là phụ nữ quảy con thơ trong quang gánh với bên kia là vài thứ áo quần, bị dồn vào con tàu há mồm, bị đưa tới một khu định cư, phải bỏ lại lũy tre, chân ruộng, mồ mả tổ tiên. Cuối đoàn người ấy, có 2 đứa nhỏ, một chừng lên 4, một lên 2, anh cõng em. Hai đứa nhỏ nửa đi theo dòng người, nửa tách lại mọt bên trên bãi cát. Đứa nhỏ bu trên cổ thằng anh, tay nó cầm 2 nén hương đã tắt. Lời bình của BBC: Những đứa trẻ là nạn nhân thảm khốc nhất. Trong cuộc dồn bố, chúng không đủ lớn để lọt vào, cũng không đủ lớn để tự tìm kế nuôi thân. Hai đứa trẻ này, có lẽ cha mẹ của chúng đã chết trong trận càn “Tìm và diệt” vừa xong.
NCHCCCL đã cần mẫn tìm kiếm và kết nối, hơn một chục trường hợp ly tán trong 2 giai đoạn như trên ở Quảng Nam – Đà Nẵng đã được đoàn tụ. Trong NCHCCCL số 43 này, là thêm 3 trường hợp nữa. 36 đến 43 năm biệt ly, trong nỗi nhớ của những người con vẫn không phôi pha hình bóng của ngôi nhà lá mái, lũy tre xanh, dòng sông lớn; hoặc là bờ cát trắng nơi cửa sông trong thành phố…
Những câu chuyện xúc động đến nỗi chúng tôi quyết định phải làm sao để phút gặp lại được diễn ra chính tại nơi họ đã phải chia xa, để họ được về ngay với bãi cát, dòng sông, lũy tre thân thuộc thuở nào.
NCHCCCL số 43 “ Nặng tình Đà Nẵng – Quảng Nam” được phát sóng trực tiếp từ Đà Nẵng, với sự hỗ trợ của Ủy ban Nhân dân Thành phố Đà Nẵng và Tổng Công ty CIENCO5.