Truyền hình
NCHCCCL số 52: TÌM DI ẢNH
Ngày phát sóng: 03/03/2012
Có những việc tưởng chừng như không thể, như đi tìm hình bóng người thân đã khuất; hay tìm “gặp lại” người thân đã ly tán hàng chục năm trong khi thời gian đã không cho phép được sống và chờ đợi lâu hơn nữa. Nước mình trải qua thiên tai địch họa liên miên, trong rất nhiều gia đình, nơi bàn thờ khuyết ảnh mẹ cha.
Có những việc tưởng như không thể, như một đơn vị chiến đấu – Anh hùng các lực lượng vũ trang, như Phòng Tàng thư của Cục và chính Cục Hồ sơ Nghiệp vụ Cảnh sát C53 (đơn vị đang được đề nghị phong tặng danh hiệu Anh hùng), lại chủ động gọi điện cho một chương trình truyền hình để chia sẻ những giọt nước mắt và đề nghị: Chiến sĩ C53 sẵn sàng làm việc ngoài giờ, giúp Như chưa hề có cuộc chia ly tra cứu tàng thư, để giúp cho những người dân tìm manh mối của người thân.
Chúng tôi không bao giờ quên khi NCHCCCL mới hoạt động được hơn một năm, vào 1 ngày tháng 3 năm 2009, cố Đại tá Nguyễn Văn Thìn, nguyên Phó Cục trưởng Cục Hồ sơ Nghiệp vụ Cảnh sát đã gọi điện cho người phụ trách NCHCCCL bày tỏ mong muốn góp tay vào sự nghiệp đoàn tụ thân nhân này, một việc khi đó còn nằm ngoài chức năng của C53 (và thực chất, cũng nằm ngoài chức năng của VTV. Suy cho cùng, và trong nhiều sự hợp tác khác, NCHCCCL thực sự là 1 “kênh” mới mẻ, dẫn và tổng hòa lòng thiện, nguyện vọng giúp đỡ mọi người, hướng những nỗ lực cùng chung mục đích và kết nối các nguồn thông tin để đạt mục đích đó). Từ đó đến nay, hàng trăm trường hợp tìm thân nhân mà rõ ràng tên tuổi, quê quán,… đã được các chiến sĩ lực lượng hồ sơ, từ trung ương đến địa phương, giúp tra cứu nơi làm căn cước/ CMND. Với những trường hợp có thông tin ban đầu, Đội Tìm kiếm của NCHCCCL tiếp tục xác minh, lần tìm và đã đến đích trong nhiều trường hợp.
Trong bản báo cáo thành tích mà Tổng cục Cảnh sát đề trình Bộ Công an đề nghị phong tặng anh hùng cho C53, xem giữa các thành tích phá các vụ án quan trọng bảo vệ chính trị nội bộ và an toàn xã hội, thấy có dòng thành tích: Hợp tác với Như chưa hề có cuộc chia ly.
Đó là một trong những hình ảnh đẹp nhất và gần với dân nhất của những người mang sắc phục màu lá mạ. Cục trưởng C53, Đại tá Nguyễn Huy Mạ sẽ cùng NCHCCCL hướng dẫn những gia đình có nguyện vọng tìm di ảnh người thân trong NCHCCCL số 52. Một câu chuyện cảm động về nguyện vọng tìm ảnh mẹ, của một người con có cha là liệt sĩ, mồ côi lúc 6 tuổi trong chiến tranh. Chị ấy đã không lập bàn thờ cho đến năm 2003, vì không nỡ thờ ảnh cha mà không có ảnh mẹ bên cạnh. Chị ấy nói: Tìm được ảnh mẹ (nhờ tra cứu tàng thư), tôi thấy mẹ tôi như sống lại.
NCHCCCL số 52 còn có 2 cuộc đoàn tụ đặc biệt nữa. Một người con từng luôn cầm trong tay một bức hình, mà những gương mặt vui tươi trong đó, anh chỉ biết chắc có một mình người mẹ. Còn người cha, anh chỉ biết chắc có 1 cái tên.
Một lần nữa, hình ảnh con tàu L’Aurélia rời bến Nhà Rồng tháng 9/1955, lại hiện trên màn hình, và 1 trong mấy ngàn đứa trẻ lai thuộc diện FOEFI năm đó, sẽ xuất hiện trong trường quay. FOEFI – một điển hình của chính sách thuộc địa gây tranh cãi tại Pháp cho đến tận ngày nay. Hơn 100 ngàn trẻ lai Pháp – Đông Dương đã bị lính Pháp bỏ rơi, và bị chính quyền Pháp rút khỏi chiếc nôi gia đình Việt, để đào tạo tập trung trong hệ thống trường FOEFI từ năm 1939 , với dự định chuẩn bị cho bộ máy cai trị của thực dân sau này. Nhưng, Pháp đã không ngờ tới sự kiện Điện Biên Phủ. Những chiếc tàu khổng lồ đành chở những đứa trẻ lên 5 lên 10 về Pháp trong sự mù mịt về danh phận. Trong các tập hồ sơ còn chồng chất trong thư viện Aix- en – Provence, họ được ghi tên Pháp kèm dòng chữ “présumé(e) Francais(e)” (được coi là người Pháp). Đây cũng chỉ là 1 trong những vết thương của họ – những người mà đất mẹ duy nhất là Việt Nam, dù họ đã bị tách đi từ gần bảy chục năm về trước. Muốn hiểu thêm về họ, trong số đó năm chục người đã đăng ký tìm người thân thông qua NCHCCCL, chắc phải làm nhiều tập phim tài liệu mới đủ. NCHCCCL chỉ đủ thời gian trên sóng để dẫn họ về với họ hàng. Dẫu là xôi lắm, nhưng là không gì gần gũi hơn.