Thông báo

Như chưa hề có cuộc chia ly: Hơn một đời người mới đoàn tụ, ai mất ai còn?

Ngày đăng: 09/07/2024 | Lượt xem: 502

Người đàn ông 84 tuổi khóc òa trong Như chưa hề có cuộc chia ly, nói với các em họ lần đầu tiên gặp mặt: ‘Xúc động quá. Các em ơi, 70 năm trời giờ mới đoàn tụ’.

Cuộc đoàn tụ của những người anh em họ trong Như chưa hề có cuộc chia ly - Ảnh: BTC
Cuộc đoàn tụ của những người anh em họ trong Như chưa hề có cuộc chia ly

Niềm vui đoàn tụ trong Như chưa hề có cuộc chia ly tập 178 Tới ngày trở lại quê nhà không trọn vẹn, khi nhân vật được tìm kiếm đã không còn. 

Nhưng cuộc đoàn tụ vẫn “thật ấm áp và hạnh phúc”, như ý kiến khán giả viết trên kênh YouTube của Như chưa hề có cuộc chia ly.

70 năm, thời gian dài hơn một đời người. Nhưng dù có dài bao lâu thì dòng máu huyết thống vẫn chảy trong cơ thể, vẫn tỏa hương vị của tình yêu thương.

Đám giỗ chia hai trong Như chưa hề có cuộc chia ly

Ông Nguyễn Văn Ngó, sống ở làng Đông Viên, Ba Vì – Hà Nội, thay mặt dòng họ gửi thư đến chương trình Như chưa hề có cuộc chia ly nhờ tìm người cậu của mình là Vũ Văn Bốn.

Ông Bốn đi du kích, bị giặc Pháp bắt giam ở Hỏa Lò, Hà Nội. Đến năm 1954, Pháp đưa tù nhân, trong đó có ông Bốn từ Hỏa Lò ra Hải Phòng xuống tàu đi Nam. Từ đó gia đình biệt tin ông.

Mục đích của việc tìm kiếm này, ông Ngó cho biết: “Để gia đình tường tận xem cậu mình hiện nay sống chết ra sao? Những giọt máu của dòng họ sống thế nào, có may mắn không? Có cần anh, cần em không?”.

Ông Nguyễn Văn Ngó đại diện đại gia đình ở Ba Vì, Hà Nội gửi thư đến Như chưa hề có cuộc chia ly tìm cậu Vũ Văn Bốn và gia đình - Ảnh: BTC
Ông Nguyễn Văn Ngó đại diện đại gia đình ở Ba Vì, Hà Nội gửi thư đến Như chưa hề có cuộc chia ly tìm cậu Vũ Văn Bốn và gia đình

Lần theo những manh mối ít ỏi, Như chưa hề có cuộc chia ly đã tìm ra gia đình ông Bốn tại tỉnh Bình Thuận. Thật buồn, ông Bốn đã mất cách đây hai năm.

Cuộc đời ông Bốn trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm.

Sau khi vào Nam, ông đến Phan Thiết làm nghề thợ mộc. Năm 1962, ông quen và lấy bà Nguyễn Thị Năm làm vợ.

Sau đó ông Bốn bị bắt đi lính, đóng quân ở Thủ Đức, Sài Gòn. Làm lính được sáu, bảy năm thì ông được ra quân.

Ông đưa vợ và các con về quê vợ ở Phan Thiết, tiếp tục nghề thợ mộc.

Sau khi đất nước thống nhất hai năm, gia đình ông đi kinh tế mới ở Tánh Linh và lập nghiệp trên mảnh đất này đến ngày nay.

Cảnh trong chương trình Như chưa hề có cuộc chia ly tập 178 
Cảnh trong chương trình Như chưa hề có cuộc chia ly tập 178

Trong cuộc trò chuyện với nhà báo Thu Uyên, ông Ngó bất ngờ khi biết được ngày 27-5 âm lịch khi đại gia đình ông ở Hà Nội làm giỗ cho ông ngoại Vũ Văn Thai (mất khoảng năm 1947 – 1948) thì ở Bình Thuận, một nơi cách 2.000 cây số, vợ chồng ông Bốn và con cháu cũng làm đám giỗ cho cha, đều đặn suốt 60 năm ròng.

Họ lạc xa nhau 70 năm nhưng vẫn nối kết với nhau khi cùng hướng về ngày giỗ tưởng nhớ ông bà tổ tiên. Thật thiêng liêng.

Nỗi day dứt của người đàn ông xa quê

Xem Như chưa hề có cuộc chia ly tập 178, câu hỏi lớn đặt ra là tại sao ông Bốn không chủ động về quê với gia đình.

Theo lời ông Ngó kể, năm 1964 gia đình ở quê hương Đông Viên có nhận được lá thư rất ngắn của ông Bốn, viết ông hiện ở Sài Gòn.

Ông Vũ Văn Bốn (phải) lúc còn sống và vợ 
Ông Vũ Văn Bốn (phải) lúc còn sống và vợ

Như vậy, trong thời gian đi lính đóng quân tại Thủ Đức, ông Bốn tiếp cận được với mạng lưới giao bưu và gửi được thư từ Sài Gòn tới gia đình ngoài Bắc.

Rồi sau đó, khi đất nước thống nhất, có lúc ông đã làm mộc cho Tỉnh đội Bình Thuận. Đường về quê của ông không hề có trở ngại.

Bà Nguyễn Thị Năm, vợ ông, trong chương trình lý giải rằng do cuộc sống kinh tế còn nhiều khó khăn nên ông không đủ điều kiện để về quê.

Chị Vũ Thị Hằng, con gái ông Bốn, nhớ lại: “Ba có nói đến chuyện về quê, nhưng nói đi lâu về quê phải có quà không thì họ hàng cười chê”.

Rồi chị kể ba mình thích đá banh và vé số. Ba mua nhiều vé số, bảo nếu trúng số ba cho tiền các con, rồi ba dẫn về quê.

Nhà báo Thu Uyên đang trò chuyện cùng ông Nguyễn Văn Ngó 
Nhà báo Thu Uyên đang trò chuyện cùng ông Nguyễn Văn Ngó

Ông Bốn đã mất. Có lẽ ông đã mang bên mình một nỗi đau nào đó khiến ông hầu như rất ít nói về gia đình, mẹ cha, anh em ở quê.

Thậm chí, ông còn gây hiểu lầm khiến cho vợ con nghĩ rằng ở quê ông đã có vợ có con. Khi ông xuống tàu đi Nam, vợ con không đi theo nên ông đi một mình.

Nhưng sự thật, ông là người đàn ông sống có trách nhiệm với gia đình. Ông yêu thương vợ, các con và có cuộc sống bình yên cho đến khi mất.

Anh Vũ Ngọc Minh, con trai ông Bốn, kể rằng gia đình sống bằng nghề làm ruộng, làm vườn điều, tiêu… chỉ đủ ăn thôi.

“Ông ba sống tội. Ngày ba mất chỉ có bên ngoại, nhà nội không có. Tội, có mình ổng. Ba thích về quê lắm chứ. Ông vô đây từ lúc trẻ, 88 tuổi mới mất mà”, anh xúc động nói.

Giờ đây có lẽ ông Bốn đã có thể mỉm cười nơi chín suối khi họ hàng bà con của ông ở miền Bắc có thể đến mộ thắp cho ông một nén nhang.

Ngày giỗ 27-5 âm lịch hằng năm con cháu có thể tề tựu làm giỗ chung ở quê nhà.

Như chưa hề có cuộc chia ly tháng 6-2024

– 6 cuộc tìm ra.

– 697 đầu thông tin mới được xử lý.

– 71 hồ sơ tìm kiếm mới được lập.

Biểu đồ thu chi của Như chưa hề có cuộc chia ly tháng 6-2024
Biểu đồ thu chi của Như chưa hề có cuộc chia ly tháng 6-2024

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *