Thông báo
NCHCCCL 32: Trùng phùng
Ngày đăng: 01/07/2010 | Lượt xem: 998
Một cuộc hội ngộ khó tin đã diễn ra trong NCHCCCL số 31, “Những chiếc mũ rơm”. Trong tiếng hát ngợi ca “Tuổi nhỏ đất nước anh hùng”, anh Nguyễn Trung Phương, vốn là con nuôi từ Trại nhi đồng Nguyễn Bá Ngọc, Hưng Yên, đã dần được biết số phận nào đã đưa anh ra Bắc, từ một làng có cái tên là thôn Roọc, xã Vĩnh Kim, thuộc Đặc khu Vĩnh Linh của những năm bom đạn. Sau khi sững sờ được biết tên quê, anh đã được ôm trong tay các dì, cậu, là anh em của người mẹ đã hi sinh của mình. Chưa hết, khi đại gia đình mừng vui vì đã tìm thấy 1 trong 3 đứa cháu được nhà nước nuôi dưỡng từ 43 năm trước, thì cháu Lan và Hoàng, nay đã 50 và 45 tuổi, bất ngờ xuất hiện. Đối với đại gia đình họ Nguyễn ở thôn Roọc, đêm 6/6/2010 thực sự là cuộc trùng phùng, thời bom đạn ác liệt thực sự mới kết thúc ở đây.
Như vậy là NCHCCCL đã đề cập 2 cuộc “vạn lý trường chinh” vĩ đại trong lịch sử nước ta, K8 và K10. Trong những năm chiến tranh, 1966 đến 1973, 30.000 học sinh từ 9 đến 17 tuổi, hàng chục ngàn đồng bào ngoài tuổi lao động, phụ nữ, trẻ em, thương binh được đưa ra khỏi vùng đất thép trong 2 kế hoạch giãn dân và bảo toàn giống nòi. Riêng với xa Vĩnh Kim, 2.300 dân lúc đó sơ tán 1.500. Còn 800 người ở lại chiến đấu. Từ năm 1973 đến khoảng giữa những năm 80, người ra đi đã quay trở về gần hết. Chỉ còn có 4 đứa trẻ mồ côi đã được nhận làm con nuôi từ tấm bé – mà 3 trong số đó trong NCHCCCL số 31, đã trở về. Chỉ còn một “cô bé” – chị Nguyễn Thị Hiền. Tìm được chị, thì hai cuộc di dân vĩ đại K8 và K10 của Vĩnh Kim mới thực sự được hoàn thành.
Trong NCHCCCL số 32 này, NCHCCCL sẽ đề cập một bộ hồ sơ nữa: Đà Nẵng, 3/1975. Những người thất lạc gia đình, và những gia đình thất lạc người thân trên những chuyến tàu, xà lan chay từ Bạch Đằng, Đà Nẵng, và biển Mỹ Khê, đi Nha Trang, Phú Quốc,… xin hãy theo dõi chương trình này.
20:10 – 21:10, Thứ Bảy, ngày 3/7/2010
Trực tiếp trên VTV1 và VTV4, và Tuổi Trẻ Online (www.tuoitre.vn)