Khán giả
Xin cho tôi được biết quê hương của mình
Ngày đăng: 01/10/2008 | Lượt xem: 1272
Kính gửi : Đài Truyền hình Việt Nam
Gửi chương trình “Như chưa hề có cuộc chia ly”.
Ai sinh thời cũng có một cái tên, có một quê hương – bản quán, có cha có mẹ có những người thân yêu nhất của mình… còn tôi…
Cuộc đời của tôi là những dòng nước mắt, những chuỗi ngày bất hạnh không tuổi thơ, không tên tuổi, cha mẹ và quê hương của mình… Tôi chỉ muốn trước khi nhắm mắt xuôi tay trên nấm mộ của tôi có một tấm bia ghi đầy đủ họ tên và năm sinh của mình, quê hương ?
Tên hồi nhỏ của tôi Minh. Vào một mùa hè khoảng năm 1956 hay 1957, tôi khoảng 5 hay 6 tuổi gì đó tôi cũng không nhớ chính xác được vì lúc ấy tôi mới chỉ là một đứa trẻ thơ, trong tâm trí tôi chỉ mang máng về quãng thời gian như thế. Khoảng 7-8 giờ tối tôi được mẹ đưa đến thăm nhà bà ngoại chơi ở Hải Phòng. Vừa đến nhà bà ngoại tôi được hai chị gái cầm tay rủ đi chơi với các chị ở ngoài phố, ra chỗ đó tôi chỉ thấy toàn bàn ghế (tôi đoán chắc đó là một cái rạp chiếu phim). Hai chị tôi chạy vào trong và bỏ tôi đứng ở ngoài, tôi lạ lẫm và sợ hãi đứng đó cứ khóc, được một lúc thì có một thanh niên đến bảo “ra đây chú đưa về với mẹ”, thế là ông ta bắt cóc tôi và đưa tôi lên tàu hoả để về Hải Dương. Trên tàu tôi sợ hãi và khóc suốt, ông ta hỏi tôi tên là gì và tôi nói tôi tên là Minh, ông ta liền đặt cho tôi một cái tên là Nguyễn Thị Vân và bắt tôi từ nay không được gọi là tên Minh nữa, và bảo tôi phải gọi ông ta là cậu và vợ ông ta là mợ. Xuống tàu ông ta cõng tôi đi bộ đến thôn An Lại, xã An Lương, Huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương (sau này tôi mới biết địa chỉ rõ ràng), đến nhà ông ấy để làm con nuôi, vợ ông ấy tên là Phạm Thị Lờ. Sau khoảng 2-3 năm vợ ông ấy sinh được một cô con gái, được một thời gian sau thì hai vợ chồng bỏ nhau và ông ấy đi lấy vợ khác. Còn lại tôi và hai mẹ con bà Phạm Thị Lờ đưa nhau ra Quảng Ninh để xây dựng vùng kinh tế mới.
Từ đây là những chuỗi ngày tôi vô cùng khổ cực, kinh tế gia đình pass4sure MB6-502 nghèo đói, bà mẹ nuôi bỏ rơi tôi, tuổi thơ của tôi là những chuỗi ngày làm lụng vất vả. Ngày lên rừng kiếm củi, tối về ra biển để kiếm con cua con ốc làm thức ăn, đói khát và phiêu bạt, không được cắp sách tới trường, không họ hàng thân thích phải đi làm thuê làm mướn để kiếm sống qua ngày. Đến năm tôi 13 tuổi tôi lại được về ở với bà Lờ nhưng tôi phải làm lụng khổ cực từ 3 giờ sáng dậy nấu cơm cho cả nhà 15-16 người ăn rồi sau đó lên rừng hái củi, 9-10 giờ tối mới được ăn nửa bát cơm rồi lại dọn dẹp đến nửa đêm mới đi ngủ. Có lúc tôi bị trôi nổi ở ngoài biển tưởng chết vì không có ai cứu giúp, đến 2-3 ngày mới trôi về nhà mà cũng không một ai đi tìm kiếm. Đói thì lên rừng hái quả ăn hay bắt cua ốc nướng ăn cho qua ngày. Đến năm 18 tuổi thấy các bạn cùng trang lứa đi học trường đoàn tôi xin đi nhưng cán bộ xã bảo tôi lý lịch không rõ ràng nên tôi không được đi học nữa.
Sau này tôi đã nhiều lần tìm đến nhà người đàn ông đã bắt cóc tôi để hỏi ông ta về cội nguồn của mình. Tôi đã khóc lóc quỳ xuống van xin ông ấy cho tôi biết nơi ông ấy đã bắt cóc tôi hay một chi tiết nào đó mà ông ta nhớ được khi bắt cóc tôi để tôi đi tìm lại những người thân của mình nhưng ông ấy nhất định không nói. Ông ấy chỉ ngơ ngác bảo là không nhớ được gì hết, có lúc lại bảo tôi rằng khi nào ông ấy mất đi ông ta sẽ viết thư để lại cho tôi hoặc trước lúc nhắm mắt sẽ điện thoại cho tôi về gặp ông ấy. Theo như tôi được biết ở Hải Dương tên ông ấy là Hoàng Văn Sương. Sau này ông ấy phiêu bạt và lấy vợ khác sinh sống ở Quảng Ninh ông ấy lấy tên là Hoàng Quốc Cường. Uất ức đến ngẹn ngào tôi đành phải ra đi mà chẳng lấy được chút thông tin nào từ ông ấy cả. Đã rất nhiều lần tôi và các con tôi đi khắp nơi tìm kiếm và đăng tin trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng nhưng vì thông tin mà tôi có được về bản thân mình chỉ duy nhất là cái tên Minh mà từ rất lâu rồi tôi không được nhắc đến. Và một vết sẹo trên trán bên trên lông mày phải của tôi… thông tin quá mờ nhạt và vô cùng ít ỏi lên sự tìm kiếm càng ngày chỉ đi vào bế tắc. Mệt mỏi vì sự tìm kiếm trong vô vọng lên tôi cũng phó mạc cho cuộc đời.
Cô Vân cùng chồng |
Kính thưa chương trình!
Khi chương trình phát sóng lần đầu tiên tôi như được tiếp thêm sức mạnh, xem các câu chuyện thực sự cảm động và thấy được sự tìm kiếm của đội ngũ cộng tác viên nhiệt tình và hiệu quả…Tôi đã viết thư mấy lần để gửi nhưng địa chỉ tận trong Nam nên có sự nhầm lẫn người ta lại trả về cho tôi… Tôi khát khao được tìm thấy cha mẹ… tôi ước ao một lần được nói đến điều thiêng liêng nhất của lòng mình rằng tôi cũng có cha có mẹ… có anh chị em và họ hàng thân thích của mình.
Hiện nay tôi đã có gia đình nhưng các con cháu tôi không có quê hương, bản quán. Tôi rất buồn chẳng biết năm nay mình bao nhiêu tuổi, tên thật là gì?… tôi chỉ biết tha thiết cầu mong chương trình tìm kiếm giúp cho tôi, thực sự tuổi già sức yếu rồi tôi không biết phải đi những đâu và làm những gì để tìm thấy sự thật cho bản thân mình nữa, cả cuộc đời dầm dãi nắng mưa, tôi đã quá sức chịu đựng rồi… Các anh, các chị ơi hãy đọc kỹ lại lá thư này của tôi đi và xem như đây là một lời cầu nguyện cuối cùng trước khi tôi nhắm mắt mà mọi người tri ân dành cho tôi…
“Xin cho tôi một cái tên và cho tôi được biết quê hương của mình”…
Tôi xin trân thành cảm ơn.