Khán giả

Tìm em gái gửi vào Nhà thờ Xuân Phương năm 1962

Ngày đăng: 12/01/2009 | Lượt xem: 1066

Tôi tên Nguyễn Thị Thiên, ba tôi là Nguyễn Chí Toại, mẹ là Võ Thị Thiếp.

Vào khoảng thời gian từ 1961-1962 gia đình tôi ở thôn Phú Hậu, xã Cát Chánh, huyện Phú Cát , tỉnh Bình Định.

Ba tôi tham gia hoạt động cách mạng, đến năm 1961 thì bị lộ địch bắt và đã trốn thoát được, lúc bấy giờ mẹ tôi bị địch bắt đi quản thúc tại Dinh Điền Plây Ku. Vì bị bắt đi cải tạo lao động nên mẹ tôi phải để các con ở lại. Anh đầu 8 tuổi, chị kề tôi 5 tuổi và em gái tôi mới hơn 2 tháng tuổi cũng phải để lại vì em còn quá nhỏ. Tôi lúc đó hơn 1 tuổi mẹ đem tôi theo.

Bà nội của chúng tôi hàng ngày mang em đi xin bú nhờ những người có con nhỏ trong hàng xóm, ngày nào không xin bú nhờ được thì phải nấu nước cơm cho em uống qua ngày. Bà nội nuôi em được vài tháng, những năm đầu 1960 vùng quê tôi là vùng cách mạng, địch tàn phá ác liệt, chạy giặc liên miên, nội sợ em không sống được khi mang em đi chạy giặc, nên gia đình bàn bạc mang em qua bên kia sông là xã Phước Sơn, Huyện Tuy Phước là vùng thuộc chính quyền Sài Gòn chiếm giữ, để gởi em vào (Nhà Chung) thuộc Nhà thờ Gò Thị (nhà thờ này người dân nơi đây thường gọi Nhà thờ Xuân Phương vì nó thuộc thôn Xuân Phương, xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định).

3 năm sau hết bị quản thúc, mẹ tôi về, tìm đến Nhà Chung để hỏi, thì họ nói hiện con chị không còn ở đây nữa. Nghe người địa phương kể lại:  vào khoảng năm 1963 gần 1964, trong những năm giao tranh ác liệt giữa ta và thực dân xâm lược, thì thấy xe ở đâu đến dời toàn bộ số trẻ đó đi hết. Và một thời gian sau thì khu vực Nhà Chung được dùng làm căn cứ Cách mạng, các sơ cũng đi di tản. Nên khi trở lại thì không còn tìm thấy sổ sách nữa.

Hình cô Thiên hồi trẻ và bây giờ

Khi đất nước hoàn toàn giải phóng đã nhiều lần ba tôi tìm đến nhưng không kết quả gì, tìm hồ sơ lưu của Nhà Chung cũng không còn nữa, bao nhiêu năm nay gia đình tôi cứ day dứt mãi, vì không tìm được em.

Vừa qua khi nghe có chương trình  "Như chưa hề có cuộc chia ly…", tôi đã tìm về thôn Dương Thiện, thuộc xã Phước Sơn gặp được chị Bốn Sính là người bà con xa để hỏi thăm lại tin tức. Chị Bốn Sính kể lại: Lúc đó em của tôi là con của Cộng sản, còn Nhà Chung thuộc Nhà thờ Gò Thị là của chế độ cũ, nên khi gia đình bên nội trong đêm đưa em qua sông để gởi em, buộc phải giấu tên cha, mẹ; giao cho 2 anh con bác cả đưa em đi qua sông; lúc đó một phần hai anh sợ địch bắt, nên nhờ một bà tên là Bổng làm trong Nhà Chung đem em vô gởi (bà Bổng ở thôn Dương Thiện, Phước Sơn, hiện nay bà Bổng đã chết); lúc này chị Bốn Sính đi theo nên nghe thấy bà Bổng khai là: Em bé ở xóm 2, thôn Phú Hậu, xã Cát Chánh, Huyện Phù Cát; còn tên em thì bà Bổng tự khai nên chị Bốn Sính không nhớ.

Mục đích của gia đình phía nội tôi lúc bấy giờ là làm sao để bảo toàn tính mạng cho em, nên không cách nào khác là đi gởi em vào đó. Như vậy thông tin duy nhất chỉ được biết là em ở xóm 2, thôn Phú Hậu, xã Cát Chánh.

Vậy tôi đưa tin này nhờ chương trình tìm giúp, nếu như em tôi còn sống và đang ở đâu đó thì gia đình tôi vô cùng mong tin em, nay ba mẹ tôi đã già yếu, nằm một chỗ, nếu tìm được em về, thì đây là niềm an ủi cuối cùng của ba mẹ tôi trước khi đi xa. } else {

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *