Khán giả
Những người trẻ làm nên hội ngộ ()
Ngày đăng: 11/07/2011 | Lượt xem: 1131
Mang một ý nghĩa nhân văn đặc biệt, chương trình “Như chưa hề có cuộc chia ly…” (NCHCCCL) sau gần 5 năm ra đời đã thực sự tạo được những dấu ấn lớn trong lòng công chúng. Làm nên những cuộc sum vầy hạnh phúc của những nhân vật là cả một quá trình miệt mài gắn kết, kiếm tìm của một đội ngũ những con người đầy tâm huyết.
Nhưng ít ai biết được phần lớn những người mang trọng trách hàn gắn vết thương lòng dai dẳng ấy lại là những người trẻ 8X, “Những con người làm nên hội ngộ”…
Họ là những con người đến từ những nơi khác nhau, những ngành nghề khác nhau, tập hợp lại vì một tình yêu với công việc đem lại hạnh phúc cho người khác. Nguyễn Minh Hoàng, một thành viên của đội tìm kiếm thì nói: “Còn trẻ thì tranh thủ làm những việc có ích cho xã hội, chứ sau này lo cơm áo gạo tiền rồi thì sợ chẳng có thời gian”. “Làm riết rồi mê”, chẳng ai biết trước được rằng anh sinh viên tốt nghiệp ngành Tài chính – kế toán lại gắn bó lâu đến thế với một công việc chẳng liên quan mấy đến ngành nghề đã học.
Còn anh sinh viên ngành Vật lý Minh Luân thì ngay sau khi tốt nghiệp đã đến đề nghị được tham gia vào dự án. Vốn chụp ảnh khá nên bạn thường được cử đi làm phóng sự ảnh trong trường hợp không thể quay video. Những bộ ảnh rất đẹp trong chương trình NCHCCCL mà khán giả xem đều do bạn Luân chụp cả!
Bạn Thái Quỳnh – thành viên nữ duy nhất trong ekip xử lý thông tin thì ban đầu chỉ tham gia dự án trong những ngày làm truyền hình trực tiếp. Và rồi từng lá thư chia sẻ, từng số phận nhân vật đã làm xúc động và lôi cuốn Quỳnh để bạn quyết định gắn bó hơn với ekip. Hơn thế nữa, Quỳnh đã “rủ rê” thêm hai người bạn thân cùng trường đại học là Xuân Nguyên và Khắc Huy cùng tham gia dự án nhân đạo này.
Nhưng đến với NCHCCCL bằng con đường đặc biệt nhất thì chỉ có bạn Nguyễn Văn Linh! Linh đã trở thành thành viên của đội sau khi chính mình cũng đã được giúp đỡ tìm lại gia đình trong NCHCCCL số đầu tiên. “Thấy Linh trong sáng, nghị lực và rất hiểu rõ những hoàn cảnh chia ly nên chương trình đã mời bạn về cộng tác”, nhà báo Thu Uyên cho biết. Bây giờ Linh lại tiếp tục chung tay giúp đỡ những người bất hạnh khác.
Bạn Thái Quỳnh đang làm việc, rất thành tâm 😉 ) |
Đầy nhiệt huyết!
Đó là điều chắc chắn để nói về những thanh niên này. Những chiến dịch tình nguyện, từ thiện hiện nay ngày càng nhiều và thu hút không ít các bạn trẻ tham gia. Chương trình NCHCCCL cũng có rất nhiều tình nguyện viên nhiệt tình ở lứa tuổi 8X, 9X. Nhưng tham gia vì tinh thần là một chuyện, còn gắn bó và coi những công tác xã hội ấy như là một nghề nghiệp lại là một chuyện rất khác! Áp lực công việc luôn dồn dập khi hồ sơ đăng kí tìm kiếm gửi về ngày càng nhiều, mức lương không cao như nhiều người đoán vì chương trình không thu phí. Vậy có bao giờ khiến họ chán nản, xuống tinh thần?
Câu trả lời chúng tôi nhận được từ khi trò chuyện cùng mỗi thành viên khác nhau đều có một điểm chung: “Chán công việc thì không, chỉ thấy buồn và có lỗi vì mình đã để cho quá nhiều người chờ đợi quá lâu!”. Minh Hoàng chia sẻ: “Đa số các trường hợp đều có hoàn cảnh rất khó khăn. Có thể vì thế nên không thể tự tìm người thân được. Những áp lực bản thân chúng tôi phải chịu được đổi lại bằng những giọt nước mắt hạnh phúc đoàn tụ. Đó là lúc công sức bỏ ra được đền đáp xứng đáng”. Cái mà họ có được có thể không phải là tiền, nhưng là “rất nhiều tình cảm và kinh nghiệm quý”.
“Ăn ngủ cùng hồ sơ”
Khi tiếp nhận một thông tin từ nhân vật, công việc đầu tiên là xử lý và phân loại chúng. Sau khi tìm hiểu các yếu tố liên quan đến chia ly của nhân vật (hoàn cảnh thất lạc, đặc điểm, ai đã liên lạc trước khi thất lạc, thời gian, địa điểm, đặc điểm xung quanh), một hồ sơ hoàn chỉnh sẽ được hoàn thành, gọi là hồ sơ A. Hồ sơ A sau đó sẽ được chuyển lên nguời phụ trách duyệt dựa vào nhiều yếu tố, nếu trở thành hồ sơ MS thì có thể triển khai việc tìm kiếm ngay. Linh cho biết, khi số lượng hồ sơ tăng lên con số hàng ngàn, chúng bắt đầu được phân loại thành cụm: nạn đói 1945, Campuchia 1970, đường 7, trẻ lạc, con lai, Babylift, Đông Âu,… để dễ xử lý và tìm kiếm.
Những nhân vật đã được chương trình giúp đỡ ở cùng địa phương có thể cung cấp những thông tin gợi ý quan trọng cho chương trình. Đã có những trường hợp cha mẹ tìm đến chương trình để nhờ tìm con, và được đoàn tụ gần như lập tức, vì người con cũng đã gửi hồ sơ đến trước đó. Quản lý hồ sơ một cách khoa học là một việc hết sức quan trọng, quyết định phần lớn hiệu quả của công việc tìm kiếm.
Mọi chi tiết trong hồ sơ đều phải được tìm hiểu kĩ càng. Minh Hoàng kể: “Đọc hồ sơ hàng ngày trở thành một thói quen của tôi. Có lần phải về quê chịu tang người thân, tôi cũng không dám rời mớ hồ sơ, và chính thời gian ở quê đó lại là lúc phía công an liên lạc để xác minh thông tin nhân vật”. Sau thời gian “ăn ngủ cùng hồ sơ”, bàn luận và nhận định hướng từ người phụ trách, những chuyến tìm kiếm sẽ được bắt đầu.
Anh Linh – hiền lành và vui tánh – đang tác nghiệp. |
“Không thể tính ra được thời gian trung bình cho mỗi cuộc tìm kiếm, vì một mình chúng tôi thì không thể làm gì được. Việc tìm kiếm phụ thuộc rất nhiều vào sự giúp đỡ của khán giả khắp nơi và chính quyền nơi mình đến”. Đến nay, 234 trường hợp đã được đoàn tụ. “Tiến độ đó không chậm so với yêu cầu đặt ra, nhưng chúng tôi vẫn không thể hài lòng, vì biết còn rất nhiều người đang chờ đợi, và đã phải đợi quá lâu rồi”, Linh chia sẻ.
Đổi thay từ “Như chưa hề có cuộc chia ly”
“Trước đây thì mình ít quan tâm đến lịch sử địa lý lắm, từ hồi làm mới bắt đầu phải tìm hiểu từ những cái tên cũ như Hà Nam Ninh, Đường 7, đi B, Gia Lai… Công việc tạo điều kiện cho mình học hỏi được nhiều thứ lắm”. Đó là nhận định của hầu hết thành viên trong đội, khi chúng tôi hỏi về những điều họ học hỏi được từ khi tham gia dự án. Tỉnh thành nào cũng đi, ngõ ngách nào cũng tới, từng thành viên còn có cho riêng mình những cảm nhận về đặc thù của từng vùng miền, từng tỉnh thành.
“Người miền Tây nhiệt tình, vô tư; người miền Trung chân thật, đặc biệt hiếu khách, luôn tiếp đãi mình rất nồng hậu dù họ nghèo… Tôi nhớ hoài những người chị, người mẹ cho mình tá túc tại nhà kèm theo lời “đe dọa” “Không ở lại ăn cơm là mẹ đánh!” NCHCCCL giúp chúng tôi có cơ hội trực tiếp cảm nhận điều này, chứ không chỉ qua sách vở”, Thái Quỳnh nói.
Đối với Linh, nhân vật đầu tiên của chương trình, cũng là thành viên của đội tìm kiếm chia sẻ: “ Từng có lúc tưởng mất đi hạnh phúc gia đình, nay có lại nó, tôi càng thấy mình phải có trách nhiệm với gia đình và công việc nhiều hơn”. Từ một người “ít quan tâm tới việc gì khác ngoài công việc và bản thân, Linh bây giờ quen với việc giữ liên lạc, thăm hỏi, quan tâm các nhân vật. Bạn còn rất khéo léo an ủi nhân vật khi họ thấy đau đớn, hoang mang và tạo cho họ niềm tin vào ngày đoàn tụ. Bây giờ, khi đã có một cô con gái nhỏ thì Linh càng thấm thía hơn ý nghĩa gia đình của các câu chuyện chia ly và luôn chăm sóc “cô công chúa nhỏ” của mình.
Còn Mình Hoàng thì lại kể về một câu chuyện nhân nghĩa khác đã gây ấn tượng mạnh trong bạn. Đó là trường hợp đoàn tụ của một cô gái Lý Thị Xinh bị bán sang Trung Quốc (đã phát trong NCHCCCL số 9). “Lần đó, chương trình để cho gia đình gặp nhau ngay tại biên giới, khi cô vừa được trở về. Sau khi gia đình đoàn
tụ, cô quay lại quỳ lạy và liên tục cảm ơn người đã giúp đỡ mình về được quê hương. Lúc đó, mình thực sự cảm nhận tận đáy lòng rằng công việc mình đang làm có ý nghĩa biết bao”. Từng nhân vật, từng mảnh đời họ gặp đều mang tới một thông điệp, một bài học ý nghĩa về cuộc sống mà nổi bật nhất là những nhận thức về sự quý giá của tình cảm gia đình.
Một bất ngờ khác đối với những người trẻ tuổi ấy là không chỉ máu mủ mới tìm nhau, mà những cha mẹ nuôi, hay thậm chí là người dưng cũng sốt sắng đi tìm lại gốc gác cho con nuôi của mình… Như trường hợp cha mẹ nuôi của chị Ngọc Duệ (NCHCCCL số 9); cô Châu cưu mang và lặn lội đi tìm quê hương cho nhân vật Nguyễn Văn Thắng (NCHCCCL số 13); chị Trần Thị Tỏ là Việt kiều liên hệ với chương trình từ Campuchia để tìm người thân cho chị Tóc Rối bị tâm thần và sống ăn xin bơ vơ nơi đất khách (NCHCCCL số 8); hay thậm chí là từ nửa vòng Trái đất như các bác sĩ tại một trung tâm tâm thần ở thủ đô Minks của Belarus đã liên hệ với NCHCCCL để nhờ tìm người thân cho ông Nguyễn Ngân Dậm (NCHCCCL số 24)…
Khi hỏi: “Có bao vì mãi tiếp xúc với các câu chuyện chia ly, toàn chuyện buồn cả thì các anh chị sẽ bị “trơ” cảm xúc không?” thì chúng tôi đều nhận được câu trả lời ngắn gọn và dứt khoát: “Không!”. Đối với họ, mỗi trường hợp đều là những câu chuyện nhân nghĩa khác nhau và cách thể hiện cũng khác nhau. Tiếp xúc thường xuyên với những cuộc chia ly éo le giữa cha mẹ, con cái; cảm nhận được rõ ràng sự khó khăn trong quá trình cố gắng tìm về nhau. Hơn ai hết, những người trẻ này biết mình nên làm gì với hạnh phúc đang có.
Cả ê kíp – "1,2,3 Cười "
|
Bài đã đăng trên Tạp chí Người Làm Báo số tháng 4-2011
() Tựa phỏng theo bài hát Cám ơn những người làm nên hội ngộ.