Khán giả
Không thể hình dung nổi…
Ngày đăng: 14/07/2008 | Lượt xem: 1273
Cả gia đình anh Di trong ngày đoàn tụ |
Những người như “tóc rối” tôi vẫn thường gặp đâu đó trên đường nhưng tôi chẳng mấy khi để ý và nghĩ về một cảnh đời éo le nào đó của họ. Trò chơi ghép hình tôi cũng vẫn thường chơi nhưng, tôi cũng chẳng bao giờ hình dung nó lại có liên quan đến hành trình tìm lại kí ức, tìm lại người thân cho một chiến sĩ hải quân đã phải sống 33 năm khắc khoải tìm lại cha mẹ, chị em, tìm “nguồn cội” cho cậu con trai anh… Thật sự, không xem chương trình Như chưa hề có cuộc chia ly, tôi không thể hình dung nổi…
Trở về để tìm lại…
Chuyện của cô gái là nạn nhân của vụ Baby Lift (vụ việc mà một người trẻ như tôi nhờ xem chương trình mới biết được) – cô gái Việt kiều không thể nói được tiếng Việt nhưng quyết trở về quê hương để tìm lại những người thân của mình có lẽ cao hơn một cuộc đoàn tụ. Đó là một điều tuyệt vời cho hình ảnh Việt Nam – một đất nước phải chịu nhiều đau thương, ly tán vì chiến tranh nhưng có những con người mang trong mình những tâm hồn tuyệt đẹp. Họ yêu nguồn gốc của mình, luôn nặng lòng với quê hương, gia đình mình với những suy nghĩ cao thượng và vị tha nhất…
“Tôi nghĩ rằng, khi mẹ cho tôi đi, mẹ cũng đau khổ như tôi nhưng mẹ mong cho tôi được sống, được lớn lên trong một điều kiện tốt hơn” – đó là một suy nghĩ tuyệt vời từ một cô gái đã cho đi rồi rời xa đất nước khi còn ở tuổi mầm non. Thật tiếc vì mẹ cô đã không còn…
Đi để tìm về
Chuyện của cô “tóc rối” – một nữ công dân Việt Nam bị mất trí cứ lang thang ở mãi bến tàu bên Campuchia sao mà xót xa… Những “người tâm thần” như tóc rối, chúng ta có thể đã gặp, dù ít, dù nhiều trên đường phố nhưng chẳng mấy ai để ý, hoặc chẳng muốn “động vào”. Nhưng, xót xa cho đồng bào, chị Tỏ – Việt kiều ở Campuchia đã lặn lội về Việt Nam, đã kiên nhẫn hỏi han mong tìm lại chút kí ức nào đó cho người đồng hương tội nghiệp.
Đã có biết bao người tìm về Việt Nam để mong tìm được người thân, còn với cô tóc rối, cả nhà báo オンライン カジノ Thu Uyên, cả những người Việt kiều đã cưu mang, giúp đỡ cô, rồi cả những người đang có thân nhân bị ly tán gần giống như tóc rối đã lặn lội hành trình từ Việt Nam sang Campuchia mà đành phải trở về tay trắng… không thể tìm về cho một gia đình nào đó đang ly tán một người thân, không thể tìm về cho “tóc rối” cái tên thật mà vì nguyên do nào đó, có đã quên đi…
Thế mới biết, hành trình đoàn tụ, kết nối những cuộc ly tán chẳng dễ dàng chút nào… và còn cần lắm sự quan tâm của nhiều người hơn nữa cho từng manh mối nhỏ…
Mảnh ghép may mắn của số phận
33 năm trước, cậu bé Lê Văn Duy và cô em gái tên Chi đã lạc mất bố mẹ và các em ở một bến phà trong một lần di tản… để rồi Lê Văn Duy tiếp tục lạc em… để rồi anh cứ bôn ba mãi theo cuộc sống của những người cưu mang mình, từ Khánh Hoà, TPHCM cho tới bây giờ, cậu bé Duy thưở ấy đã trở thành một chiến sĩ hải quân, đã lập gia đình, có con trai lớn và công tác mãi tận Hải Phòng… Tưởng chừng anh đã chấp nhận số phận không thể tìm lại được gia đình thì khi biết đến Như chưa hề có cuộc chia ly, hy vọng tìm được nguồn cội cho cậu con trai mình trỗi dậy… Bằng những gì anh còn nhớ, bằng sự giúp đỡ của đồng đội, anh đã vẽ được một tấm bản đồ vùng quê mà anh chỉ nhớ mang mang “đâu đó ở Thừa Thiên” để làm căn cứ, làm những miếng xếp hình cho đội tìm kiếm của chương trình…
Và rồi, tình cờ làm sao khi cha anh, ông Lê Văn Cả, sau bao năm tìm kiếm con không thấy cũng gửi thư về chương trình tìm con…
Vậy là cuộc đoàn tụ của một đại gia đình diễn ra thật xúc động trong không gian trường quay nhỏ hẹp của Như chưa hề có cuộc chia ly…
Hình ảnh chiếc tủ kem mà người cha đã từng sắm cho anh Duy để bán kem phụ giúp gia đình được gửi tại nhà một người bạn, sau 33 năm vẫn còn nguyên vẹn là một hình ảnh nói thay được bao điều…
Xin chúc mừng gia đình đoàn tụ! Chắc chắn, những người thực hiện chương trình còn muốn nói câu ấy nhiều lần nữa…
Còn tôi, tôi chỉ mong một ngày, tôi được viết những bức thư đến chương trình với nội dung báo tin về người được tìm kiếm…
Mời quí vị theo dõi lại chương trình: Như chưa hề có cuộc chia ly… số 8