Khán giả
Đau đáu một nỗi mong con
Ngày đăng: 06/05/2015 | Lượt xem: 2686
Kính gởi chương trình “Như chưa hề có cuộc chia ly….”
Từ khi chương trình phát sóng đến nay tôi đã theo dõi liên tục và chưa bao giờ bỏ một buổi phát sóng nào. Tôi thấy đây là một chương trình hay không chỉ vì nội dung mà còn vì tính nhân văn cao cả của nó. Hôm nay, trong nỗi lòng trăn trở tôi xin được viết lên những dòng thư này gởi đến Quý chương trình và hi vọng các anh chị bớt chút thời gian để lắng nghe câu chuyện về cuộc đời tôi.
Tôi sinh ra ở một miền quê thuộc ngoại thành Hà Nội với một tuổi thơ không mấy êm đềm. Như bao đứa trẻ sống trong thời cuộc, tôi sống thiếu thốn cả về vật chất lẫn tinh thần. Bố mất sớm, mẹ tảo tần vất vả nuôi ba đứa con, trang sách và những ngày đến trường sớm khép lại để tôi lao vào cuộc mưu sinh với cơm áo gạo tiền. Là con gái, rồi đến một ngày tôi bước chân về nhà chồng, hai bàn tay trắng, khi ấy trong tôi chỉ duy nhất tình yêu của cuộc sống lứa đôi và một niềm hi vọng vào một tương lai sáng sủa hơn khi bên mình đã có bờ vai để tựa. Hạnh phúc trào dâng khi lần lượt 2 đứa con trai kháu khỉnh chào đời. Nhìn con, vợ chồng tôi thầm ước dù có vất vả và gian khổ đến mấy sẽ nuôi con khôn lớn, thành đạt, mặc dù khi ấy cuộc sống vẫn còn nghèo lắm. Tôi vẫn hình dung trong căn nhà nhỏ đơn sơ, nhìn chồng và hai đứa con nô đùa, tiếng cười trẻ thơ trong sáng hồn nhiên mà tôi thấy vui sướng và hạnh phúc vô bờ.
Nhưng cuộc đời thật trớ trêu, tôi cứ ngỡ mình có thể nắm chặt niềm hạnh phúc ấy trong tay. Vậy mà, nó chỉ như cơn gió thoảng qua, mong manh và vỡ vụn. Chồng tôi đã ra đi mãi mãi sau một tai nạn giao thông, để lại cho tôi 2 đứa trẻ, một căn nhà đơn sơ và kí ức những ngày đã qua. Sau cái ngày định mệnh ấy, tôi đã mất hết niềm tin vào cuộc sống, ánh sáng dường như không còn soi vào nhà tôi nữa mà chỉ thấy toàn một màu đen tối bao trùm. Nhiều lúc, tôi đã nghĩ đến cái chết nhưng nhìn ánh mắt ngây thơ vô tội của hai đứa trẻ, tôi lại can đảm đối diện với sự thật và đứng dậy bước đi cho dù trước mắt còn vô vàn khó khăn, gian khổ. Người ta nói, thời gian sẽ xoa dịu các vết thương, tôi cũng vậy, đã 6 năm trôi qua kể từ khi chồng tôi ra đi, tôi đã lấy lại được cân bằng và cuộc sống của 3 mẹ con tôi cũng đã ổn định hơn.
Tôi đã làm rất nhiều việc, kể cả những việc mà lẽ ra chỉ có người đàn ông trong nhà mới làm được, nhưng dù sao cũng cần lắm một người đàn ông trong gia đình và người đàn ông ấy đã xuất hiện trong cuộc đời tôi. Anh ấy đã giúp tôi rất nhiều việc trong gia đình và đem lại cho tôi một cảm giác ấm áp, yên bình. Một lần nữa, tôi đã tin cuộc sống của mình ngoài màu đen ra còn thấp thoáng màu hồng đâu đây. Tôi cứ ngỡ cuộc sống của mình và các con sẽ hạnh phúc hơn nhưng cuộc đời không như những gì ta tưởng. Khi ấy, xã hội vẫn còn rất định kiến với những người đàn bà góa chồng đi bước nữa, tôi còn đau khổ hơn khi không nhận được sự ủng hộ của những người ruột thịt. Mẹ nghèo, anh em “kiến giả nhất phận”, họ phản đối tôi vì người đàn ông đó cũng có một đời vợ và một đứa con riêng. Sợ tôi sẽ khổ, họ còn nói từ tôi nếu tôi đi lấy chồng.
Trong tâm trạng giằng xé, khi ấy tôi mới 39 tuổi, tôi cũng khao khát được yêu thương như bao người phụ nữ khác và tôi đã tự quyết định cho cuộc đời mình. Tôi đã đắt theo 2 đứa con về nhà chồng. Thời gian đầu cuộc sống ổn định hơn, vợ chồng thương yêu nhau, hai đứa con tôi từ lâu thiếu vắng tình cảm của cha, con anh lâu rồi cũng thiếu bàn tay mẹ chăm sóc. Sự hội tụ ngày hôm nay như để san sẻ cho nhau, bù đắp cho nhau những khoảng trống ấy, những tình cảm mất mát bấy lâu. Hạnh phúc lại chợt đến với những con người sau thời gian dài tìm kiếm. Một năm sau, tôi sinh ra một thằng con trai, cháu bụ bẫm, kháu khỉnh và đáng yêu lắm. Cứ ngỡ tưởng đứa con chung này sẽ là sự gắn kết tình cảm vợ chồng bền chặt hơn, nhưng sự thật thường làm cho con người ta ngỡ ngàng đau đớn.
Từ khi sinh cháu, chồng tôi trở thành một con người hoàn toàn khác, không chịu làm ăn lại cờ bạc rượu chè, tệ hơn sau mối lần say rượu về còn đánh đập mẹ con tôi. Tôi buồn tủi vô cùng, khi ấy con nhỏ mà tôi phải ra chợ bán rau để nuôi chồng con, cuộc sống khó khăn, thiếu thốn trăm bề. Nhiều đêm, ôm con nằm khóc, tôi xót xa khi nghĩ về cuộc đời mình, nghĩ về một tương lai mờ mịt phía trước. Những chuỗi ngày đau khổ vẫn tiếp diễn, những trận đòn thừa sống thiếu chết đã làm tôi không còn chịu được nữa. Vào một đêm năm 1995, tôi ôm con nhỏ khi đó cháu mới được 4 tháng tuổi và 2 đứa con riêng của tôi đi khỏi ngôi nhà ấy. Ngôi nhà mà tôi cứ nghĩ sẽ có nhiều niềm vui và hạnh phúc sau bao năm kiếm tìm. Vậy mà, như bước chân ra tôi thấy mình như thanh thản hơn, nhẹ nhõm hơn, tự do hơn sau bao ngày bị trói buộc. Nhưng tôi biết đi đâu giữa cuộc đời này khi mình không còn dám quay về nhà chồng cũ. Bố mất, mẹ đang trong lúc hấp hối, anh em “kiến giả nhất phận”. Tôi đã gởi 2 đứa con lớn cho chị gái mặc dù gia đình chị cũng nghèo lắm, nhưng vì chút tình ruột thịt, chị ấy vẫn nhận nuôi 2 đứa. Còn tôi ôm đứa bé đi lang thang, mẹ con tôi sống trong tình yêu thương của những người qua đường, những con người còn chút tình đồng loại.
Nhưng giữa thời buổi khó khăn chung, không phải lúc nào tôi cũng nhận được những tình cảm ấy, có những hôm mẹ đói, con khát sữa mà tôi không biết đi đâu để tìm kiếm sự bình yên bây giờ. Khi đó đã đến những ngày giáp Tết năm 1996, nhìn bao mái nhà bếp lửa hồng và chan chứa tinh thần, trong khi đó tôi vẫn ôm con đi lang thang mà lòng nặng trĩu không biết ngày mai sống chết ra sao. Tôi vẫn sống trong những ngày dài mệt mỏi, rồi một lần tôi gặp một người, người ấy là xe ôm tên là Thính ở Đông Anh, Hà Nội. Ông ấy biết rõ hoàn cảnh mẹ con tôi nên muốn tôi giao cháu bé cho một đôi vợ chồng sau 10 năm không có con. Lúc đó, họ nói đủ những điều tốt đẹp nhất sẽ đem lại cho con tôi, còn nếu không cho, tôi cũng không biết lấy gì nuôi cháu nữa. Trong tâm trạng đau đớn tột cùng, sự giằng xé giữa tình mẫu tử và cuộc sống của con, trong một phút bồng bột nhất thời khi không thể làm chủ ý chí, tôi đã giao con cho họ với hi vọng rằng cuộc sống của con mình sẽ tốt hơn. Một lát sau, tôi chợt tỉnh và như người vô hồn bay bổng giữa không gian lạc lõng mà cõi lòng tan nát, tôi đau đớn suốt bao đêm dài khi phải rời xa cháu. Tôi đã khóc rất nhiều, mà nghĩ than ông trời thật bất công với mình. Sau đó, tôi đã quay về và nuôi hai cháu lớn với hi vọng sau bão giông ngày mai trời lại sáng.
Anh chị ạ! Đã 16 năm trôi qua, giờ đây hai cháu lớn của tôi đã có gia đình, cuộc sống hôm nay cũng không còn nghèo khó nữa, nhưng chỉ có tâm hồn tôi vẫn không hề thay đổi. 16 năm cũng là hàng nghìn đêm dài tôi nghĩ về cháu, tôi ước mong một ngày sẽ được nhìn thấy cháu cho dù tôi biết điều đó thật khó khăn vô cùng, như mò kim đáy bể vì cháu không có đặc điểm gì để nhận dạng. Tôi cũng đã gặp ông Thính mấy lần nhưng họ đều từ chối không cho tôi biết địa chỉ của đôi vợ chồng ấy.
Sau khi theo dõi chương trình, tôi thấy chương trình đã đem lại nhiều niềm vui cho bao gia đình mà họ đã ấp ủ nhiều năm tháng. Một tia sáng chợt lóe lên trong đầu, tôi hi vọng anh chị hãy rủ lòng thương xót cho một người đàn bà mà cuộc đời đã đi qua quá nhiều thăng trầm này. Cho dù hôm nay có được sống giữa chốn phồn hoa đô thị thì nơi sâu thẳm nhất của trái tim mình tôi vẫn đau đáu nhớ thương về một người con đã nhiều năm lưu lạc. Tôi rất mong mỏi có một ngày sẽ được nhìn thấy cháu, hi vọng phép nhiệm màu nào đó sảy ra với tôi duy nhất trong cuộc đời này, để mai đây nếu có đi vào cõi vĩnh hằng tôi cũng được toại nguyện.
Lời sau cùng, chúc anh chị mạnh khỏe và luôn là cầu nối tình yêu thương cho những con người có hoàn cảnh bất hạnh như tôi. Tôi tha thiết mong chờ sự hồi âm của các anh chị.
Lê Thị Trọng
Đông Anh, Hà Nội
}