Khán giả

Bố tôi – một cuộc đời buồn

Ngày đăng: 04/03/2008 | Lượt xem: 1180

Khi xem chương trình “Như chưa hề có cuộc chia ly…” tôi vô cùng xúc động. Lòng tôi lại tràn ngập hy vọng và luôn hướng về các anh chị. Tôi mong rằng một ngày nào đó tin vui cũng sẽ đến với tôi. Cuối cùng, vô cùng cảm ơn các anh chị thực hiện chương trình và kính chúc các anh chị mạnh khỏe, hạnh phúc!

Sau đây xin trình bày câu chuyện gia đình tôi để chương trình có thể chia sẻ phần nào 
 
BỐ TÔI – MỘT CUỘC ĐỜI BUỒN
Ba mươi năm tôi trăn trở, ba mươi năm tôi tìm cách giải nỗi uẩn khúc trong lòng bố nhưng chưa được. Đến nay, tôi vẫn đang ngày đêm đi tìm và vẫn hy vọng một ngày nào đó sẽ được gặp lại những người con riêng của bố để ông được mỉm cười nơi chín suối.
Bố tôi tên thật là Trần Duy Tự, tên lúc còn trong quân ngũ là Trần Ngọc Thanh. Cuộc đời bố là những chuỗi ngày vất vả, sau khi bố lấy mẹ được ít tháng thì nạn đói năm 1945 xảy ra. Cả xứ đạo quê tôi rơi vào cảnh tang thương chết chóc. Đói quá, bác Cả nhà tôi đã ra đi để tìm nơi làm thuê và bác đã không trở về nữa. Sau này nghe người làng kể lại bác bị bệnh phải nằm nhà thương và qua đời.
Ngày 6 tháng Giêng, Cha xứ có chiếc đồng hồ rất có giá trị bị hỏng, cả Xứ đạo đói nên Cha không muốn làm phiền con chiên. Ông nội tôi xung phong đi chữa đồng hồ cho Cha và ông cũng không còn sức để trở về và cũng không có ai còn đủ sức đi tìm ông. Đói quá, cô tôi đem đôi chiếu duy nhất trong nhà đi đổi lấy mấy củ lạc về ăn nhưng bố tôi ngăn cấm, cô nói: “Em lạy anh! Anh để cho em đổi, em ăn một miếng rồi chết cũng được”. Bố tôi ngậm ngùi quay đi lau dòng nước mắt. Ít lâu sau, cô Út cũng qua đời, tiếp theo, bà nội và cô Ba cũng qua đời. Thế là, gia đình bố tôi chỉ còn duy nhất một mình ông sống sót. Một khoảng trống lớn lao, một nỗi buồn sâu thẳm bao phủ tâm hồn bố. Trước nỗi đau này, bố chỉ còn biết âm thầm chịu đựng, vì xung quanh nhiều gia đình khác cũng có hoàn cảnh tương tự. Mẹ tôi còn sống sót là nhờ thỉnh thoảng qua nhà ông bà ngoại xin được ít cháo cám. Bố tôi vừa buồn, vừa đói và còn bị bệnh tưởng rằng không qua khỏi. Nhưng, trời đã thương nên bố tôi phát hiện ra bầy cá mè trong cái ao kề bên nhà nội quanh năm phủ kín bèo tây. Nhờ những con cá mè đó mà bố tôi vượt qua nạn đói. Phần vì quá căm thù bọn xâm lược, phần vì quá đau thương trước những mất mát cùa người thân nên năm 1946 bố tôi xung phong lên đường chống Pháp. Bố tôi có mặt trên khắp núi rừng Tây Bắc, tham gia nhiều trận đánh, trải qua bao cơn sốt rét và cả những trận đậu mùa sốt li bì nhưng nhờ sức khỏe bẩm sinh hơn nữa lại nhờ bà con dân tộc chữa chạy bố tôi vượt qua được nhiều lần thập tử nhất sinh.
Năm 1954, cả Xứ đạo di cư vào Nam, mẹ tôi ở lại chờ bố về đoàn tụ để mẹ đỡ cô đơn và ông ngoại cũng đã ở lại cùng với con gái. Năm 1958, bố tôi mới trở về địa phương, lúc đó bố tôi mang quân hàm đại úy. Khi về tới làng, nơi đầu tiên bố dừng chân là mảnh đất cũ nơi gia đình bố đã sinh sống, lúc này đã trở nên hoang vu, bố tôi đứng lặng đi nước mắt lăn dài trên gò má. Anh tôi đã chứng kiến được giây phút xúc động đó vì mảnh đất cũ của gia đình bố cũng gần mảnh đất mà ông ngoại và mẹ đang ở (anh tôi ra đời sau khi bố đi bộ đội được mấy tháng). Hơn mười hai năm tham gia Kháng chiến Chống Pháp, bố không có điều kiện về thăm vợ con, một phần cũng là do những trận đánh diễn ra liên tục và một phần do quê hương tôi cũng có một giai đoạn bị chiếm đóng tạm thời. Trong suốt thời gian xa mẹ biền biệt đó, bố tôi đã quen với một người phụ nữ, người đã từng giúp đỡ bố tôi trong lúc ông bị bệnh hiểm nghèo. Trong ký ức của tôi vẫn còn lưu giữ câu chuyện về một người phụ nữ đã đốt đèn dầu, lấy kim khêu mủ và dùng giấy bản để thấm những nốt đậu mùa trên người cho bố. Chuyện tình cảm của bố với người phụ nữ ấy có lẽ đã nảy sinh ở hoàn cảnh đặc biệt trong những ngày Kháng chiến Chống Pháp gian khổ. Theo như em tôi nói thì bố tôi và người phụ nữ đó đã có ba người con tên là Toàn, Thắng và Thắm. Chuyện tôi biết sau khi vào đại học.
Trước năm 1972, ba người con của bố ở với mẹ và ông ngoại tại bãi Phúc Xá – Hà Nội. Bố tôi lên thăm các con riêng lần cuối cùng là vào năm 1971 (hoặc 1972) thì nghe nói là họ đã theo ông ngoại đi sơ tán và mẹ của các anh mất năm nào thì tôi không rõ. Lúc đó người dân ở bãi Phúc Xá đã đi sơ tán gần hết nên bố tôi không hỏi thăm được địa chỉ của các con và bố tôi đành trở về quê. Sau đó bố tôi thường xuyên bị bệnh tật hành hạ nên không có thời gian để đi tìm và bố cũng chỉ nói điều này với mẹ tôi thôi.
Vào khoảng năm 1973 hoặc 1974, tôi có gặp hai người phụ nữ (quê ở Trực Mỹ hay Trực Khang thì không rõ lắm). Họ hỏi thăm ông Thanh ở gần gác chuông nhà thờ (có thể hai người phụ nữ này được các anh nhờ đi tìm lại bố của mình). Vì lúc đó tôi không biết câu chuyện của bố và cũng không biết được rằng trong quân đội bố có tên là Thanh nên tôi đã hiểu lầm là họ hỏi ông Thanh khác trong làng, ông này đã đi khai hoang trên miền núi. Vì thế, tôi cũng đã nói hết với họ những điều mà tôi biết. Họ cũng đã nhờ Ủy ban xã tìm giúp địa chỉ nhưng Ủy ban chỉ trả lời là sẽ lưu ý. Hai người phụ nữ đó ra về và từ đó cũng không thấy ai về tìm bố tôi nữa. Sau này, khi nghe mọi người kể lại câu chuyện trên thì bố tôi ngậm ngùi không nói nên lời. Lúc đó, các phương tiện thông tin liên lạc chưa phát triển như bây giờ nên bố tôi cũng không có cách nào để liên lạc với các con. Lúc tôi đang ở xa, biết tin con riêng trước đây của bố ở bãi Phúc Xá tôi cũng đã đến để hỏi thăm. Tuy nhiên, dân số ở bãi Phúc Xá đã quá đông nên tôi cũng không tìm được thông tin gì. Sau khi ra trường đi làm tôi cũng đã nhiều lần đi tìm nhưng không có tin tức. Nhưng, tôi vẫn nuôi hy vọng đi tìm. Tôi cũng đã nhờ Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, báo Quân Đội đưa tin nhưng mọi cố gắng của tôi đều không có kết quả.
Từ ngày đó đến nay, tôi vẫn canh cánh trong lòng một nỗi niềm là đi tìm lại con riêng cho bố để có thể thanh minh được cho ông về sự mất liên lạc giữa cha và các con. Mấy chục năm qua, tôi luôn quan sát trên các bến xe, bến tàu, trên truyền hình… để mong tìm thấy được một bóng hình giống bố nhưng đều vô vọng. Và, tôi vẫn luôn hy vọng một ngày nào đó có thể tìm ra các anh chị để bảy anh em chúng tôi được đoàn tụ.
                                                                                     Trần Thị Phượng
 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *