Hoạt động
Tìm về cuội nguồn
Ngày đăng: 24/11/2009 | Lượt xem: 1249
Số cuối cùng của năm thứ 2 trong Chương trình NCHCCCL lại tiếp tục gây bất ngờ với khán giả của Chương trình. Đó là câu chuyện hậu đoàn tụ của một người đàn ông trở về từ đất nước Nga xa xôi nhờ vào sự tấm lòng của những người Việt Kiều đang định cư tại đất nước này sau mấy chục năm xa cách. Chuyến hồi quê hương của ông Nguyễn Ngân Dậm cũng đã mở ra một nhịp cầu liên kết, vươn ra quốc tế của Chương trình NCHCCCL. Việc hợp tác này sẽ hứa hẹn nhiều cuộc đoàn tụ hơn nữa đối với những trường hợp tìm kiếm ở nước ngoài của Chương trình NCHCCCL.
Chú Nguyễn Ngân Dậm đã trở về Việt Nam từ nứơc Nga xa xôi |
Không dừng lại ở đấy, điểm nhấn của Chương trình số 24 lại là một cuộc đoàn tụ của người đàn ông mang tên Nguyễn Minh Hoàng đến từ vùng đất Củ Chi để tìm lại gia đình ruột thịt của mình sau hơn 30 năm lưu lạc, mở ra một tập hồ sơ tìm kiếm mới mang tên Campuchia – 1970. Hồ sơ của những trường hợp bị thất lạc ở một nơi xa lạ và khó có thể phán đoán được là sẽ đi đâu, về đâu.
Hồ sơ bắt đầu với những cái tên chưa đầy đủ
Một bức thư viết tay với nét chữ nắn nót chứa đựng đầy tình cảm của anh Nguyễn Minh Hoàng gửi đến cho Chương trình hy vọng được một lần gặp lại gia đình của mình. Bức thư ghi lại ký ức của hơn 30 năm về trước, những ký ức bị đứt gẫy với những cái tên không đầy đủ nhưng anh không thể quên được đó là mẹ Thân, bố Tín, anh Thanh, chị Tuyết, hay ký ức gắn liền những cánh rừng cao su thăm thẳm, và cả chiếc xe lấy mủ cao su đã đưa anh rời khỏi vòng tay của gia đình…. Lá thư chứa đựng mà còn kết lại như 1 lời tâm sự :”Nếu cha mẹ mất thì còn anh chị, anh chị nhớ tìm em! em tên Vinh, là em út của anh chị, khi lưu lạc em mới 7, 8 tuổi”.
Một gia đình 5 người, trên đường đi chạy loạn mà bị thất lạc lẫn nhau. Anh Hoàng chạy theo mẹ Thân về Rừng Lá rồi thất lạc với bố và anh chị. Mấy năm sau, bố mẹ anh liên lạc được với nhau, nhưng cả hai đều đã có gia đình riêng nên không quay trở lại với nhau nữa. Có chăng sợi dây liên hệ đó chính là những đứa con và bố muốn đưa cả 3 người con về chăm sóc. Rồi nỗi nhớ mẹ, và chưa quen với gia đình mới mà anh bỏ chạy vào rừng rồi thất lạc luôn gia đình bà con họ hàng. Rồi cũng từ đó mở ra một cuộc sống mới, cuộc sống bơ vơ, lưu lạc của một đứa trẻ không người thân thích, tự mình bươn chải với cuộc sống. Mong ước tìm kiếm gia đình trôi vào im lặng do điều kiện cuộc sống chưa cho phép.
Anh Nguyễn Minh Hoàng thông báo tìm gia đình |
Mười mấy năm sau sau cái ngày định mệnh đấy, khoảng năm 1989, cậu bé năm xưa trở cũng đã trưởng thành, anh đã quay trở về Rừng Lá để tìm mẹ và các anh chị. Nhưng thời gian làm mọi thứ thay đổi, anh không thể tìm lại được nhà của mình, thậm chí những người hàng xóm năm xưa anh cũng không còn dịp để gặp lại vì họ cũng đã chuyển đi nơi khác sinh sống sau cái ngày anh thất lạc không bao lâu. Những người đi kinh tế mới cũng chỉ tìm đến vùng đất này được một thời gian ngắn nên họ cũng không biết gì về những gia đình sống tại đây trước đó.
Nỗi thất vọng bao lấy anh suốt những năm sau đó. Rồi thời gian qua đi, anh Hoàng cũng tự tạo dựng cho mình được một cuộc sống mới, tập trung vào công việc và chăm sóc cho gia đình. Dù không giàu có, nhưng cái gia đình nhỏ của anh vẫn luôn đầm ấm khi những bữa cơm luôn đầy đủ những thành viên trong gia đình. Duy nhất một nỗi buồn về nguồn gốc, gia đình họ hàng của chồng, của bố vẫn len lỏi đâu đó trong cái không khí ấm cúng đó. Nhưng biết làm sao được…
Hồ sơ mang mã số 239 được lập và đưa vào xử lý.
Đội tìm kiếm vào cuộc cùng sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng
Với những thông tin mà anh Hoàng cung cấp cho Chương trình thì anh Nguyễn Xuân Cương – thành viên đội tìm kiếm cũng bắt tay vào công việc của mình. Anh Hoàng nhớ được nhiều thông tin lắm so với tuổi của một đứa bé lên 7. Tên của mình là Vinh, bố Tín, mẹ Thân, anh Thanh, chị Tuyết…. Rồi cả những cái tên địa danh như Bình Dương, Rừng Lá, Bù Đốp…. Những thông tin đó được đưa vào danh sách có khả năng là nơi anh Hoàng đã sống cùng gia đình cách đây hơn 30 năm. Tuy nhiên, những cái tên không thôi thì chưa đủ cở sở để việc tìm kiếm đạt được kết quả như mong đợi. Không ít lần anh Cương đã liên lạc với anh Hoàng để khai thác và phán đoán độ chính xác trong thông tin mà anh Hoàng đã cung cấp, cũng như là cố gắng khai thác thêm những chi tiết rất nhỏ để có được một cơ sở tìm kiếm đầy đủ và chính xác hơn.
Phòng Hồ sơ nghiệp vụ Cảnh sát tỉnh Bình Phứơc |
Sau khi tiến hành khai thác thêm thông tin liên quan thì việc khoanh vùng lại những nơi có khả năng là nơi ở của gia đình anh Hoàng nhất cũng quan trọng không kém. Từ đó để tiến hành việc nhờ tra cứu xác minh thông tin của trường hợp trên ngay sau khi Tổng cục Cảnh sát đã chủ động vào cuộc cùng Chương trình. Sự hỗ trợ này được thể hiện bằng văn bản hướng dẫn từ C27 yêu cầu Lực lượng Hồ sơ nghiệp vụ Cảnh sát tại các Thành phố, các Tỉnh rồi đến cả các Huyện cũng cùng tham gia hỗ trợ tìm kiếm thông tin về những người bị thất lạc thông qua việc tra cứu, khai thác từ hệ thống hồ sơ, căn cước, hộ khẩu.
Việc tra cứu tại phòng PV27 Bình Phước |
Yêu cầu xác minh thông tin về gia đình ông Thân, bà Tín có các con tên là Thanh, Tuyết và Vinh được gửi đến Công an tỉnh Bình Phước, Công an huyện Phước Long và Công an huyện Lộc Ninh vì những địa danh này gắn liền với cây cao su được khoanh vùng. Bằng cách này, những người thực hiện Chương trình cố gắng không bỏ qua bất kỳ thông tin liên quan nào của người cần tìm kiếm, tại đó, chúng tôi còn có cơ hội để tìm ra được nơi ở cuối cùng của người được tìm rồi từ đó có những phán đoán tìm kiếm phù hợp. Và phương án trên đã có một mở đầu tốt đẹp qua sự phản hồi từ Phòng Hồ sơ Nghiệp vụ Cảnh sát – Bình Phước (PV27) về một gia đình đang sống tại Bù Đốp cũng mang những cái tên như thế. Một kết quả khả quan mà tàng thư đã mang lại, một người phụ nữ tên Tuyết có cha tên Tín mẹ tên Thân hiện đang cư ngụ tại huyện Bù Đốp (trước là huyện Lộc Ninh), tỉnh Bình Phước và đặc biệt gia đình này cũng bị thất lạc một người em trai.
Một gia đình tại một địa phương cụ thể đã được xác định, nhưng mọi việc không dừng lại ở đó, anh Cương lại tiếp tục thực hiện nốt những bước cuối cùng để có thể khép lại hồ sơ mang mã số 239 đó là chuyến đi thực tế đến Công an tỉnh Bình Phước trên chuyến xe khách đầu tiên của ngày. Đồng thời ghé thăm gia đình anh Thanh để có câu trả lời cho những chi tiết còn mơ hồ trong hồ sơ. Và sau chuyến đi thực tế đó, anh đã có thể khẳng định được đây chính là gia đình của anh Hoàng – những người mà Chương trình cần tìm.
Tan tác
Chúng tôi tìm đến nhà anh Thanh, ngôi nhà chỉ cách căn nhà trước đây mà ba đã đưa người em trai út của anh về sống cùng độ chừng 2km. Câu chuyện của gia đình có người em trai tên Vinh bị thất lạc được hé mở. Câu chuyện của mấy chục năm trước được kể lại, và chúng tôi cũng vô cùng bất ngờ khi anh Hoàng không thể nhớ được địa danh Cao Miên, hay Campuchia – tên của vùng đất mà ba mẹ và cả mấy anh chị em của anh đã được sinh ra.
Chị Nguyễn Thị Tuyết và anh Nguyễn Văn Thanh |
Một gia đình sinh sống bằng nghề đi làm thuê ở đồn điền cao su vùng Chúp, huyện Snoul của Campuchia. Cha mẹ của họ là dân nghèo Hà Nam, Thái Bình, phải bỏ đất đi phu cho Pháp từ năm 1930. Ông Tín sinh ra tại Campuchia, lấy người đồng cảnh, lập nên một gia đình nhỏ. 2 vợ chồng và 3 người con tên là Nguyễn Thị Tuyết, Nguyễn Văn Thanh và Nguyễn Văn Vinh quây quần bên nhau. Tháng 3/1970, một biến cố lớn xảy ra khi Tướng Lon Non đảo chính, và khai hỏa cho nạn Cáp Duồn tàn sát và xua đuổi người gốc Việt sống trên đất nước này. Cuộc tàn sát mở rộng từ thành thị đến nông thôn. Những thế hệ người Việt thứ 2, thứ 3 sống tại đây cố đi bộ về đến vùng biên để tìm một cơ hội sống sót.
Trong bối cảnh đó, ông Tín đưa vợ đang mang thai sắp đến ngày sinh nở và 3 đứa con chạy vào rừng cao su để lánh nạn nhưng không kịp, chỉ mình ông Tín nhanh chân chạy thoát. Tưởng chừng cuộc đời của mấy mẹ con sẽ khép lại tại đây vì nghe nói nếu bị bắt lại thì sẽ bị bỏ xuống sông ở Kampong Cham. Trước khi bị bắt, bà chỉ kịp gửi hai người con lớn là Tuyết và Thanh cho một người quen là người Miên đưa giúp về Làng 54 để gặp bố. Còn bà và đứa bé trong bụng cũng như người con trai nhỏ cũng đành phó mặc cho số phận.
Câu chuyện của người mẹ mất con |
Hai mẹ con bị bắt giam vào ngục, khoảng 1 tuần sau, bộ đội đánh vào làng, mấy ngàn người Việt Nam đang bị giam tại đây được hồi hương về Việt Nam trên chiếc tàu mang số 405 về vùng 4. Cũng trên chuyến tàu này bà chuyển dạ, không may đứa bé đã mất ngay sau đó. Bà Thân cùng con trai được đưa về trú tạm trong một ngôi chùa trên đất Cao Lãnh. Một thời gian sau, sau, bà dắt con đi lập nghiệp ở vùng Rừng Lá, Bình Tuy. Rồi bà cũng lập gia đình mới tại đây.
Lại nói về ông Tín, sau cái ngày chạy thoát khỏi rừng cao su đó, ông đã quay về Làng 54 tìm vợ con, nhưng chỉ được người hàng xóm giao lại cho hai đứa con lớn, còn vợ và con trai út thì không biết nơi nào. Đến năm 1973, ông đưa 2 con hồi hương về Việt Nam sống tại Bình Dương, lập gia đình rồi đưa cả gia đình chuyển về sinh sống tại Bù Đốp – một vùng cao su ven biên giới.
Mãi đến sau khi đất nước thống nhất, bà Thân nghe nói có người ở Làng 54 hồi hương về Việt Nam và sống ở Xa Mát nên bà thu xếp đưa anh Vinh đi tìm, gặp lại bố mẹ đẻ và hay tin chồng đã lập gia đình mới, sống tại Bình Dương. Bà Thân lại đưa anh Vinh quay về Rừng Lá.
Năm 1977, ông Tín lên Rừng Lá đón anh Vinh về sống cùng gia đình của mình tại Bù Đốp. Anh Vinh đã quen sống với mẹ, chưa quen với nếp sống của gia đình nên anh hay bị bố đánh. Một buổi chiều, bố sai anh Vinh đi mót măng, nhưng sau đó không biết vì lý do gì mà không thấy anh quay trở về nữa. Chắc do không tìm thấy măng, lại nhát đòn của bố nên anh Vinh không dám về. Ông Tín ăn năn chạy bộ đến thị trấn rồi đến cả ngã ba Sông Măng để tìm lại đứa con trai bé bỏng của mình nhưng vô vọng.
Ảnh: Minh họa |
Đứa con trai út bỏ đi trong nỗi ân hận của người cha và nỗi tiếc nuối của người anh khi chỉ mới sống với em trai được vài tháng
Tìm về
Đứa bé trai đó 31 năm sau đã ngồi tại trường quay của Chương trình xúc động đến nghẹn ngào, anh chưa kịp hiểu được đều kỳ diệu đang diễn ra với mình vì mãi nghĩ mình cũng chỉ là một trường hợp đến thông báo về hoàn cảnh của mình hy vọng một sự lên tiếng từ người thân ruột thịt của mình. Anh được đưa đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác, một câu chuyện dang dở về bố mẹ, anh, chị mà anh không biết sẽ được kể tiếp như thế nào nếu như không có Chương trình NCHCCCL.
31 năm côi cút trong vòng tay của những người xa lạ nhưng tốt bụng. Mẹ và anh chị cũng đã trông chờ anh suốt thời gian qua. Chị gái thỉnh thoảng vẫn mơ thấy anh Vinh trong giấc ngủ của mình nên không chịu lập bàn thờ cho người em trai đã bị thất lạc của mình. Anh trai cũng nghĩ rất nhiều về đứa em không may, anh đoán có thể anh Vinh được bộ đội đưa đi ra miền Bắc,… có nhiều hướng về số phận của anh Vinh được nghĩ đến nhưng chưa bao giờ họ nghĩ người thân mình đã chết, mà chỉ tạm xa gia đình mà thôi. Anh chị em ruột thịt là thế, họ mừng lắm khi nghe tin em trai mình đã quay về tìm gia đình.
Chương trình đã đưa anh Vinh đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Tưởng chừng như phóng sự về anh Thanh, chị Tuyết sẽ kết thúc được hồ sơ tìm gia đình của anh Vinh. Nhưng hơn thế nữa, chúng tôi còn tìm lại được mẹ ruột cho anh. Đứa bé trai hoảng loạn, mất phương hướng trong khu rừng cao su năm xưa giờ đây đang ngồi tại trường quay để xem lại những hình ảnh của một buổi chiều tháng 6/1977 và nghe tiếp câu chuyện của những người thân mà anh không được gặp suốt 31 năm qua.
Một số hình ảnh gia đình anh Nguyễn Minh Hoàng tại trừơng quay S8 ngày 7.11.2009 |
} else {