Hoạt động
Tất Niên xum họp
Ngày đăng: 07/11/2007 | Lượt xem: 1388
Tết là mùa đoàn tụ, là lúc mà những người thực hiện chương trình “Như chưa hề có cuộc chia ly…” cảm nhận rõ hơn niềm tự hào về sứ mạng của mình, đồng thời cũng nhận thấy niềm tin mà khán giả, trong đó có những người đang chịu cảnh chia ly, gửi đến Chương trình thật nhiều và nặng trĩu.
Trường quay S8 tại Tp.HCM, được biến thành nơi gặp gỡ cuối năm, cả Chương trình như quay chầm chậm một điệu valse nhẹ, ấm áp, quay từ bàn đầu tiên đến bàn thứ tám, mà mỗi nơi đều để lại một câu chuyện đẹp về tình người, niềm hi vọng và hạnh phúc đến ngỡ ngàng khi mẹ được gặp con.
Niềm vui đầu tiên, một hạnh phúc trọn vẹn đã đến với cô bé Thảo, ắt hẳn quý vị và các bạn vẫn còn nhớ khuôn mặt này. Trong chương trình trực tiếp số 02 tháng trước, Chương trình “Như chưa hề có cuộc chia ly…” đã giúp tìm ra quê của Thảo, nơi đó có mẹ, có những người anh của Thảo chờ ngóng, còn người cha vẫn lưu lạc nơi đâu không biết.
12 năm chờ đợi để được gặp lại mẹ và anh, bé Thảo không nghĩ đến ngày đoàn tụ với người cha của mình lại có thể nhanh đến bất ngờ như vậy. Nếu quý vị và các bạn đã đọc bài báo “Gặp người bị "kết tội" bán con” được đăng trên báo Thanh Niên cách đây vài ngày thì chắc đã hiểu rõ. Trong cuộc đoàn tụ nhanh chóng này có sự mách bảo quý giá của chị Mai, chị là khán giả đầu tiên đã giúp chương trình đoàn tụ gia đình thành công, chị tâm sự:
"Tôi sống ngay gần nơi anh Trung trọ, vẫn thường thấy anh Trung đi bán vé số qua. Xem chương trình thấy xúc động quá thấy con gái gặp lại mẹ sau bao nhiêu năm, tôi và mọi người đều chảy nước mắt. Rồi thấy họ còn thất lạc người cha, chương trình có đưa lên tấm ảnh người cha đó, đúng anh Trung – người sống gần nhà tôi. Thế là tôi gọi điện đến chương trình”.
Đây không phải là thông tin hỗ trợ – mách bảo đầu tiên của khán giả gửi đến chương trình, những thông tin trước đây có giá trị riêng của nó và cũng đã giúp đội tìm kiếm Sài Gòn Buổi Sáng rất nhiều, hé lộ được nhiều manh mối mới cho những cuộc tìm kiếm đang bị rơi vào bế tắc. Vậy đấy, nếu bạn biết một thông tin nào đó, dù là nhỏ nhất về những trường hợp mà chúng tôi đang tìm kiếm hãy đừng ngần ngại liên hệ trực tiếp với chúng tôi. Tổng đài của chương trình – 08.2647777 với sự hỗ trợ từ VinaGames luôn sẵn sàng lắng nghe các bạn.
Chương trình “Như chưa hề có cuộc chia ly…” số “ này cũng gặp lại anh Nguyễn Văn Linh, người vừa đoàn tụ với gia đình sau 22 năm xa cách trong chương trình “Như chưa hề có cuộc chia ly” đầu tiên. Anh đến với chương trình lần này với tư cách là một tình nguyện viên của chương trình. Đồng cảm với những con người đang trong hoàn cảnh chia ly giống như mình trước đây và mến phục những con người làm công tác tìm kiếm khiến anh đã quyết định đăng ký làm tình nguyện viên với chương trình.
Sau hai số Chương trình “Như chưa hề có cuộc chia ly…” phát sóng đã có hơn 450 khán giả trên 64 tỉnh thành cả nước và cả người Việt Nam đang sinh sống ở nước ngoài đăng ký trở thành tình nguyện viên của chương trình. Các tình nguyện viên sẽ là nhân tố tích cực để có thêm ngày càng nhiều những cuộc đoàn tụ. Diễn đàn tình nguyện viên của dự án đang được gấp rút hoàn tất để trở thành nơi thảo luận của không chỉ các tình nguyện viên mà còn của tất cả những ai quan tâm đến dự án nhân đạo vì cộng đồng này.
Trong ekip thực hiện chương trình, đội tìm kiếm là những người được khán giả quan tâm nhiều nhất, họ cũng là những người có nhiều câu chuyện thú vị nhất. Sau mỗi hành trình tìm kiếm họ lại tích lũy thêm được nhiều kinh nghiệm và nhiều trải nghiệm đáng nhớ. Dấu chân của họ đã đi qua nhiều vùng, miền của đất nước. Những tin vui họ gửi về có thể là một cuộc điện thoại lúc nửa đêm, trong cái lạnh thấu sương ở cực bắc của đất nước, và cũng có thể vẫn còn đang trong lúc say sóng ngoài đảo xa. Xuất hiện trước ống kính, một số thành viên đại diện của đội tìm kiếm, họ vẫn cười nói, không ngừng trao đổi với nhau những vấn đề đang khúc mắc sau mỗi hành trình tìm kiếm đang dở dang.
Anh Dũng: “Tôi nhớ nhất việc lần theo dấu vết một người mẹ, lặn lội xuống Tiền Giang, Đồng Tháp không thấy tìm, rồi lên lại Thành phố, gặp không biết bao nhiêu người mang tên của người mẹ cần tìm ấy mà không phải. Tới Mỹ Tho, may quá, gặp đồng đội của bà, họ nghĩ là bà đã mất, lúc đầu mình cũng tưởng vậy và cũng buồn cho người con đi tìm lắm. Nhưng cuối cùng lại không phải”.
Đấy, anh Dũng đang dẫn mọi người đi vào một câu chuyện thú vị, đó cũng là cái tài của những người trong đội tìm kiếm. Còn bạn, ắt hẳn bạn đang muốn biết người con ấy là ai, người mẹ là ai?!
“Tôi tên là Nguyễn Hữu Thành, sinh ngày 20/12/1972. Đầu năm 1973, mẹ ruột tôi tên là Lê Thị Út đem tôi cho vào Cô nhi viện thánh Bảo Lộc, tỉnh Vĩnh Long, với lý do cha chết mẹ bệnh không nuôi được. Vài tháng sau, tôi được cha mẹ nuôi xin về và nuôi dưỡng đến ngày hôm nay. Năm tôi vào lớp 1, tôi thắc mắc vì sao khác họ với ba mẹ, nên ba mẹ tôi mới kể lại sự thực, rồi làm đơn sửa lại họ cho tôi từ Lê thành Nguyễn. Giờ ba mẹ nuôi của tôi đã qua đời, ông bà luôn mong muốn tôi tìm lại được cội nguồn của mình”
Vậy người con này – anh Thành đến nay đã 36 tuổi và cũng ngần ấy năm không biết mẹ ruột của mình là ai ! Anh cũng cho biết là anh đã trở về An Hữu, địa danh mà nơi người mẹ sinh anh ra đã từng sống, được lưu trong giấy khai sinh mà người mẹ kia đã đưa cho cô nhi viện. 37 năm dài đằng đẵng, có lúc trong anh cũng không còn hy vọng sẽ gặp lại được người mẹ ruột của mình. Sổ sách cũ lưu trữ lai lịch công dân của địa phương trước đây không quản lý tốt, những người già thì mấy ai còn nhớ, mấy ai có thể quan tâm chuyện người khác trong thời loạn lạc ấy!? Và cái hoàn cảnh, lý do đưa con vào cô nhi viện như trường hợp anh Thành thời đó là rất nhiều, lời khai trong giấy tờ ủy thác kia có chính xác ?!
Anh Thành lúc mới vào cô nhi viện |
Giấy "Ủy thác con cho cô nhi viện" |
Thực tế thì Chương trình hầu như không muốn kiếm tìm những trường hợp bỏ nhà ra đi, hoặc cho con đi, vì quyết tâm của chúng tôi là tác hợp trường hợp lạc nhau mà cả hai bên đều có nguyện vọng gặp lại. Trường hợp của anh, tờ khai không nói lên điều gì nhiều và không thẩm định tính chính xác được. Nhưng vì cảm động khi thấy ba vợ anh cầm lái đưa anh từ Đồng Tháp lên gặp đội tìm kiếm ở Tiền Giang. Phải là người có nghĩa có nhân thế nào thì ba vợ mới thương như thế. Để đi tìm lại mẹ cho anh Thành, chương trình đã cử nhiều đoàn, nhiều lượt tìm kiếm.
Cuộc hành trình đó nhiều lúc tưởng chừng đã bế tắc, không còn hy vọng – bởi lẽ sự thật không phải như lý do nghi trong giấy tờ ủy thác, và người mẹ thật lại không phải là tên Lê Thị Út. Phóng sự tiền kỳ ghi lại hành trình của đội tìm kiếm đã dần hé lộ những bí ẩn trong câu chuyện tưởng chừng đơn giản "Tìm mẹ Lê Thị Út".
Người phụ nữ khô gầy gạt nước mắt trong phóng sự chính là mẹ anh Thành. Đã lâu, lâu rồi bà không còn khóc cho đứa con mà bà đã dứt ruột bỏ ở cô nhi viện cách đây 36 năm, và bà cũng không còn hy vọng gặp lại con mình vì bà đã đi tìm nhiều lần không được.
Vậy là đã rõ, nhưng nhiều người có mặt trong trường quay không khỏi bất ngờ vì hai mẹ con đang ngồi sát bên nhau, họ ngồi ngay cạnh nhau từ đầu chương trình đến giờ, nhưng họ không nhận ra sự hiện diện của nhau. Hai người được ngồi xắp xếp quay lưng lại với nhau ở hai bàn khác.
Mẹ đứng ngay sau lưng, nhưng anh Thành vẫn không rõ |
Giây phút hạnh phúc |
Cho đến lúc, đến lúc nhà báo Thu Uyên cầm tay bà Chín Nguyệt đặt lên tay anh Thành, khiến anh ngỡ ngàng khá lâu không nói nên lời.
Trong câu chuyện của anh Thành, chúng tôi đã nhờ cả một cuộc họp cựu binh quân y, rồi một bệnh viện quân y, thậm chí tìm đến cả cán bộ địa phương ở Cao Lãnh…Chúng tôi đã được giúp đỡ rất nhiệt tình nhưng không thấy, tưởng như đã bế tắc… Một cuộc tìm kiếm gian nan như thế đấy, chúng tôi muốn nói với những người đã đăng ký tìm kiếm với chương trình là hãy biết kiên nhẫn.
Cuộc họp mắt tất niên lần này cũng có sự trở lại của bé Giang – người đã đoàn tụ với gia đình mình trong chương trình số 2. Bé Giang vẫn ở lại ngôi chùa Diệu Giác cùng sư thầy Như Trí.
Ngôi chùa vẫn đứng ra che trở và giúp bố mẹ nuôi dưỡng Giang học hành nên người, bởi lẽ gia cảnh của Giang quá nghèo, nếu em trở lại với gia đình thì cõ lẽ em sẽ không còn được học hành đến nơi đến chốn. Và Giang cũng chính thức được một nhà hảo tâm đứng ra nhận đỡ đầu cho em.
Hôm nay, bên bàn Tất Niên này, có anh Nguyên – người đi tìm, anh Nam – người được tìm thấy, và chú Loan Phúc Thu người đã cưu mang cho anh Nam trong một thời gian lưu lạc buồn khổ nhất. Anh Nam đã bỏ nhà đi 11 năm nay với quyết tâm làm giàu sẽ trở về với gia đình, nhưng rồi anh cũng bặt tin tức, người nhà đi tìm nhiều nơi không thấy. Trong lúc anh còn loay hoay tìm cách sống sót và thực hiện lời hứa với gia đình, thì người cha đã ra đi vĩnh viễn.
Anh Lê Cao Tâm, nhà báo Thu Uyên đang trò chuyện cùng anh Nguyên và Nam |
Cuộc đoàn tụ này bắt đầu từ sự tình cờ khi anh Nguyên trò chuyện với một vị khách trên xe – cuộc trò chuyện tưởng chừng thoáng qua với vị khách kia đã cho anh có thêm niềm tin và cơ sở để đi tìm Nam một lần nữa. Vị khách ấy chính là anh Lê Cao Tâm – đội trưởng đội tìm kiếm của Sài Gòn Buổi Sáng.
Cái bắt tay cảm ơn ân nhân đã cưu mang người thân trong thời gian xa cách |
Khi người thân lưu lạc, ấm lòng khi nghĩ ở đâu đó có ai cưu mang khi người thân của mình ốm, khi đói khát, khi thất bại. Đó là niềm tin lớn nhất để chúng ta tin rằng sẽ có được ngày đoàn tụ. Chú Thu tâm sự: Thấy thương lắm. Mình không khá giả gì, từ thành phố về Bình Thuận làm kinh tế mới, nhưng mình có gia đình, có cái ăn cái mặc. Thấy chú ấy một mình, không người thân thích, thấy thương lắm. Nên vợ chồng tôi khi thấy Nam có người yêu, cũng rất là mừng, người nào cũng cần có gia đình thì mới sống được. Rồi khi anh Nguyên này đến, vào hỏi có Nam ở đây không, vợ tôi hỏi thử biết là đúng anh đi tìm em rồi, thấy hai anh em ôm nhau tôi cũng khóc luôn đó.
Anh Nam rồi sẽ về trở lại với gia đình, với mẹ già, người đã 11 năm nay trông ngóng con mình. Cuộc đoàn tụ ấy ắt hẳn sẽ có những giọt nước mắt, nước mắt của sự hạnh phúc.
Tết là lúc đoàn tụ. Đoàn tụ người thân. Đoàn tụ gia đình. Cuộc gặp cuối năm tại trường quay đã khép lại, để niềm vui đoàn tụ cùng lan tỏa từ đây, về quê Quảng Bình cùng Nam, về với mẹ cùng anh Thành, về với cha cùng bé Thảo… và tới với những tấm lòng tình nguyện đang ở khắp bốn phương. “Như chưa hề có cuộc chia ly…” xin hẹn gặp lại vào tối thứ bảy, ngày 1 tháng 3.
Chúc mừng năm mới!
Bài Nguyên Liên – Ảnh Thái Hậu