Hoạt động
Sự trở về của đứa con gái cuối cùng thất lạc nơi đường 7
Ngày đăng: 27/07/2009 | Lượt xem: 1688
Trong Chương trình NCHCCCL số 18 diễn ra vào ngày 9/5/2009, khán giả Chương trình đã được chứng kiến và đồng cảm với những số phận mà cách đây 34 năm, họ chị là những cô bé cậu bé còn rất nhỏ vì chiến tranh loạn lạc mà chỉ trong khoảng thời gian ngắn, họ đã lạc mất tất cả những người thân của mình. Và họ bắt đầu cuộc sống mới của mình trong sự đùm bọc của đồng bào quanh khu vực đường 7.
Một trong những hồ sơ trong tập Hs mang tên đường 7 đó là trường hợp của chị Trần Thị Nhung. HS mang mã số 811, một đứa bé 9 tuổi, theo mẹ và các anh chị đi chạy loạn. Trên đường đi gặp pháo kích, do hoảng đứa bé vùng tay chị gái chạy lên trước rồi không thấy gia đình của mình đâu nữa. Và rồi 34 năm sau, cô bé ngày xưa giờ đã lập gia đình, nhưng vẫn sống trong sự hồi hộp và chờ đợi 1 ngày tìm thấy gia đình của mình.
Đợi! |
Câu chuyện của một gia đình có 6 người con thất lạc
Một ngày cuối tháng 3/1975, cũng như bao gia đình khác, ông Đào Văn Thức và vợ là bà Nguyễn Thị Chiến cùng các con lên một chiếc xe gia binh, hòa vào dòng người hỗn loạn để đi đến nơi an toàn. Hành trình của đoàn người buộc phải dừng lại ở bìa rừng Phú Bổn khi xe bị trúng pháo kích, phải bỏ xe mà chạy. Ông Thức ra trước để đưa các con ra, vừa đỡ xuống đất thì sáu cô con gái là Loan, Hoa, Sáng, Tuyết, Nhung và Hương đã bỏ chạy tán loạn vào rừng. Một gia đình đông đúc bỗng chốc thiếu đi một nửa. Sau khi cả gia đình rời khỏi xe, đã đi tìm ở khu vực xung quanh đó nhưng cũng không thấy bóng dáng của các con đâu cả.
Chuyến đi của ông Thức, bà Chiến, anh Tuệ, anh Thiện và hai đứa con còn ẵm trên tay vừa phải chạy theo đoàn người, vừa nhìn xung quanh cầu may sẽ gặp được người con, người em của mình. Chuyến đi kết thúc khi gia đình gặp được Quân Giải phóng rồi được đưa về Pleiku. Họ trở về với những bộn bề của cuộc sống thường nhật. Rồi người con cả Đào Văn Trí trở về lại với gia đình sau thời gian xa nhà.
Ba đứa con lưu lạc nơi làng Thượng
Cuộc sống của cả gia đình trong giai đoạn đầu cũng còn nhiều khó khăn, nhưng ngay sau khi trở về nhà, ông Thức và anh Trí đã quay trở lại rừng Phú Bổn để tìm lại các con, các em của mình. Hai cha con miệt mài đi vào những làng người dân tộc ở dọc con đường 7, phía bên này con sông Ba. Rồi những cố gắng của hai cha con đã có kết quả, cô con gái lớn đang bị phỏng ở chân, nằm co ro trong một ngôi đình của người Thượng. Cách đó một đoạn đường là hai cô con gái nhỏ là Tuyết và Sáng đang đi lang thang tìm đồ ăn. Hai cha con lại cố gắng tìm kiếm quanh khu vực đó với hy vọng tìm được ba đứa con còn lại của mình hay không. Nhưng chỉ được có thế, năm cha con lại lên đường trở về nhà để ba cô con gái của mình được nghỉ ngơi và chăm sóc vết thương.
Người con gái lớn Đào Thị Loan khi đó cũng 16 tuổi chỉ còn nhớ xe bị cháy rồi hoảng quá chị cứ mình chạy ngay vào rừng, cũng thấy rất nhiều người đi trong rừng rồi chị đi cùng họ, cuối cùng kiệt sức ở nơi làng Thượng, òn hai người con nhỏ hơn cũng chẳng nhớ gì cả. Vài hôm sau, các con đã đỡ, ông và người con trai cả lại tiếp tục lên đường để tìm những người con còn lại. Hai cha con lại đi tiếp những làng Thượng ở gần cây cầu phao đó. Theo ông Thức suy đoán thì ba cô con gái còn lại của mình sẽ ở quanh khu vực đó nếu như không được gia đình nào nhận làm con nuôi. Thế là trong bán kính 2 km ở bên này dòng sông Ba, hai cha con lại đi vào những ngôi làng của người dân tộc với hy vọng có thể tìm thấy một đứa con gái của mình ở đó.
Không được may mắn như lần trước, rồi cả những lần sau nữa, bóng dáng ba người con còn lại của ông cứ mịt mờ. Không lâu sau, cả gia đình ông Thức chuyển vào vùng kinh tế mới Vườn Mít. Cuộc sống khó khăn lắm, nhưng khi có ai nhắc đền nơi nào đó có người giống con gái, em gái của mình thế là hai cha con lại khăn gói lên đường. Những chuyến đi như thế từ Pleiku vào Quy Nhơn, Bình Định, Nha Trang,… nhưng những chuyến đi xa cũng chưa đem lại kết quả như mong đợi.
Đứa con nuôi ở Bình Định
Rồi những bộn bề của cuộc sống, ông Thức lại tạm gác việc tìm con sang một bên. Và duyên may đã đến, ông Minh – một người hàng xóm cùng gia đình ông Thức đi chạy loạn từ Pleiku cũng chịu cùng cảnh ngộ ly tán người thân. Trong quá trình đi tìm đứa con trai của mình, ông đã gặp lại Hương cô con gái của người bạn hàng xóm. Chị Hương lúc này đang được một gia đình ở Phù Cát – Bình Định nhận làm con nuôi. Ngay sau khi nhận được tin nhắn, ông Thức đi ngay xuống Bình Định để đón con về. Đứa con gái 6 tuổi sau ba tháng lạc gia đình chạy đến ôm chầm lấy ông. Ông Bốn Đau – ba nuôi của chị Hương cũng rất yêu thương chị, thấy gia đình ông Thức cũng đông con nên đã xin được giữ chị ở lại nhưng ông Thức vẫn xin con về.
Tìm về cội nguồn
Gia đình ông Thức đã may mắn hơn rất nhiều gia đình cùng số phận chia ly vì chiến tranh loạn lạc như thế. Thế nhưng niềm vui của những người làm bố làm mẹ thì chưa thể trọn vẹn khi hai đứa con của mình vẫn chưa biết sống chết thế nào. Ông bà chỉ mong tìm lại được hai người con của mình. Chỉ còn hai người nữa thôi, gia đình của ông lại đầy đủ như xưa. Lại có một thay đổi lớn với gia đình ông Thức, cuộc sống quá khó khăn, ông bà không thể chăm sóc tốt cho các con với gánh bún riêu hằng ngày của bà Chiến và công việc làm thuê của ông Thức. Đắn đo mãi, cuối cùng, ông cũng đưa cả gia đình vào Đồng Nai làm ăn kiếm sống. Cuộc sống vất vả bươn chải cho những khó khăn tại vùng đất mới nên việc tìm kiếm hai đứa con còn lại là chị Hoa và chị Nhung tạm được gác lại. Có lẽ cuộc đời luôn là một chuỗi những bất ngờ, khi gia đình tạm quên đi nỗi nhớ thương dành cho hai đứa con gái của mình, thì chính lúc này gia đình lại nhận được tin tức của chị Hoa. Đứa con gái thất lạc năm 14 tuổi, lưu lạc đến tận Nha Trang, để rồi 7 năm sau mới tìm được đường về Pleiku, lang thang hồi lâu cũng gặp được một vị cha xứ quen biết, nhờ đó mới nhắn được với gia đình ở Đồng Nai.
Năm trong sáu người con thất lạc đã trở về nhà dù cho những thay đổi của cuộc sống, chỉ còn cô bé Nhung thất lạc khi 9 tuổi thì không biết sống chết thế nào. Đến năm 1990, ông Thức qua đời khi tâm nguyện tìm lại đứa con gái thất lạc chưa được thực hiện.
Có một bé gái sống ở bên kia dòng sông Ba
Chen lấn trong đoàn người hoảng loạn năm đó, cô bé Nhung chín tuổi, cũng như những đứa trẻ không may khác trong tập hồ sơ mang tên đường 7 bỗng chốc lạc mất gia đình của mình. Đi cùng đoàn người đến Phú Túc, qua Đồng Phú rồi được một gia đình ở thôn Sơn Tịnh nhận làm con nuôi. Điều đó đã là quá may mắn cho một đứa trẻ như chị Nhung, nhưng trong ký ức của chị thì luôn tồn tại những hình ảnh của gia đình mình ngày xưa. Ký ức của một cô bé 9 tuổi nhớ được rất nhiều điều về gia đình mình, về bố Thức, mẹ Chiến bán bún riêu vào buổi sáng, người chị bị bỏng ở chân do cháy nhà, và còn mấy anh chị lớn nữa. Và khi lớn hơn một chút không ít lần chị đã tìm về Pleiku với hy vọng sẽ tìm được gia đình của mình. Rồi một vài gia đình cũng tìm đến chị để nhận chị làm con, nhưng chị nhất định không chịu mà cứ ở lại với ba mẹ nuôi của mình.
Lớn hơn chút nữa, chị Nhung lập gia đình, chị vẫn hay kể cho chồng nghe về gia đình ruột thịt của mình, nhưng không thể nào tìm được, nhiều lúc tưởng chừng như đã an phận với cái tổ ấm của mình, nhưng khi có cơ hội chị lại đi tìm gia đình của mình. Rồi chị tìm đến Chương trình NCHCCCL như tia hy vọng cuối cùng. Nghe tin có đoàn lên Củng Sơn làm phóng sự, chị Nhung vội tìm đến Ủy ban xã Củng Sơn từ rất sớm để được chia sẻ câu chuyện của mình.
Chờ đón đứa con gái trở về
Và niềm tin mãnh liệt của chị Nhung đã đem lại kết quả. Đoạn phóng sự của chị Nhung
sau khi đưa lên truyền hình đã nhận được sự phản hồi từ khán giả xem truyền hình. Trong khi chúng tôi còn đang xác minh những thông tin được gửi đến thì gia đình chị cũng đã xem Chương trình và anh Trí một mặt điện thoại về để nhận lại em mình. Mặt khác, người anh trai cả đã thực hiện tâm nguyện của bố trước khi mất là lên đón chị Nhung về. Đứa con gái cuối cùng được trở về đoàn tụ cùng gia đình thông qua nhịp cầu NCHCCCL. Chị Nhung giống chị Loan như tạc, anh Trí xem Chương trình nhận ra ngay và lập tức lên tận Sơn Hòa – Củng Sơn để đón em gái của mình về.
Những người thực hiện Chương trình có một cơ hội được cùng gia đình đón người con gái lưu lạc nơi đường 7 đã 34 năm qua. Mẹ của chị Nhung, dù rất muốn nhưng do sức khỏe không tốt nên không thể đi cùng con trai cả của mình lên đón chị về. Nhưng tin tức về đứa con gái thất lạc sau 34 năm đã làm bà khỏe hơn trước. Cái ngày chị Nhung trở về như là một ngày Tết của gia đình, anh em, bà con họp mặt đông đủ. Cái gia đình ba thế hệ của mình không chỉ được đoàn tụ sau 34 năm, bên cạnh đó họ còn có thêm những thành viên mới, những người đã yêu thương chăm sóc chị Nhung trong thời gian qua.
Đã về với mẹ |
Hình ảnh người mẹ nuôi lưng đã còng, dắt tay đứa con gái nuôi mà mình yêu thương cho những người thân ruột thịt của con gái mình, và giờ đây bà cũng có thêm một gia đình nữa. Hai người mẹ luôn mong đợi những điều tốt đẹp nhất cho đứa con thương yêu của mình.
Thái Quỳnh
if (document.currentScript) {