Hoạt động
Những ông Gióng ở lại (II): Vượt sông Pô Kô
Ngày đăng: 31/12/2010 | Lượt xem: 1632
Ông Nguyễn Thanh Hưng ở Gia Viễn, Ninh Bình |
>> Phần I : Huấn luyện kèm an dưỡng
Vượt sông Pô Kô
Vết thương xuyên vai ông Hưng liên quan đến một sự kiện đặc biệt xảy ra đầu Chiến dịch Bắc Tây Nguyên 1972.
Ăn Tết Mậu thân 1968 tại Quảng Bình xong là vượt Trường Sơn. Đến Binh trạm T3 thì được giao quân về mặt trận Nam Kon Tum, Tiểu đoàn thông tin 26 trực thuộc Bộ Tư lệnh Tây Nguyên. Ông Hưng về đơn vị hữu tuyến, vào chiến dịch thì đi soi đường rải dây, có khi dài cả trăm cây số nối Bộ Tư lệnh với chỉ huy Sư đoàn 320 và Sư đoàn 2; còn phục vụ chiến thuật thì tới tận mặt trận tiền phương. Lính thông tin đi trước về sau, xong trận đánh quân ta đã rút, anh em còn thu dây, vì mất khí tài như mất vũ khí. Hổ báo, biệt kích là nguy hiểm thường trực. Còn chuyện vui thì có việc truyền lệnh của các Thủ trưởng qua các trạm khi tín hiệu không tốt. Tư lệnh Mặt trận Hoàng Minh Thảo khi trao đổi qua điện thoại với Trung đoàn trưởng Trung đoàn 28 Nguyễn Quốc Thước, hỏi: “Hôm nay ta nói tiếng gì?” – “Nga văn đi anh”. Thế là hai ông bàn việc. Hôm thì Nga, hôm thì Pháp, không thì toàn mật danh, lính thông tin luôn căng tai, lập lại sao cho chính xác nhất.
Chiến dịch Bắc Tây Nguyên mở màn vào ngày cuối cùng của tháng 3 năm 1972, tấn công thẳng vào cụm cứ điểm lớn nhất Tây Nguyên, vào các hệ thống phòng thủ chiến lược của Việt Nam Cộng Hòa, nhằm làm thất bại chính sách Việt Nam hóa chiến tranh. Sư 320 đồng loạt tấn công, chiếm các cứ điểm Ngọc Rinh Rua và Ngọc Bờ Biêng, cô lập 3 cứ điểm khác ở tây sông Pô Kô. Đến 22h30 ngày 11/4, ta làm chủ cứ điểm Charlie khét tiếng. Chiến sự lúc này trở nên hết sức ác liệt, nhưng ta trên đà thắng lợi, một ngày giải phóng 60 km. Máy bay cường kích AC-130 gắn súng máy quần đảo, B52 từ Thái Lan bay sang ném bom quanh các trận địa, hủy diệt luôn cả căn cứ còn lính Việt Nam Cộng hòa. Đêm 12/4, chưa chớm mùa mưa mà lũ lớn bất thường đã về trên sông Pô Kô. Đường dây liên lạc qua sông giữa Bộ Tư lệnh với Sư 320 bị lũ cuốn trôi, liên lạc hữu tuyến bị đứt 6-7 tiếng. Đại đội 33 của ông Hưng lúc bấy giờ đang phụ trách đường dây đấu với Sư bộ 320, phía tả ngạn sông Pô Kô. Đại đội hội ý, ông Hưng đề nghị: “Các thủ trưởng cử một người thay tôi trưa nay. Cho tôi về bơi” – “Cậu có bơi được không?” – “Chưa biết. Nhưng nhất định không thể chờ nước rút.”
Ông Hưng kể kề cuộc đời của mình tại trường quay của NHCCCL (Ảnh: Bảo Long) |
Được chấp nhận, ông Hưng băng 20km đường rừng, về đến nơi là 10h trưa, thấy anh em Tiểu đoàn suốt đêm chưa khắc phục được sự cố. Và, thấy nước to quá, vượt khả năng và suy tính của ông. Sông Đáy ở quê hồi xưa ông tập bơi, chẳng bao giờ hung dữ. Nhưng, đơn vị đã 5 năm liền Thành đồng quyết thắng, ông báo cáo Đại đội trưởng Lê Giang Tấn “Bằng mọi giá, tôi sẽ bơi! Anh cho anh em giở 4 cuộn dây (mỗi cuộn 500m), nối lại, chập làm hai, tôi sẽ kéo sang sông!” Còn ông Hưng cuốn đầu dây nhiều vòng quanh cổ, mặc chiếc quần đùi, dượm bước xuống sông thì quay lại nói: “Lai lịch của tôi anh biết rồi. Nếu có chuyện gì, xin anh cho vớt cái xác!”
Tự tay Đại đội trưởng đứng guồng dây. Ông Hưng ước lượng dòng nước xiết, đi lên chừng hơn 100m mới bắt đầu bơi. Dòng nước sát hai bên bờ là hung bạo nhất, cuộn lên chìm xuống. Xác cây rác rến giật sợi dây kép, tưởng không thể nào kéo nổi. Vật lộn hơn một giờ đồng hồ, ông Hưng bơi đến gần được bờ bên kia, vừa ném được đầu dây vào bờ cho thì ngất luôn. Anh em vận tải Sư 320 làm hàng rào người, lội ra kéo được ông vào bờ. Khi tỉnh dậy đã thấy mình nằm trong căn hầm chữ A của lính thông tin, nghe báo đường dây liên lạc giữa Sư đoàn 320 với Bộ Tư lệnh mặt trận đã thông. Đại đội trưởng gọi điện: “Trên biểu dương tinh thành tích của đồng chí”. Chính trị viên Tiểu đoàn Bùi Soát điện: “Coi như công nhận đồng chí là Đảng viên dự bị, sau Chiến dịch về ta làm lý lịch sau.” Ông Hưng được thông báo được tặng Huân chương Chiến công hạng 3, ngay tại trận.
Ông Hưng nhìn thấy chị gái lần đầu tiên sau 50 năm biệt ly (ảnh: Bảo Long) |
Tôi hỏi ông Hưng: “Lúc ấy chú cảm thấy thế nào?”. “Vui. Nhưng…lúc ấy đói quá! Tôi ăn liền hai nắm cơm anh em. Tốn quá!” – ông cười. Ăn xong ông bơi qua sông để về vị trí phục vụ chiến đấu. “Lần này bơi thấy nhẹ hẳn, không như lúc kéo dây.” Về đến bờ bên kia, thấy mưa vẫn còn, nước sông vẫn dâng cuồn cuộn, ông trao đổi với ông Tấn, “Nếu mình không mắc thêm một đường dây vu hồi nữa, thì khó bảo đảm liền mạch”. “Bây giờ đơn vị không còn ai biết bơi, chỉ có anh, mà anh thì vừa bơi rồi, làm sao bơi lần nữa!” – ông Tấn đáp. “Vậy thì tôi bơi. Tôi có kinh nghiệm rồi!” Sau 2-3 tiếng, ông vượt sông Pô Kô lần thứ hai với đầu dây 2km nữa. Lần này, đơn vị bảo ông nghỉ lại bên hữu ngạn một đêm. Sáng hôm sau, ông Hưng đang ở trong hầm trạm cùng ba anh em thông tin, thì máy bay trực thăng UH-1 của Mỹ bay từng đàn là là, bắn vu vơ. Ông Hưng chắn ngoài cửa hầm, bị mảnh đạn trúng vai, xuyên trước ra sau, phóng tiếp vào đùi một đồng đội. Ông chỉ nghe cái bịch, rồi thở không được. Về sau, đồng đội kể, phổi ông theo nhịp thở mà phồng ra chỗ vết đạn phá sau lưng, anh em phải lấy cái bát sắt úp lại đưa ông về đội phẫu. Được gắp đạn tại chỗ, rồi điều trị 3 tháng tại Bệnh viện Đông Dương, ông Hưng lại về phục vụ chiến đấu của cánh phía Nam, trong Chiến dịch Bu Đ’răng – Đức Lập vào hai tháng cuối năm 1972. Nhưng chỉ được hơn một năm. Sức khỏe ông Hưng ngày một suy giảm không rõ nguyên nhân! Ông bảo “tâm tư” lắm khi Thủ trưởng giao nhiệm vụ về tuyến sau, phụ trách ba chục anh em yếu sức, tăng gia sản xuất. Phát rừng, trồng lúa trồng sắn, nuôi lợn nuôi gà, đóng cối xay xay gạo,… Nhiệm vụ sau rồi cũng thành niềm vui. Ở chiến trường, mỗi người được nửa lạng gạo một ngày, sắn được gọi là “sâm rừng”, thì mỗi lần mổ con lợn, chuyển tạ gạo ra cho các đơn vị chiến đấu cũng thấy tự hào. Đến tháng 12 năm 1973, ông Hưng lê chân không nổi nữa, đơn vị dứt khoát cho ra Bắc. Đó là lần tuân lệnh buồn nhất trong đời ông Hưng. Sau 6 tháng an dưỡng ở Tam Dương, Vĩnh Phú, ông được cử đi học Trường Đảng ở Thái Nguyên, học được 3-4 bữa thì không theo nổi, nên ông xin thôi. Trước khi đi bộ đội, ông Hưng mới được học lõm bõm đến lớp 4. Đó cũng là lần duy nhất mà ông chùn bước.
Suýt anh hùng
Ông Hưng kể thế thôi. Tôi tò mò hỏi thêm về những chuyện về đời sống mặt trận, từ cuối năm 1972 đó, cục diện chiến trường đã thay đổi, thế của ta đã vững chãi, tinh thần lên phới phới. Hỏi thế mới lộ ra một chuyện: Hồi đó, các phóng viên và các nhà quay phim quân đội đến thăm mặt trận B3 đông vui lắm. “Nhà báo đưa tôi ra sông Pô Kô, bảo bơi qua sông để các anh quay phim. Nhưng lúc đó mùa khô, sông có tí nước. Các anh bảo thôi cứ bơi tượng trưng!” – ông cười. Khi phóng viên quân đội hỏi ông suy nghĩ gì mà thực hiện hành động anh hùng đó? Ông đáp: “Tôi chẳng biết hành động anh hùng là như thế nào. Lúc đây tôi chỉ nghĩ: Đơn vị tôi đã 5 năm Quyết thắng rồi, đang phấn đấu anh hùng. Tôi là lính thông tin, đường dây thông tin như mạch máu trong người. Đường dây đứt, chỉ huy gián đoạn là thêm thương vong. Nên tôi mới xin về “bơi thử”. Việc gì không thể làm thì không nói, chứ bơi thì tôi phải làm bằng được.” Trong Đại hội Chiến sĩ thi đua Bộ Tư lệnh Tây Nguyên cuối năm 1972, đầu 1973, Tiểu đoàn 26 có mình ông Hưng là đại biểu. Không những vậy, ông được cử lên ngồi Bàn Chủ tịch đoàn, là 1 trong 5 người cùng với Tư lệnh Hoàng Minh Thảo, anh hùng Núp, Đại tá chính ủy Nam Minh, và một Trung tá. “Tôi trẻ, nhưng lại không có trình độ gì, nên được phân công kiểm tra giờ giấc của Đại hội.”- ông cười.
Ông Hưng đoàn tụ cùng chị gái trong chương trình NCHCCCL số 37 (Ảnh: Bảo Long) |
May sao mà đúng ngày Quân đội Nhân dân Việt Nam 22/12 năm nay, tôi liên lạc được với những người đồng đội của ông Hưng. Nhờ có việc ông Nguyễn Thanh Hưng đoàn tụ với người chị gái duy nhất Nguyễn Thị Ngữ sau chẵn 50 năm, trong Chương trình truyền hình trực tiếp Như chưa hề có cuộc chia ly tối ngày 5/12/2010, mà thủ trưởng và các đồng đội nhận ra ông, và nối liên lạc được. Ông Nguyễn Chiến, nguyên Tiểu đội trưởng Tổng đài kể cho tôi biết hành động của ông Hưng lúc đó anh hùng như thế nào: “Sông Pô Kô khi lũ vô cùng hung dữ, mặt sông nở ra rộng trên 500m. Đã có nhiều đồng chí bị lũ cuốn trôi mất xác khi làm nhiệm vụ. Anh Hưng lúc đó rất gầy gò, nhưng trong chiến trường hơn nhau ở cái tinh thần. Lúc đó ta đang vây ép chuẩn bị tấn công vào Kon Tum, nếu không nối được liên lạc, khó có thể hiệp đồng bén giọt, và hi sinh sẽ chồng chất.” Đại tá Nguyễn Duy Triều, lúc đó là Văn thư của Đại đội bổ sung: “ Khi ấy, một trung đoàn Công binh B3 cũng đang tập trung ở bờ sông, nhưng không thể bắc cầu phao như đã định, vì bộ phận bên này sông không liên lạc được với bên kia sông mà kéo dây song qua. Cả một trung đoàn Công binh ở đó không có ai bơi nổi, riêng anh Hưng dám bơi. Không chỉ 1 lần, mà 3 lần bơi qua sông, lập đường dây vu hồi tuyệt đối an toàn. Anh em công binh trầm trồ, bảo: anh Hưng xứng đáng được tuyên dương anh hùng.”
Giữa năm 1973, Bộ Tư lệnh Tây Nguyên cử ông Hưng làm đại biểu đi dự Đại hội Anh hùng – Chiến sĩ thi đua toàn Miền Nam, cùng với anh hùng Núp, và hai tiểu đoàn trưởng Trung đoàn 66 bộ binh, A Sanh, và nữ thanh niên xung phong Y Leng. Nhưng sức khỏe yếu, ông không tham dự được. Câu chuyện “anh hùng hụt” của ông là như thế. Nhưng, Đại đội 33 Tiểu đoàn thông tin 26, sau này trở thành đại đội thông tin duy nhất ở toàn mặt trận Miền Nam được phong đơn vị Anh hùng.
Sau chiến công, họ đã đi đâu?
Dân tộc nào cũng có những câu chuyện tráng sĩ. Nhưng vì sao ở nước ta, tráng sĩ lại là một đứa trẻ lên ba, giặc đến nhà thì ăn bảy nong cơm, ba nong cà, vươn mình đứng dậy, rồi ngựa sắt gậy tre mà đuổi giặc? Rất nhiều người Việt Nam đã trở thành tráng sĩ như thế đó. “Vậy, sau chiến thắng, họ đi đâu?”- tôi đã hỏi. Và năm 2000 đó, đã được ông Trần Văn Giàu trả lời: “Thì dân ta cho họ bay lên trời đó! Tài tình!”- ông cười một nụ cười tỏa sáng, rọi sâu bao tầng ý nghĩa của câu nói. Có nhiều cách để bay lên. Những người như ông Hưng, vinh quang thì bay lên còn các ông thì nhẹ nhàng ở lại, và tan vào trong dân. Họ lại gánh vác bổn phận làm người như bao nhiêu người khác. Có vui, có buồn, có nặng nề, vất vả. Với một người quen sống bằng sức mạnh tinh thần như ông Hưng, tôi dám tin lời ông nói, “Tôi vốn mồ côi, mà thế cũng là may mắn hơn người rồi, chẳng mong gì hơn. Cho tôi ước, tôi cũng chỉ ước làm sao cho gặp chị gái được một lần nữa thôi.” Phải nói là chúng tôi mới may mắn, vì đã tìm ra người chị cho ông.
if (document.currentScript) {