Hoạt động
Những ông Gióng ở lại (I): Huấn luyện kèm an dưỡng
Ngày đăng: 31/12/2010 | Lượt xem: 1321
Năm 2000, nhân dịp làm phim kỷ niệm 55 năm Cách mạng Tháng Tám và Nam Bộ kháng chiến, tôi có vinh dự được phỏng vấn nhà cách mạng lão thành Trần Văn Giàu. Trong số những điều quý giá mà tôi được tiếp thu vào buổi chiều mùa thu dưới tán cây góc vườn nơi đường Phạm Ngọc Thạch đó, có một hình tượng mà ông Giàu đã nhắc nhiều lần, là Thánh Gióng. “Dân ta như những ông Gióng. Giặc đến nhà là lớn dậy. Ăn khoai ăn bắp mà lớn dậy. Trùng trùng. Điệp điệp”… Đối với tôi, truyền thuyết Thánh Gióng chính là “mật mã” về nguồn sức mạnh vô tận chống ngoại xâm của Việt Nam ta.
Câu chuyện sau đây là về một người lính thời chống Mỹ. Cuộc đời ông Nguyễn Thanh Hưng giống như rất nhiều những người lính sinh ra trong những năm chạy giặc Pháp đói kém, lớn lên trong công cuộc khai hoang xây dựng Chủ nghĩa xã hội ở Miền Bắc, nhập ngũ và cùng xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước vào giữa những năm 60 của thế kỷ 20.
Huấn luyện kèm an dưỡng
Ông Hưng nhìn thấy chị gái lần đầu tiên sau 50 năm biệt ly (Ảnh: Lê Bảo Long) |
Ông Hưng quê Gia Viễn, Ninh Bình, nhưng được sinh ra tại nơi tán cư vào năm 1947. Bố mất, rồi trong cùng một năm, mẹ cũng mất khi ông Hưng còn bò lổm ngổm trên ngực mẹ tìm sữa. Từ đó là “không gia đình”. Anh trai lớn tên Vượng lên 8, được cụ Đoàn Văn Rần – một nhà nho hoạt động cách mạng trong vùng nhận nuôi, đặt tên cho là Hợp, vì ông đã có người con trai Đoàn Hòa (sau này là thầy giáo của nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải). Chị gái Nguyễn Thị Đuốn và ông Hưng được người chú đưa về làng nuôi, nhưng rồi không nuôi nổi, đành gửi mỗi người một nhà. Mãi đến ngày đoàn tụ vào tháng 11/2010 này, bà Đuốn (nay tên là Nguyễn Thị Ngữ) vẫn tưởng chú là cha mình. “Ngần ấy năm tôi vẫn còn thấy giận. Cha tôi cõng tôi tới nhà ông Phúc ở đầu cầu Lim, tôi ngủ thiếp đi, dậy thì cha đã đi mất. Tại sao cha bỏ chị em tôi? Có rau ăn rau có cháo ăn cháo chứ!…”. Năm đó bà lên 6, ông Hưng lên 2, mà gia đình người chú cũng đông con.
Ông Hưng được cho một gia đình hiếm muộn ở xã bên. Khi bắt đầu có trí nhớ, ông Hưng đã biết thân phận mình, nhưng không có khái niệm gì về anh về chị. Đến năm 1960, bà Ngữ 16 tuổi, đi theo người quen từ thị xã Ninh Bình về quê mua mắm, mới biết quê mình ở đó, dẫn dần lần tìm ra đứa em trai ở thôn Đồng Vàng. Lần gặp duy nhất đó, chị mua cho em cái bút máy màu đỏ. Bao nhiêu năm trôi qua, trong ký ức của cả hai đều còn nguyên “chiếc bút máy Trường Sơn màu đỏ” ấy.
Còn người anh trai, lớn lên tại Hà Đông, được biết mình còn 2 đứa em, đã tìm về Ninh Bình. Hôm đó ông Hưng đi chăn trâu về, đã thấy anh ngồi chờ. Nói là “anh” thì chỉ biết là anh thôi, không hiểu anh thế nào. Hai anh em lên thuyền đi tảo mộ cho cha mẹ, ông Hưng nhớ, người anh vắt cái khăn mặt ướt, lặng lẽ lau mặt cho ông thật lâu. Đó cũng là lần gặp duy nhất. Năm 1963, ông Hưng theo cha mẹ nuôi lên Tuyên Quang khai hoang. Năm 1964 ông Hợp đi công nhân tại Nông trường Thanh Hà, Hòa Bình, rồi về thị xã Ninh Bình xin gia đình ông Phúc được dẫn em gái đi. Năm 1966, ông Hợp gửi thư về Tuyên Quang xin đón ông Hưng để 3 anh chị em đoàn tụ, nhưng chưa thành. Cuối năm đó, ông Hợp nhập ngũ, rồi hy sinh năm 1968 tại Phước Long.
Gia đình ông Nguyễn Thế Hưng ở Sơn Dương, Tuyên Quang (Ảnh: NCHCCCL) |
Những năm 65-66, cả nước ra mặt trận. Ông Hưng nặng 41kg, loại B2, không được tuyển, đành đi công nhân quốc phòng xây dựng Hang Hùm ở Tuyên Quang mấy tháng, rồi lại xin khám nghĩa vụ tiếp. Vẫn không đạt, vì “thấp bé nhẹ cân”. Ông viết đơn tình nguyện, mãi mới được cho chấp nhận. Nhưng sau 2 tháng huấn luyện, Tiểu đoàn Bình Ca 2 đành quyết định cho ông về, vì sức vậy sao chịu nổi hành quân đường dài. “Giờ có đuổi tôi cũng không về” – ông Hưng cương quyết. Cuối cùng, đơn vị đành đưa ra một biện pháp có một không hai: An dưỡng ngay tại chỗ, tức là: tiêu chuẩn ăn của bộ đội là “bảy hào tám”, thì ông Hưng được chế độ “đồng hai”. Nhân lên với sự phấn khởi và quyết tâm, chỉ trong một tháng cuối cùng của
kỳ huấn luyện, ông Hưng trở nên “rất khỏe”, trở thành “đầu tàu gương mẫu”, bắn đạn thật đạt 29/30 và được Quân khu gửi giấy báo công về cho bố mẹ nuôi ở Tuyên Quang. “Từ đó trở đi, tôi trở thành con cưng của đơn vị” – ông Hưng cười.
Thành thương binh 24 năm sau trận chiến
Ông Nguyễn Thanh Hưng ở Gia Viễn, Ninh Bình |
Gặp người lính già này, tôi luôn cảm thấy hình như ông sống bằng sức mạnh tinh thần là chủ yếu. Không có lý gì một người mang chi chít mảnh đạn trong màng phổi, có cái to bằng đầu ngón tay, mà mười mấy năm không biết, mất sức phải ra quân mà về địa phương lại thành chủ lực sản xuất. “Trước đây tôi vác 100 – 120 cân là chuyện thường” – ông nói, tay không ngừng cắt bí đỏ nuôi hai đôi nhím mới đầu tư. Thịt nhím đang lên giá, 500 ngàn một cân. Nhưng bán nhím làm giống thì gần 20 triệu một đôi. Ông về tận Đại học Nông nghiệp 1, xin GS Lân Hùng cuốn sách dậy nuôi nhím. Hồi mới phục viên năm 1974, ông cũng đã lên xuống nơi này vài lần để tìm hiểu “cây gì, con gì” để về hướng dẫn bà con. Suốt 27 năm sau đó, ông được bà con tín nhiệm, bầu là đội trưởng sản xuất, đội trưởng thủy lợi và kỹ thuật, rồi Chủ nhiệm Hợp tác xã, Chủ tịch Hội Nông dân – xen kẽ với chức Xã đội trưởng, Ủy viên UB Kiểm tra Đảng,… Đâu cần thì gọi đến ông. Dạo đó làm cán bộ thì vất vả và … đói, làm Đội trưởng sản xuất được chia 2 tạ lúa một năm. Xã Tuân Lộc, huyện Sơn Dương, Tuyên Quang lúc đó còn hoang sơ, nhiều thú dữ. Giờ thì đường lên Tuân Lộc phong cảnh thật hữu tình. Năm 2001 ốm quá, ông đành xin nghỉ, thì mới biết tính thâm niên công tác theo chế độ của nhà nước, chỉ được tính bảy năm, vì chuyển qua chuyển lại, chẳng ở đâu lâu, trừ hai khóa làm Chủ tịch Hội Nông dân cùng với một năm làm Thanh tra Tư pháp.
Ấy là tôi cứ tò mò hỏi cho ra các con số, chứ ông Hưng thì cứ nhẹ như không. Trên cổ tay đen gày gân guốc của ông, thấy sáng chóe một cái đồng hồ. Tôi hỏi: “Chú mua bao giờ thế?”. Ông cười, đáp: “Tháng trước đi nhận tiền chế độ đối với quân nhân tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước đã phục viên về địa phương (theo Quyết định số 142 ban hành ngày 27/10/2008 của Thủ tướng Chính phủ), tôi như thế là được 7 năm phục vụ quân đội, được 5 triệu. Tôi bớt hai trăm, mua cái đồng hồ, về báo bà ấy sau.” Số tiền còn lại, cộng với tiền tích cóp từ chục lứa lợn, ông bà vừa lập lại mái ngói của căn nhà xây năm 1991.
Đó là cái năm ông ốm một trận tưởng đi. Mà nếu không có trận ốm đó, ông cũng không biết mình đang mang mấy chục mảnh đạn trong người. Năm đó, ông đang làm Chủ nhiệm Hợp tác xã, bà Hán vợ ông làm y tá xã, 4 đứa con còn nhỏ – ngoài việc chung là lăn ra tăng gia cho đủ ăn. Ngôi nhà tạm ông bà sống từ khi lấy nhau được 5 năm, đã nát không ở được nữa. Hàng xóm anh em cho vay gạch ngói, cất cái nhà. Nhà vừa xong thì ông thấy mệt dần, da vàng đi rồi xuất huyết từng đám. Vợ đưa chồng lên bệnh viện Tuyên Quang. Một tháng nằm đó, Bệnh viện kết luận xuất huyết giảm tiểu cầu không rõ nguyên nhân. Ông xin về, định phớt lờ căn bệnh, nhưng được một thời gian thì nó nặng hơn, lại quay trở lại Tuyên Quang, từ đó được chuyển xuống Khoa huyết học Bệnh viện Bạch Mai. Nằm hai tuần chưa phát hiện ra bệnh, bác sĩ nghi bệnh máu trắng, cho đi xét nghiệm, hút tủy. Cũng không ra. Bà Hán lật đật trở về Tuyên Quang bán con trâu, bán đôi hoa tai vàng bố mẹ cho hồi lấy chồng. Khi trở lại, bác sĩ nhắc: “Cô đi đâu? Nếu hôm nay kết luận là máu trắng thì chuẩn bị. Bất cứ lúc nào đấy”. Ông Hưng vẫn tươi cười. Khi ông bà chờ ở ngoài nơi chụp phổi, các bác sĩ ở trong vừa kéo tấm phim của ông Hưng lên khỏi nước tráng, thì gọi: “Nguyễn Thanh Hưng là ông nào?”. Nghe nghiêm trọng, bệnh nhân đứng lên bám đông quanh cửa số.
– Bác có đánh nhau không?
– Có. Tôi đánh Mỹ.
– Có bị thương không?
– Có. Bị trực thăng bắn năm 1972.
Cả bác sĩ lẫn bệnh nhân đều sững sờ nhìn tấm phim. Ngoài vết trắng của những chiếc xương sườn là chi chít một đám hạt đậu. Một mảnh trắng đục nhất, to bằng cái móng tay cái, nằm sát cuống phổi. Năm đó ông bị thương giữa chiến dịch, được đưa về đội phẫu gắp mảnh rồi khâu lại. Khi sức kiệt, buộc phải ra Bắc đầu năm 1974 khi nườm nợp những đoàn xe cơ giới đang xuôi đường 14 vào Nam, ông được giám định y khoa, vết thương duy nhất này cũng được nắn nắn sờ sờ, và kết luận là “vết thương phần mềm”, 13% thương tật (21% mới được công nhận thương binh).
“Bà Giáo sư An người Huế, trưởng khoa Huyết học trông phim mới thương quá. Bà bảo: “Chú thế này thiệt quá! Nếu là thương binh thì thuốc men đã không mất tiền. Thôi, tôi biên cái giấy, cô đưa chú sang Bệnh viện E mà xin giám định lại”. Bà ấy tốt lắm!” – bà Hán kể. “Nhưng vợ chồng tôi cả đời chưa xuống Hà Nội. Ông ấy lại bảo, thôi đi về, đang vụ gặt, các con lại bé. Chủ yếu là ông ấy thấy hết tiền rồi, mà còn chưa biết tôi đã bán hoa tai đi đâu!” – bà cười. Tháng sau lại xuống. Lần này Bệnh viện nhận định: “Máu nhiễm chất kim khí” và cho tiêm một loại thuốc mà ông bà học được cái tên, về nhà tự mua và điều trị lấy. Những mảnh đạn bám trên màng phổi, nên không thể mổ.
Bà Ngữ theo dõi nhũng hình ảnh về người em mà bà tưởng đã hi sinh (ảnh: Bảo Trần) |
Ông Hưng thành thương binh vào năm 1996, trong đợt tái giám định toàn quốc. Hội đồng Giám định Y khoa trung ương lên Tuyên Quang, kết luận ông Hưng có 47% tỷ lệ thương tật.Từ năm đó ông bắt đầu được hưởng chế độ thương binh ¾, nay là 1,3 triệu một tháng.
Mỗi năm một đôi trận xuất huyết nặng, ông bà đã quen với Bệnh viện Tuyên Quang, Bệnh viện 109 Vĩnh Yên… “Thì tôi cũng phải có kỷ niệm chiến trường chứ bà. Không có tôi thì làm gì bà biết Hà Nội, với biết nhiều bệnh viện như thế!” – ông Hưng vẫn hay nói đùa với vợ.