Hoạt động
Những niềm hạnh phúc và hy vọng đầu năm!
Ngày đăng: 07/11/2007 | Lượt xem: 1528
Ngay từ lúc đầu khi nhà báo Thu Uyên nhắc lại số đường dây nóng của chương trình là (08) 264.7777 thì các điện thoại viên của chương trình đã không ngừng giây nào để lắng nghe và trả lời những thông tin tìm người thân, lời chia sẻ với chương trình và cung cấp những thông tin liên quan đến trường hợp thất lạc mà chương trình đang tìm kiếm.
Ảnh: Đội tương tác – các tổng đài viên của chương trình trả lời khán giả qua đường dây nóng 08-264.7777 |
Trường hợp đầu tiên cần tìm kiếm trong chương trình là anh Hoàng Trung Thông tìm cha mình: “Tôi đi tìm cha tôi. Cha tôi là bộ đội tập kết ra Bắc sau năm 1954. Ông cùng Binh đoàn cập bến Sầm Sơn, sau đó đóng quân tại Đình Tào Trụ, Xã Hoằng Lý, Huyện Hoằng Hóa, Tỉnh Thanh Hóa. Ở đó ông làm đám cưới với mẹ tôi là Tào Thị Thái. Năm 1964, ông lên đường vào Nam. Sau đó có lần, trên đuờng công tác ra Bắc, ông về thăm vợ con, mẹ tôi đi làm, tôi còn bé được ba dẫn đi cắt tóc và ăn phở. Rồi chiến tranh loạn lạc, gia đình tôi chuyển sang xã khác ở. Từ đó đến nên tôi không biết ba tôi có về tìm không?”
Chị Lê Nguyễn Hoàng Nhung, một khán giả đến tham dự chương trình cũng muốn tìm bạn học cũ ở Đại Học Luật khóa 1994-1999. Người bạn đó tên là Nguyễn Lê Mỹ Hạnh quê ở Tiền Giang. Do một sự hiểu nhầm mà hai người đã giận nhau và không còn liên lạc. Chị Nhung nói: “Tôi còn nợ Hạnh một lời xin lỗi. Mong Hạnh đang xem chương trình này, và biết là tôi mong gặp Hạnh, dù thế nào đi nữa, thì tình bạn của Hạnh và tôi vẫn rất đẹp”.
Với những trường hợp đăng ký tìm kiếm người thân có ảnh tư liệu, chương trình sẽ sắp sếp thời lượng trong mỗi số để đưa lên trong phần “Thông báo ảnh”. 7 thông báo đầu tiên đã được phát đi. Chương trình cũng rất mong mọi trường hợp đăng ký tìm kiếm gửi về sẽ có ảnh đi kèm, vì một bức ảnh sẽ gợi nhớ lại trong tâm trí của những người đã từng một lần gặp nhau, chứ không riêng bản thân những người trong cuộc, và vì vậy hy vọng đoàn tụ sẽ càng nhanh đến từ sự phản hồi của khán giả truyền hình. Đó cũng là lý do mà giao diện website haylentieng.vn và trên mỗi tấm vé mời của chương trình có banner được thiết kế giống như một dải hình trong cuộn phim. Bạn đã từng gặp ai đó trong những bức hình trên? Hãy click vào ảnh và xem thông tin về họ, hãy cho chúng tôi biết những gì bạn biết về họ!
Một tâm sự, một nỗi niềm vẫn luôn khắc khoải trong tâm trí một người đàn ông suốt 30 năm nay: “Tôi là Nguyễn Hữu Phước, con ông Nguyễn Văn Tài. Tôi muốn tìm mẹ, anh, chị và em, trước đây gia đình tôi sống tại Bồng Sơn, Tam Quan. Năm 1975, cha tôi khi đó làm lính văn phòng chế độ cũ. Gia đình tôi vào Phù Cát, từ đó ba tôi đưa tôi bay vào Sài Gòn, còn mẹ tôi và các anh chị em thất lạc không biết đi đâu. Mẹ tôi tên Đoàn Thị Nghi, người gốc Huế, thường được gọi là bác Tài gái theo tên ba tôi. Chị tôi tên Lý, anh tên Chính, và tôi còn 2 người em nữa. Có 1 chi tiết nữa là trước đây ở Phù Cát có bác hàng xóm tên là Ngọc. cách đây khá lâu, có 1 người con trai của bác Ngọc, tên là Phan Đại Hoàng Công liên hệ qua người quen, nghe nói anh sống ở đường Cách Mạng Tháng Tám, Tp.HCM, nhưng không biết chính xác ở đâu.”
Ảnh: Anh Phước tâm sự cùng chương trình về hoàn cảnh của mình | và di ảnh ông Nguyễn Văn Tài |
Những người thực hiện chương trình đã tiếp cận Giang trong một lần đi công tác xuống chùa Diệu Giác. Bằng sự đồng cảm, Giang đã dần dần hòa đồng với anh, chị trong đội tìm kiếm của chương trình và nói rằng "em cũng rất nhớ mẹ, nhớ em". Gần 2 năm xa nhà, em vẫn còn nhớ quang cảnh nhà nơi mình bỏ đi đó là một ngôi nhà đơn sơ nằm lọt thọt giữa vườn cà phê, vẫn còn nhớ đứa em hay cùng nhau đi bắt bò cạp đất. Giang nhớ cả những tảng đá to sừng sững nằm ven đường khi em bắt xe đò để bỏ nhà đi. Mà lúc đó, xe đi đâu thì em cũng không biết, cho dừng ở đâu thì em xuống ở đó.
Cõ lẽ, Giang cũng không quá bất ngờ khi được biết là mình sẽ được gặp lại cha mẹ và em, ở tuổi 13 em vẫn chưa hoàn toàn ý thức được hai chữ "gia đình". Nhưng nếu, 5 năm, 10 năm sau liệu em có còn gì về gia đình mình, liệu lúc đó em đi về tìm lại thì gia đình có còn nơi đó?
Giang đã ôm ngay lấy đứa em trai nhỏ hơn mình 3 tuổi. Hai anh em thút thít khóc khi đi đứa em gọi tên anh trai mình: "anh Đông ơi".
Đông sẽ về thăm nhà, được chơi cùng em và có được cái tết sum vầy bên gia đình sau 2 năm xa nhà. Rồi em sẽ vào lại Trung tâm ở chùa Diệu Giác để tiếp tục học nghề để mai này phụ giúp gia đình.
Thời lượng cuối của chương trình được dành cho cuộc đoàn tụ của ba con người đã 12 năm xa cách. Một người mẹ, một người anh lặn lội từ nơi vùng quê nghèo khó ở Nghệ An, họ bỏ dang dở cánh đồng đang vào mùa cấy khi nghe được tin từ chương trình mời vào Tp.HCM. 12 năm trước người cha trong gia đình là chú Nguyễn Văn Trung đã dẫn theo đứa con gái nhỏ mới lên 5. Hai cha con lưu lạc vào Nam đặt chân đến đất Sài Gòn mong có thể làm gì đó để đổi đời rồi mới về quê. Nhưng rồi mọi điều không như họ mong muốn, hai cha con đã lưu sống nhờ TTBTXH Chánh Phú Hòa. Được một thời gian thì người cha bỏ ra ngoài để lại đứa con gái nhỏ – bé Thảo. Sau rồi Thảo lại được đưa đến trung tâm Tam Bình và sống với những bạn bè mới của em ở nơi này đến bây giờ. Trong tâm trí, Thảo không biết quê mình nơi đâu, cha em có lúc nào đó quay trở lại Chánh Phú Hòa thăm mình mà không gặp, hay có thể ông đã về lại quê… nhưng …
Ảnh: Thảo (bên trái ngoài cùng) và một số em khác đến từ Trung tâm Tam Bình |
Người mẹ khắc khổ ấy đêm nào cũng nhớ tới con, khóc nhiều đêm trắng. Và bà lại khóc trong đêm gặp lại con gái mình sau hơn 12 năm xa cách.
Cô Mùi, anh Phước, anh Thông, họ cũng đã khóc, họ mừng cho ba mẹ con cô Diễm và họ cũng đang hy vọng một ngày nào đó họ cũng được ôm người thân vào lòng.
Tiếng chuông tổng đài như đổ dồn hơn ….
Tổng đài của chương trình ngay lúc này đây, sau buổi ghi hình hai ngày, cũng chưa một lúc ngừng đổ chuông. Chúng tôi hiểu và sẽ cố gắng hết mình để có nhiều hơn nữa những hạnh phúc đoàn tụ. Còn Bạn, bạn đã sẵn sàng tham gia tình nguyện cùng chương trình? Chúng tôi chào đón các bạn có cùng mong muốn góp sức cho một cộng đồng nhân văn.
Ảnh: Thái Hậu – Thanh Nhã
}