Hoạt động

Nguyễn Văn Linh – Đoàn tụ sau 22 năm

Ngày đăng: 14/12/2007 | Lượt xem: 1397

Sau khi đọc báo Thanh Niên, biết được chương trình “Như chưa hề có cuộc chia ly…”, ngay lập tức anh Nguyễn Văn Linh lên website www.haylentieng.vn gởi hồ sơ đăng kí tìm người thân. Bộ hồ sơ mang mã số 05 mà chương trình nhận được với những thông tin chung chung mờ mịt.

 Xúc động ngày gặp lại ba và má Hai

Anh không biết tên chính xác của mình có phải là Linh không, chỉ nhớ gia đình ba sống ở Cà Mau, gần đó có một bến tàu hay bến đò anh cũng không rõ (mà ở Cà Mau thì có biết bao nhiêu là bến tàu, bến đò). Anh nhớ tên thường gọi của ba là Tư Được. Mẹ ruột thì không nhớ tên và không biết mẹ đang ở đâu chỉ nhớ là rất xa nhà ba, mẹ ở chung với ông ngoại. Hình như nhà ông ngoại là gia đình có công Cách Mạng. Mẹ có 6 người con và Linh là đứa kế út.
Thông tin vỏn vẹn chỉ có bấy nhiêu. Khi đọc hồ sơ đăng ký, trường hợp này gần như vô vọng. Nhưng cũng trong thư gởi về, chương trình đọc được sự mong muốn, nỗi khát khao tìm về với gia đình. Nên dù khả năng tìm ra là rất ít nhưng những người làm chương trình vẫn gặp trực tiếp anh mong rằng bằng những nghiệp vụ của đội tìm kiếm có thể khơi gợi những hình ảnh thời thơ ấu còn sót lại trong Linh.
 
TÌM ĐỊA CHỈ CỦA NGƯỜI ĐĂNG KÝ TÌM KIẾM
Khi chúng tôi quyết định tìm kiếm trường hợp của anh Linh thì hai số điện thoại anh cung cấp trong bản đăng ký không còn liên lạc với anh được nữa. Chúng tôi gọi đến, họ bảo đây là số điện thoại công ty Unilever nơi anh làm việc, nhưng hiện nay anh Nguyễn Văn Linh đã thôi việc. Vậy là phải thêm một công đoạn đi tìm địa chỉ, số điện thoại của người đăng ký tìm kiếm. Bằng nhiều cách, đội tìm kiếm đã tìm ra số điện thoại nơi làm việc mới của Linh. Khi người của chương trình “Như chưa hề có cuộc chia ly…” liên lạc đến, anh không dấu được sự ngạc nhiên và xúc động với tấm lòng của những người làm chương trình.
Ban đầu, đội tìm kiếm tìm về Cà Mau, đây là nơi Linh bắt đầu bước chân vào cuộc đời lưu lạc và Linh nhớ nhiều chi tiết khá cụ thể như: gần nhà có một bến đò, ba tên là Tư Được, làm nghề hàng đáy (tên một dụng cụ đánh bắt tôm cá) trên sông và hay xa nhà. Chị hai có một đứa con gái lúc Linh rời nhà thì đứa bé này được khoảng 3 tuổi… Dựa vào những thông tin đó, những người làm chương trình đã liên lạc đến nhiều địa phương để hỏi thông tin về gia đình ông Tư Được, nhưng tất cả đều vô vọng. Sau một thời gian dài theo đổi, đội tìm kiếm đã quyết định chuyển hướng tìm kiếm sang gia đình mẹ của Linh.
 
NHỮNG KÍ ỨC TUỔI THƠ CÒN SÓT LẠI
Và quả thật, sau nhiều lần tiếp xúc, đội tìm kiếm đã gợi lên trong Linh nhiều kỉ niệm, chương trình đã có thêm những chi tiết quí giá, dù rất vụn vặt nhưng lại là những mấu chốt để có thể tìm gia đình cho anh.
Sau khi đã có những thông tin đó, đội tìm kiếm đã tiến hành vẽ lại sơ đồ dựa trên những lời kể của anh Linh. Anh miêu tả nơi mẹ sống là một cù lao nhưng không biết thuộc tỉnh nào, gần nhà anh có một đồn biên phòng bởi Linh nói rằng lúc còn nhỏ hình như chị của Linh có yêu một anh trong đồn này. Linh thường được chị dẫn ra đồn biên phòng ngoài đê chơi, những lúc ở đây, anh vẫn thấy các chú bộ đội mang súng đi tuần trên đê sát biển.
Gần nhà Linh có đình làng, hàng năm có tục cúng heo. Một lần, mẹ mang về con heo con rất dễ thương. Linh rất yêu nó, thường xuyên nựng nịu, nói chuyện, ẵm bồng quấn quýt với nó. Trong lúc nuôi, Linh nghe nhiều người nói con heo đó sẽ bị làm thịt nên Linh rất sợ. Một hôm, mẹ bằng cách nào đó đã lừa Linh và đem con heo đi làm thịt cúng đình làng, Linh khóc quá trời.

Người mẹ Linh đi tìm hơn 20 năm

Ngoài ra, vùng quê Linh ở có nhiều bến đò, sát biển, có nhiều dừa nước, có nhiều cây ăn trái, có những cây cầu dừa, cầu tre, còn có trường học gần sát chân đê và phía sau trường học là nghĩa địa. Nhà Linh có 3 gian, lợp lá, bên hiên nhà có ươm rất nhiều dừa nước để trồng.
Từ ngoài đường lớn đi vô nhà phải đi qua 1 cái trường học, rồi từ trường đó về nhà phải đi qua một căn biệt thự xây kiểu Pháp, xung quanh ngôi nhà rất vắng vẻ, hồi xưa mỗi lần đi ngang qua ngôi nhà này Linh rất sợ. Linh kể: “Buổi trưa đi ngang ngôi nhà đó, có tiếng chuông đồng hồ báo giờ mà hồi xưa ko biết tiếng gì mỗi lần nghe là ù té bỏ chạy…”
 
VẼ SƠ ĐỒ VÀ KHOANH VÙNG TÌM KIẾM      
Từ những thông tin trên, cùng với sơ đồ cho chính anh Linh vẽ lại, đội tìm kiếm nhận định có thể vùng quê Linh ở là một vùng miền biển hoặc một cù lao, kết hợp xác minh tất cả các đồn biên phòng trên dải biển miền tây Nam bộ, đội tìm kiếm khoanh vùng và đã xác định được đồn biên phòng 586 nằm trên một cù lao của tỉnh Tiền Giang, cù lao này thuộc ấp Pháo Đài, xã Phú Tân, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang, đây là một cù lao nằm giữa cửa Tiểu và cửa Đại của vùng biển tiếp giáp giữa Tiền Giang và bến Tre, gần Vịnh Đồng Tranh. Nơi này có nhiều điểm tương đối trùng khớp với thông tin mà anh Linh đã cung cấp.
Nhận thấy những dấu hiệu khả quan trong công tác tìm kiếm nhưng rút kinh nghiệm lần trước, bỏ công sức đi qua nhiều địa phương ở Cà Mau rất mất công và tốn thời gian nhưng không thu được kết quả gì. Đội tìm kiếm quyết định gọi điện thoại đến gặp Chủ tịch xã, trưởng Công an xã, phó Công an xã Phú Tân và cả trưởng ấp Pháo Đài. Và, kết quả sau cả tuần xác minh ròng rã, tất cả các cán bộ xã đều xác nhận là ở ấp Pháo Đài có một gia đình mất con trai và tất cả các thông tin mà họ cung cấp đều trùng khớp với những gì mà đội tìm kiếm có được. Và, chính quyền địa phương đã rất nhiệt tình giúp chương trình tìm đến với gia đình nọ. 
Khi đội tìm kiếm đã xác định gia đình kia có khả năng là những người mà chương trình cần tìm, nhưng cũng không dám khẳng định và cũng không dám báo ngay với Linh vì bất cứ một tin tức nào trong lúc này cũng phải hết sức thận trọng vì nếu không khéo léo thì vô tình chương trình đã chạm vào nỗi đau nhất của Linh, đã trao cho Linh một niềm hy vọng rồi lại cướp mất đi. Mọi người thống nhất, bằng cách tiếp xúc với mẹ Linh để gợi lại những kỉ niệm của bà về đứa con trai bị thất lạc. Đó chính là cách duy nhất để xác định xem bà có đúng là mẹ của Linh không, tránh trường hợp gia đình cũng bị thất lạc con, mong nhớ quá nên nhận bừa.
Khi hỏi về con heo trong kỉ niệm của Linh, bà nhớ ngay: “Đó là con heo dì Sáu cho, tui đem về nuôi…”. Bà giải thích thêm rằng, Linh là tên cúng cơm của con bà nhưng khi Linh khoảng 5 tuổi thì gia đình mới phát hiện trong dòng họ có người trùng tên, để tránh phạm úy, gia đình gọi anh bằng tên khác.
Tất cả các thông tin đều trùng khớp, tuy nhiên Đội tìm kiếm hỏi về ông Tư Được (cha Linh), bởi vì nếu quả thật bà… là mẹ Linh thì chắc chắn phải biết ông Tư Được. Bà nói rằng ông Tư Được sống ở Cà Mau và từ ngày Linh mất tích cả nhà đều nghĩ là Linh chết đuối hoặc là bị ai đó bắt lên thuyền đi di cư ra nước ngoài rồi, nên dưới Cà Mau có thông tin lên. Từ đó trở đi, gia đình không có liên lạc với ông nữa. Khi chúng tôi yêu cầu bà tìm giùm ông Tư Được thì bà cũng vui vẻ nhận lời.
Ngay hôm sau, gia đình bà báo là ông Tư Được hiện đang sống ở Sóc Trăng và cũng hôm đó có một người phụ nữ gọi điện thoại đến chương trình xưng là mẹ Hai của Linh, hiện đang ở Đà nẵng, bà nói là “làm ơn cho gặp Việt kiều Linh” bởi bà đinh ninh là Linh đã theo tàu di cư sang nước ngoài.
Qua tất cả những thông tin mà đội tìm kiếm có được, chương trình xác định, đây chính là gia đình, những người mà hơn 20 năm nay Linh tìm kiếm. Ngay lập tức, những người làm chương lên kế hoạch để Linh sớm được gặp lại mẹ, đoàn tụ với cha, má Hai và các anh chị em.

 Nguyễn Văn Linh đoàn tụ cùng gia đình

Đêm 1.12 vừa qua, cuộc gặp gỡ cảm động, đã diễn ra trước sự chứng kiến của hàng triệu khán giả đang theo dõi chương trình “Như chưa hề có cuộc chia ly…”. Niềm vui vỡ trào trong trái tim và khóe mắt của những người hơn 20 năm thất lạc vẫn đang đau đáu đi tìm nhau.

NGUYỆT PHẠM