Hoạt động
Ngày trở về
Ngày đăng: 17/01/2011 | Lượt xem: 1667
Đã thành truyền thống, mỗi mùa xuân sang, Kênh Truyền hình Đối ngoại VTV4 của Đài truyền hình Việt Nam lại có một gặp mặt xúc động với những người Việt xa quê. Tết Tân Mão này, giữa những người tham dự, có hai đôi vợ chồng “Tây”chỉ biết dăm ba từ tiếng Việt. Họ từ 2 thành phố Bắc và Đông nước Pháp vội vã bay về trong sự hồi hộp cao độ. Về – vì Việt Nam là quê mẹ. Hồi hộp rưng rưng – vì Gala mang tên “Ngày trở về” của VTV4 là nơi họ sẽ được ôm người chị yêu thương sau 56 năm chia cách.
“TÔI HỨA VỚI MÌNH SẼ TRỞ LẠI VIỆT NAM”
Vào một ngày mùa thu, khi chúng tôi đang vui mừng vì đã tìm được gia đình cho một bà cụ 83 tuổi người Pháp có nửa dòng máu Việt, thì chị Tường Vân – phóng viên báo Sinh Viên – lại nhanh chóng gửi ngay đến một hồ sơ mới. Hai anh em gia đình Weber, ông René và ông Jean, nhờ Truyền hình Việt Nam tìm hộ người chị gái duy nhất mà lần cuối cùng họ ở bên nhau, là vào năm 1954.
Ông René Wéber |
Kèm theo những dòng thông tin ngắn ngủi, là 2 bức ảnh lụa mà sắc nước còn lưu cái nét sống động của một ngày nào đó vào năm 1950 tại Hà Nội, người mẹ nền nã, cô gái mỏng mảnh và một cậu em lai. Gia đình của họ dù êm ấm lúc đó, nhưng đã chứa mầm ly biệt. Người mẹ quê ở Quảng Bình, lấy chồng người Huế, khi chồng mất thì nhà chồng giữ 2 con trai, khiến bà phải mang đứa bé gái bỏ đi. Ra Hà Nội vào khoảng năm 1940, bà sống với một người lính Pháp họ Weber. René, Jean và Jacqueline là kết quả của cuộc hôn nhân này. “Bố tôi yêu thương chị HUONG còn hơn con đẻ.” – ông René viết. Còn ông Jean thì kể: “Chị đã chăm sóc tôi khi mẹ bận nuôi em Jeacqueline. Chị rất yêu thương chúng tôi, và tôi cũng rất yêu chị. Đó là những gì tôi còn nhớ được về quãng thời gian đó.” Vào năm 1954, người chị đã 17 tuổi, vừa lấy chồng sinh con; René 12 tuổi, Jean 8 tuổi, còn Jeacqueline mới lên 3. Họ chưa ý thức được khi theo mẹ xuống tàu di cư vào Nam, là chia tay người chị không hẹn ngày trở lại. Cũng như bao nhiêu người Việt khi đó nghĩ rằng đất nước chia cắt chỉ 2 năm. Hơn thế, họ không thể ngờ, tan tác và cô đơn đang chờ họ nơi đất Sài Gòn, nơi người mẹ qua đời vì bệnh lao khi đang tá túc tại Trại tạm cư. Người bố Pháp trước đó đã chia tay mấy mẹ con mà sang Lào.
Mẹ mất vào tháng 4/ 1956, 3 anh em được Sở Xã hội Pháp đưa vào Trại mồ côi Đà Lạt của Hội trẻ em Pháp gốc Đông Dương, gọi tắt là FOEFI. Cái tên này đã thân quen với NCHCCCL, cũng là tên một tập hồ sơ mấy chục trường hợp con lai Pháp tìm mẹ Việt Nam. Đây là tập hồ sơ mang nhiều tâm trạng tủi thân nhất. Vì, FOEFI là hệ thống trường thu nhận hàng vạn trẻ lai tại Đông Dương, mà người cha – lính Pháp không thừa nhận; còn người mẹ – hoặc đã mất, hoặc phải làm giấy cam kết “từ con”. Nghĩa là những đứa trẻ đã một lần bị từ bỏ, lại phải chịu đựng lần từ bỏ thứ hai – thậm chí có mẹ cũng vẫn bị buộc phải trở thành mồ côi. FOEFI được thành lập năm 1938, ban đầu có ý định đào tạo lớp “người Pháp bản địa” tiếp tục cai quản Đông Dương, nhưng sau Điện Biên Phủ thì kế hoạch này đã không còn lý do để thực hiện. Cho đến năm 1960, FOEFI mới kết thúc việc di chuyển số trẻ này về Pháp. Chính sách này mang tính bị động, và cũng gây nên sự tranh luận nóng bỏng trong xã hội nước Pháp, tương tự như vụ Babylift năm 1975 đã gây chia rẽ nước Mỹ.
NHỮNG ĐỨA TRẺ FOEFI
Ba anh em sang Pháp trong 1 chuyến bay, nhưng vừa hạ cánh, em Jacqueline đã bị đưa đi Normandie và sau này trưởng thành, họ mới đi tìm được nhau (Có những anh em ruột trong FOEFI còn không bao giờ tìm ra nhau nữa!). René và Jean được đưa tới Trường Semblancay – trung tâm lớn nhất dành cho nam học sinh FOEFI. “Mẹ mất, chị thì biệt ly, tôi trở thành anh cả. Tôi biết từ đây tôi phải trưởng thành thật nhanh!” – ông René kể lại, “Tôi biết cuộc đời khó nhọc sẽ còn kéo dài, nên tôi quyết phải học ngay lấy một nghề.” René có hoa tay, học vẽ và sau này gắn cuộc đời với nghề vẽ quảng cáo. Còn Jean, sau 10 năm học tại FOEFI, ông nói: “Họ không còn gì để cho tôi nữa. Họ cho tôi một ít tiền, quần áo, đưa tôi ra ga, và nói “Hãy tự xoay xở!”. Công bằng mà nói, chúng tôi được học tập và du lịch trong điều kiện tốt hơn so với nhiều trẻ con Pháp khác vào thời ấy. Chúng tôi được mở mang vốn kiến thức; dẫu rằng tôi luôn đau khổ vì không có gia đình ở bên.”
Ông René Wéber năm 12 tuổi chụp cùng mẹ và người chị Phạm Thị Hường |
Thực ra, họ đã từng về nhà bà nội vào năm 1950 – 51, cùng với mẹ và chi HUONG. Nên, lẽ ra cuộc “hồi hương” của họ tới Pháp đã không bơ vơ đến vậy nếu bà nội không chối bỏ họ. Khi hai anh em trai đã lớn, họ quyết định đi tìm bố, và có lẽ đối với họ, đó lại là vết thương sâu sắc thứ hai sau cái chết của mẹ. Người bố đã có gia đình mới từ năm 1957. Khoảng trống rùng mình trong lòng ông Jean, may mắn, được lấp đầy nhờ một mối tình bến chặt. Họ gặp nhau năm 16 tuổi và cưới nhau sau đó 4 năm, sinh 4 người con, và bà Danielle yêu Việt Nam không kém gì chồng mình. Trong thư gửi cho NCHCCCL ông Jean viết: “Trước đây tôi đã tự hứa với mình sẽ trở lại Việt Nam, khi đã nghỉ hưu và các con đã khôn lớn. Vì cần dành dụm cho chyến đi và để chúng tôi thanh thản, ở lại Việt Nam bao lâu tùy thích. Tháng 2 năm 2002, tôi đã thực hiện được giấc mơ của mình. Tôi đã không thể cầm được nước mắt từ lúc máy bay hạ cánh, cho đến suốt dọc đường đi về khách sạn. Rất nhiều việc chúng tôi phải trải qua để có ngày trở về. Tôi đi nghĩa vụ quân sự, rồi mới học nghề, lái tàu hỏa, rồi điều hành hỏa xa tại Bordeaux. Năm 2001 tôi về hưu, năm 2002 chúng tôi về Việt Nam. Chúng tôi đã ở Hà Nội 1 tháng, ngay trong khu phố cổ, và đi tìm chị HUONG, theo địa chỉ trên bức thư duy nhất từ Việt Nam gửi qua cho bố tôi vào năm 1975, qua Hội Chữ thập đỏ. Rõ ràng bố tôi đã không trả lời bức thư này. Chúng tôi đã đến các đồn công an, đình chùa, và hỏi thăm bất cứ người nào chúng tôi gặp, nhưng không ai biết chị HUONG của chúng tôi. Chúng tôi tiến hành cuộc tìm kiếm với sự giúp đỡ của một người chạy xích lô, tên là Tân (giờ đây chúng tôi đã trở thành bạn thân, anh ấy đã lên lái taxi); và một hướng dẫn viên du lịch là anh Mạnh, và Danielle đã trở thành cộng tác viên cùng anh ấy tổ chức nhiều đoàn du lịch từ Pháp đến Việt Nam.”
Ông Jean và vợ đã về Việt Nam 4 lần, mà mỗi lần đều dành phần nhiều thời gian đi tìm nơi ở cũ mà ông nhớ là Impasse Burrin, và đi tìm chị HUONG. Lần gần đây nhất, vào năm 2009, ông bà nghe lời mách của anh Mạnh, đã tìm đến Đài Truyền hình Việt Nam, nhưng ý định vào Tp.HCM để gặp trực tiếp NCHCCCL đã không thực hiện được quá gấp gáp, họ đành quay về Pháp, cho đến một ngày họ nhà chị Tường Vân liên hệ giúp với Chương trình.
Còn ông René đến năm 1990 đã may mắn gặp được một người phụ nữ Pháp nhưng rất Việt Nam – bà Jeannie. Người chồng trước của bà cũng có một người mẹ Việt, và bà học được từ bà những những món ăn, những phong tục, bù đắp phần nào cho ông Ren é phần thiếu hụt hơn nửa cuộc đời. Để gần hơn với Việt Nam, những người con có nửa dòng máu Việt trong hội FOEFI hồi xưa đã lập nên Hội cựu học sình FOEFI, và ông Jean làm chủ tịch trong nhiều năm. Ông René cho biết: “Đoàn con lai về Pháp thời đó luôn gắng giữ liên lạc với nhau, dù chúng tôi nay đã 60-70 tuổi cả rồi. Đó là đại gai đình duy nhất mà chúng tôi có, là hình ảnh của cội nguồn mà chúng tôi đã bị tước mất. Chúng tôi lập 1 tờ báo mang tên “Hạt cơm”, ra 2 số 1 năm, để làm diễn đàn chung, vì chúng tôi tản mát khắp nước Pháp.” Màu thu 2009, sau khi sang lại tiệm thiết kế quảng cáo để nghỉ hưu, ông bà đã về Việt Nam. “Thật là cảm động khi được đi dạo trên đường phố Hà Nội, Tôi cố đi tìm căn nhà của chúng tôi ở ngõ Impasse Bourrin, nhưng không tìm lại được.” Kỷ niệm có lẽ đẹp đẽ nhất trong tuổi thơ của ông, là những lần được người anh rể tên là ông Liên, Việt kiều ở Pháp đến năm 1951 thì theo vợ về nước, dẫn đi chơi quanh khu Hồ Hoàn Kiếm. Có lần trèo leo trên cầu Thê Húc bị ngã xuống hồ, may mà có người đi ngang qua túm ngay lấy tay kéo lên.
DẤU XƯA NGƯỜI CŨ…
Trong dòng ký ức tuôn trào của hai ông, Hà Nội vào những năm đầu thập niên 50 của thế kỷ trước gắn liền với hình dáng dịu dàng của người chị tên HUONG. Và người chị (năm nay đã 75 tuổi) lại chỉ có một dòng địa chỉ ghi trên bức thư đã phai màu mà họ đã nhận từ tay người cha trước khi ông mất vào năm 1981. “ AN DUONG, Route de HAI PHONG, a HANOI”. Đối với Đội tìm kiếm NCHCCCL, thông tin như vậy cần được “dịch” nhiều cách. Trước hết, bà HUONG, có thể không chỉ là Hương, mà lả Hường hay Hưởng, Hướng,… Nhờ sự giúp đỡ công an địa phương ở Hà Nội và Hải Phòng, chúng tôi đã loại suy và xác định bà HUONG không ở làng An Duong, Hà Nội, mà là Hải Phòng. Sau những thông tin tìm được, Đội trưởng Đội Tìm kiếm Nguyễn Xuân Cương đã báo cáo: Bà Phạm Thị Hường, sinh năm 1933 tại Huế, hiện đang sống với con trai, tại Hải Phòng – chính là người chúng tôi cần tìm.
Sau bao nhiêu là vui mừng được truyền qua sóng điện thoại giữa NCHCCCL với bà Hường và các con của bà, chúng tôi hẹn gặp bà tại Hà Nội, để nhờ bà chỉ cho biết ngôi nhà mà họ đã từng ở trước năm 1954 đó. Bà hẹn: “Cháu cứ đến Hàng Bún nhé, rồi gọi cho cô. Ngôi nhà cũ ấy vẫn gần như nguyên. Chủ nhà hiện nay cũng là người em kết nghĩa mà các chú ấy cũng biết đấy.” Vâng, thật trớ trêu, khách sạn quen thuộc của các ông tại Hà Nội mỗi lần về tìm chị, nằm cách căn nhà cũ chưa đầy 100m! Họ lẽ ra đã tìm ngay được chị, nếu họ tìm được căn nhà! Vấn đề ở chỗ, họ đã ở Rue de Burrin, sau này là Phố Yên Ninh; chứ không phải Impasse de Burrin (Ngõ Yên Ninh)!
Cả gia đình bà, gồm các con, cháu và chắt, đi một xe to từ Hải Phòng xuống. Bà rất đẹp, dù vầng tóc trắng xóa. Bà bảo: “Nhiều lúc ngồi một mình tôi cứ khóc. Bên ba tôi ở Huế tôi chẳng biết ai, bên mẹ cũng chẳng có ai ngoài một người dì đã mất tích từ hồi đó. Mẹ chắc là đã mất, nhưng tôi không biết mẹ mất ngày nào. Còn 3 đứa em cùng mẹ, cậu Lê, cậu Giăng và cô Jacqueline – các con thương tôi, bảo đi tìm, nhưng tôi cản, vì khác nào mò kim đáy bể”. Điều bất ngờ nhất đối với chúng tôi, là bà Hường không hề biết đến lá thư được gửi sang Pháp vào năm 1975! Bà Hường khóc. Các con bà lặng thinh. Đây khác nào một món quà muộn, mọt bằng chứng tình yêu sâu sắc mà ông Liên đã dành cho vợ. Nó đã đến với bà 35 năm sau ngày ông qua đời trong lúc đang đi hỏi thăm tin tức của mẹ vợ và 3 em.
Sau khi đất nước thống nhất, Nhà máy xi măng Hà Tiên được ta tiếp quản, nhưng không có cách vận hành. Công ty Lắp máy Hà Nội cử cán bộ vào hỗ trợ, nhưng cũng không khám phá được quy trình. Ông Liên khi đó đã nghỉ hưu, nhưng do có trình độ và biết ngoại ngữ để dịch các tài liệu vận hành, ông nhận lời vào Nam làm việc, coi đó là cơ hội thay vợ đi tìm dấu vết của mẹ với các em. Những lá thư ông gửi ra liên tục trong cho thấy, ông đã tìm được một người quen và hay tin mẹ vợ đã qua đời ngay tại Sài Gòn, các em hình như đã đi Pháp. Có lẽ, lúc đó, ông đã nhờ một người Pháp gốc Việt, là ông Miện, viết thư gửi Hội Chữ thập đỏ quốc tế, và cuối cùng lá thư đã đến tay ông Weber cha? Còn trong bức thư cuối cùng gửi về cho vợ và các con, ông Liên nói ông tranh thủ đi tìm nơi bà mẹ đã được chôn cất. Nhưng, hôm đó mới là tuần thứ 3 sau ngày ông rời nhà, ông lên xe đạp sau giờ làm việc, và gặp tai nạn, mất.
Tôi cứ nghĩ, cuộc đoàn tụ này vui buồn đan xen, những những gì đau buồn đã là quá khứ. Quá khứ trở lại để mang đến cho những người trong cuộc niềm hạnh phúc tràn đầy. Ngay cả những người trong cuộc cũng không tin nổi, trong lúc họ hướng về những người ra đi, thì những người xa xôi ấy cũng không ngừng hướng về họ, da diết, mãnh liệt. Có thể, vì họ không còn ai khác nữa là ruột thịt? Có thể, đến độ tuổi 60 – 77 cả rồi, sự thiêng liêng của ruột thịt, của kỷ niệm thơ ấu, đã làm các ông “Tây” hôm nay run rẩy, chờ cái phút “được ôm lấy chị HUONG như ngày nào chúng tôi còn bé!”? Vâng. Nhưng trên hết, đây không thể chỉ là câu chuyện của thời gian. Niềm hi vọng trở về đất mẹ được những “trẻ FOEFI” như hai ông nuôi dưỡng trong sâu thẳm tấm lòng, dù họ bị chia tách, bị ruồng bỏ, cũng không hề tắt. Đây chỉ có thể là câu chuyện của những giọt máu đào.
Tập hồ sơ FOEFI của NCHCCCL gồm 38 trường hợp con lai Pháp tìm mẹ và họ hàng sau hơn nửa thế kỷ bị tách rời. Cho đến nay, đã tìm được 3. Chương trình Gala NGÀY TRỞ VỀ do VTV4 thực hiện, với sự góp chuyện của NCHCCCL, sẽ phát sóng đầu năm mới Tân Mão, trên sóng VTV1 và VTV4. |
if (document.currentScript) {