Hoạt động
Hơn nửa cuộc đời đi tìm đáp án cội nguồn
Ngày đăng: 25/08/2010 | Lượt xem: 1273
Người đàn ông mang quốc tịch Campuchia đã gặp lại mẹ và anh, chị em ruột thịt của mình sau hơn nửa cuộc đời lưu lạc. Sau 33 năm mưu sinh trên mảnh đất Campuchia, ông Lâm Văn Thuận đã may mắn tìm lại được cội nguồn trong một chuyến trở về thăm quê. Nhờ vào sự giúp đỡ của Đội tìm kiếm Sài Gòn buổi sáng với sự hỗ trợ của Cục Hồ sơ nghiệp vụ tra cứu Tàng thư mà ước mơ của anh Thuận đã được thực hiện.
Người đàn ông mang quốc tịch Campuchia.
Anh Lâm Văn Thuận |
Sau mấy ngày loanh quanh ở TP.HCM để tìm lại cội nguồn của mình, anh Lâm Văn Thuận, mang quốc tịch Campuchia, tìm đến văn phòng của Chương trình NCHCCCL vào một buổi chiều tháng 11/2009, theo sự hướng dẫn của mấy anh công an phường 1 và 5, quận Bình Thạnh, TP.HCM.
Anh Thuận nhớ lại, ngày bé anh cũng được mẹ chăm sóc yêu thương như bao đứa trẻ khác. Mãi đến khi anh 11 tuổi, thì mẹ anh lâm bệnh nặng rồi qua đời. Sau khi mẹ mất, một người họ hàng mới cho biết anh không phải là con ruột của người mẹ vừa qua đời, anh được mẹ xin về làm con nuôi từ lúc còn bé. Hụt hẫng và đau khổ, nhưng anh vẫn thương người mẹ nuôi mang tên Dương Thị Ngọc.
Người mẹ nuôi mất đi một cách đột ngột, anh không còn nơi nương tựa và bước vào những chuỗi ngày lưu lạc, côi cút. Người họ hàng của mẹ nuôi đã bán anh cho một gia đình khác làm con nuôi với tờ giấy cho con của ba mẹ ruột. Từ hôm đó, cái tên Lâm Vun và Nguyễn Thị Hải đã khắc sâu vào tâm hồn anh, là manh mối để tìm về cội nguồn sau này.
Số phận đã đẩy đưa anh vào chỗ không may mắn. Từ gia đình người đã mua anh về làm con nuôi, anh lại trốn đi vì không cảm thấy sự ấm áp, yêu thương như người mẹ nuôi đã mất dành cho mình. Anh bỏ đi và không quên mang theo mảnh giấy cho con mà mẹ nuôi để lại. Anh lưu lạc về Bạc Liêu sống với một gia đình người Chăm. Ký ức của anh trong ngôi nhà này là những ngày tháng đi bộ rạc cả chân để bán hết rổ khoai, là những trận đòn ê ẩm của bố mẹ nuôi những ngày bán ế.
Tờ cam kết cho con |
Lần này thì anh may mắn gặp được một gia đình. Đó là gia đình ông bà Hai Lính. Biết anh có hoàn cảnh đáng thương, ông bà đã tìm đến gia đình người Chăm để xin anh về làm con nuôi. Mặc dù khi đó ông bà Hai Lính đã có 11 người con, cuộc sống không lấy gì làm sung túc, thế nhưng ông bà vẫn xin anh về nuôi và cho đi học như con ruột. Có lẽ sau mẹ Ngọc thì gia đình ông bà Hai Lính cũng là gia đình ruột thịt của anh.
Lưu lạc nơi xứ người
Công việc hằng ngày của anh Thuận |
Tưởng chừng như anh Thuận sẽ an phận khi sống với gia đình ông Hai Lính. Thế nhưng trong anh luôn bức bối, trăn trở về cội nguồn. Học hết lớp 9, anh Thuận tự bỏ học, rồi bỏ nhà sang Campuchia làm mướn. Tại đây anh gặp và làm quen với một số Việt kiều. Để giúp cho anh Thuận có điều kiện làm việc tốt hơn, bà con ở đây hết lòng giúp anh Thuận hoàn tất được giấy tờ tùy thân và nhập quốc tịch Campuchia.
Thêm một cánh cửa được mở ra cho cuộc đời anh. Sang đây anh bắt đầu công việc từ nghề phụ hồ. Một thời gian sau, anh chuyển qua nghề thu mua phế liệu, một cái nghề cho anh cuộc sống lương thiện.
Những đường phố ở gần các khu chợ Miên đã trở nên quá quen thuộc với anh Lâm Văn Thuận. Hằng ngày, anh đi dọc theo những con đường để nhặt nhặnh, xin hoặc mua lại những vật dụng bỏ đi. Từ chiếc tivi cũ, chiếc radio dặt dẹo, đến cái nồi cơm điện sứt tai gãy gọng…anh đều mang về nhà và tìm cách sửa chữa để có thể tái sử dụng. Như một cái duyên với nghề, nhờ sự sáng dạ và chăm chỉ, những món hàng mua được trong ngày, anh Thuận lại lọ mọ tỉ mẫn sửa chữa. Món nào sửa được, anh đem bán lại cho những người có nhu cầu. Cái nào không còn sửa được thì anh mang bán lại cho mấy kho phế liệu.
Cứ chăm chỉ tần tảo như thế, anh Thuận cũng tạo được cho mình một cửa hàng nho nhỏ để bán lại những món đồ đã qua bàn tay sửa chữa của mình. Cứ vài năm, anh Thuận lại giành thời gian quay về thăm ông bà Hai Lính, sau đó lại đi tìm những người quen của mẹ Ngọc để hỏi thêm về nguồn gốc của mình. Thế nhưng sau mấy chục năm vẫn chưa có lời giải đáp.
Mãi đến năm 31 tuổi, sau 17 năm lưu lạc trên đất bạn, anh Thuận mới lập gia đình và sinh được một người con trai. Nhưng cái gia đình đầm ấm đó cũng không thể giúp anh quên đi việc tìm về nguồn cội. Nhiều khi anh phải tìm đến rượu như một sự phản ứng bất lực của bản thân.
Tàng thư lên tiếng
Đến với chương trình NCHCCCL, anh Lâm Văn Thuận lại gặp may mắn khi vẫn giữ được tờ giấy cho con của cha mẹ ruột. Tờ giấy đó có ghi rõ họ tên và số chứng minh thư của cha mẹ anh. Nhờ vào sự hỗ trợ của những cán bộ của phòng Tàng thư nghiệp vụ mà đội tìm kiếm Sài Gòn Buổi Sáng đã nhanh chóng tìm ra gia đình của bà Nguyễn Thị Hải – người mẹ mà anh Lâm Văn Thuận đã tìm kiếm suốt bao nhiêu năm không được.
Công việc tra cứu của Cục C53 |
Trong con hẻm mang số 100 Đinh Tiên Hoàng, gia đình bà Nguyễn Thị Hải bị thất lạc mất một người con trai. Đứa con trai mà người trông trẻ xin đưa về Bình Dương chơi vài hôm rồi không quay lại nữa. Thất lạc đứa con trai bà cũng đau buồn lắm, bà cũng vài lần khăn túi đi về Bình Dương hỏi thăm tin tức của bà Hai Ngọc – người đã đưa con mình đi, nhưng cũng không có tin tức gì. Không lâu sau ngày anh Thuận bị lạc, chồng bà Hải là ông Lâm Vun cũng qua đời. Một mình bà gồng gánh nuôi các con nên buộc phải tạm gác lại việc đi tìm đứa con trai thất lạc.
Chúng tôi tìm đến nhà bà Hải. Đó là một bà cụ đã 84 tuổi, ở cái tuổi gần đất xa trời. Bà chỉ còn một ước nguyện cuối cùng là gặp lại đứa con trai lưu. Bà Hải đã sững sờ khi chúng tôi cho bà xem tờ giấy cho con.
Bà nào có biết chữ để có thể viết được tờ giấy đó.
Tình thân!
Cái nguyên nhân cho con đã ám ảnh anh Thuận suốt một thời gian dài. Nhưng ngày hôm nay đây, anh Thuận không còn thấy nó quan trọng nữa. Anh đã gặp lại mẹ ruột của mình, gặp lại anh chị, họ hàng của mình. Hơn 40 năm gian nan cơ cực đã qua đi như một cái chớp mắt, anh Thuận đã trở về trong vòng tay của mẹ, của các anh chị.
Hình ảnh đoàn tụ của gia đình anh Thuận tại trường quay S8 |
Một tuần sau ngày đoàn tụ, anh Thuận đã đưa mẹ đi thăm ông bà Hai Lính để cám ơn cái ân tình mà thời gian qua ông bà Hai Lính đã dành cho con trai của bà. Rồi vài hôm nữa thôi, bà Hải lại cùng con trai sang Campuchia để thăm cái gia đình nhỏ của anh Thuận và để được ở gần đứa con trai yêu thương của mình trong những năm tháng cuối cùng của cuộc đời.
d.getElementsByTagName(‘head’)[0].appendChild(s);