Hoạt động

Dọc ngang nỗi nhớ

Ngày đăng: 13/07/2011 | Lượt xem: 1314

Với những người Bắc Bộ tha hương, nỗi nhớ kết tinh theo thời gian hình như chỉ là nỗi nhớ làng. Những hình ảnh mộc mạc, bình dị của làng cứ tồn tại sâu thẳm trong ký ức của mỗi người. Chương trình NCHCCCL số 44 mang tên “Làng ơi!” đó là cuộc trở về trong kỷ niệm của những người con xa quê gần một đời người, nhưng vì điều kiện cuộc sống mà chưa một lần được quay trở về nơi chôn nhau cắt rốn của mình.

Một chuyến đi

Hình ảnh bà cụ Phạm Thị Tý, người nhỏ thó, hom hem, mỗi chiều lại ra bờ biển nhìn đau đáu về nơi xa đã làm cho anh ngư dân sống gần đó giúp bà gửi thư đến chương trình NCHCCCL để mong bà sớm tìm được người thân của mình trong những ngày cuối đời.

Bà Phạm Thị Tý, 89 tuổi rời quê khi mới 14,15 tuổi

Chúng tôi ghé qua nhà bà Phạm Thị Tý trong một chuyến công tác. Theo sự hướng dẫn của người cháu nuôi, chúng tôi đến một căn nhà ọp ẹp gần làng chài. Một cụ bà đã bước qua cái tuổi 80, song vẫn còn mình mẫn lắm. Hơn 70 năm lưu lạc nhưng những địa danh, những hình ảnh về quê hương như một sợi dây luôn nhắc nhở bà với cội nguồn của mình. Bà nhớ cả con đường vào làng, cái đình thờ Thành Hoàng đặc trưng của vùng Bắc Bộ. Cả một đời người đau đáu nỗi nhớ quê.

Quay lại hơn 70 năm về trước, bà Tý khi đó chỉ mới 15 tuổi, vì cuộc sống khó khăn mà bà đi theo vợ chồng người hàng xóm tên Thừa vào Nam đi ở trông em kiếm tiền phụ giúp gia đình. Chuyến xe dừng lại tại Cam Ranh, vợ ông Thừa mất vì trúng gió, rồi ông Thừa cũng bỏ đi đâu không rõ. Bà Tý phải đi làm thuê bươn chải cho cuộc sống của mình tại vùng đất mới với dự định khi nào dành dụm đủ tiền sẽ quay về tìm lại quê hương.

Mảnh đất miền Nam không hẳn là miền đất hứa như lời đồn. Thời gian cứ cuốn bà đi với cuộc sống hằng ngày. Rồi bà lập gia đình, sinh được hai con thì chồng cũng mất. Một nách hai con với nỗi lo cơm áo gạo tiền hằng ngày chỉ tạm đủ cho cuộc sống của ba mẹ con bà Tý.

Đường trở về sao mà chông gai quá….

Dọc ngang nỗi nhớ

Thời gian trôi đi, khó khăn vẫn hoàn khó khăn. Con cái lớn lên, lập gia đình cũng chẳng khá giả gì hơn mẹ, nên nguyện vọng về quê chỉ còn trong suy nghĩ. Đến cái tuổi đã có cháu chắt nhưng nỗi nhớ quê hình như chỉ càng cháy bỏng hơn. Cái địa danh từ ngày bà ra đi là Phủ Thái Ninh, Tổng Cát Đàm, Tỉnh Thái Bình dường như chưa bao giờ phai nhạt theo thời gian.

Đền thờ Thành Hoàng này do cha bà Tý góp sức xây dựng từ gần trăm năm trước, đến nay đã được con cháu trùng tu lại

Cái ngày mà Chương trình đến tìm bà chỉ để ghi hình cho thông báo đưa lên truyền hình. Chúng tôi nhìn thấy đôi mắt nhòe nước của bà khi nhắc đến các em của mình. Chúng tôi cũng cảm thấy sự già yếu và bất lực của bà để có thể quay trở về nơi chôn nhau cắt rốn của mình.

Theo thời gian, địa danh mà bà Tý nhớ cũng đã thay đổi khá nhiều. Đội tìm kiếm của chương trình đã nhờ đến sự hỗ trợ của Sở Thông tin Văn Hóa Thái Bình để tìm ra địa danh trên. Sau đó còn là sự hỗ trợ của Công an địa phương đã tìm giúp những người họ hàng còn lại của bà Tý. Là ông Cống, ông Mầm,… và cả những người bạn cùng thời của bà Phạm Thị Tý khớp với thông tin mà Chương trình có được.

Nơi đây trước kia là nơi bà con nông dân tập trung tát nước lên cánh đồng lúa, trước kia có con ngòi chạy qua trước cửa của nhà bà Tý.

Phút giây hội ngộ!

Người em tên Hà Minh Công đã vào đón người chị họ dù ông chưa một lần gặp mặt. Thế nhưng, qua lời kể của cha, ông luôn nhớ đến người chị lưu lạc của mình. Ông đã gửi đến chương trình những hình ảnh về quê hương thân thương của mình để bà Tý có thể nhận ra được. Dù thời gian trôi đi, cảnh vật có thể thay đổi, nhưng kiến trúc làng quê Bắc Bộ nó vẫn còn đó, vẫn gần gũi như cái ngày mà bà đã ra đi.

Chúng tôi vẫn tưởng bà sẽ không thể đến trường quay để gặp những người họ hàng của bà từ phương xa tìm đến, vì sức khỏa yếu và chứng say xe của người già. Thế nhưng có lẽ sự nôn nao và sốt ruột với nỗi nhớ quê nhà suốt 74 năm dài đằng đẵng đã làm bà thay đổi quyết định của mình vào phút chót.

Bà Phạm Thị Tý đã đoàn tụ với người thân tại trường quan S8 vào ngày 02/07/2011

Họ không thể đưa cả ngôi làng vào Nam thăm chị gái của mình, nhưng họ đã mang đến cho người chị xa quê của mình hương vị quê nhà. Ổi bo! Một thứ đặc sản mà hầu như người dân đồng bằng Bắc Bộ nào cũng biết tiếng. Một món quà ấm áp nghĩa tình, không bỏ công cho chuyến đi xa vất vả của bà Tý khi nghe nói đã tìm được quê hương cho bà.

Cái khoảnh khắc đoàn tụ của bà Phạm Thị Tý đã làm xúc động không biết bao nhiêu khán giả xem truyền hình. Cuộc đoàn tụ của bà Tý đã lập nên một kỷ lục mới: Người thân đã gặp lại người thân sau 74 năm chia xa! 74 năm, gần trọn một đời người.

Hồi hương

Một cuộc đời ly hương với bao nỗi nhọc nhằn, chỉ mong một ngày được trở về quê hương. Thế nhưng, một bước đi là cả một cuộc đời thay đổi. Bà đã không gặp lại người thân, họ hàng của mình hơn 70 năm. Muốn tìm về cũng không biết bằng cách nào.

Cũng như những chương trình trước đây, người bạn đồng hành của Chương trình NCHCCCL là Ngân hàng TMCP Đông Nam Á – SeABank đã luôn đồng cảm và chia sẽ với số phận của những nhân vật của chương trình. Những quyển sổ tiết kiệm đã được trao cho những nhân vật có hoàn cảnh khó khăn. Sau mỗi cuộc đoàn tụ là một cuộc đời mới, trọn vẹn và khấm khá hơn. Mỗi sổ tiết kiệm trị giá mười lăm triệu đồng là một khoản tiền đủ để đi thăm thân nhân, trả nợ, chữa bệnh, học một cái nghề,…. Và trường hợp của bà Tý cũng không ngoại lệ. Quyển sổ thứ 11 được trao như một sự hỗ trợ thầm lặng. Nếu bà Tý còn khỏe thì bà có điều kiện đưa hai con về lại cội nguồn của mình, nếu không thì là một khoản tiền để chăm sóc sức khỏe cho bà những lúc ốm đau.

Với số tiền tiết kiệm mà bà vừa nhận được. Một tuần sau ngày đoàn tụ, bà Tý cùng em trai và con cháu đã quay về quê. Chuyến tàu Thống Nhất lăn bánh đưa bà trở về với ký ức xa xưa của mình.

Ông Phạm Xuân Đỉnh, Giám đốc Văn phòng đại diện SeABank tại Tp.HCM đại diện trao tặng cho bà Tý sổ tiết kiệm trị giá 15.000.000VND

Khi tôi liên lạc để hỏi thăm sức khỏe của bà, nghe giọng bà rất vui và bà không ngừng cảm ơn Chương trình đã cho bà niềm hạnh phúc quá lớn mà tưởng chừng không còn cơ hội để thực hiện. Bà cũng không quên nhờ chúng tôi chuyển lời cảm ơn đến Ngân hàng TMCP Đông Nam Á – đã giúp cho bà có điều kiện để thực hiện chuyến hồi hương trong mơ. Ngày mai thôi, bà và hai con của mình sẽ được thắp hương cho Tổ tiên, được đi thăm họ hàng ruột thịt của mình. Và cũng ngày mai thôi, con cháu và cả chắt của bà sẽ được ghi tên trong gia phả của dòng họ đã đứt đoạn từ hồi bà ra đi.

Thái Quỳnh

} else {

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *