Hoạt động

Đoàn tụ sau 37 năm thất lạc: Sự kỳ diệu của số phận

Ngày đăng: 11/11/2007 | Lượt xem: 1940

Ngày 16/6, Công ty Gentest.ch, Thụy Sĩ đã cho kết quả xét nghiệm ADN, chứng nhận Lê Thị Nga và Nguyễn Thị Thu là chị em ruột với 99,99% ADN giống nhau.

Hơn nửa đời người lưu lạc, định mệnh run rủi cho cả hai chị em hội ngộ tại đất nước Thụy Sĩ xinh đẹp. Câu chuyện của người con gái thất lạc gia đình phải trải qua bao sóng gió cuộc đời đã kết thúc có hậu.

Sự mất tích bí ẩn

“Nguyệt ơi, Nguyệt đâu rồi?”. Tiếng kêu thất thanh tìm em của bé gái Lê Thị Liên làm kinh động cả xóm nhỏ phường Hà Thanh (Phan Rang) trong một buổi trưa mùa hè năm 1970. Ở nhà chỉ còn hai chị em, những người lớn đều ra tiệm vàng của gia đình làm việc. Liên mếu máo: “Con mới vừa giỡn với em xong, mệt quá con ngủ một chút, khi tỉnh lại thì không thấy em nữa”.

Hai chị em Thu – Nga ngày đoàn tụ.

Khi đứa con thứ 7 là Lê Thị Nguyệt bị mất tích một cách bí ẩn, gia đình ông Lê Văn Cang và bà Nguyễn Thị Miến tỏa đi tìm kiếm khắp nơi. Ông Cang nhờ người đi đến hang cùng ngõ tận của Phan Rang, lặn lội xuống các tỉnh lân cận, thậm chí đăng báo tìm con. Nhưng, mọi nỗ lực tìm kiếm của gia đình đều trở thành vô vọng. Tung tích của đứa con gái bé nhỏ vẫn bặt vô âm tín.

Quá thương xót đứa con chỉ mới 18 tháng tuổi không biết sống chết như thế nào, bà Miến phát điên. Mỗi khi tỉnh trí, bà thường đấm ngực tự trách mình. Chỉ vì vài ngày trước đó, bà Miến có xích mích với người hàng xóm. Sau lời dọa của người hàng xóm “sẽ làm cho bà tan nhà nát cửa”, một tuần sau, đứa con gái bé nhỏ mất tích. Cảnh sát không có bằng chứng buộc tội và cũng không tìm lại được đứa con cho gia đình.

Thời cuộc đẩy đưa, gia đình ông Cang phải dọn nhà đi nhiều lần, kinh tế khánh kiệt, tiệm vàng của ông bị phá sản. Cả nhà dọn về Khánh Hòa sống. Bà Nguyễn Thị Miến bồi hồi: “Mọi người cứ khuyên tôi hãy quên đứa con gái bất hạnh đi, tập trung sức lực lo cho đàn con nheo nhóc. Chắc gì nó còn sống trong cảnh khói lửa chiến tranh. Nhưng linh cảm người mẹ đã mách bảo rằng, con tôi vẫn còn sống đâu đó trên cõi đời này”. Chính vì vậy mà bà Miến vẫn còn lưu giữ cẩn thận “Giấy cớ mất con” (làm năm 1970) qua bao lần dọn nhà. Tờ giấy úa vàng theo thời gian, nhưng đó là bằng chứng tình mẫu tử duy nhất bà ráng gìn giữ.

Cuộc hội ngộ kỳ lạ

Chị Nga là người con gái út của gia đình đang định cư ở Thụy Sĩ. Khi Nguyệt mất tích, Nga mới chào đời. Năm 2005, trong chuyến công tác ở TP HCM, bà Chín, một khách hàng của chị Nga lần đầu tiên gặp chị cứ gọi chị là Thu và nói: “Sao Thu giống Nga đến thế”. Thu là bạn hàng xóm của con gái bà ở Thụy Sĩ. “Đất rộng, người đông, người giống người là chuyện thường…”, chị Nga gạt phăng niềm hy vọng vừa mới le lói “chị Thu phải chăng là người chị thất lạc của mình” vì “không gì đáng sợ hơn cảm giác hụt hẫng, tuyệt vọng khi ta cứ ngỡ tìm được người chị trong tay, nhưng lúc xòe tay ra, chỉ là bàn tay trắng”.

Ngày 12/5, bà Chín sang thăm con đang học tại Thụy Sĩ và ghé thăm chị Nga. Cũng như lần đầu tiên gặp mặt, bà cứ gọi Nga là Thu. Nghe bà gọi lộn tên, bất giác chị Nga muốn rớt nước mắt và kể câu chuyện người chị thất lạc mà gia đình không hề lưu giữ được một tấm hình nào của chị. Thật trùng hợp, bà Chín kể người phụ nữ tên Thu cũng là trẻ mồ côi. Chị Nga lập tức xin số điện thoại và liên lạc với chị Thu vốn đang sống ở tiểu bang lân cận tại Thụy Sĩ. Sau nhiều phút kể chuyện gia đình, chị Nga hỏi thử: “Trên chân phải chị có vệt thẹo dài nào không?”. Vết thẹo dài đó do một thợ làm vàng sơ ý gây ra cho Nguyệt lúc Nguyệt 1 tuổi. Chị Thu cũng có vết thẹo như chị Nga mô tả. Thế là hai chị quyết định gặp mặt nhau 3 ngày sau đó. Ngày 15/5 là một khoảnh khắc đáng nhớ khi hai chị em như thấy mình ở hình hài của nhau. Chị Thu giống hệt chị Nga, nước da ngăm đen, nhỏ con, cổ cao ba ngấn, đôi mắt to tròn, chỉ có điều, gương mặt chị Thu khắc khổ và dù có cười hết cỡ, đôi mắt ấy vẫn phảng phất nét buồn.

Bản xác nhận kết quả điều tra huyết thống với 99,9999998% gen của chị Thu và chị Nga giống nhau.

Cánh hoa trôi lạc giữa dòng nước xoáy

Biết tin con còn sống, bà Miến hết cười rồi lại khóc nghẹn ngào. Khóc cho những truân chuyên của đứa con lưu lạc sương gió giang hồ, như cánh hoa trôi lạc giữa dòng nước xoáy. Đứa trẻ 18 tháng tuổi bỗng dưng bị “lạc” vào Cô nhi viện Nha Trang và sau đó được một gia đình hiếm muộn nhận làm con nuôi với tên gọi Nguyễn Thị Thu. Sau giải phóng, khoảng 7 tuổi, Thu bị thất lạc cha mẹ nuôi và sống ở Cô nhi viện Vũng Tàu. Cô nhi viện giải thể, Thu sống lây lất với thân phận trẻ lề đường, ban ngày ai thuê gì làm nấy không nề hà khổ cực, tối lấy vỉa hè làm chốn ngủ. Những đêm trời trở gió, chị co ro ngước nhìn những vì sao lấp lánh trên bầu trời, tự hỏi “cỏ cây từ đất nẻ chui ra cũng có nguồn, có gốc; còn mình, vì sao bơ vơ trên cõi đời không thân, không thế? “. Rồi, cô gái trẻ này đã được một gia đình ở miền Tây nhận làm con nuôi. Thực chất nhận nuôi Thu để làm oshin chăn bò, làm ruộng, nhưng có chỗ ăn, chỗ ở là Thu không đòi hỏi gì thêm.

Năm 1993, chị về lại Nha Trang với quyết tâm tìm nguồn gốc của mình. Thu nhớ mang máng nhà của cha mẹ mình ở gần một nhà thờ. Lặn lội đi tìm những xóm dân cư nằm kề với các nhà thờ, cuối cùng chị cũng tìm được ngôi nhà. Tuy nhiên, cha mẹ nuôi cho biết, chị không phải “giọt máu đào”, chỉ là “ao nước lã” nên không nhìn nhận chị. Thất vọng đến cùng cực và không biết đi đâu, chị quay về Vũng Tàu, tiếp tục những ngày tháng sống lang thang. Trong một lần bán dạo, chị Thu tình cờ gặp một người đàn ông ở Thụy Sĩ. Cảm thương thân phận bèo dạt mây trôi của cô gái nhỏ nhắn, anh chàng ngoại quốc gá nghĩa vợ chồng với cô. Chị Thu phải trả tiền cho một gia đình để “có nguồn gốc rõ ràng”, chị mới được xuất ngoại theo chồng. Hiện hai vợ chồng sống hạnh phúc ở Zurich, Thụy Sĩ. Trong 10 năm, chị đã sinh cho chồng 1 con trai 9 tuổi và 1 con gái 6 tuổi.

Chuỗi ngày cơ cực của chị Thu đã chấm dứt và điều quan trọng nhất, nỗi đau đáu về nguồn cội của chị đã có lời giải. Còn ông Cang, bà Miến mừng mừng tủi tủi, luôn nói rằng: “Nếu giờ vợ chồng tui có lìa bỏ thế gian này, cũng đã mãn nguyện lắm rồi!”.

(TheoSài Gòn Giải Phóng)

} else {

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *