Hoạt động
Đêm hạnh ngộ của những tấm lòng nhân ái
Ngày đăng: 10/11/2007 | Lượt xem: 1407
Hạnh phúc “Như chưa hề có cuộc chia ly…”, bất ngờ “Như chưa hề có cuộc chia ly…” và nhân ái “Như chưa hề có cuộc chia ly…” …, chương trình truyền hình hay nhất, cảm động nhất mà tôi được xem từ trước đến giờ…
Đó là một trong số những cảm xúc chia sẻ của khán giả xem đài VTV1 gửi đến Chương trình sau buổi phát sóng trực tiếp số 04, tối 01.03.2008.
Vào thời điểm trước Tết Âm Lịch, trên website của chúng tôi có ghi: Đã tìm được 23 người. 23 trường hợp được tìm thấy, là 23 gia đình được đoàn tụ.
Nhưng tại thời điểm phát sóng chương trình số 04, không bao lâu sauTết, Chương trình đã tìm thêm được 4 trường hợp nữa. “Như chưa hề có cuộc chia ly…” chưa lúc nào dừng các cuộc tìm kiếm.
Trong số 02, anh Nguyễn Hữu Phước đã đến với chương trình để đăng ký tìm kiếm gia đình là mẹ và các anh chị mà anh đã thất lạc khi còn nhỏ theo cha chạy loạn vào Sài Gòn. Cha anh mất khi còn kịp nói cho anh biết quê quán, rồi anh Phước được người hàng xóm cũ đưa về nuôi – người này cũng không biết gì về mẹ và các anh chị của anh do đã chuyển vào Sài Gòn lâu. Trong ký ức mơ hồ của mình anh còn nhớ thêm được là có một người hàng xóm tên Phan Đại Hoàng Công. Anh Phước hy vọng rằng có thể tìm được anh Công, biết đâu anh Công sẽ biết gì nhiều hơn về gia đình mình hay may mắn hơn thì biết gia đình đang ở đâu.
Rồi chương trình lên sóng, có khán giả đã mách bảo và giúp liên hệ với anh Phan Đại Hoàng Công. Anh Công đến để gặp anh Phước trong chương trình, nhưng rất tiếc là anh Công cũng không có thông tin gì về gia đình anh, do gia đình anh Công đã chuyển đi trước khi loạn lạc.
Anh Phước (giữa) buồn khi gặp được anh Phan Đại Hoàng Công (trái), nhưng anh Công cũng không biết thêm thông tin gì giúp anh có thể tìm lại được gia đình. |
Nhà báo Thu Uyên hỏi anh Phước một số ký ức tuổi thơ ở gia đình: Anh Chính thường đưa anh đi học, hai anh em tự nấu ăn, vì ba Tài thường xuyên vắng nhà phải không? Mà nghe nói là hồi đó anh Phước thích chơi “ú òa” và anh Phước thường hay nói “Ọa!”?
Ánh mắt buồn của anh Phước bỗng sáng lên như muốn dò hỏi tại sao nhà báo Thu Uyên lại khẳng định những ký ức mà chính bản thân anh cũng không nhớ! |
Câu trả lời đã có khi một người đàn ông được dẫn ra từ phía sau sân khấu.
Không cần nói, anh Phước hiểu, khán giả cả trường quay cũng hiểu.
Hai người đàn ông ôm chầm. Họ giống nhau từ dáng người cho đến nét mặt. Họ nhận ra nhau dù đã 33 năm chia ly – khi họ mới chỉ là những cậu bé còn chơi trò “ú, ọa”
Khi chương trình “Như chưa hề có cuộc chia ly…” phát số thứ hai, lúc anh Phước ngồi đây và thông báo nguyện vọng tìm kiếm, thì ở Gia Lai một người quen rất xa của bác Tài gái đang theo dõi chương trình. Người quen này nhớ bà Đoàn Thị Nghi, có con tên Chính và Lý, hơn nữa bác Nghi thường thổ lộ rằng bị thất lạc người chồng và đứa con trai. Từ Gia Lai, điện thoại về Huế, rồi từ Huế báo tin tới Đồng Nai, nơi gia đình anh Chính lập nghiệp từ năm 1984.
Anh chính kể lại: “35 năm trước, hồi đó mẹ giận ba, mẹ mới có em nhỏ được mấy tháng, mẹ bế em Út và dẫn Lý về quê ngoại ở Huế. Tôi ở lại với em Phước và ba, quanh quẩn chỉ có 2 anh em tôi thôi à. Ở đó chỉ thân với nhà bác Điều, bác Ngọc, là gia đình của anh Phan Đại Hoàng Công. Phước khi đó gầy gầy, hiền lắm, học lớp… Được mấy tháng thì ông già đánh dữ, tôi nhớ mẹ bỏ nhà đi. Khi chui qua vách còn nghe Phước kêu “ba ơi, anh Chính đi rồi”. Tính quay lại đón nhưng thấy khó quá tôi đi luôn.
Vì tin rằng, ông Tài, chồng mình sẽ tự tìm về bên ngoại họ Đoàn ở Huế mà bà Nghi đã không quay lại thăm chồng cùng đứa con nhỏ. Nhưng ai biết điều gì sẽ xảy ra ở thời loạn lạc ấy, họ mất liên lạc với nhau, bặt tin. Bà Nghi mất mà không gặp lại anh Chính. Ông Tài mất mà không kịp trăn trối cho anh Phước đường về quê ngoại.
Anh Chính và anh Phước ngậm ngùi khóc khi biết mình không còn gặp lại được cha, mẹ.
Rồi anh Hùng, người em kế mà anh Phước không nhớ tên, chị Lý cũng ra đoàn tụ với anh Phước. Chị Lý khóc nhiều, cầm tay người em ngậm ngùi kể: “Hồi xưa mẹ còn sống, mẹ hay nhắc trên đầu em tôi có 1 vết sẹo, do hồi 4 tuổi va vào cửa. Mẹ chờ mãi không biết em ở đâu, ba có đưa em về không. Tội mẹ, giờ anh chị em con gặp nhau mà mẹ mất rồi. Mẹ mất vì buồn rầu khi mẹ mới 60 tuổi.”
Vậy là chương trình đã thực hiện trọn vẹn lời hứa với anh Phước, khép lại bộ bộ hồ sơ nữa, lần này là khép lại trọn vẹn. Chương trình đã tìm cho anh Phước tất cả các anh, chị, em trai và cả 1 người em gái hiện đang ở Đà Nẵng hôm nay không thể vào được. Họ hàng đằng ngoại. Hơi bâng khuâng một chút, và chúng tôi thanh thản bước vào những cuộc tìm kiếm mới.
Câu chuyện tiếp theo là Cô Trần Thị Tỏ tìm người thân cho người phụ nữ tâm thần. “Tôi muốn đi tìm gia đình cho 1 người phụ nữ dang ở Campuchia. Tôi làm nghề thu mua hải sản ở Shihanouk Ville của Camphuchia. Vào tháng 7 năm 2005, tôi gặp một người phụ nữ chừng 26-27 tuổi, sau biết em bị mất trí, là người Việt Nam, lang thang trên đoạn đường này lâu lắm rồi. Em rất hiền lành, ai cho gì ăn nấy, thường hỏi ghe tàu nào về Việt Nam xin cho quá giang. Tôi hỏi thì em không nhớ chút gì về tên tuổi, quê quán, người thân, chỉ biết chưa chồng con và có cha mẹ ở Việt Nam. Qua giọng nói tôi đoán em là người miền Nam. Những ngày về Việt Nam, tôi đã tới báo nhờ đăng tin, với tấm ảnh này, nhưng chưa thấy”
Hãy lên tiếng nếu quý vị thấy gương mặt này. Số điện thoại của chúng tôi là (08) 2647777. Hay phản hồi ngay dưới bài viết này. |
Cuộc đoàn tụ Anh Nguyễn Hữu Thành tìm mẹ Lê Thị Út, anh chỉ nói với chương trình là đi tìm mẹ mình, bởi lẽ trong giấy chứng sinh mà anh lấy từ cô nhi viện xưa kia chỉ có tên mẹ là Lê Thị Út, phần của người cha đã để khuyết. Nhưng ngay sau chương trình, khi vừa đặt chân về đến quê mẹ được vài ngày thì cha anh cũng đã tìm đến, ông được hay tin về anh Thành từ những người đồng đội cũ đã xem chương trình. Vậy là thêm một cuộc đoàn tụ trọn vẹn.
Tấm hình này được cha mẹ nuôi chụp và lưu lại cẩn thận cho anh Thành, anh luôn khoa khát được chia sẻ cùng cha, mẹ ruột của mình, giờ đây đã thành sự thật. |
Một trường hợp đăng ký tìm kiếm khác nữa. Cao Thanh Hùng tìm bà ngoại Cao Thị Cúc: “Năm nay bà đã 89 tuổi rồi. Câu chuyện của tôi thì buồn lắm. Nhà chúng tôi ở quận 11 trong thành phố này thôi, từ nhỏ tôi sống với bà ngoại vì mẹ tôi là con út của bà. Tôi làm nghề biên tập thu âm băng đĩa, còn bà tôi trước là Y tá… đã về hưu."
Anh tâm sự tiếp: "Khi anh em trong nhà lục đục với nhau, bà buồn, bỏ đi. Đó là vào năm 2004. Đã 4 năm rồi. Khi đi bà mang theo sổ địa chỉ và CMND, nhưng bà không gọi về nhà. Năm sau ông mất bà cũng không về. Tôi thương bà đi tìm tại các viện dưỡng lão, xuống Châu Đốc, Gò Công để kiếm nhưng không tìm dược. Bà không về, tôi cũng bỏ ra ngoài thuê nhà ở luôn. Tôi chỉ mong ước tìm được bà để phụng dưỡng".
Mỗi con người, mỗi số phận với những câu chuyện chia ly đầy nước mắt. Như câu chuyện của chị Lời, chia ly rồi lại chia ly … đến khi bên chị không còn ai thân thích.
Chị Lời: "Tôi tên là Phạm Thị Lời. Tôi muốn nhờ chương trình tìm giúp em gái tên Phụng, ba tên Phạm Văn Du, và một người chị cùng mẹ khác cha tên là Trần Thị Lạc. Ba tôi ngày trước đi kháng chiến, đến khi giải phóng ông mới về sống cùng gia đình. Từ lúc tôi sinh ra đến mười mấy tuổi mới gặp cha. Tôi có một em gái sinh năm 1971 tên Phạm Thị Phụng. Năm 1978, má tôi giận ba tôi, nên dẫn hai chị em tôi lên Tây Ninh thăm bà con xa. Khi đó bà đang bị bệnh lao, trên đường từ Tây Ninh về thì bà trở bệnh nặng, nên vào thẳng nhà thương Hậu Nghĩa hay Hội Nghĩa gì đó, rồi được chuyển lên nhà thương Hồng Bàng. Bà mất ngày mùng 1 tết năm 1979. Còn lại hai chị em tôi, suốt 10 ngày lang thang trong viện, đến ca trực của bác sĩ nào thì bác sĩ ấy cho ăn."
"Rồi thì bệnh viện đưa hai chị em vào Nhà thiếu nhi Thủ Đức. Năm đó tôi 12 tuổi, em tôi lên 8. Được 1 thời gian thì có người xin hai chị em tôi làm con nuôi nhưng tôi không chịu. Người ta mượn em tôi, nói là cho đi chơi vài hôm rồi về, nhưng rồi đưa em đi luôn. Từ đó tôi không còn gặp em nữa"
Năm 1984 chị Lời đi thanh niên xung phong ở Đắk Nông, mấy lần quay về trường hỏi tin em Phụng nhưng không có gì.
Đường về quê thì không rõ. Chị lời chỉ nhớ địa danh Giồng Trôm, gần sông Vàm Cỏ. Chị nhớ người cha da đen, tóc xoăn sát đầu, ông có 3 người con riêng là anh Lịch, chị Nga và chị Những.
Con đường xuôi về miền Tây sông nước quá đỗi quen thuộc với đội tìm kiếm của chương trình. Một lần nữa, chúng tôi lại đi xuống đây, lần này là để tìm người thân cho chị Lời.
Chị Lời đang chăm chú theo dõi phóng sự mà chương trình đã đi tìm kiếm người thân cho chị |
Phóng sự ghi lại cuộc tìm kiếm đã dần hé mở quê quán củ chị Lời. Buồn thay khi chúng tôi tìm đến nơi thì được biết tin cha chị – ông Ba Du đã mất cách đây một năm. Lúc này đây, anh Lịch, chị Nga và chị Những ở Gò Giồng Trôm đang đợi chị Lời về thăm lại anh em, họ hàng.
Nhưng chưa kết thúc, chị Lời vẫn còn đang hy vọng tìm được một người chị gái tên Lạc -con riêng của mẹ. Cô Lạc hơn chị Lời 10 tuổi. Hình ảnh người chị gái mặc chiếc áo dài đi học đã khắc vào tâm trí của chị.
Phóng sự lại tiếp tục.
Chị Lời có hay biết rằng người chị ấy luôn khao khát tìm được mẹ và đứa em gái. Khi chúng tôi tìm được đến nhà, chỉ mới hỏi qua đôi câu rằng đây có phải là cô Lạc – người chị cùng mẹ khác cha với chị Lời, cô Lạc đã xúc động khóc.
Cô Lạc dứng dựa cột lau nước mắt khi mới được hỏi thăm về chị Lời |
Đây là ông Trần Văn Ngon (Sinh năm: 1917) là cha ruột của chị Trần Thị Lạc. Từ khi mẹ chị Lạc bỏ đi, ông Ngon ở giá nuôi con đến giờ. Ông cũng khóc khi hay tin người vợ cũ của mình đã mất. Ông rất muốn lên thăm đứa con gái riêng của vợ, nhưng tuồi già sức yếu nên cụ không đi được, cụ giục con mình là chị Lạc “Lên đón em về đi, ba nhớ nó”. |
Người phụ nữ khắc khổ đã thu xếp lên trường quay S8, cô vẫn khóc luôn mỗi khi có ai hỏi chuyện đến chị Lời. Cùng đi là chồng cô, anh Nguyễn Văn Rang, người mà từ khi lấy chị Lời, đã cùng chia sẻ với chị nỗi xót xa vì có người em thất lạc. Anh đã bỏ công việc, đưa vợ lên Tây Ninh, Tân Biện vì nghe ở đó có người tên Lời, nhưng lại không phải.
Nhà báo Thu Uyên dẫn cô Lạc ra gặp em gái mình. |
Chị Lời và cô Lạc đã gặp lại nhau sau gần 30 năm. Ngày xưa xa cách họ chỉ mới là những đứa trẻ. |
Ở nơi quê nhà, ông Ngon chắc hẳn đang theo dõi chương trình và mong gặp lại chị Lời.
Khách mời cuối cùng, một vị khách đặc biệt được biết đến với cái tên “Ông Tây Việt Cộng”. Tên thật của ông là André Menras.
Ông André Menras và Jean-Pierre Debris là những biểu tượng của tình hữu nghị giữa các dân tộc và lòng nhân ái quốc tế, đặc biệt – dành cho nhân dân Việt Nam. Ông đến Việt Nam năm 1968, để dạy học. Nhưng những hình ảnh tang thương do chiến tranh gây ra đã ám ảnh và thôi thúc ông làm điều gì đó để giúp Cách mạng Việt Nam, giúp nhân dân Việt Nam thoát khỏi chiến tranh. Ông đã cùng một số người bạn là Debris (Pháp) phất cờ Mặt Trận dân tộc Giải phóng trước tòa nhà hạ viện Sài Gòn. Vì việc này, ông đã bị tống giam không xét xử, giam trong xa lim, rồi đưa ra tòa kết án 3 năm tù giam, tại Nhà lao Chí Hòa. Trong thời gian trong tù, ông đã bí mật liên hệ với tù chính trị ở OB1 – những chiến sĩ cách mạng cốt cán và một số lãnh đạo phong trào sinh viên học sinh bị giam giữ. Nhiều chuyện ngoạn mục ngoài sức tưởng tượng đã diễn ra nhờ André Menras và Jean-Pierre Debris. Sách về Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp được đưa vào nằm trên giá sách của thư viện nhà lao Chí Hòa một cách công khai. Một chiếc radio 3 band được truyền từ Chí Hòa, ra Côn Đảo để trở thành nguồn thông tin kịp thời nhất cho các chiến sĩ cộng sản ở đó. Một bản danh sách tên, tuổi, quê quán, ngày bị bắt, nơi giam cầm của 5018 tù chính trị được đưa đến tận bàn Hội nghị Paris, khiến Mỹ – Thiệu không còn dám thủ tiêu, thuyên chuyển, xáo trộn thành thường phạm và phải trao trả đủ 5018 người!
Ông nói chuyện chậm rãi bằng tiếng Việt rất chuẩn “Nhiều năm qua tôi luôn nhớ đến vị bác sĩ ở bệnh viên tâm thần Biên Hòa. Tháng 4 năm 1971, cảnh sát chính quyền Sài Gòn đưa chúng tôi dến BV Tâm thần Biên Hòa, mục đích là muốn có được giấy xác nhận chúng tôi bị tâm thần, mục đích là vô hiệu hóa hành động treo cờ của tôi và Debris. Tôi còn nhớ người bác sĩ đó khoảng 40 tuổi, người thấp thấp như tôi, tiếp chúng tôi trong một phòng khám. Tôi biết ông phải chịu nhiều áp lực. Rất nhiều. Vì khi đó vụ của hai chúng tôi như bom nổ giữa Sài Gòn. Vậy mà cuối cùng chúng cũng không có được tờ xác nhận chúng tôi bị tâm thần. Đó là người bác sỹ chính trực.Tôi muốn một lần gặp lại để bày tỏ lòng ngưỡng mộ.
Giờ ông Menras đã nghỉ hưu, nhưng trái tim ông vần luôn dành cho Việt Nam. Ông giới thiệu về Hiệp hội hợp tác và phát triển sư phạm Pháp-Việt, gồm khoảng 120 giáo viên, giáo sư Pháp, tên viết tắt là ADEP. Cũng lại theo một cách riêng, ông tâm sự tiếp: “Chúng tôi giới thiệu cho các nơi tiêu thụ rượu vang Pháp, cứ một chai được bán ra, có 1 cent Euro được chuyển cho vào Quỹ của ADEF. Mới bắt đầu việc này, chúng tôi đã có được 6000 Euroo, có thể giúp…
Hy vọng ở một nơi nào đó, người bác sỹ dũng cảm kia đang xem chương trình biết được có người đang tìm mình. Hoặc nếu khán giả xem chương trình biết được thông tin nào có thể giúp chương trình tìm lại người bác sỹ kia hãy liên lạc ngay với chương trình qua tổng đài (08) 2647777.
"Như chưa hề có cuộc chia ly…" số 04 đã khép lại với những cuộc đoàn tụ trọn vẹn.
Nếu bạn chưa xem chương trình số 04 vào tối thứ 7 vừa qua, bạn cũng có thể xem lại vào 14h 55’ ngày thứ 6, 07.03.2008, hoặc xem tại website của chương trình.
Chương trình "Như chưa hề có cuộc chia ly…"
Ảnh: Ngọc Thạch