Hoạt động

Đã tìm thấy ba rồi!

Ngày đăng: 15/08/2009 | Lượt xem: 1278

Một người nông dân của huyện Đơn Dương, Lâm Đồng đã bất ngờ tìm lại được người thân sau 36 năm lưu lạc, tìm kiếm. 36 năm ly biệt cũng là 36 năm anh không nguôi hy vọng.

Một buổi chiều năm 1972, một đứa trẻ sau 10 ngày bơ vơ đi xin ăn, ghé vào ngôi chùa Hoa Lâm ở Thị xã Buôn Mê Thuột. Đứa bé gặp một người đàn ông – ông nói “Chùa đã hết cơm rồi, còn trái mãng cầu đây, cháu lấy ăn tạm đi. Đợi chiều có cơm, ăn xong chú đưa về nhà”. Đứa bé đáp lại: “Bây giờ con cũng không biết nhà con đâu nữa, con đi lạc mấy ngày”.

Chùa Hoa Lâm đang được xây dựng lại

Người đàn ông đó Huỳnh Xuân, chỉ là người ghé qua chùa làm công quả. Ông đề nghị với đứa bé “Cháu gọi chú bằng cha đi, cháu sẽ nhận chú làm con…”. “Cha”. Và đứa bé có người cha nuôi từ đó.

Dù nhận làm con nuôi, nhưng ông Xuân cũng muốn tìm lại gia đình cho đứa trẻ mà ông mới gặp, ông đã đưa anh đến Cảnh Ty gần đó nhờ thông báo có đứa trẻ đi lạc, ai là thân nhân thì đến chỗ ông nhận lại. Đứa bé đó nhớ tên mình là Hạnh, Ông đưa anh Hạnh về trại lính, nơi ông làm việc. Đợi chờ! Vài ngày, rồi cả tháng… hy vọng người thân tìm đến không còn.

Người cha nuôi cố gắng hỏi anh Hạnh từng chi tiết mà anh nhớ, để sau có điều kiện sẽ đi tìm gia đình cho anh. Trong trí nhớ của một đứa trẻ lên 4, 5, anh Hạnh nhớ trong nhà không có bố ở – hình như bố mất, chỉ có mẹ tên Lương hay Liên và hai anh tên là Hoàng và Dũng, có thể có người em nữa. Anh em trong nhà cách nhau năm một. Một buổi sáng thức dậy khi mẹ không có nhà, 3 anh đói quá, trong tay anh cả chỉ còn đồng xu, đi ra ngoài mua chén đậu hũ chia nhau. Ăn hết rồi vẫn đói, anh em khác tự bảo nhau đi ăn xin, mỗi người mỗi ngả. Khi đến chỗ đông người nên anh Hạnh đã lạc mất hai người anh của mình. Trên người anh có một dấu hiệu dễ nhận ra nhất là ngón tay cái của bàn tay phải có mọc trồi ra một ngấn, nhìn vào giống như bàn tay có 6 ngón.

Bàn tay phải của anh Hạnh có 6 ngón

Ông Xuân đi lính, nên hay phải di chuyển, cho con sống trong trại lính không tiện, khoảng 2 tháng sau ngày nhận anh Hạnh, ông Xuân đã gửi anh về Cam Ranh, Khánh Hòa với vợ ông. Vợ ông lúc đó là một cô giáo. Hai vợ chồng đã có hai con gái, so về tuổi thì nhỏ hơn anh Hạnh. Nên anh Hạnh về được hai người em gái mến, mẹ nuôi cũng thương anh. Trước khi về về lại trên Buôn Mê Thuột, ông Xuân an ủi vợ “Thôi, mình cứ cố gắng nuôi nó, khi nào có người nhận nó thì mình cho nó về”.

Ông Xuân mất sau ngày giải phóng không lâu, vợ ông một mình nuôi 3 đứa trẻ nhỏ dại, 4 mẹ con nương tựa nhau sinh sống. Anh Hạnh lớn lên cũng được mẹ nuôi đi hỏi vợ cho. Vợ anh một người phụ nữ hiền hậu, thương anh hết mực. Khi tôi hỏi chị về người chồng của mình, chị nói, chị kể như chính bản thân chị là người thất lạc: “Nhiều đêm thức giấc thấy anh ngồi thui thủi một mình, tôi biết anh đang nghĩ về gia đình, về mẹ, về hai người anh. Tôi thương anh lắm mà không biết làm sao để giúp.

Trước đây khi mới cưới nhau về, hai vợ chồng anh Hạnh lo làm lụng tích cóp. Những năm 90, khi được một ít tiền anh Hạnh đã nói với chị về ý định đi tìm gia đình. Gia đình mới có con nhỏ, tiền cũng ít, một mình anh Hạnh đã lên lại chùa Hoa Lâm. Khi ấy, cây đa vẫn còn, nhưng bà cụ xưa đã đi đâu, có những người cũ vẫn ở đây, họ vẫn nhớ ngày xưa có một đứa trẻ lưu lạc sống trong chùa. Nhưng họ cũng không biết đứa trẻ đó từ đâu tới. Anh về lại cây số 5 nơi anh bắt đầu lạc hai anh, nhưng cũng không ai biết. Họ chỉ nói, có thể người nhà anh đã đi vùng kinh tế mới rồi. Tiền trong túi sắp cạn, anh đành về nhà. Vợ anh hiểu nỗi thất vọng của anh, chị lại chạy vay mượn 5 chỉ vàng, để anh tiếp tục đi tìm, nhưng rồi cuộc đi tìm ấy khiến anh càng thất vọng thêm. Anh đã tự nhủ không làm khổ vợ con nữa mà ở nhà lo làm ăn.

Định là vậy, nhưng trong tâm anh chưa boa giờ không nghĩ về gia đình. Hai đứa con gái nhỏ của anh vẫn chưa biết họ hàng bên nội. Nghe lân la ai đó nói có gia đình thất lạc con trong những năm trước giải phóng là anh lại lần đến hỏi. Những hy vọng nhỏ nhoi ấy cũng là cách làm xoa dịu nỗi đau chia ly.

Đến một ngày, anh Hạnh nghe bà con trong xóm nói về một chương trình trên tivi đi tìm người lạc, lòng anh lại rạo rực lạ thường. Họ bảo anh mau mau viết thư cho chương trình. Bác trưởng thôn cũng xuống tận nhà bảo anh viết thư. Anh Hạnh sợ chữ nghĩa của mình lủng củng, anh cũng không dám nhờ con gái viết vì sợ con gái không diễn tả được suy nghĩ của anh. Biết vậy, bác trưởng thôn mới giới thiệu cho anh “người viết thư hay”. Qua người này, tâm sự của anh đã đến với Chương trình tìm người thân “Như chưa hề có cuộc chia ly…”

Gặp anh tại trường quay của chương trình “Như chưa hề có cuộc chia ly…”, đi theo anh có mẹ nuôi, vợ và hai con gái. Anh được anh chị trong chương trình này mời đến trường quay để cho anh có cơ hội nói lên tâm sự của mình. Mẹ nuôi anh, bà Bùi Thị Kim An: “Tôi thương nó lắm, nuôi nó mấy chục năm nay, nhưng lúc nào tôi cũng mong cho nó tìm được gia đình. Tâm nguyện của nó cũng là tâm nguyện của tôi”.

Đã tìm thấy ba rồi!

Những phút cuối cùng của chương trình, anh vẫn chỉ nghĩ mình đến đây chỉ để thông báo. Giọng người đàn ông trung niên run run: “Dạ.., em Hạnh nhắn các anh rằng 36 năm nay, em trở về cây số 5 Buôn Ma Thuột biết bao nhiêu lần, mà không sao tìm được mẹ và hai anh ở đâu hết. Các anh còn nhớ em không? Em đã lớn rồi, khác rồi, nhưng các anh có nhớ bàn tay này của em có sáu ngón tay từ hồi nào đến giờ đây này!”

Cánh tay phải giơ lên, ngay lúc anh Hạnh xèo bàn tay 6 ngón của mình ra thì dưới hàng nghế khán giả, cánh tay một người đàn ông khác cũng giơ lên. “Con tôi, Hạnh ơi!”. Người đàn ông đó đã bước vào tuổi xế chiều, da trên mặt đã nhăn, tóc bạc và đã thưa nhiều. Hai người con ngồi cạnh đã đỡ ông dậy bước về phía anh Hạnh. Họ ôm chầm lấy nhau. Có thể anh Hạnh không còn hình dung ra ba hay anh mình, nhưng khi nhìn thấy người em trai kế,  người mà anh không nhớ có hay không, giống anh như tạc thì anh biết đây, họ chính là những người anh đi tìm bấy lâu.

Vợ anh khóc, người mẹ nuôi cũng sụt xùi đỏ hoe con mắt. Người ông xoa đầu hai bé gái cất tiếng gọi “nội, nội ơi” lần đầu tiên trong đời. Tôi còn được biết mẹ anh vẫn còn sống, vì già yếu mà bà không lên gặp con mình được. Vậy là may mắn cho anh Hạnh, tìm lại được gia đình khi chưa quá muộn, những người thân quen của anh vẫn còn. Tiếng điện thoại người thân ở nhà anh ngoài Đơn Dương, Lâm Đồng reo lên, họ cũng đang xem truyền hình, anh trả lời khi đang ôm chầm người cha của mình: “Đã tìm thấy ba, thấy hai anh rồi”.

Hạo Quân

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *