Hoạt động

Cô bé tìm cha – Kỳ 3: Giọt máu đào về với nguồn cội

Ngày đăng: 07/11/2007 | Lượt xem: 1237

 Anh bạn tìm đến Quảng Lập, huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng và nhận được những thông tin phũ phàng: Ông Trần Thế Dân là người sống tại địa phương đã có một vợ hai con. Chưa hết, sáu năm trước, ông Dân đã qua đời vì điện giật khi cắm máy nổ tưới cà phê…

Ngược về quê quán
Bạn tôi có cảm giác như vừa có một dòng điện xẹt qua đầu. Tai thấy lùng bùng. Sự thật quá phũ phàng. Dân đã có vợ con. Và Dân không còn nữa. Đó là người cha của Maria hay sao? Và nếu đúng, Maria sẽ đau buồn như thế nào nếu biết cha mình có gia cảnh như vậy. Bạn tôi không muốn tin nhưng vẫn ráng đi tìm. Vừa mong đó là sự thật. Vừa mong không phải…
Tại trụ sở công an xã, các cán bộ cũng khẳng định đúng là xã có một người tên Dân có hoàn cảnh như vậy. Chuyện ông Dân qua đời vì điện giật là có thật. Sau đó một thời gian, gia đình ông Dân đã rời khỏi địa phương nhưng không rõ đi đâu. Trong một nỗ lực cuối cùng, anh bạn nhờ công an tra lại địa chỉ, gốc gác chính thức của ông Dân trước khi vô Lâm Đồng lập nghiệp. Hồ sơ công an xã chỉ cho biết quê quán của ông Dân ở tại Hòa Khương, Hòa Vang, TP Đà Nẵng.
Bạn tôi không có điều kiện để ở lại Lâm Đồng lâu hơn. Anh phải ngược về TP.HCM. Tháng ngày đầy ắp công việc lại cuốn anh đi theo một guồng máy hối hả. Nhưng có điều gì đó hằng ngày hiện hữu, vừa ám ảnh, vừa thôi thúc anh phải trở lại Quảng Nam một lần nữa.
Trong những tháng ngày này, Maria vẫn đi học, đi làm. Bạn tôi không muốn rằng, những tin tức khá sáng rõ nhưng cũng rất đau lòng về gốc tích cha đẻ của Maria sẽ khiến cô bận tâm. Maria còn quá nhỏ để hiểu về chuyện của người lớn.
Bản thân bạn tôi luôn tồn tại hai dòng cảm xúc: Anh sẽ rất vui nếu như tìm được tung tích người cha cho Maria. Nhưng nếu đó là sự thật, Maria cũng sẽ rất buồn vì cha mình không còn nữa, hoặc gia cảnh của cha mình đúng như những thông tin mà anh có được. Tháng 3.2007, anh bạn trở lại Đà Nẵng trong một lần công tác. Sau khi giải quyết công việc, anh lập tức tìm tới Hòa Khương, Hòa  Vang. Không khó để tìm ra địa chỉ cần gặp. Nhưng khi ghé lại một quán nước để hỏi thăm, anh đã bắt gặp một chuyện bất ngờ…
Thoáng thấy một ông khách bước xuống từ xe hơi với lỉnh kỉnh đồ đạc, máy chụp hình, bà bán nước xởi lởi tiếp đón. Anh bạn kêu nước rồi hỏi rất tự nhiên: "Ở đây có ai tên Dân không chị? Ông ấy trước ở Lâm Đồng, nghe nói gia đình ông ấy ở đây!". Bà bán nước thoáng giật mình, cảm giác vừa ngạc nhiên vừa lo lắng, linh tính mách bảo, đang có một điều gì đó: "Có gì không chú?". "Dạ, cũng không có gì, tôi là người quen của anh Dân, muốn ghé tới thăm gia đình ảnh…". Đến lúc này, bà bán quán mới ngỏ lời những hóa giải cho những thắc mắc của anh: "Tôi là em dâu của anh Dân, vợ và con anh Dân đang ở phía sau. Mời anh vô đi!".
 
Câu trả lời từ bức di ảnh

Bạn tôi thẳng bước vô gian nhà phía sau với một niềm tin kỳ lạ: Có lẽ trời đất thương mình nên đã chỉ giúp. Hoặc ông Dân chính là cha của Maria. Ông đang biết việc mình làm nên ngày đêm dõi theo, phù hộ cho anh gặp may mắn. Bạn tôi tin vào cả hai điều này. Mọi chuyện đã dần được hé mở. Nhưng lấy gì để xác minh ông Dân này chính là cha của Maria?
Lúc này, đã có nhiều người bà con, hàng xóm kéo đến nhà để xem mặt người khách lạ có bộ dạng khác thường. Bạn tôi đi chầm chậm vô nhà, chào hỏi mọi người. Sau cơn bão, một gian nhà đơn sơ mới được dựng lại. Nhà có một chiếc giường, một chiếc bàn và vài chiếc ghế. Chính giữa gian nhà có một bàn thờ. Trên đặt di ảnh một người đàn ông…  Anh bước chầm chậm lại. Mắt nhướng lên gắng định hình thật kỹ. Từng bước, từng bước… Từng đường da thớ thịt của bạn tôi như nở ra. Như có gì đó chạy dọc sống lưng…
Bạn tôi lần giở tấm hình mẹ Maria đưa cho mình trước khi đi tìm kiếm. Một bức hình cũ của người tên Dân thời trai trẻ. Anh nhìn lên bức hình trên bàn thờ… Hai tấm hình chụp đúng một con người ở hai hoàn cảnh khác nhau. Rồi không phải nhìn lâu. Hình ảnh bé Maria đã ùa về trong tâm trí anh. Gương mặt của bé, nụ cười, ánh mắt của bé… Nó có nét giống hệt hình người tên Dân trên ban thờ. Bạn tôi nghẹn ngào: "Maria, đã tìm thấy cha của con…". Quanh đó, đã nghe tiếng bà nội của Maria khóc. Nhiều người khác đã sụt sùi…
Bạn tôi thành kính thắp nén nhang thơm cho cha ruột Maria

Trước vong linh người quá cố, bạn tôi thắp nén nhang thơm. Bà nội, năm sáu người anh em của Dân cùng nhiều họ hàng thân thích của Maria ngồi xuống, nghe người khách lạ mở lời: "Tôi xin lỗi cả nhà, đặc biệt là vợ của anh Dân vì đã nhắc đến một câu chuyện xưa buồn và đáng lý không được nói ra. Tôi là bạn của gia đình Maria. Cháu đã lớn và rất muốn tìm cha đẻ của mình. Nay tôi đã tìm được, xin phép gia đình cho tôi kể câu chuyện dài…". Và anh đã kể lại câu chuyện.

Đại gia đình của Maria lắng nghe, bàng hoàng, xúc động. Họ biết họ đã không phải với Maria. Nhưng thật sự là họ không biết, đến bây giờ họ mới được nghe. Bạn tôi dường như không nói được nữa. Người anh run lên, giọng anh lạc hẳn đi: "… Maria giờ lớn rồi, cháu rất thông minh, xinh đẹp. Cháu nói được bốn ngoại ngữ, chơi đàn piano rất hay, vẽ rất đẹp. Cháu rất thương mẹ nuôi, thương mẹ đẻ và rất muốn tìm về bố. Nếu biết được có một đại gia đình như thế này, chắc cháu sẽ rất mừng…". Cả nhà òa lên khóc.
Bạn tôi lặng lẽ trở về TP.HCM. Lòng anh thanh thản. Đến sinh nhật này, Maria đã có một món quà đặc biệt như lời anh đã hứa. Một món quà rất ý nghĩa với tuổi mười lăm của cô bé. Đại gia đình Maria ở đó, ngày đêm mong ngóng cháu về. Với bạn tôi, đây là hành trình kiếm tìm dường như không đầu, không cuối. Tưởng là không có kết quả, nhưng lại là có. Anh thật yên lòng khi nghe Maria nói rằng, dù cha đẻ mình như thế nào, dù ông không còn nữa nhưng cháu rất vui khi tìm được nguồn gốc của mình. Mẹ nuôi của cháu cũng vậy. Nguồn cội của Maria, câu hỏi sau gần mười lăm năm trời giờ đã có lời giải đáp. Tháng 7 này, bạn tôi sẽ mang Maria về với nội…
 
(Theo Thanh Niên)