Hoạt động
Cô bé tìm cha – Kỳ 1: Số phận
Ngày đăng: 07/11/2007 | Lượt xem: 1404
Từ những thông tin rời rạc, chắp nối, một cô bé 15 tuổi với sự giúp đỡ của một người có tấm lòng, đã tìm ra gốc tích người cha ruột của mình. Câu chuyện xúc động này gợi lên một niềm hy vọng cho biết bao cuộc tìm kiếm những người thân đang thất lạc…
Cô con gái nuôi và một bài học làm người
Tôi cùng một người bạn vào một quán ăn. Quán ăn B. trên một đường phố ở quận 1, TP.HCM, không có gì khác lạ so với những quán ăn khác. Chỉ những khách hàng thường xuyên ăn tại đây mới phát hiện ra một điều khá đặc biệt: Quán có một cô gái làm phục vụ bàn rất trẻ tuổi, trông gia giáo, có học. Nhìn thấy bạn tôi, cô gái chạy tới vui mừng:"Bố, lâu quá bố không đến…". Tôi thật sự bất ngờ, nghĩ cô bé là con gái của bạn tôi. Bởi tôi thường hay đưa gia đình đến đây ăn tối và không lạ gì cô bé chạy bàn có một không hai này. Khách đến đây ai cũng ngạc nhiên trước khả năng giao tiếp của cô bé. Miệng cô bé lúc nào cũng nở nụ cười duyên dáng thân thiện. Cô nói với khách Việt bằng một thứ tiếng Việt ngọt ngào, gặp khách nước ngoài, lúc thì cô líu lo tiếng Pháp, tiếng Đức, khi thì nói tiếng Anh giọng Mỹ vô cùng chuẩn xác.
Bạn tôi bảo, cô bé chỉ là chỗ thân tình quen biết, không phải là con gái anh, vì thân tình nên cô gọi anh là bố. Anh cho tôi biết, cô bé được vệ sĩ đưa đến đây làm việc bằng xe hơi, hết buổi làm cô được rước về. Một tuần, cô làm việc tại quán này hai buổi vào thứ bảy và chủ nhật. Người chủ quán trả lương cho cô 300.000 đồng/tháng.
Tôi còn được biết rằng cô gái là con nuôi của một gia đình giàu sang tại Mỹ, hiện đang sinh sống và làm việc tại VN. Tên cô là Maria, năm nay 15 tuổi. Maria đã từng có một tuổi thơ côi cút tại trại mồ côi Hội An. Sinh ra trong một gia đình khó khăn, từ lúc chào đời mẹ Maria đã bị bệnh và Maria không biết cha mình là ai. Cô được gửi vô trại mồ côi. Lên bốn tuổi, Maria được một phụ nữ tốt bụng người Mỹ nhận làm con nuôi. Từ đó, cô sang Mỹ theo mẹ. Mẹ nuôi của Maria còn đưa cô đến Thụy Sĩ để ăn học. Lớn lên, Maria được mẹ nuôi đưa về Việt Nam vì bà có công việc ở đây. Theo văn hóa Mỹ, dù gia đình rất giàu sang nhưng mẹ cô vẫn muốn Maria phải đi làm. Bà muốn dạy Maria rằng, muốn có tiền phải lao động. Phải lao động mới biết quý đồng tiền. Thế là cứ hai buổi cuối tuần, cô được vệ sĩ lái xe hơi đến quán để làm phục vụ bàn. Thời gian còn lại, Maria đi học và tham gia phụ việc với mẹ nuôi. Cô cũng vẫn thường xuyên liên lạc với người mẹ đẻ của mình hiện đang sống ở thị xã Hội An. Lúc này bà đã rất đau yếu…
Rất tò mò về cô bé, tôi giục bạn tôi kể cho tôi nghe đầu đuôi câu chuyện. Bạn tôi đồng ý kể với điều kiện phải giữ sự bình an cho cô bé, không được đưa hình cô bé lên báo, không được ghi tên thật của những người trong cuộc, không để lộ nơi ở, nơi học hành của cô bé… Tôi gật đầu lia lịa đồng ý với các "điều khoản" bạn tôi yêu cầu (bởi vậy tên cô bé và những người trong cuộc ghi ở bài này không phải là tên thật).
Tuổi thơ côi cút và các thiên thần hộ mệnh
Maria được sinh ra từ một cuộc tình chóng vánh giữa một thôn nữ với một người đàn ông “bí mật”. Mẹ cô có lý do riêng để lặng lẽ mang thai và sinh con một mình. Điều bất hạnh là do quá nghèo khó, không được chăm sóc đầy đủ nên đã sinh non và bị tai biến sản khoa, bị co giật, băng huyết, tưởng không qua được. Nhưng được sự chăm sóc tận tình của các thầy thuốc tại bệnh viện, bà đã được cứu sống, nhưng trở thành tật nguyền, miệng méo xệch, chân tay bị co rúm, răng rụng gần hết, đi lại rất khó khăn, đầu óc "lúc nhớ lúc quên". Không có khả năng nuôi con, bà đã nuốt nước mắt đưa con vào trại mồ côi.
Do sinh thiếu tháng và không có được dưỡng chất cần thiết khi còn trong bụng mẹ, đứa bé trở nên quặt quẹo, bệnh tật thường xuyên. Bà T., người trực tiếp tiếp nhận cháu tại trại mồ côi nhớ lại: "Lúc đó tưởng chừng cháu không thể sống nổi, chúng tôi thương cháu nên đã tập trung chăm sóc, sự quan tâm của chúng tôi có lẽ đã động đến trời phật nên cháu đã sống sót". Ngày tháng qua đi, Maria đã lớn lên cùng các bạn nhỏ cùng cảnh ngộ trong sự đùm bọc của các cô, các dì ở trại mồ côi.
Rồi một ngày đẹp trời, như đã được định mệnh sắp đặt, một cô gái người Mỹ gốc Việt đến trại mồ côi. Cô gái đó cũng xuất thân từ một đứa trẻ mồ côi, may mắn được một gia đình tỉ phú người Mỹ nhận từ trại mồ côi đưa về Mỹ làm con nuôi trước năm 1975. Là giám đốc một tổ chức nhân đạo của Mỹ đang có nhiều dự án nhân đạo tại Việt Nam, cô thường đến trại mồ côi Hội An để giúp đỡ những đứa trẻ bất hạnh. Cô đã nhận Maria làm con nuôi từ đó.
Lá thư ngỏ trước khi tròn 15 tuổi
Do tham gia nhiều hoạt động xã hội từ thiện, hơn 10 năm bạn tôi đã giúp chắp nối nhiều mảnh đời bị thất lạc nhau, nên anh quen biết với mẹ nuôi của Maria và gia đình của bà, từ quen biết đến thân tình. Maria coi anh như một người cha đỡ đầu.
Sống ở Việt Nam quê hương, ngày ngày tiếp xúc với những con người thân thiện nhưng Maria vẫn canh cánh một nỗi lòng về thân phận của mình. Mẹ ruột của mình thì cô đã biết. Nhưng cha của cô là ai? Maria ngày càng lớn, càng hiểu biết hơn và mẹ nuôi của cô rất ủng hộ việc cô tìm ra cha mình. Khác với tâm lý một số người không muốn con nuôi biết cội nguồn, mẹ nuôi Maria luôn khuyến khích con cái hướng về văn hóa và cội nguồn dân tộc. Nhất là tìm về nguồn gốc của những người đã sinh thành ra mình.
Một ngày đầu xuân Đinh Hợi, bạn tôi nhận một lá thư của Maria gửi viết bằng tiếng Anh trên trang giấy học trò. Nội dung bức thư rất cảm động: “Bố yêu! Hằng năm mỗi dịp sinh nhật con bố thường tặng con rất nhiều quà. Sinh nhật năm nay, con muốn bố tặng cho con một món quà khác với những món quà trước đây. Con tin rằng bố làm được, con muốn biết bố ruột con là ai, ở đâu, làm gì, cuộc sống của bố ruột con ra sao. Rất yêu bố. Con gái cưng của bố".
Đọc lá thư của Maria bạn tôi rưng rưng nước mắt. Hơn mười năm qua, anh đã từng chờ đợi lá thư này. Giúp Maria biết cha mình là ai, anh đã từng nghĩ đến và rất muốn, rất sẵn sàng làm điều đó. Anh làm điều này vì cái tâm của mình hơn là sự tác động của mẹ nuôi Maria. Nhưng điều anh chờ đợi, thật sự giờ đây mới đến. Đó là sự trưởng thành của Maria: Cô gái bé bỏng nay đã lớn. Cô bé đã biết tự suy nghĩ và thật sự mong muốn tìm cho ra nguồn cội. Và anh đã bước vào một hành trình tìm kiếm… (còn tiếp)
Theo Thiếu Gia (báo Thanh Niên)
} else {