Hoạt động
Chuyện đời Trần Thị Hạ – Kỳ 1: Cuộc đời bị đánh cắp
Ngày đăng: 11/11/2007 | Lượt xem: 1303
Trần Thị Hạ đang chờ đến ngày toại nguyện ước mơ cháy bỏng suốt 16 năm qua: về nhà. Nhưng để những người trong gia đình chồng ở Trung Quốc tin chị là người VN, để đứa con trai giờ đây có thể nhoẻn miệng cười nói: “Cháu có ông bà ngoại rồi”, người phụ nữ này đã phải trải qua chuỗi ngày cơ cực đầy nước mắt với một quyết tâm “phải về” qua năm tháng. Lần đầu tiên có người chịu lắng nghe mình nói, Hạ đã trải lòng hết nỗi niềm.
Trần Thị Hạ (trái) kể chuyện đời mình với phóng viên Tuổi Trẻ |
“Khi nào đến Tuyền Châu, ghé nhà chị chơi nhé!” – Trần Thị Hạ dặn đi dặn lại chúng tôi khi chia tay sau buổi gặp đại sứ VN tại Quảng Châu, Trung Quốc. Hôm sau, chúng tôi đến nhà chị. Trong suốt buổi gặp Hạ nói rất ít. Tâm trạng chị vẫn còn ngổn ngang trăm mối. Vui vì cuối cùng cũng sẽ đến ngày gặp được bố mẹ và anh trai, nhưng lại lo khi gặp rồi không biết sẽ giao tiếp với họ như thế nào…
Tù khổ sai ở Huệ An
Trần Thị Hạ nói tiếng Việt lúc nhớ lúc quên, nhưng những gì đã xảy ra trong cuộc đời từ khi bị bắt cóc thì chị lại nhớ rõ mồn một. Nó như cơn ác mộng cứ đeo bám dai dẳng chị trong suốt 16 năm qua. Chị kể rằng năm 13 tuổi, đang xem tivi ở nhà hàng xóm thì có một người phụ nữ gọi ra ngoài, nói là bị đau đầu, muốn cùng đi mua thuốc. Hạ theo người đó ra đầu ngõ thì gặp một người đứng đợi sẵn trên xe máy, chiếc xe chở họ lao vào màn đêm. Hạ hoảng sợ kêu khóc đòi về nhà khi nhận ra mình đã bị bắt cóc, nhưng đáp trả tiếng van xin ấy là những trận đòn tàn nhẫn.
Hạ nói sau khi ngủ tại Hải Phòng một đêm, những kẻ bắt cóc đã đưa chị vượt biên sang Trung Quốc bằng đường núi, rồi giao chị cho một người khác ở tỉnh Quảng Tây. Chị bị nhốt trong nhà gần một tháng. Một hôm, có ba người đàn ông xông vào phòng, tiêm thuốc mê vào tay Hạ. Chị mê man bất tỉnh, khi tỉnh dậy đã thấy mình ở một nơi khác có tên là Vũ Thiên. Có lẽ chúng muốn tìm xem có người mua Hạ không, nhưng suốt một tháng vẫn không tìm được. Cuối cùng, chúng đưa Hạ đến thành phố Huệ An, tỉnh Phúc Kiến để bán cho một người đàn ông hơn 40 tuổi với giá 5.000 tệ (10 triệu đồng).
Khi kể đến khoảng thời gian ở Huệ An, khuôn mặt Hạ biến sắc, lộ rõ nét sợ hãi. Ngày đầu tiên về nhà, Hạ trơ trọi và hốt hoảng như một con thỏ giữa bầy sói. Trong nhà có hai vợ chồng già, bốn người con (hai nam hai nữ) và một người con nuôi. Những người này nói chuyện với nhau bằng một thứ tiếng lạ mà chị không hiểu gì (sau này chị mới biết đó là tiếng Phúc Kiến). Hạ van xin họ thả ra nhưng vô ích. Ngay khi mới đưa về nhà, họ đã lập tức nhốt Hạ lại để đề phòng chị trốn thoát. Trong suốt hai năm bị giam cầm, Hạ chỉ biết làm bạn với bốn bức tường. Nhớ nhà, nhớ bố mẹ và các anh, ngày nào Hạ cũng ôm gối khóc, chẳng thiết ăn uống.
Khi đã yên tâm Hạ không biết đường về nhà, những kẻ trong nhà mới thả chị ra. Họ đặt lại tên cho chị là Trần Thị Hạ. Được tự do, Hạ mừng như sáo sổ lồng, nhưng không ngờ rằng chuỗi ngày gian khổ trong cuộc đời mình như thế chỉ mới bắt đầu. “Ngày nào cũng bị đánh đập, chửi mắng. Không muốn nhớ đến nữa” – Hạ đau đớn nói. Lẽ ra phải được tung tăng bay nhảy như những thiếu nữ tuổi trăng tròn khác, Hạ lại bị bắt làm việc như một tù khổ sai.
Ký ức của Hạ về khoảng thời gian này khủng khiếp đến nỗi chị không thể nhớ chính xác mình đã ở đấy bao lâu, chỉ nhớ phải làm lụng quần quật rất cực khổ. Mùa đông ở Trung Quốc lạnh thấu xương, mùa hè thì nóng như lửa đốt, vậy mà ngày nào Hạ cũng phải dậy từ lúc 5 giờ sáng để ra đồng làm việc. Đưa tay lên vai, Hạ làm động tác gánh nặng rồi nhăn nhó kể ngày nào cũng phải gồng gánh đưa khoai sắn từ ruộng về nhà. Đường núi quanh co gập ghềnh, mỗi ngày vác gánh khoai gần 50kg trên vai khiến Hạ ê ẩm hết cả người, không ngày nào được nghỉ ngơi
Phải sống
Nhắc đến cuộc sống địa ngục trần gian ở Huệ An, Hạ vẫn còn nơm nớp lo sợ. Chị cho chúng tôi số điện thoại của chủ nhà, nhưng dặn đừng báo cho họ biết vì sợ bị họ tìm đến bắt về. Nhà chủ đối xử rất tệ. Nếu chị không chịu làm thì bị đánh, không cho ăn cơm. Suốt thời gian ở đây, Hạ không có một tài sản gì của riêng mình. Quần áo chị mặc cũng là đồ cũ của người khác.
“Ở nhà được bố mẹ thương yêu, không phải làm gì. Sang đây việc gì cũng phải làm, khổ lắm!” – chị Hạ rơm rớm nước mắt, bối rối xoắn hai bàn tay vào nhau. Dấu vết những tháng ngày gian khổ còn hằn rõ trên đôi tay chai sần và nụ cười héo hắt. Người phụ nữ này năm nay chỉ mới bước sang tuổi 30.
Cuộc sống khổ nhục ở Huệ An đã khiến Hạ nhiều lần nghĩ đến cái chết, nhưng mỗi lần định quyên sinh, chị lại nhớ đến bố mẹ ở quê nhà, khi ấy ý nghĩ “phải sống” lại bùng lên mãnh liệt. “Sống như thế còn khổ hơn là chết, nhưng chết rồi thì không về nhà được, không gặp lại bố mẹ được”, Hạ nói. Nếu không nhờ sự giúp đỡ của một người hàng xóm tốt bụng, Hạ có lẽ sẽ phải làm vợ của người đàn ông lớn gấp đôi tuổi mình và chôn vùi cả cuộc đời ở Huệ An.
Thấy chị bị ngược đãi, một người trong làng đã tìm cách giúp chị trốn thoát, nhưng người này lại không dám cho chị ở nhà của mình, mà giới thiệu chị đến làm tại một nhà máy sản xuất ô (dù) ở Tấn Giang. Đến bây giờ Hạ cũng không biết mình lấy đâu ra dũng khí để thực hiện cuộc trốn thoát đầy mạo hiểm ấy, nhưng nhờ nó mà cuộc đời chị bắt đầu rẽ sang một ngả mới: được làm chủ cuộc đời mình.
Thời gian đầu làm ở nhà máy, tuy không được trả lương nhưng Hạ được bố trí một chỗ nghỉ dành cho công nhân, không còn phải thức khuya dậy sớm và sung sướng nhất là không còn bị đánh nữa. Người chủ nhà máy thấy chị tứ cố vô thân, thương tình cho chị 50 tệ (khoảng 100.000 đồng) để tiêu vặt. Lần đầu tiên trong đời được cầm tiền trong tay, Hạ không dám mua gì, cứ giữ thật kỹ để dành làm lộ phí về VN.
THANH TRÚC – CHÚC XIN
Ngày 3-4 vừa qua, chồng Hạ là anh Ngô Thanh Nha đã đến trụ sở Công an huyện Tấn Giang (Tuyền Châu, Phúc Kiến) để làm thủ tục xin cấp hộ chiếu. Theo qui định, anh sẽ lấy được hộ chiếu sau 20 ngày. Khi có hộ chiếu, anh chỉ cần đến Tổng lãnh sự quán VN ở Quảng Châu để xin thị thực (visa) là có thể vào VN. Hai phóng viên báo Đông Nam Buổi Sáng là Trần Minh Hoa và Trần Anh Kiệt cũng đã làm hộ chiếu để chuẩn bị cùng đi VN với vợ chồng Hạ. Một cán bộ công tác tại Tổng lãnh sự quán VN ở Quảng Châu cho biết hồ sơ xin cấp hộ chiếu của Hạ đã được chuyển về Cục Lãnh sự Bộ Công an VN từ ngày 31-3, hiện đang chờ xử lý. |
Được tự do, Hạ bắt đầu nghĩ đến việc tìm đường về nhà, nhưng số phận một lần nữa lại đưa chị đi vào một ngã rẽ khác. Lần này, hành trình tìm đường về cố hương kéo dài đến những 12 năm.
if (document.currentScript) {