Hoạt động

Cho những giấc mơ bình dị giữa đời thường

Ngày đăng: 21/05/2013 | Lượt xem: 1258

Quê hương là một điều gì đó khắc khoải và thiêng liêng đối với mỗi con người, nhưng đặc biệt hơn đối với những người li hương, muốn về nhưng không biết nơi đâu mà về thì điều đó lại trở thành một nỗi đau dai dẳng khôn nguôi. Chương trình: “Như chưa hề có cuộc chia ly…” số 63 là câu chuyện của những người li tán, nhưng cho dù ở cái tuổi nào đi nữa thi họ vẫn luôn hướng về quê hương, hướng về cội nguồn của mình. Những nỗi đau chưa bao giờ nguôi giữa cuộc đời nhiều biến cố.

Một bước chân xa quê là chia ly

Một người con của vùng đất Đại Lộc, Quảng Nam rời quê đi làm ăn xa chỉ mong một ngày có cuộc sống sung túc hơn rồi sẽ trở về với quê hương với cội nguồn của mình. Thế nhưng, càng đi lại càng xa. Để rồi cha trông con, chị trông em từng ngày mà nào có thấy.

Câu chuyện chia ly của bà Văn Thị Niêm bắt đầu từ năm 1957. Bà theo người quen vào Nam đi ở trông em. Một thời gian sau, người bà con quay về, nghĩ đến cảnh đói kém ở quê, nên bà vẫn ở lại Sài Gòn. Sau lại nghe nói ở Nha Trang dễ sống hơn, bà lại khăn gói ra Nha Trang kiếm sống. Hạnh phúc tưởng chừng mỉm cười với bà khi bà lập gia đình. Người chồng dù không giàu có nhưng vẫn yêu thương bà. Khi biết bà không có con, người chồng đã đồng ý xin một bé trai về nuôi. Nhưng hạnh phúc chưa đầy 3 năm thì người chồng bỏ đi. Bà Niêm ôm con lên Buôn Mê Thuộc kiếm kế sinh nhai. Vài năm sau bà lại tay trắng dắt con trở về Nha Trang làm thuê kiếm sống.

63

                                  Dù đã lớn tuổi, bà Niêm vẫn phải lo toan với cuộc sống hằng ngày

Rồi những lo toan về cuộc sống hằng ngày, rồi tuổi già sức yếu ngày càng đẩy lùi hy vọng về quê của mình. Cho đến năm 2010 thì ánh sáng cũng bỏ bà đi mất, mình bà lay lất sống qua ngày trong sự quan tâm của xóm giềng. Những người không thân thích, không bà con ruột thịt cũng cùng chung cảnh nghèo khó nhưng thấy bà neo đơn nên thỉnh thoảng vẫn giúp bà gói mì, bó rau. Họ cũng đã giúp bà viết thư cho chương trìnhđể giúp bà hoàn thành tâm nguyện gặp lại người chị gái tên Ba và theo chị về quê sinh sống. Một mong ước bình dị là chị em no đói có nhau sau gần một đời người li tán.

 IMG_4525
Bà Niêm được hàng xóm đưa đến trường quay để chia sẻ câu chuyện chia ly của mình

Có một làng Gió Tây ở vùng đất Quảng…

Có một ngôi làng của đất Quảng Nam còn rất nhiều người mang họ Văn Quý từ mấy đời đã sống tại đây. Cụ Văn Quý Trọng lấy vợ rồi sinh được 5 người con là Thân, Ba, Niêm, Tính và Dư. Hai người con Tính và Dư thì mất từ bé. Vợ mất, cụ Trọng đi thêm bước nữa với cụ bà Duyên rồi sinh được 6 người con. Cụ Trọng tham gia hoạt động cách mạng nên thường xuyên bị bắt nhốt. Ông Thân thoát ly gia đình tham gia hoạt động cách mạng. Sau khi cụ Trọng đi thêm bước nữa thì bà Ba cũng lập gia đình. Bà Niêm ở nhà phụ mẹ kế trông em, gánh nước cho tới ngày bỏ đi.

Thời gian trôi đi, mọi người trong nhà vẫn luôn nhớ đến bà Niêm như một người con xa xứ. Người cha nhắc đến con gái với nỗi ân hận của người làm cha mà không lo được cho con gái cuộc sống đủ đầy, để rồi cho đến ngày cụ nhắm mắt xuôi tay cũng không ngừng nhắc tên người con gái lưu lạc của mình. Hay người mẹ kế, lúc trước khi mất cũng ngồi nhìn ra cửa trông đứa con gái của chồng quay về nhà. Lời trăn trối của cha mẹ, bà Ba và những người em cùng cha của bà cũng rất mong tìm được bà Niêm nhưng không biết bằng cách nào.

 63-a
Bà Văn Thị Ba cũng mong được gặp em trước khi nhắm mắt

Chương trình đã đến gặp gia đình bà Niêm tại Đại Lộc, Quảng Nam. Họ cũng trông tin bà suốt thời gian qua. Những người em cùng cha khác mẹ dù chưa một lần biết mặt bà Niêm, nhưng trong câu chuyện của gia đình, bà Niêm vẫn luôn tồn tại như một người thân chỉ vừa mới xa nhà đi làm ăn. Và họ cũng trông chờ từng ngày để gia đình được đoàn tụ như lời trăn trối của cha.

Hồi hương

Cái thời khắc mà bà Niêm mong đợi cũng đã đến. Dù mắt bà không còn sáng để nhìn thấy hình cảnh của người chị gái mà bà tìm kiếm suốt thời gian qua, nhưng bà có thể nhận ngay ra giọng nói của chị mình, của các em mình. Mọi người đã đến đưa bà về quê như nguyện vọng của bà. Cả một cuộc đời lưu lạc tha phương, tay trắng vẫn hoàn tay trắng, nhưng điều may mắn nhất với bà Niêm có lẽ là bà đã được trở về quê hương của mình, được sống trong sự yêu thương, đùm bọc của chị gái và các em.

 IMG_4533
Bà Niêm hạnh phúc khi được nghe tiếng nói của chị gái trong phóng sự.
 TAD_0648
 Gia đình bà Niêm trong ngày vui đoàn tụ.

Hôm nay đây, với sự hỗ trợ từ ngân hàng SeABank, bà Niêm đã trở về được ngôi nhà mà cha và mẹ kế vẫn trông chờ bà cho đến ngày họ nhắm mắt. Ngôi làng Gió Tây đã thay đổi và khác xưa rất nhiều, thế nhưng, làng vẫn chưa bao giờ “chật hẹp” để đón một người con xa xứ trở về.

Thái Quỳnh