Hoạt động
Câu chuyện đoàn tụ của anh lính Hải Quân
Ngày đăng: 16/07/2008 | Lượt xem: 2024
Chương trình “Như Chưa Hề Có Cuộc Chia Ly…” số 8 kết thúc cũng đã khép lại hồ sơ mang mã số Ms159. Hai lá thư dù không đến cùng một thời điểm nhưng lại được gửi gắm đến cùng một nơi bằng tất cả niềm hy vọng. Nhờ đó mà những con người mang số phận ly tán đang mỏi mòn tìm kiếm nhau đến tuyệt vọng để rồi họ đã được gặp lại nhau sau một thời gian dài tìm kiếm thông qua nhịp cầu “Như Chưa Hề Có Cuộc Chia Ly…”
Mảnh ký ức từ người con lưu lạc
Những ngày cuối tháng 1 năm 2008, cái thời gian mà mọi người đang nô nức chuẩn bị đón Xuân thì Chương trình đã nhận được lá thư của anh Trần Ngọc Di với khao khát tìm lại gia đình của mình để con cái biết gốc gác, quê hương của mình ở đâu. Bằng những ký ức rời rạc về tên hồi bé của mình Lê Văn Duy, cha tên Cả, mẹ tên Ái, và các em, rồi về căn nhà ngày xưa…
Những mảnh ký ức đó được thể hiện qua một lá thư viết tay và một bảng vẽ kỹ thuật về nơi mà trước khi thất lạc anh đã sống cũng gia đình để mong đợi một điều kỳ diệu sẽ đến với mình. Ở nơi đó anh cũng có quê hương như bao người khác, cũng có ba, có mẹ, có các em. Nơi đó có con sông nhỏ hiền hoà mà hằng ngày anh vẫn thường ra tắm sông cùng em gái, những ngày được quấn quýt bên cha xem cha chạy máy bơm nước cho cả làng, …
Trong ký ức của anh Di có bến đò này |
Thế nhưng anh không tài nào nhớ được nơi ấy cụ thể là thôn, xã nào thể biết đó là Bình Trị Thiên. Năm 1975, Anh Duy chỉ mới 9 tuổi đã bị lạc mất gia đình trên đường đi tản cư vào Đà Nẵng. Chỉ trong một khoảnh khắc chờ đợi ba quay lại đón mà anh Duy và em gái đã bị lạc mất ba mẹ, rồi ngày hôm sau anh lại lạc nốt người em đi cùng với mình. Kể từ ngày hôm đó cậu bé Duy phải rời xa vòng tay yêu thương chăm sóc của cha mẹ, rời xa cái tuổi thơ hồn nhiên chưa hề có một chút lo lắng về cái đói, cái rét để bước vào một cuộc sống mới. Cuộc sống của một đứa trẻ không gia đình, chưa biết số phận sẽ đi về đâu…
Anh Di xúc động khi biết chương trình đã tìm đến được nơi quê anh – đúng như những gì mà anh nhớ và vẽ lại. |
Rồi đến bây giờ, ngay cả khi đã có một gia đình riêng của mình nhưng trong anh vẫn còn mặc cảm tự ti, một thân một mình, côi cút không người thân.
Lá thư đăng ký tìm con trai bị thất lạc tại Đà Nẵng của ông Lê Văn Cả và bà Đoàn Thị Ái cũng đã được gửi đến Chương trình để hy vọng một cơ hội cho gia đình được gặp lại người con trai đã bị thất lạc ở Đà Nẵng khi đang đi tản cư từ Bình Trị Thiên. Và đến hiện tại gia đình đã có 10 người con nhưng vẫn khao khát đi tìm lại người con thất lạc của mình, suốt thời gian qua cứ nghe ai chỉ ở đâu có đứa bé trai bị thất lạc vào năm 1975 ở Đà Nẵng, có đặc điểm giống con trai của mình là ông bà lại thu xếp tìm đến, nhưng cũng đã thất vọng quay về.
Mảnh ghép cuối cùng – lá thư của người cha Lê Văn Cả tìm con Lê Văn Di |
Có lẽ không gì đau đớn bằng nỗi đau mất con của người cha, người mẹ. Nếu như người cha cố gắng kiềm chế nỗi đau khi được hỏi về người con trai của mình thì đối với người mẹ đó chính là một nỗi đau không thể nói nên lời. Đôi mắt đã có tuổi nhìn đăm chiêu kiềm chế cảm xúc nhưng sau đó đã vỡ òa ra bằng những giọt nước mắt. Những giọt nước mắt tự trách mình của người mẹ đã làm lạc mất đứa con trai khi nó còn quá bé, giọt nước mắt của sự tuyệt vọng, đau đớn…
Suốt thời gian qua, cứ gần đến thời gian anh Duy thất lạc thì ông bà lại bồn chồn, trầm tư hơn, những kỷ niệm về cậu con trai ngoan ngoãn ngay từ bé đã biết đi bán kem để phụ giúp cho gia đình cứ ùa về. Một đứa bé gầy còm mới 9 tuổi đầu sẽ sống ra sao đây? Và nếu may mắn còn sống thì không biết có vượt qua được những cám dỗ của cuộc sống khi không có gia đình bên cạnh hay không đây? Những kỷ niệm cứ day dứt mãi trong lòng ông Cả và bà Ái, thỉnh thoảng ông bà lại tự an ủi nhau rằng: “Chắc ở một nơi nào đó cũng đang có người đang cưu mang cậu con trai bé bỏng của mình”.
Thêm một cuộc đoàn tụ sau 33 năm
Cuộc đoàn tụ đầy bất ngờ đối với anh Trần Ngọc Di, đứa bé trai ngày nào bây giờ đã có một gia đình nhỏ nhưng cái mặc cảm côi cút như ngọn lửa cú cháy âm ỉ trong lòng anh, đôi lúc anh lại thoảng qua một suy nghĩ :“Không biết cha mẹ mình có còn nhớ đến người con đã bị thất lạc này hay không?”.
Lúc chương trình mời anh đến trường quay, tất cả mọi người thân của anh đã giúp "bí mật" chuyện anh sẽ gặp lại gia đình. Anh Di là lính Hải quân đang làm nhiệm vụ ngoài ngoài biển khơi thì được thủ trưởng đơn vị điều vào trong đất liền và ngay sau đó thì chương trình gọi cho anh. Anh xin phép thủ trưởng và được đồng ý cho nghỉ phép vào Tp.HCM.
Anh Di đến tham gia Chương trình cùng với cậu con trai vừa học xong lớp 8 để thông báo về trường hợp thất lạc của mình. Anh vẫn không hề biết rằng nếu như năm 1975 có một ngày định mệnh đối với anh thì ngày 5/7/2008 lại là một ngày đặc biệt để anh trở về trong vòng tay yêu thương của gia đình, khép lại nỗi buồn côi cút của ngày hôm qua.
Chương trình đã đưa anh Di từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Những kỷ niệm tuổi thơ của anh Di đã được Chương trình tái hiện lại đầy xúc động. Những giọt nước mắt lăn dài trên gương mặt người đàn ông 42 tuổi đã trải qua những thăng trầm cuộc sống.
Anh Di đã không còn kiềm nén được tình cảm của mình được nữa khi nghe nhà báo Thu Uyên nói "Còn đây là mảnh ghép cuối cùng – lá thư của ông Lê Văn Cả".
Thì ra không chỉ mình anh muốn đi tìm lại ba mẹ, tìm lại gia đình mà cha mẹ anh cũng thế, họ chưa bao giờ thôi nhớ đến anh.
Cảm xúc được đưa đến cao trào khi ông Cả, bà Ái và chị Chi được đưa vào trường quay, những giọt nước mắt hạnh phúc. Đến lúc này mà anh Di và người thân của anh vẫn không thể tin đó là sự thật. Hình ảnh bà Ái cứ ôm chặt lấy người con trai của mình như lo sợ chỉ cần buông tay ra thôi anh sẽ lại biến mất một lần nữa.
Ngay sau Chương trình anh Di đã theo ba mẹ về quê để có thể gặp bà con họ hàng và cả những người em mà anh chưa kịp biết mặt. Vài ngày sau, vợ và con anh Di cũng đã vào Ninh Thuận để đoàn tụ cùng gia đình. Ngày 13/7/2008 gia đình bác Cả đã tổ chức một buổi tiệc nhỏ để chào đón người con lưu lạc sau 33 năm về với gia đình. Sắp tới ông Cả và bà Ái lại ra Đà Nẵng để cảm ơn những ân nhân đã cưu mang anh Di trong suốt thời gian qua.
Một gia đình nữa lại được đoàn tụ, hồ sơ kết thúc một cách trọn vẹn với cuộc đoàn tụ của ba thế hệ đầy nước mắt. Chương trình lại tiếp tục mở ra những hồ sơ mới để rồi sẽ có nhiều số phận được đoàn tụ thông qua nhịp cầu “Như Chưa Hề Có Cuộc Chia Ly…”.