Hoạt động

Câu chuyện bà Hai Lào

Ngày đăng: 20/10/2009 | Lượt xem: 1333

NCHCCCL 20: Ms998 – Nguyễn Thị Lộc tìm chị Nguyễn Thị Hợi

Người cần tìm là bà Nguyễn Thị Hợi. Đây là tấm hình khi bà 14 tuổi. Trước đây gia đình sống ở Thà Khẹt bên Lào. Mẹ là bà Nguyễn Thị Miều. Nhà có 5 chị em, bà Hợi là chị cả, tiếp theo là Hội, Lộc, Phước, Ngọ, Hương (ở nhà thường gọi là Tèo). Năm 1964, khi chị Hợi 18 tuổi, chị theo ông bà Đinh Trung Tính làm tại tòa Lãnh sự quán Việt Nam tại Lào về nước. Gia đình vẫn giữ liên lạc với chị khi đó ở huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai. Nhưng đến năm 1973, nhà cháy, mất địa chỉ liên lạc với chị.

Ảnh cũ gia đình bà Nguyễn Thị Hợi

Một thời gian sau, chúng tôi nhận dược chính những bức hình mà chúng tôi đã có của hồ sơ MS998, những tờ giấy cũ có in hình bà Hợi năm 14 tuổi, có vài dòng chữ Lào ghi địa chỉ ở Thà Khẹt. Thư được gửi đến từ một người đàn ông tên Lê Đắc Tùy. Trong thư ông cho biết là trước đây ông thường hay đi buôn bán bên Lào, và có nhận tìm gia đình giúp người phụ nữ trong ảnh, khi ấy gọi là chị Hai Lào, theo địa chỉ ghi trong tờ giấy. Nhưng ông đã không tìm được. Ông cũng mất luôn liên lạc với người phụ nữ tên gọi Hai Lào. Nay ông gửi lại những tấm ảnh này, để mong chương trình tìm lại bà Hai Lào để trao lại cho bà và tìm gia đình giúp bà.

Rồi vài ngày sau nữa, một người phụ nữ tên Nguyễn Thị Tâm báo về cho hay là có một người chị quen biết có tên bà Hai Lào cũng thất lạc gia đình ở bên Lào.

Bà Hai Lào

3h sáng một ngày tháng 9, đường phố trung tâm Sài Gòn lất phất mưa, trên phố chỉ có lác đác bóng của những người công nhân quét rác. Hè đường, một vài chú xe ôm ngồi co mình đợi khách…. Tại một quán bánh mì nhỏ trên đường Cao Thắng, một người phụ nữ gầy guộc cũng đẩy cửa sắt kêu ken két bắt đầu công việc của mình trong ngày. Nơi đó là tiệm bánh mì, còn tiệm tên gì thì chắc chỉ có những người xưa mới biết bởi cái bảng hiệu của tiệm đã bạc màu sơn, mà chủ quán thì không buồn sơn lại cả mấy chục năm nay. Người phụ nữ hơi lom khom kia không phải là chủ quán, bà chỉ là người bạn của chủ quán.

Ảnh minh họa

Tiệm bánh Mỳ Hòa Mã nổi tiếng đã lâu, nhiều người Sài Gòn ắt hẳn biết đến nó, có thể họ đến thường xuyên nhưng không mấy ai để ý đến người phụ nữ đứng khuất bên trong tiệm này. Và càng không mấy ai biết đến số phận của bà. Người ta chỉ biết gốc tích bà ở bên Lào, và gọi bà với cái tên thân thuộc là bà Hai Lào.

Bà Hai Lào người nhỏ thó bưng một cái lò ra ngồi trên thềm nhà trước tiệm để nhóm bếp lửa đầu tiên nghi ngút khói, có lẽ đây là bếp lửa đầu tiên của Sài Gòn trong mùa mưa lất phất những hạt như sương mai vào sáng sớm. Bên cái bếp than hồng đặt trước hiên nhà, bà bắc chảo muối tiêu (đây là muối để cho khách vào buổi sáng dùng chung với bánh mì và trứng ốp la của tiệm bán ra) đặt lên đều tay đảo và bắt đầu kể cho chúng tôi nghe câu chuyện của bà. Nguyễn Thị Quý là cái tên của bà hiện nay, còn cái tên ngày xưa là Hợi. Bà là chị cả của 4 người em Lộc, Phước, Ngọ và một người nữa mà bà cũng không còn nhớ nổi tên chính xác mà chỉ nhớ thường gọi là Tèo. Gia đình xưa kia sinh sống trên đất Thà Kẹt bên Lào. Những năm 1960, bà sống với gia đình người cha nuôi làm việc trong Đại sứ quán. Khi cha nuôi chuyển công tác về Việt Nam bà cũng đã theo về. Thư từ là cách liên lạc duy nhất để biết thông tin của cha mẹ, và các em còn ở bên đất Lào. Bà có lập gia đình, sinh ra ba đứa con. Tổ ấm nhỏ đó của bà một ngày kia bị bom đạn dội xuống làm chồng và các con của bà bị chết. Bà bị quật ngã. Lý do duy nhất để bà sống là hy vọng có ngày được gặp lại gia đình bên Thà Khẹt, Lào.

Tiệm bánh mỳ Hòa Mã

1975, đất nước thống nhất, bà Hai Lào đi về vùng kinh tế mới trên Đồng Nai để lập nghiệp. Căn nhà dựng lên chưa được bao lâu thì đã bị ngọn lửa thiêu trụi. Những kỷ vật theo bà bấy lâu đều bị vùi lẫn trong đám tro. Kể cả những lá thư của gia đình gửi qua. Bà cũng không nhớ địa chỉ chính xác để gửi thư. Mà bà cũng không biết lý do làm sao mà gia đình bên đất Lào cũng không viết thư qua cho bà nữa. Đợi chờ mòn mỏi. Vài tấm ảnh gia đình còn xót lại, chiều chiều bà lại mang ra xem…

Mọi liên lạc bị cắt đứt, một mình bà Hai Lào nơi đất khách quê người. Bà làm thuê, gom góp được một số tiền để mua được một mảnh đất nhỏ ở Đồng Nai vào năm 1990 trong vùng sâu, vùng xa với giá rẻ, mà theo bà nói vừa mua vừa cho. Một vùng đất mà không một ai muốn đến ở, nhưng vì muốn tồn tại bà đã mua để làm nơi dừng chân sau bao nhiêu năm vất vả. Một mình cô quạnh, nỗi nhớ nhà càng da diết. Bà làm lụng được ít tiền rồi tìm cách lên biên giới tìm đường quay về Thà Khẹt, Lào để tìm gia đình. Nhưng làm sao bà qua biên giới bên kia đất Lào được khi mà không có một mảnh giấy tùy thân, vì nó đã cháy rụi hết.

Kỷ vật duy nhất là tấm hình chụp chung của mẹ cùng 4 người em nên, bà mang đi photocopy ra nhiều tờ giấy nhỏ; rồi nhờ một số người đi buôn từ Việt Nam sang Thà Khẹt, Lào cầm những tấm hình này qua đó hỏi thăm có người nào nhận ra những người em của cô hay không. Người tốt bụng thì xem đó như một việc làm để tích công đức nên không lấy tiền, nhưng có kẻ thì lại lừa gạt và lấy mất tiền của cô. Nhưng không có bất cứ hồi âm nào về.

Rồi bà cũng buồn mà bỏ hoang mảnh đất mới trên Đồng Nai, lên thành phố làm thuê ở tiệm bánh mì Hòa Mã. Suốt 18 năm qua, mỗi chiếc bánh mì làm ra ở đây đều có bàn tay cô nhào nặn. Bà xem tiệm bánh mì này như là một nơi dừng chân tạm thời. Nhưng bà không còn nơi nào thân thuộc hơn nữa để đi về. Còn gia đình của chị Lê Thị Hạnh, người chủ tiệm bánh mì Hòa Mã, xem bà Hai Lào như là một người thân của gia đình, là một thành viên luôn gắn bó với tiệm bánh mì.

Chị Nguyễn Thị Tâm và bà Nguyễn Thị Hợi tại trường quay S8

Ý nghĩ làm sao tìm lại gia đình người thân không bao giờ bị dập tắt trong bà Hai Lào, nhưng rồi tuổi dần già, sức khỏe yếu đi thì bà cũng không biết làm sao để tìm gia đình. Nay vào cái tuổi ngoài 60, sức khỏe không còn tốt như thời trẻ thì việc tìm mọi cách trở qua Thà Khẹt như cô nói là “chuyện trong mơ.”

Sau khi rang muối tiêu, cô tiếp tục công việc với công đoạn cắt dưa leo thành từng thanh dài để dùng chung với bánh mì. Lúc đầu chúng tôi tưởng cô cô làm việc thông thạo như một người bình thường, nhưng tiếp cận mới biết được công việc này cô làm theo quán tính theo kinh nghiệm bao nhiêu năm, vì mắt cô đã mờ vì bị cườm mà không chạy chữa. Bà Hai Lào nói vui: “Nhiều khi đi từ quán vào nhà trong hẻm, tôi cứ đi cà bang chứ không thấy đường”. “Đi vậy, thế lỡ xe tông thì sao?” Bà cười hiền nói: “Người tông xe chứ xe có tông người được đâu”

Bầu trời thành phố dần dần sáng lên, những ánh đèn đường tắt dần khi mặt trời ló dạng. Chúng tôi tạm biệt bà Hai Lào và chị Hạnh chủ quán ra về và để lại lời hứa sẽ tìm lại gia đình cho bà. Bà mừng, bà tủi, bà hy vọng. Nhưng bà cũng không biết kết quả sẽ đến đâu. Vì bà chưa một lần xem hay nghe đến “Như chưa hề có cuộc chia ly…”

“Tâm nguyện duy nhất của đời tôi đã hoàn thành”

Bà hai Lào đi ra khỏi con hẻm quen thuộc của tiệm bánh mì là cần có người đưa đón. Chị Nguyễn Thị Tâm, là người em và cũng là người bạn đã từng làm cùng ở tiệm bánh mì Hòa Mã trước đây, đã dìu bà Hai Lào đến NCHCCCL 23. Bà đến để cùng xem hình ảnh của bà lần đầu tiên lên ti-vi, phóng sự về câu chuyện cuộc đời bà.

Bà Hợi đoàn tụ cùng em gái Út tại trường quay S8

Phóng sự kết thúc. Một giọng nói khác vang lên của một người có khuôn mặt gần giống bà Hai Lào, nhưng trẻ hơn. Bà là Nguyễn Thị Hương về từ Australia, bà nói lại những điều trong câu chuyện của MS998. Trong khoảng khắc ngắn ngủi, bất ngờ ấy, bà Hai Lào đã hiểu ai là người đứng đối diện mình. Bà Hai Lào cần tiến lại gần để xem khuôn mặt của người em gái mà xưa bà cứ hay gọi là em Tèo.

Ở Châu Úc xa xôi, những cuộc gọi tới tấp đổ về số bà Hương: “Có phải chị hai không?” “Phải không?” … Rồi hỏi cả bà Hai Lào, xem bà có chắc chắn là chị của mình không: “Xưa kia ở bên Thà Khẹt, cái giếng nhà mình ở đâu?” “Chị có nhớ bố mẹ mình làm gì không?” Bà Hai Lào nghẹn lời “Khi rời gia đình, chị đã 18, nên chị nhớ hết chứ. Mấy em còn nhỏ làm sao nhớ bằng chị. Nhà mình có cái giếng ở trước sân, có lần người em kế bị té giếng, may mà…”

“Thế là tâm nguyện duy nhất của đời tôi đã hoàn thành.” Bà Hai Lào gặp lại chúng tôi tại văn phòng Chương trình sau ngày đoàn tụ. Bà cùng em gái mình đến để chia tay chúng tôi. “Lúc đoàn tụ tôi bất ngờ quá chưa kịp nói lời cảm ơn. Tôi đến để cảm ơn anh chị, để tạm biệt anh chị, tôi sẽ theo em Tèo qua Úc sinh sống. Già rồi, không biết có cơ hội về Việt Nam gặp lại anh chị không…” “Ah, tôi mới đi mổ cườm ở mắt về, mắt nhìn rõ hơn rồi…” “Về lại quán bánh mì Hòa Mã, có nhiều khách vào hỏi: "Ở đây có bà Hai Lào hôm qua lên ti-vi phải không? Ăn bánh mì của bà làm lâu rồi mà không biết bà…” Bà Hai Lào cũng đã bật cười khi kể lại những điều đó.

Vậy là trăn trở suốt 47 năm qua của bà Hai Lào, ngày hôm qua đã dừng lại phía sau. Hy vọng những năm tháng sau sẽ là những ngày hạnh phúc.

Nguyễn Văn Linh
Thành viên bộ phận Tiếp nhận và Xử lý Thông tin Chương trình NCHCCCL
Nhân vật được đoàn tụ trong NCHCCCL số 01

}

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *