Hoạt động

Ca khúc “Gia đình hồi sinh” và tấm lòng của một kỹ sư – cựu chiến binh

Ngày đăng: 29/05/2008 | Lượt xem: 1170

Một buổi sáng thứ bảy, chú Trần Văn Đức, bút danh Thành Đức, một nhạc sỹ không chuyên, một cựu chiến binh tài hoa đã đem đến chương trình một ca khúc do chú ấy sáng tác. Bằng cả tất cả tình cảm của mình, chú muốn thay mặt cho những gia đình đã được đòan tụ gửi lời cảm ơn đến chương trình “Như chưa hề có cuộc chia ly…”.

Chú Thành Đức tại nhà riêng

Một kỹ sư hiểu biết về âm nhạc
Chú Thành Đức sinh năm 1940 tại Vinh – Nghệ An, là một kỹ sư đã từng theo học tại Trường Đại học Thép và Hợp kim Matxcơva vào năm 1961. Từ nhỏ chú Đức vốn là một người yêu thơ nhạc, thể thao nhưng mẹ chú không muốn chú theo con đường âm nhạc. Đến khi sang Nga thì vừa học luyện kim vừa tranh thủ học thêm về nhạc lý với nhạc sĩ Nguyễn Đình Tấn trong dịp hè. Tuy thời gian học ngắn ngủi nhưng đã cho chú Đức những nền tảng căn bản về nhạc lý. Để rồi khi về nước vẫn tham gia công tác kỹ thuật và vẫn có cơ hội thực hiện niềm yêu thích ngày xưa của mình.

“Tôi từng có một cuộc đòan tụ đầy nước mắt như thế”
Trước đây gia đình sống tại Vinh –Nghệ An, ba và sáu anh chị của chú đều đã mất trong chiến tranh Năm 1946 gia đình tản cư lên Nam Đàn, chỉ còn lại mẹ và chú. Từ khi được cử đi học cơ khí ở Nga vào năm 1961, thì chiến tranh phá hoại diễn ra ác liệt hơn, đặc biệt ở vùng Quân khu Bốn trở vào, nơi mẹ chú đang sống. Đến năm 1966 chú Đức học xong. Được một tuần sau khi về nước, chú nhận công tác tại một Xưởng Quân giới ở Việt Bắc, nhiệm vụ đầu tiên là bảo đảm chất lượng nhiệt luyện dụng cụ gập đạn K56 và cải tiến đạn cối 82 li của Nga cho vừa với đạn cối 81 li của Mỹ.

Tập thơ "Nồng độ hương tình"

Đến năm 1968, Mỹ phải tuyên bố ngừng ném bom miền Bắc như, chú mới có điều kiện trở về Nghệ An tìm lại mẹ mình. Thời khắc mà chú nhìn thấy mẹ của mình thì mẹ chú đang sống trong hầm trú ẩn gần bờ đê con sông Lam cách Nam Đàn 7 km. Mẹ chú vẫn ở lại nơi đó trú ẩn mặc cho bom đạn để chờ đợi ngày đón chú trở về. Trong cái khoảnh khắc ngắn ngủi ấy thôi chú đã lao vào vòng tay mẹ và khóc như một đứa trẻ. Cái khoảnh khắc mà nếu ai đã từng sống trong sự chờ đợi, hy vọng gặp lại người thân của mình thì mới hiểu được nó thiêng liêng như thế nào, và có lẽ cũng không bao giờ quên được. Chú đã sống lại những giây phút ấy khi theo dõi những cuộc đoàn tụ bất ngờ trong Chương trình “Như chưa hề có cuộc chia ly…”

Ca khúc “Gia đình hồi sinh”
Chú Đức kế thừa lòng đam mê âm nhạc từ cha vốn là một nhạc công danh tiếng một thời, và chú cũng kế thừa từ mẹ lòng yêu văn chương  nghệ thuật. Những sáng tác đầu tay của chú Đức là để phục vụ ngành quân giới, sau đó thì cũng có nhiều chủ đề khác về mái trường, về gia đình… và một số bài đã được lên sóng Đài Tiếng Nói Việt Nam. Rồi đến khi về hưu thì chú đã bắt đầu dành thời gian nhiều hơn để sáng tác thơ, nhạc đánh dấu là cho ra đời tập thơ nhạc “Nồng độ hương tình” và nghiên cứu lịch sử. Đặc biệt là bài thơ “Tình mẫu tử” viết dành tặng người mẹ của mình được in trong tập thơ đầu tay của chú

“Vượt chặng đường mưa nắng sớm khuya
Mẹ mừng vui con vào đại học
Gia tài mẹ cho là nghị lực
Con vươn lên từng bước đường đời…”

Với những đóng góp của mình chú đã được tặng Huy chương vì sự nghiệp văn hóa quần chúng năm 1999.

Lại nói về ca khúc “Gia đình hồi sinh”, vào một buổi tối của tháng 2/2008, chú Đức theo dõi Chương trình “Như chưa hề có cuộc chia ly…” và lại một lần nữa rơi nước mắt vì cuộc đòan tụ của người khác, chú mừng cho đứa con sau 33 năm lưu lạc lại trở về trong vòng tay mẹ nhờ vào sự giúp đỡ của Chương trình. Cảm xúc gặp lại mẹ năm xưa lại trào lên đã thôi thúc chú phải làm một cái gì đó. Rồi những khuôn nhạc được viết vội vã, ghi lại những cảm xúc về chương trình cứ tuôn chảy ào ạt trên giấy. Tuy nhiên đó chỉ là sự mới bắt đầu và cần có thời gian để có thể trở thành một bài hát hòan chỉnh. Sau đó lại có những sự thay đổi về tông nhạc, về ngôn từ, và ngay cả cái tên của bài hát khi hòan thành cũng đã khác hẳn với cái ngày mới bắt đầu đó.

Chú Thành Đức đến văn phòng chương trình giới thiệu ca khúc "Gia đình hồi sinh"

Đến ngày 19/5/2008 thì ca khúc “Gia đình hồi sinh” được hòan tất, tác giả đã thổi cái cảm xúc thật của mình vảo bài hát, cảm xúc về gia đình qua lời ru của mẹ, rồi gói gọn lại là cuộc sống được hồi sinh khi con về với mẹ, anh chị em tìm thấy nhau, bạn bè gặp lại nhau sau thời gian xa cách. Thông qua đó để cảm ơn chương trình đã làm tất cả để giúp cho những mảnh bất hạnh không biết vì nguyên nhân nào mà thất lạc gia đình nhưng trong cái thời khắc đoàn tụ thì họ có thể quên hết sự đau khổ của cuộc đời.

Thái Quỳnh

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *