Hoạt động
40 năm đi tìm cha mẹ
Ngày đăng: 11/11/2007 | Lượt xem: 1478
"40 năm qua, trong mơ mẹ cũng không thể ngờ được con còn sống, con ơi…" – tiếng hờ của người mẹ đã làm những người chứng kiến phút giây trùng phùng của người đàn ổng tuổi 40 lần đầu gặp cha mẹ của mình phải rơi nước mắt…
1 giờ sáng 19-8, những người dân thôn Kinh Môn (Gio Linh, Quảng Trị) cùng thao thức với bà Hoàng Thị Quýt đợi một chuyến xe.
Chuyến xe ấy từ Đắc Lắc, mang theo một người. Hai con người tận khổ ấy đã tìm kiếm cuộc gặp gỡ này suốt 40 năm đằng đẵng…
Năm 1967, bên bờ nam sông Hiền Lương có một bà mẹ bồng đứa con trai 8 tháng tuổi chạy loạn. Một loạt bom hất tung…
Trong căn nhỏ ở thôn Kinh Môn (xã Trung Sơn, huyện Gio Linh) buổi chiều dài lê thê, bà Hoàng Thị Quýt không giấu giọt nước mắt lăn dài trên má nhăn nheo khi kể về buổi sáng kinh hoàng cách đây 40 năm
Hàng xóm, láng giềng đến chia vui với anh Nguyễn Phi Sơn
(hàng ngồi, thứ ba từ trái qua) trong ngày đoàn tụ – Ảnh: Hoàng Tiến
|
Hàng xóm, láng giềng đến chia vui với anh Nguyễn Phi Sơn
(hàng ngồi, thứ ba từ trái qua) trong ngày đoàn tụ – Ảnh: Hoàng Tiến
|
Ngôi mộ gió cho con
…Khoảng 10 giờ sáng 19-5-1967, Mỹ – ngụy cho quân càn quét thôn Kinh Môn và nhiều thôn xóm khác dọc bờ nam sông Hiền Lương. Chồng bà là ông Trịnh Hoài Bắc (du kích xã Trung Sơn) phải cùng đồng đội ở lại bám làng đánh địch. Bà một mình bế đứa con chưa đầy 8 tháng tuổi chạy ra bến lội Giang Phao (bờ nam sông Hiền Lương) để sang bờ bắc tránh bom rơi, đạn lạc.
Vừa chạy đến bến, nhìn sang phía bờ bắc chỉ thấy mờ mịt từng cột khói bom bốc lên. Có ba anh bộ đội sang bờ nam làm nhiệm vụ trở về, bảo bà chui xuống hầm ếch để tránh bom. Ngớt trận bom, bà chưa kịp chui ra khỏi miệng hầm thì bất ngờ một loạt bom rải xuống. Đến 4 giờ chiều cùng ngày, các chiến sĩ ở đồn công an giới tuyến vượt sông sang bới bà lên từ đống đất, đá. Trước khi ngất lịm, bà chỉ kịp thều thào nhờ các anh công an đào bới tìm con. Nhưng tất cả nỗ lực tìm kiếm đều vô vọng…
Bà Quýt được chuyển lên trạm xá thôn Tiên Lai (xã Vĩnh Lâm, huyện Vĩnh Linh) để chữa trị vết thương. Từ đó cho đến ngày quê hương hoàn toàn giải phóng, cứ nghe người ta mách bảo ở đâu có đứa trẻ bị thất lạc cha, mẹ là bà cùng chồng lặn lội tìm đến nhưng đều vô vọng. Nhiều đêm bà cứ lang thang như kẻ mộng du, vừa đi vừa gọi tên con khiến nhiều người không thể cầm được nước mắt.
Vô vọng, mãi đến năm 1980, vợ chồng bà đành phải làm ngôi mộ gió rồi lập am thờ con bởi sợ nếu đứa con tội nghiệp ấy chết thật, không được hương khói sẽ lạnh lòng… Đứa con trai tội nghiệp của bà ngày ấy có cục thịt thừa phía sau tai phải.
Hành trình của giọt máu
Ngớt trận bom, các anh bộ đội thấy đứa trẻ bị hất văng ra xa, chưa chết. Người mẹ bị vùi trong đống mịt mù, họ tưởng đã chết nên chỉ kịp bồng đứa bé bơi sang sông giữa làn bom đạn. Không có sữa nên các anh bộ đội trong đơn vị lấy nước gạo nuôi chú bé. Cuối năm 1967, đơn vị bộ đội phải di chuyển để đánh địch nên gửi cậu bé lại cho một bà mẹ đang nuôi con nhỏ ở thôn Tùng Luật (xã Vĩnh Giang, Vĩnh Linh).
Chiến tranh đi vào hồi ác liệt, năm 1968 bà mẹ nuôi bị bệnh, đành gửi chú bé cho Bệnh viện xã Thạch Thanh (huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh). Lúc ấy, ở Bệnh viện Thạch Thanh có khá đông trẻ em bị thất lạc hoặc cha mẹ chết trong chiến tranh.
Trong một ca trực, có một nữ bác sĩ tên Nguyễn Thị Lâm, khi đi ngang qua đám trẻ chợt khựng lại khi nghe tiếng "mẹ”. Bác sĩ Lâm quay lại nhìn đứa trẻ. Ngay ngày hôm sau, bà Lâm nhận đứa trẻ ấy về làm con nuôi và đặt tên Nguyễn Phi Sơn.
Thời gian trôi qua. Đến năm 17 tuổi (năm 1984), có người hàng xóm vô tình cho Sơn biết sự thật rằng anh chỉ là đứa trẻ quê ở Quảng Trị được bà Lâm nhận nuôi. Chạy về hỏi mẹ thì nhận được câu trả lời là "cả mấy đứa con trong nhà này đều do một tay mẹ nuôi lớn đấy thôi…!".
Cuối năm đó anh Sơn khăn gói nhảy xe khách vào Quảng Trị. Sau hai tháng lang thang tìm cha mẹ ruột với chút thông tin mong manh, nhiều hôm không còn đồng xu dính túi phải xin cơm ăn rồi co ro nằm ngủ dưới mái hiên chợ…Không tìm được, thất vọng quay trở ra Hà Tĩnh. Rồi Sơn đi làm công nhân ở Lâm trường Hương Sơn, đến năm 1989 thì lập nghiệp ở Tây nguyên. Anh ở thôn 4, xã Eađar, huyện Eakar, tỉnh Đắc Lắc.
Năm 2006, được cha mẹ nuôi cho biết thêm thông tin về người mẹ đã nuôi anh một thời gian ở thôn Tùng Luật (xã Vĩnh Giang, Vĩnh Linh), Sơn liền điện thoại đến UBND các xã như Vĩnh Quang, Vĩnh Giang, Vĩnh Thạch, Vĩnh Tú… nhờ tìm giúp những người có con bị thất lạc trong chiến tranh.
Tháng 8-2006, anh Sơn ra Quảng Trị rồi đến Đài PT-TH tỉnh nhắn tin tìm người thân nhưng không chút hồi âm. Rồi được ông Nguyễn Thanh Toàn – chủ tịch UBND xã Vĩnh Giang – giúp đỡ, anh biết được mẹ nuôi hiện vẫn sống ở thôn Tùng Luật (xã Vĩnh Giang). Biết thêm thông tin từ người mẹ nuôi, ông Nguyễn Thanh Toàn lặn lội sang xã Trung Sơn tìm những người có con thất lạc trong chiến tranh và gặp ông, bà Trịnh Hoài Bắc – Hoàng Thị Quýt.
Vài hôm sau, tại nhà ông Toàn, khi nhìn thấy tấm ảnh của anh Nguyễn Phi Sơn gửi ra và qua điện thoại biết được nhân dạng của anh, bà Quýt đã khóc ngất.
Con mẹ còn sống…
Đồng hồ nhích dần sang 1 giờ sáng… Tất cả người thân trong gia đình cũng như hàng xóm, láng giềng ở thôn Kinh Môn đều không giấu được sự hồi hộp, bồn chồn ra đón Sơn tận quốc lộ 1A. Cứ 15 phút, người thân trong gia đình lại gọi điện thoại cho anh chỉ để biết anh đã đến nơi nào…
Thị xã Đông Hà rồi Dốc Miếu, chiếc xe khách dừng lại, tất cả những người ra đón anh đều lao đến quây lấy anh trong vòng tay xiết chặt và nước mắt… Qua ánh đèn loang loáng của những chuyến xe ngược xuôi trên đường thiên lý Bắc – Nam, bà Hoàng Thị Quýt ôm lấy con rồi rờ rẫm khắp người con: "Có phải là con không con ơi, 40 năm qua trong mơ mẹ cũng không thể ngờ được là con còn sống con ơi…". Anh Sơn nước mắt ngắn dài: "Con tìm được cha mẹ rồi… từ đây con không còn tủi thân bởi không biết cha, mẹ mình là ai, hiện đang ở đâu… còn sống hay đã chết…". Ông Trịnh Hoài Bắc ào đến ôm con khóc ròng, rồi gọi các con là Thu, Hương, Ninh, Hằng đến nhìn mặt anh.
Đêm ấy, gia đình anh cùng bà con chòm xóm ở thôn Kinh Môn lặng nghe Sơn kể về tháng ngày buồn vui của 40 năm lưu lạc. 40 năm, một hành trình đi qua hơn nửa đời người…
}