Báo chí

Việt Nam đã giúp Campuchia hồi sinh

Ngày đăng: 09/01/2012 | Lượt xem: 1192

Cởi mở và chân tình. Lúc mạnh mẽ quyết liệt, lúc trầm tư sâu lắng, Thủ tướng Campuchia Hun Sen dành hai tiếng rưỡi trả lời các nhà báo VN trong dịp dự lễ khánh thành di tích lịch sử địa điểm đoàn 125 tại Đồng Nai.

Đoàn 125 là tiền thân của lực lượng vũ trang đoàn kết cứu nước Campuchia. Chủ đề mở đầu và xuyên suốt, hẳn nhiên là về sự kiện 33 năm giải phóng Campuchia, lật đổ chế độ diệt chủng Pol Pot sắp kỷ niệm vào ngày 7-1. Ông nói:

“Tôi không muốn con trai tham gia chính trị”

Tuổi Trẻ: Ông có muốn con trai mình theo đường chính trị như cha?

– Ba đứa con trai của tôi đều làm trong quân đội. Tôi muốn chúng phục vụ bảo vệ đất nước để biết yêu nước theo điển hình của người cha nhưng không muốn con tham gia chính trị như cha. Dòng họ tôi không phải là làm chính trị mà là nông dân, viên chức, có người làm bác sĩ, hải quan, phần đông là giáo viên. Nhưng ngoài yếu tố chủ quan còn có những yếu tố khách quan tác động. Lịch sử buộc tôi phải lên tới chức vụ này.

Tôi cũng muốn cho con trai nối nghiệp, nhưng đừng quên ở Campuchia dưới chế độ dân chủ phải đi qua bầu cử, nếu dân không bầu, trong Đảng không ủng hộ thì không thể làm gì hết.

– Không có gì vui hơn khi chúng tôi được giải phóng khỏi chế độ Pol Pot. Chúng tôi từng đứng trước cái chết và rồi được hồi sinh nhờ quân tình nguyện Việt Nam và phong trào đấu tranh của Mặt trận Đoàn kết cứu nước Campuchia.

Quân Đội Nhân Dân: Gần đây tại phiên tòa xét xử tội ác diệt chủng của Khmer Đỏ, bị cáo Nuon Chea đã có những lời lẽ đi ngược lại lịch sử, đưa ra cáo buộc sai trái về quân tình nguyện Việt Nam, xin Thủ tướng cho biết ý kiến về việc đó?

–  Tôi đã nghe những lời của Nuon Chea, một người có vai trò quan trọng trong chế độ Pol Pot và đã bị tòa xét xử trong mấy tuần lễ vừa qua. Ông ta không những không công nhận sai lầm của mình, mà còn đưa ra những cáo buộc dối trá đối với quân tình nguyện Việt Nam. Tôi cho rằng đó là lời nói dối của những kẻ sát nhân.

Có một logic của kẻ xấu là không bao giờ thừa nhận hành vi sai trái của mình, ông ta nói như vậy cốt để làm nhẹ tội của mình, cho nên chúng ta không cần phải đối đáp với ông ta mà hãy để cho tòa án xét xử. Thực tế đã diễn ra hoàn toàn không giống với những gì Nuon Chea đã nói. Sự thật là quân tình nguyện Việt Nam đã giúp giải phóng nhân dân Campuchia khỏi chế độ diệt chủng Pol Pot.

VNExpress: Ông từng thể hiện sự phẫn nộ khi có người nói quân tình nguyện Việt Nam xâm lược Campuchia, vì sao như vậy?

– Tôi đã có phản ứng gay gắt về cách nói đó, vì hoạt động của quân tình nguyện của Việt Nam tại Campuchia là từ sự yêu cầu của nhân dân Campuchia. Chúng ta có thể hỏi rằng trên thế giới này có đất nước nào đã giúp nhân dân Campuchia, đặc biệt là giải phóng khỏi chế độ diệt chủng Pol Pot và ngăn cản sự quay trở lại của chúng? Câu trả lời chính là nhân dân và quân đội Việt Nam! Thời gian Việt Nam rút quân khỏi Campuchia đã trôi qua hơn 20 năm, chính vì vậy chúng tôi càng không thể chấp nhận được cách nói xuyên tạc và hàm hồ như vậy.

Quân Đội Nhân Dân: Nhân dân Campuchia gọi bộ đội Việt Nam là “đội quân nhà Phật”. Thủ tướng có thể chia sẻ về điều này?

– Nhân dân Campuchia có niềm tin chỉ có tiên có Phật mới cứu giúp được những phận người khi gặp khó khăn khốn cùng. Đúng vào lúc người dân Campuchia sắp chết, chỉ còn biết chắp tay khẩn cầu tiên Phật tới cứu thì bộ đội tình nguyện Việt Nam xuất hiện. Bộ đội Việt Nam chính là đội quân nhà Phật.

“Campuchia là món hàng hay sao…”

Tuổi Trẻ: Trong mối quan hệ Việt Nam – Campuchia có những ý kiến thường hay liên hệ tới một nước thứ ba. Thủ tướng nói sao đối với dư luận này?

– Đây là câu hỏi tốt. Tôi xin khẳng định quan hệ Campuchia – Việt Nam là thành tựu to lớn của hai nước được xây dựng và phát triển trong từng giai đoạn lịch sử, đặc biệt là giai đoạn giải phóng Campuchia khỏi nạn diệt chủng. Đảng đối lập vu cho tôi là nằm dưới sự chỉ đạo của Việt Nam, rồi họ lại nói Trung Quốc lôi kéo Campuchia, rồi có lúc lại nói Mỹ tranh thủ Campuchia. Tôi không hiểu. Campuchia là món hàng hay sao?… Tốt nhất chúng ta đừng bình luận gì cả, hãy cứ để thực tế có câu trả lời.

Tôi cho rằng bất kỳ nước nào cũng cần quan hệ với các nước khác. Việt Nam có nhu cầu quan hệ với Trung Quốc, Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, Liên minh châu Âu… Campuchia cũng cần quan hệ với các nước trên thế giới, chúng ta không nghe theo những điều sai trái. Chẳng hạn họ nói nên quan hệ với nước này, đừng quan hệ với nước kia…, đó không phải đường lối chính trị của chúng tôi.

Tuổi Trẻ: Thưa Thủ tướng Hun Sen, hai tiếng “Việt Nam” luôn gợi lên cho ông điều gì?

– Tôi không thể nói hết những ý nghĩa xuất phát từ hai tiếng Việt Nam, nhưng tôi có thể nói ngắn gọn hình tượng rằng: “Việt” là sự hồi sinh của Campuchia – “Nam” là sự phát triển của Campuchia từ trước đến nay.

Tuổi Trẻ: Tháng 10-2008, báo Tuổi Trẻ có đăng loạt bài về Thủ tướng Hun Sen trích từ một cuốn sách viết về ông, sau loạt bài này báo nhận được rất nhiều hồi âm mong muốn Thủ tướng chia sẻ thêm về những trải nghiệm trong cuộc sống của mình, những điều ông muốn gửi gắm đối với giới trẻ.

– Khi tôi rời Campuchia đến Việt Nam để tìm kiếm sự giúp đỡ chống lại chế độ diệt chủng Pol Pot, tôi mới 25 tuổi. Sau đó tôi trở thành bộ trưởng ngoại giao lúc 27 tuổi. Năm 32 tuổi tôi trở thành thủ tướng của Campuchia, lúc bấy giờ là một trong những thủ tướng trẻ nhất thế giới. Như vậy, tôi nghĩ rằng vấn đề không phải là trẻ hay già, không phải chỉ người già mới làm lãnh đạo được. Kinh nghiệm của tôi cho thấy sẽ là bảo thủ khi ai đó cứ nghĩ đến tuổi già của mình và ngăn cản tuổi trẻ, đó là một sai lầm.

Trước đây ở Campuchia mọi người cũng thường hỏi về lý lịch, hỏi về tuổi ai đó trước khi đề bạt họ. Tôi đã đấu tranh với vấn đề này bằng cách thể hiện mình trong vai trò người chỉ huy quân đội và xây dựng lực lượng quân đội. Không phải những người trên dưới 30 tuổi thì không làm bộ trưởng, làm thứ trưởng được mà phải đợi đến khi 40 hoặc 50 tuổi, vấn đề là chúng ta có dám trao công việc cho người trẻ hay không.

“Xin đừng bao giờ tuyệt vọng”

Tuổi Trẻ: Ông đã trải qua nhiều thăng trầm biến cố, từ một chú tiểu ở chùa, một du kích đến bộ trưởng rồi thủ tướng, từng sống trong cảnh đen tối thời Khmer Đỏ phải tị nạn Việt Nam, từng cả chục lần đối mặt với cái chết… Với ông, đâu là thời khắc đáng nhớ nhất trong cuộc đời mình?

– Tôi không ghi nhớ chuyện mình trở thành bộ trưởng hay thủ tướng. Nhưng bị thương ở mắt là điều tôi nhớ mãi. Tôi đã bất tỉnh một tuần lễ để rồi một thanh niên ở tuổi 23 trở thành người khuyết tật (mất hẳn mắt trái – PV). Đó là chiến tranh và chỉ có nhờ may mắn tôi mới thoát chết.

Điều ghi nhớ thứ hai: con trai cả của tôi đã chết khi vừa chào đời vì y tá làm rớt nó. Tôi xin chỉ huy của Khmer Đỏ cho tôi mang xác con tôi đi chôn nhưng họ không cho. Một người cha mà không thể đem xác con đi chôn thì đau khổ biết chừng nào.

Điều ghi nhớ thứ ba: ngày 20-6-1977, tôi ra đi trong nước mắt và đau xót, phải rời bỏ quê hương, rời xa người vợ thân yêu đang mang thai năm tháng để sang Việt Nam và có ngày hôm nay. Nếu tôi chỉ có một mình thì nhẹ nhàng hơn, nhưng bỏ lại đằng sau là hai cuộc đời sẽ phải đối mặt rủi ro bất trắc dưới chế độ Khmer Đỏ.

Tôi cũng ghi nhớ ngày 24-9-1998, năm quả đạn B40 bắn vào xe tôi nhưng may mắn chỉ có một quả nổ cách xe tôi có gang tấc. Và chuyện cưới vợ cũng không thể quên. Ngày 5-1 này sẽ kỷ niệm 36 năm ngày ấy. Lúc đó cùng lúc làm đám cưới cho 13 cặp, dưới thời Pol Pot thì không có đám cưới truyền thống mà phải theo sự sắp đặt của chúng.

Và một ngày nữa đáng nhớ là ngày có đứa cháu đầu tiên. Có quá nhiều chuyện mà cho tôi năm ngày năm đêm nói cũng không hết. Tôi muốn chia sẻ với các bạn rằng: xin đừng bao giờ tuyệt vọng, càng khó khăn càng phải nỗ lực. Hãy đừng rút lui, nếu buộc phải rút lui cũng đừng rút lui trong chiến bại, lúc nào cũng phải trong thế tiến về phía trước.

VNExpress: Thủ tướng thích món ăn nào của Việt Nam?

– Giữa hai nước chúng ta ngoài quan hệ láng giềng gần gũi, đoàn kết, hữu nghị còn có mối liên hệ về món ăn. Ở Campuchia cũng có bánh trôi nước, bánh xèo, chả giò, bánh hỏi, nước mắm… Tôi ăn gì cũng được.

Nhưng món ngon nhất ở Việt Nam mỗi khi nhắc tới là thấy thèm, đó là rau muống chấm nước mắm. Món này ở Hà Nội ngon tuyệt mà ở Campuchia không thể tìm ra được. Còn ở phía Nam thì tôi thích cá kho tiêu. Ra Vũng Tàu tôi thích ốc hương, có lần tôi ăn một lúc… 84 con ốc. Còn nữa, món canh chua cũng rất ngon. Trưa nay tôi cũng ăn những món ấy, có rau muống, cá kho tiêu, canh chua, chỉ có thiếu ốc hương.

“Tôi muốn Campuchia trở thành con rắn to”

Tuổi Trẻ: Thủ tướng từng nói rằng ông muốn biến Campuchia thành con rồng, con hổ ở châu Á như có những nhà lãnh đạo khu vực này đã làm được với đất nước họ. Cụ thể ông muốn phát triển Campuchia theo mô hình nào?

– Tôi không có tham vọng Campuchia trở thành con rồng. Con rắn thôi cũng được rồi vì khả năng của Campuchia không bằng các nước lớn. Nhưng con rắn Campuchia sẽ là con rắn to chứ không phải rắn nhỏ.

Việt Nam có mục tiêu năm 2020 trở thành nước công nghiệp, đó là khả năng Việt Nam có thể làm được. Campuchia thì khác. Khi chúng tôi bắt đầu mở cửa, một số nhà báo hỏi tôi: ông làm kinh tế theo nước nào? Tôi đáp: tôi không sửa đầu cho vừa mũ, không gọt chân cho vừa giày, mà chúng tôi làm mũ để đội cho cái đầu của mình và làm đôi giày đi cho đôi chân của mình. Chúng ta nghiên cứu để học kinh nghiệm hay và tránh bài học thất bại. Nếu bê nguyên xi, giáo điều mà không phù hợp thực tế chúng ta, chúng ta sẽ thất bại.

Tuổi Trẻ: Ông là thủ tướng đương nhiệm lâu năm nhất ở châu Á. Theo ông, điều gì quan trọng nhất để một dân tộc phát triển?

– Từ lúc làm bộ trưởng đến nay tôi đã có gần 33 năm cầm quyền với 27 năm làm thủ tướng. Bạn hỏi yếu tố gì đưa đến sự phát triển? Tôi cho là có nhiều yếu tố, nhưng có hai yếu tố tiên quyết: đường lối chính sách và nguồn nhân lực.

Đường lối chính sách là xuất phát điểm, nếu thước đo này sai sẽ dẫn đến rủi ro, tàn phá đất nước như Pol Pot đã làm. Nhưng đất nước cũng không thể phát triển nếu thiếu nhân lực. Quốc gia có nguồn lực về thiên nhiên chưa hẳn là nước giàu.

Tôi thường hỏi tại sao Việt Nam đi nhanh? Vì có Chủ tịch Hồ Chí Minh quan tâm đào tạo phát triển nguồn nhân lực ngay từ khi giành được độc lập, đưa đi học nước ngoài… đã tạo nên lớp cán bộ giàu năng lực. Từ một nước thiếu ăn trở thành nước xuất khẩu gạo đứng thứ hai thế giới. Còn Campuchia từng được coi là “đất vàng”, tại sao Campuchia nghèo? Là do từng có sự sai lầm, không có đường lối đúng đắn và thiếu nguồn nhân lực.

 Cố gắng thực hiện COC trong năm nay

Tuổi Trẻ: Thưa Thủ tướng, triển vọng nào cho sự ra đời Bộ quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC) trong năm 2012 khi Campuchia đảm nhiệm cương vị chủ tịch luân phiên ASEAN?

– Bối cảnh và những vấn đề đặt ra trong năm 2002, khi Campuchia cũng đảm nhiệm chức chủ tịch ASEAN, khác với hiện nay. Tôi còn nhớ mười năm trước, Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) được các nước ASEAN và Trung Quốc ký tại thủ đô Phnom Penh của Campuchia. Chúng ta cần phải bảo vệ những kết quả đạt được của DOC, cũng như những kết quả khác trong Hội nghị cấp cao ASEAN tại Indonesia năm 2011.

Với tư cách chủ tịch ASEAN, cũng là nước chủ nhà sẽ tổ chức các hội nghị cấp cao có liên quan, chúng tôi kêu gọi sự hợp tác của các thành viên ASEAN và Trung Quốc để cố gắng thực hiện COC vào năm 2012. Hiện nay Campuchia cũng đang cố gắng để các cuộc gặp giữa ASEAN và Trung Quốc tìm ra được một công thức thực hiện vấn đề này. Chúng tôi rất lạc quan.

Đà Trang – Võ Văn Thành thực hiện
Nguồn: Tuổi Trẻ Online

>> Đội quân nhà Phật
>> Một chút đáp đền

 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *