Báo chí
Sự trở về trong mơ của cô gái tật nguyền
Ngày đăng: 14/11/2009 | Lượt xem: 1229
Đang xem tivi, ống kính chỉ lướt qua vài giây, nhưng bà Nguyễn Thị Trúc Phương vẫn kịp nhận ra người cháu gái bị thất lạc bốn năm trời, đang đứng trên sân khấu phiên dịch ngôn ngữ cho người khiếm thính giúp chương trình…
Chị Bùi Thị Nga và Chị Phạm Thị Thu Sanh |
Gia đình Phạm Thị Thu Sanh (sinh năm 1987 ở thôn Bàn Nham Nam, xã Hòa Xuân Đông, huyện Đông Hòa – Phú Yên), đã có một ngày đặc biệt. Chương trình “Như chưa hề có cuộc chia ly” số 23 của VTV1 đang gắn kết những thân phận chia xa, thì ít ai ngờ, người đang phiên dịch bằng ngôn ngữ, cử chỉ khiếm thính là Sanh lại được người thân bấy lâu kiếm tìm.
Lưu lạc
Chuyện xảy ra vào buổi chiều mưa bão 18/12/2005. Sanh ra ngoài, và không trở về. Gia đình, người thân tìm kiếm vô vọng, để rồi cứ nghĩ cô đã bị sụp nước hoặc bị lũ cuốn trôi. Lũ lụt qua đi, mọi thông tin về cô gái 18 tuổi vẫn bặt tăm.
Khi về với gia đình, Sanh kể lại:
“Em ở nhà thì có mấy người đến rủ em đi chơi. Họ chờ trước nhà và chở em đi! Trên đường lúc thì di chuyển bằng ô tô, lúc xe máy, họ đưa em đến một căn nhà hoang toàn người lạ… Em khóc đến khản cả tiếng, rồi thiếp đi. Khi tỉnh dậy em đã thấy mình ở một nơi khác”.
Lại những người xa lạ khác, họ tử tế đưa Sanh đến bệnh viện điều trị và khám sức khỏe. Đồng thời, họ dỗ dành bảo sẽ đưa em về nhà”. Sanh ngoan ngoãn nghe theo. Sau này cô mới biết là mình được những người tử tế ấy đưa về cơ sở nuôi trẻ mồ côi Nguyễn Nga (số 2 đường Tăng Bạt Hồ, TP Quy Nhơn, Bình Định).
Chị Phạm Thị Thu Sanh khi ở Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bình Định |
Lúc đó, Sanh chưa được học hành, lại bị khiếm thính và có biểu hiện bất thường về sức khỏe. Những lúc động kinh co giật cô thường hay cầm dao có ý định tự sát. Cơ sở này tận tình đưa cô vào viện điều trị nhưng không có kết quả. Sau đó, Sanh được cơ sở Nguyễn Nga bàn giao cho Trung tâm Bảo trợ Xã hội tỉnh Bình Định nhờ giúp đỡ vì cơ sở này không kham nổi tiền thuốc men điều trị cho cô.
Biên bản bàn giao của cơ sở Nguyễn Nga cho Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bình Định, ghi rõ: “Vào lúc 23 giờ 30 phút, ngày 19/12/2005, cơ sở có tiếp nhận một bé gái khoảng 15 tuổi do xe thồ đưa từ bến xe liên tỉnh đến. Khi đến cơ sở, bé mặc quần tây xanh, áo thun trắng bên trong. Tiếp theo là áo sơ mi vàng nhạt. Bên ngoài cùng là áo khoác màu đỏ có hoa, trên tay mang một túi xách đựng quần áo cá nhân, với đầy đủ vật dụng.
Chị Phạm Thị Thu Sanh tức Bé Sẻ |
Trên tai em có đeo một đôi hoa tai bằng vàng tây hình tròn, trên cổ có đeo sợi dây dù đen có mặt hình trái tim màu tím. Ngoài ra, trong túi áo có một sợi dây chuyền và hai chiếc nhẫn bằng vàng tây được đựng trong chiếc hộp màu đỏ, cùng với 40.000 đồng. Do không có giấy tờ tùy thân nên không xác định quê quán và tên tuổi…”.
Những ngày đầu ở Trung tâm Bảo trợ Xã hội Bình Định, Sanh khóc không ngớt, lúc nào cũng đòi về nhà. Sanh sống ở trung tâm này bốn năm, vừa học văn hóa, vừa thực tập nghề may. Suốt bấy nhiêu năm, nỗi thèm khát về gia đình luôn trỗi dậy trong cô.
Ở quê, sau khi Sanh mất tích, bố mẹ và bảy anh em chia nhau đi tìm, nhưng Sanh vẫn bặt vô âm tín. Mẹ Sanh đổ bệnh nằm liệt giường và mất sau đó hai năm. “Trước khi lìa đời, mẹ Sanh luôn trăng trối với các anh chị em là phải cố gắng tìm kiếm Sanh… Thế mà ngày Sanh trở về thì mẹ không còn nữa” – Anh trai Phạm Hoài Sinh nghẹn ngào.
Cuộc đoàn viên bất ngờ
Những ngày này, nhà Sanh ở xóm nhỏ Bàn Nham Nam, người ra, kẻ vào nhộn nhịp. Chuyện cô bé Sanh sau bốn năm lưu lạc tìm lại được gia đình trở thành sự kiện của xóm nghèo.
“Nhìn lên màn hình ti vi, dù gương mặt cháu Sanh chỉ lướt có vài giây, nhưng tôi cảm giác có luồng điện chạy dọc sống lưng. Linh cảm mách bảo mình đó là đứa cháu thất lạc bốn năm về trước” – người thím họ Nguyễn Thị Trúc Phương kể lại. Ngay lập tức chị Phương đến nhà Sanh báo tin. Anh trai Phạm Hoài Sinh và dượng Trần Văn Yên tức tốc ra Bình Định tìm đến Trung tâm.
Ở Trung tâm, Sanh vẫn đang cặm cụi may vá, tỉ mẩn từng đường may như mọi ngày. Đến khi Trung tâm gọi lên, Sanh ngớ người trong giây lát rồi chợt hiểu ra sự việc. Cô ôm chầm lấy anh trai khóc nức nở. “Sanh khác trước nhiều, nhưng khuôn mặt thì không thể nhầm lẫn được”, anh trai Phạm Hoài Sinh nói.
Nhận xét về Sanh, những ngày ở Trung tâm, chị Ngô Thị Kim Huệ, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo trợ Xã hội tỉnh Bình Định, cho biết: Lúc về trung tâm, em ốm lắm, đòi tự tử suốt, không ăn uống gì hết. Sau một thời gian, ai cũng quí mến Sanh vì em chăm chỉ và gọn gàng, sạch sẽ. Chúng tôi có hỏi tình hình, quê quán của em nhưng chỉ nhận được vài tiếng ú ớ không thành lời. Chúng tôi cho em học may. Sanh thông minh và sáng dạ, học rất nhanh”.
Chị Phạm Thị Thu Sanh trong vòng tay của bố Phạm Văn Thận |
Hai ngày sau khi xong thủ tục ở Trung tâm, Sanh được đưa về nhà ở thôn Bàn Nham Nam này.
Ngày Sanh trở về, mái tóc của ông Phạm Văn Thận, bố Sanh, bạc nhiều so với bốn năm trước. Ông chừng như vẫn chưa tin cô bé đang đứng trước mặt lại là con gái ruột ốm yếu tội nghiệp của mình.
Vẫn chờ câu trả lời
Trong niềm vui đoàn viên, trong niềm hạnh phúc của người thân, chúng tôi vẫn bắt gặp nỗi buồn trong sâu thẳm tâm hồn của em và gia đình. Sự mất mát, ly tán gia đình, và phải sống nơi đất khách thì không thể sớm bù đắp cho Sanh ngày một ngày hai.
Chị Phạm Thị Thu Sanh trở về nhà sau 4 năm lưu lạc |
Có thể, rồi vết thương lòng của Sanh sẽ hàn gắn, nhưng trên cơ thể của Sanh vẫn còn đó những vết thương ở lòng bàn tay, trên cổ tay và cả bên hông nữa. Mỗi vết sẹo dài vài xăng ti mét mà không lý giải được nguyên nhân vì sao. Có lẽ câu trả lời chỉ có khi Sanh, đã bước vào tuổi 22, ổn định tâm lý và có kết luận chính thức của bác.
Còn một người khiếm thính mất tích đầy bí ẩn
Ông Nguyễn Văn Thương, Phó trưởng Công an xã Hòa Xuân Tây (huyện Đông Hòa), cho biết, đó là trường hợp của ông Nguyễn Hữu Thuận (sinh năm 1965 ở thôn Bàn Nham Bắc – Hòa Xuân Tây) cũng bị khiếm thính. Ông Thuận mất tích năm 2005, cùng thời điểm em Phạm Thị Thu Sanh bị thất lạc. Mặc dù, gia đình và chính quyền đã có nhiều nỗ lực tìm kiếm, đến giờ, vẫn chưa tìm được tung tích của ông Thuận. |
Theo Văn Tài (Báo Tiền Phong)