Báo chí
Số phận kỳ lạ của một mục sư
Ngày đăng: 16/03/2009 | Lượt xem: 1455
Câu chuyện của vị mục sư thành phố cảng tối 14.3 đã gây chấn động chương trình Như chưa hề có cuộc chia ly… 16. Lòng yêu thương vô điều kiện của những người đàn bà đã khiến khán giả – và ngay cả những người làm chương trình – bật khóc.
Tình yêu của mẹ…
Mục sư Nghĩa tên thật là Toàn, con trai út của cựu nữ TNXP Vũ Thị Thơ và một thương binh người miền Nam tập kết ở Hải Phòng, tên Thứ.
Năm 1966, bom Mỹ ném xuống thành phố cảng này đã khiến cậu bé Toàn, khi ấy mới 7 tháng tuổi cùng 3 chị gái mồ côi mẹ. Ông Thứ mang Toàn đến cho một người quen là bà Nguyên. Lúc đó bà Nguyên có con gái cùng tuổi với Toàn và trong nhiều tháng liền 2 đứa trẻ cùng lớn lên chung một dòng sữa.
Số phận run rủi Toàn trở thành con nuôi trong một gia đình khác. Bà Nguyên có người anh ruột, cũng tập kết và ở Hải Phòng lập gia đình nhưng không có con. Toàn vào gia đình này, được làm lại giấy khai sinh và mang tên mới là Nghĩa. Vào những năm đó ba nuôi của Nghĩa là trưởng máy tàu viễn dương và khi bước qua tuổi dậy thì, cậu bé trở thành một công tử đúng nghĩa ở Hải Phòng. Theo thời gian, cậu công tử này đã tàn phá tuổi trẻ của mình, rơi vào con đường nghiện ngập, phá nát gia sản và khi ấy bí mật thân thế mới dần lộ ra. Đó là một lần, khi đã chịu hết nổi, ba nuôi viết văn tự từ con, trong đó nói rõ anh Nghĩa, khi đó đã 37 tuổi, là con ruột của ai, quê quán ở đâu. Tuy nhiên, do ông đã nhớ nhầm địa điểm quê quán, mà anh Nghĩa đi tìm suốt 2 năm không ra.
Bởi niềm tin và sự yêu thương của người mẹ, ông Nghĩa đã trở thành vị mục sư đáng kính như ngày hôm nay. |
Nhưng người mẹ nuôi của Nghĩa, bằng tình yêu thương vô điều kiện của mình, đã cứu cuộc đời anh. Khi anh hư hỏng, bà tin anh sẽ phục thiện. Kể cả lúc anh bán luôn cả căn nhà mà cha mẹ mua cho để ném vào những cuộc ăn chơi, bà vẫn tha thứ và hy vọng một ngày anh tỉnh ngộ. Và điều kỳ diệu ấy đã xảy ra. Nghĩa đã trở thành một mục sư đáng kính, đã bỏ ra suốt 2 năm ròng rã đưa vợ tìm về quê quán, gốc tích người thân ruột thịt nhưng không có kết quả, cho đến khi những người làm chương trình này xuất hiện…
…và của chị
>> Xem thư của chị Vân gửi NCHCCCL: Tôi vẫn chờ đợi ngày hạnh phúc nhất đời mình – ngày đó tôi được gặp lại thằng Toàn, em tôi
Ngược lại phần đầu của câu chuyện, trên chương trình số 15 diễn ra tối thứ bảy đầu tháng trước, khán giả đã chứng kiến hai người đàn bà từ Hải Phòng lặn lội vào TP.HCM lên trường quay S8 nức nở kể câu chuyện tìm em trai. Đó là chị Vân và chị Cương, 2 người chị ruột của Toàn, tức mục sư Nghĩa.
Bức ảnh duy nhất có em trai mình mà cô Vân có được – nhờ 1 phóng viên chụp lại trong ngày chôn cất mẹ cô chết vì bom đạn chiến tranh. |
Là chị cả của 3 đứa em nay không còn cha mẹ, chị Vân bảo đời chị nếu không tìm được em trai thì chết cũng không nhắm mắt được. Chị đinh ninh rằng người ba nuôi của Toàn, vì sợ chị đòi lại em mà đã chuyển gia đình vào Nam sinh sống để “xóa dấu vết” và cũng trách ông Thứ đem con trai đi cho người khác. Chị không biết rằng em trai chị, suốt mấy mươi năm nay, là công tử “quậy tưng” đất cảng rồi trở thành mục sư cũng ở cách không xa chị. Và ông Thứ, đến phút lâm chung cũng cố cắn răng chịu đựng nỗi đau xa con chỉ vì mong muốn cho nó được nuôi dưỡng tốt hơn…
Chị Vân không biết. Và cũng ít biết rằng ngay lúc chị xuất hiện trên truyền hình, tối hôm ấy đã có ít nhất 4 cuộc gọi từ Hải Phòng đến số 08 6264777, là tổng đài tương tác của chương trình để cung cấp thông tin. Và từ các thông tin ấy, những người làm chương trình đã cử các tổ công tác khẩn trương lộn ngược ra Hải Phòng. Họ đã tiếp xúc với bà Nguyên, nay đã 84 tuổi, ở Phố Ga; đã về khu Cộng Lực, Cầu Tre cách thành phố 20 km và gặp được những người bà con của chị Vân… Và cuối cùng đã tác thành cuộc đoàn tụ này.
Cuộc đoàn tụ sau 43 năm… |
“Tình yêu vô điều kiện của mẹ đã như chiếc neo, giữ cho một đời con tốt đẹp; còn tình yêu mãnh liệt của người chị cho em đã vô tình vẫy gọi suốt 43 năm nay…”. Thông điệp cuối cùng mà câu chuyện đã chuyển đến cho khán giả tối thứ bảy vừa qua, có lẽ ngay cả các tiểu thuyết gia cũng không dễ làm được.