Báo chí
Quá khứ không bao giờ cũ
Ngày đăng: 27/05/2008 | Lượt xem: 1327
"Như chưa hề có cuộc chia ly…" , tôi rất tiếc vì đã không để ý theo dõi chương trình đó ngay từ đầu. Chương trình ấy nhà báo Thu Uyên dẫn. Hai người đàn ông luống tuổi, một ta một tây đối thoại. Vì ngó lên màn hình tivi lúc giữa chừng và vì rằng hai ông đó vận đồ lớn, com lê cà vạt, nên thoạt tiên tôi ngỡ họ đang chuyện Việt Mỹ làm ăn đối tác chi đấy. Song không phải. Chuyện của họ kỳ thú hơn nhiều và khác thường. Tháng Tư, tròn 36 năm sau cuộc đối đầu, một lái Con Ma một lái Mích, hai chiến binh của bầu trời rực lửa năm 1972, tìm gặp lại được nhau, đầy xúc động và rất chân tình, cởi mở tấm lòng hàn huyên chuyện đời.
Tình thân mến của những người lính thuộc hai bên chiến tuyến đã từng phen sống mái, tình hữu nghị và trọng thị lẫn nhau giữa hai đất nước từng một mất một còn đối địch, hẳn là một trong những tình cảm đẹp đẽ và hiếm thấy của con người. Hiếm thấy, bởi có vô vàn hậu quả và di chứng của cuộc chiến ngăn trở con người ta bắt tay nhau, bởi những khó khăn từ ý thức hệ, bởi phải trước nhất tự thân mỗi người vượt thoát được lên khỏi biết bao nhiêu ký ức đau thương ám ảnh suốt đời để có được sự khoan dung, lòng vị tha mà đến được với tình cảm nhân gian bốn biển một nhà.
Cuộc hội kiến giàu nghĩa nhân hoà ấy giữa hai cựu chiến binh Việt Nam và Mỹ được truyền rộng qua sóng truyền hình cho người ta một cảm giác và một kỳ vọng rằng theo dần năm tháng cuộc chiến tranh đã ngày một lùi xa vào quá khứ sẽ được nhớ tới một cách ngày càng có chiều sâu. Ngày 30 tháng Tư sẽ mang những ý nghĩa ngày một gần gũi hơn với thời đại mới. Vinh quang ngày Toàn thắng sẽ được thể hiện với một tinh thần cao thượng, một cách nghĩ rộng lòng, một ngôn từ thân thiện và khiêm nhường đúng với cốt cách cùng bản lĩnh người Việt Nam của thời kháng chiến, và nói chung người Việt Nam của mọi thời.
Anh bộ đội phi công Nguyễn Hồng Mỹ với lối nghĩ và cách nói của mình khiến khán giả truyền hình hết sức cảm mến. Không phải vì đây là lần đầu người ta được nghe các nhân vật " người trong cuộc" kể và bàn về thời kháng chiến. Có điều, như bản thân tôi chẳng hạn, đây gần như là lần đầu tiên được nghe thấy từ trên tivi một con người thật sự lính chiến chuyện trò và bộc bạch thẳng băng theo kiểu của thật sự một người lính chiến Việt Nam: không khoa trương, không khoe mẽ cái tôi, không dạy đời, không lên gân lập trường, không thêm mắm thêm muối, không bốc phét. Không chỉ gây ấn tượng cho tôi, mà quan trọng hơn, con người anh bộ đội Nguyễn Hồng Mỹ đã khiến nhiều người trẻ tuổi phải trước nhất là thấy ngạc nhiên và sau nữa là thật tâm chú ý tới câu chuyện chiến tranh mà bấy lâu họ vẫn nhẫn nại nghe mãi từ các bậc cha chú.
Thú thực là cứ đến các đận lễ lạt kỷ niệm này khác hàng năm tôi vẫn thường không khỏi bất giác đặt mình vào địa vị những người trẻ tuổi. Hậu sinh mười năm, hai mươi năm, ba mươi năm sau ngày im tiếng súng nhưng câu chuyện thời lửa đạn thì họ vẫn miên man được nghe từ khi còn bé tý. Nghe tại bàn cơm gia đình, nghe trên đài trên tivi, nghe ở trường học suốt 12 năm. Ngoài những giờ văn giờ sử còn đều đặn các ngày lễ. Ba mươi tháng Tư hàng năm, ôn lại truyền thống, thầy trò toàn trường xếp hàng ngay ngắn trên sân trước bục gỗ lễ đài. Trên lễ đài là một cô một chú nhà báo, nhà văn, nhà thơ, văn công, người trong cuộc, nhân chứng sống của thời kháng chiến kể về đường ra trận, đường vượt Trường Sơn, đường vào giải phóng Sài Gòn v.v. Tan trường, về nhà, bữa cơm chiều, mở tivi, vẫn các cô các chú ấy, chuyện ấy và các chương trình thơ nhạc, phim truyền hình cùng chủ đề ấy.
Mà thời gian thì chẳng dậm chân tại chỗ. Thời cuộc, sự đời không ngừng đổi thay, xoay vần, đảo biến. Ngay các nhân chứng đến trường kể chuyện truyền thống cũng khác dần đi, về tuổi tác đã không còn là các cô chú nữa mà là các bác, rồi ông và bà, lối sống, mức sống của họ cũng đã phai nhạt sắc màu thời gian khổ. Đặt mình vào địa vị một anh học trò hôm nay, tôi thấy là dẫu trong lòng có trân trọng quá khứ của các bậc phu huynh đến mấy đi nữa thì anh ta cũng khó lòng nhiệt tình nghe đi nghe lại xem tới xem lui những câu chuyện được kể lại và được viết ra tuy rằng thật hay, thật hấp dẫn, thật hào hùng, đáng noi, đáng phục, song gần như là bất biến năm này qua năm khác.
Tất nhiên, ngẫm lại, thì thấy rằng thật ra thời chúng tôi cũng thế thôi. Lớp thanh thiếu niên Miền Bắc những năm 50, 60 thế kỷ trước được tuyên truyền vận động và được giáo dục để tiếp thu truyền thống của cha anh cũng theo cùng một cách thức như đối với thế hệ trẻ thời bây giờ. Có điều, sống trong thời của mình, chúng tôi có những điều kiện thuận lợi để tiếp thu dễ dàng hơn bây giờ. Chẳng hạn, vào các đợt vận động nhân kỷ niệm ngày Toàn quốc Kháng chiến, hay kỷ niệm Chiến thắng Điện Biên Phủ, hình thức nội dung tuyên truyền giáo dục không khác bao nhiêu so với bây giờ kỷ niệm ngày 30 tháng Tư, nhưng với chúng tôi những dịp kỷ niệm ấy không theo nghĩa là để nhớ về thời đã qua, mà trái lại, để sẵn sàng hơn với cái ngày mai đang kề tới. Những ký ức về Điện Biên Phủ do các chứng nhân kể lại, hay là được hát lên và ngâm lên, hay được chiếu trên màn ảnh, được viết ra trong tiểu thuyết, không có gì là khó hình dung đối với tuổi học trò chúng tôi những năm 60 chiến tranh khốc liệt trên khắp cả hai miền Nam Bắc.
Tất nhiên trẻ tuổi không có nghĩa là trẻ con, chúng tôi hồi đó cũng phần nào hiểu rằng không phải tất cả những gì mình được nghe kể, được xem, được đọc kia là tuyệt đối y xì nguyên bản hiện thực trận mạc và đời sống thời chiến. Nhưng chân lý vĩ đại của công cuộc kháng chiến cứu nước giúp con người ta gạt bỏ mọi băn khoăn, thắc mắc mà xét cho cùng đều là vô lý và nhỏ nhặt trước niềm tin lớn lao và không gì lay chuyển nổi của muôn người lúc đó.
Họ trò chuyện như hai người bạn |
Và sự thực là cho đến bây giờ, sau nhiều chục năm, khi viết về quá khứ chiến tranh, cái ý thức tự nguyện gạt sang một bên những nghĩ ngợi và nhận định cá nhân riêng tư vẫn cơ bản được thế hệ nhà văn chúng tôi duy trì. Như là lời anh phi công Nguyễn Hồng Mỹ bảo với địch thủ đã bắn hạ mình năm xưa : " Toàn cục thì chúng tôi thắng, nhưng trận đó tôi đã thua ", chính là đại diện cho cách nhận định riêng tư rất thành thật, thành tâm và hoàn toàn đúng của những người lính trong cuộc khi ngẫm nghĩ về hiện thực của chiến tranh, thế nhưng đấy lại là điều mà nhà văn lứa chúng tôi không muốn, chí ít là tạm thời chưa muốn thể hiện.
Sự " tạm gác" lại như thế kéo dài cho tới tận bây giờ là một trong những nguyên nhân gây ức chế sự phát triển, làm mòn dần mảng đề tài chiến tranh và người lính vốn được xem là quan trọng nhất, thành công nhất của văn học Việt Nam nhiều chục năm qua. Nhưng mặt khác, việc các nhà văn thế hệ chúng tôi dừng bước, không tiếp tục làm cho sâu sắc thêm nữa đề tài chiến tranh, vô hình chung lại mang ý nghĩa là họ nhường lĩnh vực và đề tài rất có sức nặng ấy cho thế hệ các nhà văn lớp sau. Mặc dù đề tài này sẽ không thể tiếp tục là quan trọng nhất, song vẫn có thể sẽ là đề tài cho sự ra đời các tác phẩm hay và thậm chí rất hay của văn học trẻ hôm nay và ngày mai.
Dĩ nhiên là chẳng dễ dàng gì. Đã là sinh ra sau chiến tranh thì chừng như người ta chỉ có thể một bề tiếp thu, học thuộc lòng mọi chuyện liên quan đến cuộc chiến ấy thuận theo cách nghĩ, cách nhìn của thế hệ đã tận mắt tận tay trải qua. Thuộc lòng, như thế đã đủ mệt rồi, còn thiết gì tới nghĩ ngợi, xem xét kỹ lưỡng hơn sâu rộng hơn để có được quan điểm riêng cho mình. Mà dẫu có thì cũng nào biết để làm gì. Bạn không sống trong thời đó làm thế nào mà những nhận định riêng của bạn lại có thể là mới mẻ hơn và nhất là đúng đắn hơn của chúng tôi, người trong cuộc ?
Có lẽ đấy là một phần duyên do tạo nên ở lớp trẻ sinh ra sau chiến tranh một thái độ mà nhiều người lớn tuổi coi là thái độ thờ ơ với quá khứ. Nhiều nhà nghiên cứu và nhà báo nhà văn nước ngoài cũng có nhận xét như vậy rằng thanh niên Việt Nam thời nay biết rất ít về cuộc chiến tranh chống Mỹ, một thời kỳ lịch sử gần cận và lớn lao đến nhường ấy của đất nước mà lớp trẻ đã gần như lãng quên, thậm chí không muốn nghe ai nhắc đến.
Nhận xét đó không sai nhưng cũng không đúng, bởi vì thái độ dửng dưng ấy chỉ là thái độ bề ngoài. Và không phải lớp trẻ, nhất là lớp trẻ trí thức, thờ ơ với lịch sử cuộc kháng chiến mà là họ đang dần nguội lạnh với những bài học thuộc lòng đang ngày càng cũ đi và đang càng năm càng rõ ra là chưa thể hiện đầy đủ tầm vóc cũng như chiều sâu của thời kỳ lịch sử lớn lao ấy.
Nói gì đi nữa, một nước Việt Nam được như ngày hôm nay, vươn lên từ đói nghèo và tan hoang, bắt đầu nhập vào với đà phát triển mạnh mẽ về kinh tế, khoa học kỹ thuật, văn hoá xã hội, là nhờ rất nhiều ở tài trí và lòng yêu nước cao độ của thế hệ trẻ sau chiến tranh. Và lẽ cố nhiên một thế hệ có lòng yêu nước như vậy không thể nào lại thờ ơ với quá khứ của đất nước mình. Chỉ có điều họ không chịu cứ phải hướng nhìn về quá khứ bằng con mắt của thế hệ trước. Họ muốn nhìn nhận khác, rút ra những kết luận khác, độc lập với cách nghĩ của thời trước.
Có thể thấy ngay ý chí của thế hệ trẻ không cam lòng với sự cũ kỹ ở các bộ phim về đề tài chiến tranh của các đạo diễn mới nổi tiếng gần đây. Đời Cát, Người Đàn Bà Trên Chuyến Tàu Tốc Hành, Đường Thư, Sống Trong Sợ Hãi… Không cần biết đạo diễn là ai, bất kỳ ai là cựu chiến binh xem các bộ phim ấy đều nhận ra ngay rằng đạo diễn là người không trải qua chiến tranh. Nhận ra, một phần là do những hạt sạn không thể tránh được của người chưa từng cầm súng, nhưng quan trọng hơn, và đấy là mới là chính yếu, nhận ra là bởi vì những bộ phim ấy thể hiện chiến tranh theo những góc độ mà chỉ có những người lính chiến thật sự mới nhìn được tuy nhiên lại chưa từng bao giờ được các đạo diễn từng trải qua thời chiến can đảm hướng ống kính vào.
Ngay như cuộc hội kiến kể trên của hai phi công tiêm kích Việt Nam và Mỹ cũng thể hiện cái nhìn mới mẻ của thế hệ trẻ khi hướng nhìn vào quá khứ chiến tranh. Phải trẻ, tôi nghĩ thế, mới đủ sáng kiến và mạnh dạn để tổ chức một cuộc bắt tay giảng hoà khác thường như vậy trên truyền hình.
Nhờ vào tư duy và các điều kiện vật chất của thời đại mới, thế hệ trẻ rồi sẽ lần hồi tìm ra được từ lịch sử cũ xưa những giá trị hoàn toàn mới cho đất nước và dân tộc, thậm chí rất có thể họ sẽ làm được cái việc là phát hiện ra cho đất nước một nhận thức quá khứ không giống, hoặc không hoàn toàn giống với cách nhận thức đã quen thuộc. Mà người có khả năng nhiều nhất làm được điều đó chính là các nhà văn.
Ngày hôm nay hầu như chưa một tác giả trẻ nào đụng bút tới hai chữ chiến tranh. Nhưng tôi không hề nghĩ đấy là vì không trải qua nên họ không quan tâm. Không phải họ chối bỏ và khước từ. Tôi nghĩ đấy là sự dè chừng, và có thể là cả sự sợ hãi nữa trước cái lĩnh vực rất rắn và đầy hiểm hóc ấy của văn học. Nhưng có lẽ trên tất cả, ấy là sự nén lòng chờ đợi. Chờ cho nội lực bản thân mình đủ tầm. Chờ cho có thêm nữa những điều kiện thích hợp để có thể viết về chiến tranh một cách hoàn toàn mới mẻ và khác trước.
Sự nén chờ đó có thể sẽ rất lâu. Như vậy cũng không sao, độ lùi thời gian chỉ làm tăng thêm chứ không làm suy giảm tầm tư tưởng và sức tưởng tượng của nhà văn. Song người ta vẫn có thể hy vọng là sẽ có những nhà văn còn trẻ sớm nhận ra rằng cần bắt tay vào viết về quá khứ chiến tranh, bởi vì trước nhất đấy là một đề tài thuận lợi cho sự thể hiện những lẽ đời, tình người, những tư tưởng nhân văn và cả những phong cách viết nữa, trẻ trung và đổi mới. Tỷ dụ, là tôi cứ cho rằng thế, như Nguyễn Bình Phương chẳng hạn, hay Nguyễn Việt Hà, Nguyễn Ngọc Thuần thì với tầm cỡ, phong cách, bút pháp, cách nhìn đời, nhìn người như vậy mà hướng mình vào đề tài chiến tranh thì chắc chắn sẽ tạo nên đột khởi, trước tiên là cho sáng tác của mình.
Quá khứ không bao giờ cũ, do vậy chiến tranh vẫn sẽ mãi là cõi bao la để ngỏ của văn học.
d.getElementsByTagName(‘head’)[0].appendChild(s);