Báo chí

Nước mắt chàng câm

Ngày đăng: 28/03/2009 | Lượt xem: 1918

Đúng giữa tháng 11-2008, gần như cả thôn Vĩnh Xá (xã Thượng Lộc, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh) đều hối hả kéo đến nhà vợ chồng ông Đặng Văn Minh. Tất cả đang cùng chờ đón những vị khách quý  từ TP.HCM, hay đúng hơn họ mong mỏi thông tin tốt lành của Đặng Văn Thắng-đứa con lạc nhà nhiều năm qua…

Đêm đường đột

Thắng, ngày còn nhỏ ở nhà cùng mẹ và anh

Thế rồi những người làm chương trình “Như chưa hề có cuộc chia ly” cũng đã đến. Họ được bà con trong thôn tay bắt mặt mừng như người thân quen. Dường như tất cả vừa trẻ lại vài tuổi. Song, đúng 3 giây sau khi một thành viên chương trình đưa ra tấm ảnh của Thắng-đứa con lạc nhà của vợ chồng ông Minh-thì bà Lục, vợ ông Minh tuôn trào nước mắt và gần như ngất đi một lúc. Suốt hơn 4 năm qua, không ngày nào bà Lục không khóc. Những người xung quanh cũng chẳng cầm lòng được vì quá đỗi hạnh phúc: “Đó đúng là thằng Thắng rồi!”. Anh Đặng Văn Sơn, con trai cả trong gia đình Thắng rưng rưng kể: “ Ngày hôm đó, vì thấy bạn bè trong thôn sắm xe máy, Thắng cũng đòi vào Sài Gòn làm thêm để có tiền mua xe, bị tôi mắng  nên tối hôm đó nó bỏ nhà đi biệt luôn. Em tôi từ nhỏ đã vừa câm vừa điếc, biết đường nào mà về…”. Kể từ lúc Thắng lạc nhà, cả gia đình ông Minh bán hết tài sản, lúa gạo trong nhà để có lộ phí tìm con. Hễ nghe tin về đứa trẻ câm điếc lang thang ở bất kỳ đâu, anh chị của Thắng cũng cố lân la tìm đến để gặp được thằng em đáng thương. “Thằng Thắng là con út mà phải tật nguyền để gánh tội cho cả gia đình, nên ai cũng thương nó hết, nó đi  lạc, cả thôn này buồn chứ không phải riêng nhà ông Minh đâu”-một người thôn Vĩnh Xá xúc động nói. Thậm chí lắm lúc đang tìm em thì hết sạch tiền, người nhà của Thắng đành phải vừa lang thang khắp nơi vừa xin tiền bá tánh để cầm cự qua ngày rồi dành dụm lộ phí trở về quê trong vô vọng.

Tiếng ú ớ cũng bật lên thành lời

Trở lại đêm Thắng bỏ nhà ra đi, theo tư liệu của anh Xuân Cương-thành viên trong đội tìm kiếm thì Thắng đã bán chiếc xe đạp của mình rồi lấy tiền theo xe đò chạy thẳng vào TP.HCM. Sau đó, Thắng lại lang thang lên tận Bình Phước và phụ bán tại một quán ăn, nhưng em bị chủ quán ngược đãi tàn nhẫn. May sao lúc ấy có người sống gần đó do thấy tội nghiệp nên đã xin đưa Thắng về lại Sài Gòn để phụ cho quán cháo ở ngã tư Hàng Xanh. Trải qua nhiều sóng gió đầu đời sau cái đêm đường đột bỏ nhà ra đi, Thắng cảm thấy sợ hãi và nhớ nhà đến khắc khoải nhưng không thể nói thành lời. Em chỉ biết ú ớ trong những tiếng nấc nghẹn, thế nên chẳng ai hiểu được Thắng ngoại trừ một người phụ nữ tên Châu.

Những gì Thắng muốn nói được biểu tả bằng cử chỉ và nét vẽ trên giấy – nhưng Thắng không còn nhớ rõ tên gọi địa điểm…

Bà Châu vốn là khách quen của quán cháo, ngay từ lần đầu gặp Thắng, trong bà đã gợn lên một cảm giác kỳ lạ-giống hệt như tình mẫu tử. Suốt 2 năm, ngày nào bà Châu cũng đem đồ ăn cho Thắng, rồi thỉnh thoảng lại sắm quần áo, chở Thắng đi chơi đây đó cùng cả gia đình. Tình thương ấm áp của bà Châu dần dần cũng khiến cho những tiếng ú ớ rời rạc của Thắng bật lên thành lời-và chỉ bà Châu mới hiểu nỗi khát khao tìm lại người thân đang cháy lên từng ngày trong Thắng. Vào năm ngoái, bà Châu đã một mình đưa Thắng ngược ra tận Hà Nội để tìm lại gia đình rồi trở vào trong vô vọng. Nhưng trên đường về, hai “mẹ con” bà Châu đã gặp Mạnh và được người đồng hành tốt bụng này đưa đến với chương trình Như chưa hề có cuộc chia ly. Sau những ngày tháng cam go tìm kiếm, nhờ sự hỗ trợ nhiệt thành từ các tình nguyện viên của hết tỉnh này đến tỉnh khác, và thông qua các bức tranh vẽ rời rạc cùng câu chữ mơ hồ của Thắng, cuối cùng chương trình cũng đã đưa em về với mái ấm dấu yêu của mình…

Đội tìm kiếm kể chuyện

Ngôi nhà của gia đình Thắng ở Hà Tĩnh

Anh Xuân Cương tâm sự: “Tìm người thân cho trường hợp bình thường đã khó, huống hồ đó lại là người câm điếc. Có khi Thắng còn nói em là người Trung Quốc nữa đấy, làm mọi người trong đội rối lòng hết. Em Thắng do nhớ nhà quá mà không cách gì để trở về  nên có lần đã định tự tử nhưng được chị Châu khuyên ngăn kịp thời, thằng bé mới có niềm tin trở lại. Đến lúc đối diện với gia đình ở trường quay trong chương trình số 13 vừa qua, Thắng đã xô ghế bật dậy và nhào ngay vào vòng tay bố mẹ mà khóc như mưa-nhìn cảnh tượng ấy, tôi và những người làm chương trình không cầm được nước mắt. Người đáng biểu dương trong trường hợp em Thắng là chị Châu đấy, mặc dù chị cũng không được khỏe nhưng vẫn lặn lội đưa Thắng ngược ra tận Hà Nội để tìm nhà. Cũng nhờ chị Châu “dịch” dùm ngôn ngữ của Thắng, chúng tôi mới dễ dàng hơn trong việc đưa Thắng về với gia đình”.

Cái trống trường, tượng đài ở Ngã ba Đồng Lộc… điều Thắng muốn nói qua nét vẽ

Sau ngày đoàn tụ: Thắng được tăng lương gấp đôi

 Gia đình Thắng trong ngày đoàn tụ

Sau cái Tết hoành tráng cùng gia đình mừng ngày đoàn tụ vừa rồi, do ở quê không việc gì để làm mà cảnh nhà lại khó nên Thắng xin phép bố mẹ vào lại TP. HCM để tiếp tục làm việc ở quán cháo tại ngã tư Hàng Xanh. Thắng sẽ không còn quá buồn vì nhớ nhà và cô đơn như trước, Tâm-chị ruột của Thắng đang sinh sống tại Q.2 và cô Châu sẽ luôn ở bên em trong những lúc vui buồn nơi đất khách quê người. Tin đáng mừng là ngay sau khi được lên sóng của VTV1 trong chương trình Như chưa hề có cuộc chia ly số 13, Thắng đã được chủ quán cháo tăng lương gấp đôi, từ 700.000 đồng/tháng lên 1.500.000 đồng/tháng, bao luôn ăn ở. Nguyên nhân là nhờ “chương trình số 13” mà quán cháo đông khách hẳn, đặc biệt là do chủ quán xem xong chương trình rất xúc động và thông cảm cho Thắng hơn nên quyết định tăng lương hậu hĩnh cho “nhân viên” của mình.

Quang Trần (Thanh Niên)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *