Báo chí
Ni sư để tóc trái đào cho em nhỏ bị bắt cóc năm xưa, ám hiệu cho bố mẹ
Ngày đăng: 20/07/2020 | Lượt xem: 2696
Ni sư Hạnh Liên đã nhanh trí cắt tóc trái đào cho Mỹ Phương để ám hiệu với gia đình rằng: “Con đã có nhà chùa che chở, cha mẹ hãy yên tâm kháng chiến”.
Suốt hàng chục năm, hình ảnh những dải núi, rừng cây vẫn luôn chập chờn trong giấc mơ của chị Võ Thị Ngọc Duệ (quê Gia Lai).
Thời điểm đó, người phụ nữ bị lạc mất gia đình không hiểu tại sao mình lại thường mơ như vậy.
“37 năm sau, khi được đoàn tụ với cha mẹ, quê hương, tôi mới lý giải được giấc mơ của mình…”, chị nói.
Con gái của người y tá
Năm 1966, ông Võ Duy Tài – một y sĩ, đem lòng thương yêu và kết hôn với bà Lê Thị Mỹ Ngọc (SN 1946), y tá tại Bệnh xá khu 6 (bây giờ là huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai).
Năm 1968, ông Tài ra miền Bắc công tác khi vợ đang mang thai ở tháng thứ 8. Con gái đầu lòng của họ ra đời, được đặt tên là Võ Thị Mỹ Phương (tên thật của chị Ngọc Duệ) với ý nghĩa một phương trời đẹp.
Chưa một lần được nhìn mặt con gái, ông Tài đã phải nhận tin dữ qua lá thư vợ gửi.
Mỹ Phương bị mất tích vào mùa xuân năm 1971, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ vẫn diễn ra căng thẳng, ác liệt tại Pleiku, Gia Lai.
Ảnh con gái do bà Ngọc cắt từ tờ truyền đơn và giữ suốt hàng chục năm sau. |
Năm đó, vào tết Tân Hợi, bà Ngọc đi cõng gạo phục vụ kháng chiến, để con lại khu bệnh xá. Bà vừa đi, trực thăng quân sự từ Sài Gòn đã tập kích vào khu bệnh xá, bắt cóc một số người, trong đó có Mỹ Phương.
Giặc Mỹ phá tan tành bệnh xá. Từ trên trực thăng, lính Mỹ cho bé Phương khóc qua loa để kêu gọi ba mẹ và những người kháng chiến ra chiêu hàng.
Giặc Mỹ còn chụp ảnh Phương, in thành truyền đơn rải xuống. Con bị bắt cóc, bà Ngọc đau như chết đi sống lại. Người đàn bà ấy chỉ biết giấu một tấm truyền đơn để cắt lấy bức ảnh con gái.
“Qua ảnh, tôi thấy con gái khóc sưng cả mắt. Trong truyền đơn còn ghi: “Cháu Phương khóc nhiều vì nhớ mẹ”, trái tim tôi như vỡ ra”, bà khóc.
Họ hi vọng ngày chiến thắng để tìm lại con. Đi không biết bao nơi, hỏi không biết bao người nhưng tin về người con gái đầu lòng của bà vẫn là một ẩn số.
Chị Ngọc Duệ (bé Mỹ Phương ngày trước, ở ngoài cùng bên phải) cùng các ni sư đã cưu mang chị |
Chiến tranh kết thúc, nhiều người rời đi, ông bà vẫn cố ở lại, không dám di chuyển đi đâu bởi sợ họ đi, con lại được đưa về.
“37 năm, không có giấc ngủ nào trọn vẹn. Không giấc mơ nào tôi không mơ về con”, bà nói.
Nhiều năm sau, chị Ngọc Thịnh (SN 1981, con gái thứ 2 của bà Ngọc) đã gửi thông tin và bức ảnh của chị gái đến chương trình “Như chưa hề có cuộc chia ly” để gieo hi vọng về ngày đoàn tụ.
Ngày về với vòng tay mẹ
Sau khi bị lính Mỹ bắt cóc làm công cụ uy hiếp, cô bé Mỹ Phương được đưa vào cô nhi viện Nhất Chi Mai nằm trong một tịnh xá ở Gia Lai. Mỹ Phương là một trong 40 đứa trẻ không thân thích, các em là con lai bị bỏ rơi, con của người làm cách mạng…
Sau khi gửi bé vào cô nhi viện, một người lính Mỹ xuất hiện và thông báo với các sư, ngày mai sẽ chụp hình Phương để làm truyền đơn, chiêu hàng bố mẹ.
Ni sư Hạnh Liên ở cô nhi viện đã nhanh trí cắt tóc trái đào cho Mỹ Phương để ám hiệu với gia đình rằng: “Con đã có nhà chùa che chở, cha mẹ hãy yên tâm kháng chiến”.
Ngày chụp ảnh, vị ni sư này cũng đòi bế Mỹ Phương để có hình người tu vào ảnh. Tuy nhiên, lính Mỹ chỉ chụp mỗi gương mặt bé. Dù vậy, các ni sư vẫn mong cha mẹ Mỹ Phương nhìn tóc con để nhận ra ám hiệu.
Mỹ Phương được các ni sư đặt tên là Ngọc Duệ, theo tên một vị công chúa thời Trần.
Bà Mỹ Ngọc – nữ y tá từng làm việc tại Bệnh xá khu 6 nói: “Tìm được con gái rồi, có nhắm mắt tôi cũng toại nguyện” |
Năm 1972, chiến tranh ác liệt, ni sư đã thuê một chuyến bay chở 40 đứa trẻ trong đó có Ngọc Duệ về Sài Gòn, ngụ tại tịnh xá Ngọc Phương (Quận 6).
Tại đây, chị Duệ được các ni sư tạo điều kiện học hết cấp 3. Dù được chăm sóc, che chở nhưng chị Duệ vẫn đau đáu mong ước tìm được cha mẹ, nguồn cội.
Năm 1989, sư phụ cho chị đi nước ngoài để học nhưng Duệ từ chối, chị muốn ở lại để tìm thân nhân. Vào chốn tu hành nhưng chị vẫn không xuống tóc vì “nợ trần thế còn nhiều”.
Chị nhớ lại: “Các sư nói với tôi, cha mẹ con là những người có học thức, mẹ con là bác sĩ hoặc y tá. Con cố gắng học để nối gót theo gia đình”.
Một sự kiện thay đổi đời chị là vào năm 1996, vợ chồng ông Nguyễn Hoàng Quý (ở quận 6, TP.HCM) đi lễ chùa. Thấy chị Duệ là người ở cửa Phật mà không xuống tóc, họ rất tò mò.
Sau khi biết hoàn cảnh của chị Duệ, gia đình ông Quý đã đưa chị về cho ở nhờ. Chị cũng được học thêm kế toán, tiếng Anh và làm quản lý tại 2 cửa hàng thời trang.
Năm 2008, khi gia đình ông Quý xem chương trình “Như chưa hề có cuộc chia ly” thì chị Duệ vô tình bước vào phòng khách.
“Bình thường cha mẹ nuôi hay xem chương trình này nhưng tôi chưa xem bao giờ.
Hôm đó – 8h26′ một tối thứ Bảy, vô tình tôi bước vào phòng khách và đúng lúc đại diện chương trình chia sẻ về một người mẹ đi tìm con bị mất tích năm 1971 với những đặc điểm như trường hợp của tôi.
Bà còn nói, con gái bà có vết sẹo ở chân trái và tôi cũng vậy. Tim tôi như ngừng đập”, chị Duệ kể.
Chị run run bấm số điện thoại liên hệ với chương trình. Họ được đoàn tụ vào tháng 8/2008, sau 37 năm, 6 tháng và 2 ngày xa cách.
“Không ai nói được gì ngoài nước mắt. Ba mẹ đã già. Lúc đó tôi đứng không vững, lần đầu tiên tôi được dựa vào mẹ mà khóc”, chị nói.
Ông Tài cũng chắp tay, nói trong nước mắt: “Cảm ơn những người đã nuôi con tôi trưởng thành. Chiến tranh chia ly nhiều quá…”.
Trở về quê hương, chị Ngọc Duệ có cuộc sống yên bình bên cạnh chồng và con trai |
Năm 2008, chị Duệ trở về quê hương để được gần cha mẹ. Sau khi học dược sĩ, đầu năm 2011, chị đi làm trong một bệnh viện ở Gia Lai.
Chị cũng kết hôn với một thầy giáo dạy toán và họ đã có con trai 5 tuổi.
Sống cách ba mẹ 1km nên chị thường xuyên qua để thăm nom. Hầu như năm nào, chị cũng trở về Sài Gòn để thăm nhà chùa và ba mẹ nuôi – những người đã dang rộng vòng tay khi chị cô đơn nhất.
Về bên mẹ, về với quê nhà, chị Duệ cũng mất hẳn những giấc mơ về cảnh rừng núi – nơi ngày bé chị sinh sống.
Dẫu vậy sự chia xa vẫn ám ảnh người phụ nữ nay đã tuổi 50. “Con trai tôi từ bé đã đọc thuộc địa chỉ nhà, tên tuổi ba mẹ. Có lần, cô ruột chở về nhà, bé còn dặn, cô phải chở con về nhà ở số này, đường này này…”, chị cười kể lại.
Nguồn:BÁO VIETNAMNET
(https://vietnamnet.vn/vn/doi-song/gia-dinh/ni-su-de-toc-trai-dao-cho-em-nho-bi-bat-coc-am-hieu-cha-me-yen-tam-658570.html)